Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Định lượng RBP (RETINOL-BINDING PROTEIN) máu

BẢNG VIẾT TẮT:
RETINOL-BINDING PROTEIN (RbP): protein vận chuyển retinol
TỔNG QUAN:
RbP được tổng hợp tại gan và là một protein vận chuyển cho retinol (vitamin A). Nồng độ RbP trong huyết thanh và huyết tương phản ánh khả năng tổng hợp của gan và giảm mạnh trong trường hợp dinh dưỡng kém và các điều kiện khác. Do chu kỳ bán rã ngắn (12 giờ), RbP có thể thích hợp cho theo dõi tình trạng dinh dưỡng và hiệu quả của dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa.

1. NGUYÊN LÝ

Protein trong các dịch cơ thể phản ứng hóa miễn dịch với kháng thể đặc hiệu tạo thành phức thể miễn nhiễm. Các phức này phân tán chùm ánh sáng chiếu xuyên qua mẫu. Cường độ ánh sáng phân tán tỉ lệ thuận với nồng độ của protein tương ứng trong mẫu. Kết quả được đánh giá bằng cách so sánh với chuẩn đã biết nồng độ.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Người thực hiện

01 cán bộ đại học có thẩm quyền ký kết quả. 01 kỹ thuật viên chuyên ngành Hóa sinh hoặc người thực hiện phân tích có trình độ phù hợp, đã được đào tạo sử dụng máy hóa sinh tự động.

2.2. Phương tiện hóa chất

2.2.1. Phương tiện

- Máy có thể phân tích: BN ProSpec
- Máy ly tâm
- Tủ lạnh để bảo quản hóa chất, chất hiệu chuẩn, QC và mẫu bệnh phẩm
- Ống nghiệm, giá đựng ống nghiệm

2.2.2. Hóa chất

- Hóa chất dùng để phân tích
Là huyết thanh động vật được sản xuất bởi sự tạo miễn dịch thỏ với RbP người độ tinh khiết cao. Nồng độ kháng thể hoạt động < 0.5 g/L
Chất bảo quản: sodium azide < 1 g/L
Đóng gói: Hóa chất sẵn sàng cho sử dụng, 1 x 2 mL 
Bảo quản và độ ổn định
Ổn định ở 2 đến 8 °C: đến ngày hết hạn trên nhãn hộp thuốc
Độ ổn định sau khi mở hộp thuốc: 4 tuần nếu được lưu trữ tại 2-8°C, được đậy nắp kín ngay sau mỗi lần sử dụng và không bị nhiễm (e.g., vi sinh vật).
Trong thời gian bảo quản, thuốc thử có thể bị tủa hoặc đục nhưng không phải do bị nhiễm vi sinh vật và vì thế sẽ không ảnh hưởng đến độ hoạt động của thuốc. Trong trường hợp đó, thuốc thử cần được lọc trước khi sử dụng. Màng lọc thích hợp có kích thước lỗ 0.45 μm.
Không được để đông.
Độ ổn định trên máy: Ít nhất là 3 ngày với mỗi 8 tiếng/ ngày, hoặc khoảng thời gian tương ứng.
Ghi chú: Độ ổn định trên máy có thể thay đổi, tùy thuộc vào máy BN sử dụng và điều kiện phòng xét nghiệm. Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm hướng dẫn sử dụng của máy BN ProSpec®
- Chất chuẩn:
N Protein Standard SL (người)
N/T Protein Controls SL/L, M và H (người)
N Reaction Buffer
N Diluent
N Supplementary Reagent/Precipitation

2.3. Người bệnh

Cần giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh hiểu về mục đích của việc lấy máu làm xét nghiệm

2.4. Phiếu xét nghiệm

- Phiếu xét nghiệm theo đúng quy định của Bộ Y tế và bệnh viện
- Trên phiếu xét nghiệm cần ghi đầy đủ thông tin của người bệnh: họ và tên, tuổi, giới tính, số giường, khoa phòng, chẩn đoán, xét nghiệm cần làm.
- Trên phiếu xét nghiệm cần có: chữ ký và họ tên bác sĩ chỉ định xét nghiệm, họ tên người lấy mẫu, thời gian chỉ định xét nghiệm và thời gian lấy mẫu bệnh phẩm.

3. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

3.1. Lấy bệnh phẩm

Mẫu thích hợp là mẫu huyết thanh và huyết tương heparin, mẫu càng mới càng tốt (lưu tại nhiệt độ 2 đến 8 °C không quá 7 ngày) hoặc mẫu được trữ đông. Mẫu có thể được lưu dưới −20 °C đến 3 tháng, nếu mẫu được trữ đông trong vòng 24 giờ sau khi lấy mẫu và cần tránh chu trình kết đông-xả đông. Mẫu huyết thanh phải được đông lại hoàn toàn và, sau khi ly tâm, không được chứa hạt nào hoặc dấu vết của fibrin. Mẫu máu nhiễm mỡ bị đục sau khi rã đông cần phải được làm trong bằng cách ly tâm (10 phút tại tốc độ 15,000 x g) trước khi thực hiện xét nghiệm.

3.2. Tiến hành kỹ thuật

3.2.1. Cách vận hành

- Máy phân tích cần chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phân tích mẫu: Máy đã được cài đặt chương trình xét nghiệm RbP. Máy đã được chuẩn với xét nghiệm RbP. Kết quả kiểm tra chất lượng với xét nghiệm RbP đạt yêu cầu: không nằm ngoài dải cho phép và không vi phạm luật kiểm tra chất lượng.
- Người thực hiện phân tích mẫu nhập dữ liệu về thông tin người bệnh và chỉ định xét nghiệm vào máy phân tích hoặc hệ thống mạng (nếu có).
- Nạp mẫu bệnh phẩm vào máy phân tích.
- Ra lệnh cho máy thực hiện phân tích mẫu bệnh phẩm.
- Đợi máy phân tích mẫu theo protocol của máy.
- Khi có kết quả cần xem xét đánh giá kết quả sau đó in báo cáo hoặc ghi kết quả vào phiếu xét nghiệm để trả cho người bệnh.

3.2.2. Thành lập đường cong hiệu chuẩn

Đường cong hiệu chuẩn được thành lập bởi hiệu chuẩn nhiều điểm. Một chuỗi các pha loãng của N Protein Standard SL được thực hiện tự động bởi máy sử dụng N Diluent. Các chất hiệu chuẩn pha loãng này được sử dụng trong vòng 4 giờ. Đường chuẩn này có hiệu lực khi chất kiểm chuẩn, như N/T Protein Controls SL/L, M và H, được lặp lại trong khoảng tin cậy tương ứng. Cần thiết lập đường chuẩn mới khi một lô thuốc thử mới được sử dụng.

3.2.3. Mẫu xét nghiệm

Mẫu được pha loãng tự động 1:5 với N Diluent. Mẫu pha loãng cần được đo trong vòng 4 giờ. Nếu kết quả thu được nằm ngoài khoảng đo, cần chạy lại mẫu với độ pha loãng cao hơn.

3.2.4. Nội kiểm

Chạy N/T Protein Controls SL/L, M và H sau khi thiết lập mỗi đường cong hiệu chuẩn, trước lần sử dụng đầu tiên của một lọ thuốc thử cũng như với mỗi lần chạy các mẫu huyết thanh và huyết tương. Chất kiểm chuẩn cũng được thực hiện và đánh giá kết quả tương tự như mẫu người bệnh.
Cần tuân theo các qui định hiện hành hoặc các yêu cầu về quản lý chất lượng cho tần suất chạy nội kiểm. Cần thực hiện lại nếu một kết quả của kiểm chuẩn nằm ngoài khoảng tin cậy. Nếu kết quả chạy lại xác nhận sự sai lệch, cần thiết lập một đường chuẩn mới. Không báo cáo kết quả khi nguyên nhân của sự sai lệch chưa được xác định và hiệu chỉnh.

4. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ

Đánh giá được thực hiện tự động theo g / L hoặc trong một đơn vị được người sử dụng lựa chọn trên hệ thống BN.
Khoảng tham chiếu:
Khoảng tham chiếu áp dụng cho mẫu huyết thanh và huyết tương người khỏe mạnh:
RbP: 0.03 - 0.06 g/L

5. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ XỬ TRÍ

- Kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng khi nồng độ triglycerid ≤ 4.6 g/L, biliruibn ≤ 0.6 g/L và hemoglobin tự do ≤ 10 g/L.
- Xét nghiệm không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc thông thường.
- Mẫu bệnh phẩm đục có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, do vậy mẫu cần được ly tâm làm trong trước khi thực hiện xét nghiệm bằng cách ly tâm (10 phút tại 15,000 x g).
Nhận định kết quả xét nghiệm luôn cần được giải thích kết hợp cùng với tiền sử bệnh lý và biểu hiện lâm sàng trên người bệnh