1. ĐẠI CƯƠNG
Khớp cổ bàn chân là một khớp lớn, chịu lực tỳ đè nhiều, khi bị tổn thương lao khớp cổ bàn chân, khớp thường nhanh chóng bị hẹp và dính, người bệnh đau và hạn chế vận động khớp, ngoài ra tổn thương lao khớp cũng hay sinh mủ, mủ hình thành trong khớp, thường phá rò dai dẳng, sẹo thường nhăn nhúm và xấu. Trong điều trị lao xương khớp cổ bàn chân, đặc biệt là ở bệnh nhân đến muộn, việc loại bỏ được ổ lao, để khớp dính ở tư thế hàn khớp tự nhiên (hàn 3 khớp: chày - sên, sên - gót, sên - thuyền) cũng đã là tốt, không cầu toàn.
2. CHỈ ĐỊNH
Tổn thương lao khớp cổ bàn chân có áp xe, xương chết, cần được nạo viêm, dẫn lưu, phối hợp với điều trị nội khoa, sớm loại bỏ ổ lao, giải quyết triệu chứng đau cho người bệnh.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh có các rối loạn về hô hấp, tim mạch cấp, rối loạn chức năng đông/chảy máu.
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên nắm vững kỹ thuật mổ xương khớp, chỉnh hình, xử lý tai biến trong và sau phẫu thuật.
- Gây mê viên: gây mê có kinh nghiệm, theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ người bệnh trong và sau phẫu thuật.
4.2. Dụng cụ
Bộ dụng cụ phẫu thuật trung phẫu.
4.3. Người bệnh
Được giải thích kỹ về cuộc phẫu thuật và tình hình bệnh tật, khả năng hồi phục tổn thương.
4.4. Hồ sơ bệnh án
- Đầy đủ theo qui định: thủ tục hành chính, cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức.
- Ghi nhận xét trước phẫu thuật, tình trạng người bệnh, mức độ tổn thương.
- Các xét nghiệm (về máu, nước tiểu, điện tim, ...) trong giới hạn cho phép phẫu thuật.
- Xquang khớp cổ bàn chân hai bên thẳng thường quy và chụp cắt lớp vi tính.
- Xquang phổi thường quy xem có lao phổi phối hợp hay không.
- Điều trị bằng thuốc chống lao trước phẫu thuật ít nhất 2 tuần.
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Tư thế
Người bệnh nằm ngửa.
5.2. Vô cảm
Gây tê tủy sống.
5.3. Kỹ thuật
Có nhiều đường để mổ vào khớp cổ chân, thường dùng đường mổ vào phía trước ngoài:
- Bệnh nhân nằm ngửa. Đặt ga - rô, phủ vải riêng cho chân mổ, kê gối dưới cẳng chân cho xoay trong nhẹ. Sờ gân cơ duỗi dài các ngón trước cổ chân và rạch da 10cm ở bên ngoài gân cơ này. Nếu cần, kéo dài đường rạch xuống phía ngón bốn. Tránh làm thương tổn nhánh thần kinh mác nông. Kéo gân cơ duỗi dài các ngón và cơ mác vào trong. Kéo bó mạch thần kinh vào trong. Rạch dọc bao khớp cổ chân, bộc lộ khớp chầy - sên. Nếu muốn đến khớp sên - gót thì kéo dài đường rạch da xuống dưới, sau đó mổ ngang chữ T vào khớp Chopart. Từ đó vào được khớp sên - gót.
- Trên đây mô tả đường vào cơ bản để bộc lộ khớp cổ chân; khi bộc lộ được rồi thì việc nạo viêm xương khớp được làm như thông lệ; thực tế các ổ viêm xương do lao thường kèm theo các ổ áp xe tự bóc tách các phần mềm đến tận dưới da, tạo thành các khối sưng mềm, có thể nóng đỏ hoặc không, hoặc rò mủ ra ngoài, phẫu thuật trở nên đơn giản hơn; chỉ cần rạch da trực tiếp vào vùng tổn thương, thường là những điểm sưng phồng rõ hoặc qua miệng vết rò:
- Lần lượt tách cân cơ, tách và bộc lộ bao khớp cổ bàn chân.
- Mở bao khớp, nạo tổ chức viêm, tìm ổ áp xe nạo sạch.
- Có thể có nhiều ổ áp xe, cần tìm kỹ, nạo sạch bằng thìa nạo.
- Nếu có xương chết cần phải lấy hết.
- Lấy tổ chức tổn thương vùng mổ làm xét nghiệm mô bệnh, lấy mủ nuôi cấy tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.
- Kiểm tra mức độ hẹp và dính khớp, nếu dính khớp tư thế xấu có thể cắt bớt mô xơ quanh khớp.
- Lau sạch vùng mổ bằng ô xy già và betadine.
- Kiểm tra an toàn vùng phẫu thuật.
- Đặt bấc gạc, băng ép.
- Tháo ga rô.
- Đặt khớp cổ chân tư thế chức năng, làm nẹp bột.
6. THEO DÕI VÀ XỬ LÝ TAI BIẾN
6.1. Theo dõi
Mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.
6.2. Xử lý
- Thuốc giảm đau.
- Kháng sinh chống bội nhiễm 3-5 ngày.
- Xoa bóp vận động thụ động.
- Thường không phải xử lý gì đặc biệt.
- Lưu ý: dùng thuốc chống lao đầy đủ theo phác đồ quy định ngay sau khi phẫu thuật.
- Đăng nhập để gửi ý kiến