1. ĐẠI CƯƠNG
Là phẫu thuật điều trị tổn khuyết da trên 10 cm2 bằng mảnh ghép da dày toàn bộ
2. CHỈ ĐỊNH
Các trường hợp khuyết phần mềm không có khả năng đóng kín trực tiếp mà phải che phủ bằng các phương pháp khác. Trong đó ghép da dày toàn bộ là phương pháp đơn giản và khả thi, đặc biệt là trong điều kiện tuyến y tế cơ sở.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Bệnh lý phối hợp toàn thân nặng không cho phép phẫu thuật: suy kiệt, bệnh tim mạch, rối loạn đông máu
- Nền tổn khuyết còn bẩn, nhiễm trùng, tổ chức hạt mọc kém, lộ gân, xương, khớp...
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
- Bác sỹ chuyên khoa Phẫu thuật Tạo hình: 03
- Bác sỹ gây mê: 01
- Điều dưỡng phụ mê: 01
- Điều dưỡng dụng cụ: 01
- Điều dưỡng chạy ngoài: 01
- Bác sỹ hồi tỉnh: 01
- Điều dưỡng hồi tỉnh: 01
- Nhân viên vệ sinh: 01
4.2. Người bệnh
- Làm bệnh án đầy đủ theo quy định
- Làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản, xét nghiệm chuyên sâu, Xquang phổi, siêu âm bụng, Xquang mặt, Xquang vùng tổn thương...
- Khám và hội chẩn liên chuyên khoa để phối hợp điều trị trước, trong và sau mổ nếu cần: Tăng đường huyết, rối loạn đông máu, cao huyết áp...
- Chuẩn bị trước mổ theo quy trình Ngoại khoa chung: Kháng sinh, nhịn ăn vệ sinh thân thể, cạo lông...
- Phẫu thuật viên gặp gỡ người bệnh và gia đình để giải thích trước mổ về tình trạng bệnh tật, kế hoạch điều trị, khả năng phẫu thuật, tỷ lệ thành công, những khó khăn, thuận lợi, tai biến, di chứng có thể gặp trong quá trình điều trị; đồng thời lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của người bệnh và gia đình về những vấn đề liên quan đến chuyên môn (trong phạm vi cho phép)
- Sau khi nghe bác sỹ giải thích và giải đáp các thắc mắc, người bệnh và gia đình phải ký cam đoan mổ vào hồ sơ, đã hiểu và chấp nhận những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trước, trong và sau mổ.
4.3. Phương tiện
- Bộ dụng cụ phẫu thuật tạo hình
- Dao lấy da
- Gạc mỡ, băng chun, chỉ to
4.4. Thời gian phẫu thuật
1- 1,5 giờ
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Tư thế
Tuỳ theo tổn thương
5.2. Vô cảm
- Gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng (gây tê đám rối TK cánh tay hoặc gây tê tủy sống)
- Gây mê trong trường hợp trẻ em
5.3. Kỹ thuật
- Sát trùng trải toan vùng tổn khuyết và vùng dự kiến lấy da ghép
- Làm sạch nền tổn khuyết (làm sạch giả mạc, cắt lọc tổ chức hoại tử, tổ chức hạt già)
- Cầm máu nền nhận
- Đo kích thước tổn khuyết phần mềm để xác định kích thước mảnh da ghép (trên 10 cm2)
- Rạch da tại vùng lấy da theo kích thước đã xác định
- Lấy toàn bộ chiều dày của da đến hết lớp trung bì, cắt lọc tổ chức mỡ dưới da (hạ bì)
- Có thể đục lỗ mắt lưới trong trường hợp cần tăng diện tích da ghép và để thoát dịch
- Đặt mảnh da ghép vào nền nhận
- Khâu da ghép bằng Nylon, cố định da ghép bằng gối gạc, hoặc băng chun (lưu ý không băng quá chặt vùng chi thể để tránh nguy cơ chèn ép mạch gây thiếu máu ngoại vi)
- Bóc tách 2 mép da nơi lấy da ghép
- Cầm máu kỹ
- Khâu đóng trực tiếp nơi lấy da.
- Băng vô trùng
6. THEO DÕI CÁC TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG VÀ NGUYÊN TẮC XỬ TRÍ
6.1. Chăm sóc
Nơi lấy da thay băng cách ngày, cắt gối gạc sau 7 ngày
6.2. Theo dõi các biến chứng
- Các dấu hiệu sinh tồn: Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở
- Chảy máu: băng ép
- Nhiễm trùng: thay băng, dùng kháng sinh
- Hoại tử da ghép: thay băng
- Các tai biến liên quan đến bệnh phối hợp: tăng đường huyết, tăng huyết áp...
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến