1. NGUYÊN LÝ
Inhibin là hormon được tế bào Sertoli (nam), tế bào trứng (nữ) tiết ra.
Inhinbin có bản chất là glycoprotein, tan được trong nước. Cấu tạo gồm 2 phân tử anpha và beta gắn với nhau. Inhibin chia làm 2 loại A và B. Tế bào sertoli của nam chỉ tiết loại B, tế bào trứng của nữ tiết cả 2 loại, trong giai đoạn mang thai chỉ tiết loại A. Tác dụng: làm giảm FSH, ức chế sản sinh tinh trùng ở nam, ức chế quá trình chín của trứng ở nữ. Đặc biệt trong giai đoạn mang thai, inhibin A tăng cao là biểu hiện của tế bào thai nhi bị hội chứng Down.
Nồng độ inhibin A trong máu được làm cùng AFP, hCG, uE3 trong khoảng thời gian từ tuần thứ 15 đến 20 thai kỳ
Nguyên lý miễn dịch sandwich
Kháng nguyên trong bệnh phẩm được ủ với các hạt từ có gắn kháng thể đơn dòng kháng Inhibin A. Thuốc thử và kháng nguyên thừa được rửa bỏ. Kháng thể đơn dòng kháng Inhibin A kết hợp với phosphatase kiềm nhằm phát hiện Inhibin A gắn với các hạt từ. Các thành phần pha rắn được giữ lại trong từ trường trong khi các thành phần khác sẽ được rửa trôi. Lumi-Phos 530 được thêm vào. Ánh sáng tạo ra bởi phản ứng được đo bởi bộ phân đo quang. Cường độ ánh sáng tạo ra tỷ lệ thuận với nồng độ Inhibin A trong mẫu. Lượng chất cần phân tích trong mẫu được xác định dựa trên đường cong chẩn nhiều điểm đã được lưu trên máy.
2. CHUẨN BỊ
2.1. Người thực hiện
1 người có trình độ đại học có thẩm quyền ký duyệt kết quả; 1 KTV chuyên ngành hóa sinh hoặc người có trình độ phù hợp để thực hiện phân tích đã được đào tạo sử dụng máy phân tích hóa sinh tự động
2.2. Phương tiện và hóa chất
2.2.1. Phương tiện
- Máy xét nghiệm miễn dịch tự động như: Access, Access 2, SYNCHRON Lxi, UniCel DxC 600i của hãng Beckman Coulter, ….
- Máy ly tâm
- Tủ lạnh đựng hóa chất, tủ lạnh bảo quản mẫu QC, mẫu bệnh phẩm
- Pipet các loại, đầu côn xanh, đầu côn vàng
- Giá đựng ống nghiệm, các ống lấy mẫu, sample cup …
2.2.2. Hóa chất
Thường đi theo hệ thống máy của các công ty VD hóa chất Access Inhinbin A của Beckman Coulter
- Các chất chuẩn, QC, dung dịch pha loãng, dung dịch hệ thống của Beckman Coulter
2.3. Người bệnh
Cần giải thích cho người bệnh và người nhà hiểu về mục đích của việc lấy máu làm xét nghiệm.
2.4. Phiếu xét nghiệm
- Phiếu xét nghiệm theo đúng quy định của Bộ Y tế và bệnh viện
- Trên phiếu xét nghiệm cần ghi đầy đủ thông tin của người bệnh: họ và tên, tuổi, giới tính, số giường, khoa phòng, chẩn đoán, xét nghiệm cần làm.
- Trên phiếu xét nghiệm cần có: chữ ký và họ tên bác sĩ chỉ định xét nghiệm, họ tên người lấy mẫu, thời gian chỉ định xét nghiệm và thời gian lấy mẫu bệnh phẩm.
3. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
3.1. Lấy bệnh phẩm
Mẫu bệnh phẩm có thể là huyết thanh hoặc huyết tương (chống đông bằng EDTA hoặc Heparin). Lấy 3 ml máu tĩnh mạch. Ly tâm 3000 vòng/ phút trong 5 phút tách lấy huyết thanh hoặc huyết tương ngay khi có thể. Bệnh phẩm bảo quản ở nhiệt độ phòng (luôn đậy nắp) (15-30°C) không quá 8h; 48h ở 2-8 °C; >48h ở -20 °C. Chỉ rã đông 1 lần duy nhất. Tránh xét nghiệm các mẫu nhiễm mỡ và vỡ hồng cầu.
3.2. Tiến hành kỹ thuật
- KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG: việc thực hiện nội kiểm chất lượng được diễn ra trước khi thực hiện phân tích mẫu cho người bệnh và tuân thủ theo quy trình nội kiểm chất lượng của phòng xét nghiệm. Vật liệu làm nội kiểm có 3 mức nồng độ khác nhau. Kết quả nội kiểm chất lượng được xem xét theo các quy định của quy trình nội kiểm chất lượng. Chỉ khi nội kiểm chất lượng đạt mới tiến hành phân tích mẫu bệnh phẩm.
- Thực hiện kỹ thuật trên máy phân tích tự động theo chương trình cài đặt sẵn
- Lấy và in trả kết quả sau khi đã được người có thẩm quyền duyệt kết quả
4. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
4.1. Khoảng tham chiếu
- Mỗi phòng xét nghiệm nên tự thiết lập giá trị tham chiếu riêng cho mình để đảm bảo tính đại diện của mỗi quần thể người bệnh. Kết hợp với AFP, hCG, uE3, tuổi thai phụ để nhận định kết quả
Quần thể Phụ nữ có chu kì kinh bình thường (từ thời điểm LH tăng): | n | Trung vị (pg/mL) | Cận dưới 2,5% (pg/mL) | Cận trên 97,5% (pg/mL) |
Pha sớm của nang noãn (ngày -14 tới -10) | 211 | 6,4 | 1,8 | 17,3 |
Pha giữa của nang noãn (ngày -9 tới -4) | 264 | 11,7 | 3,5 | 31,7 |
Pha muộn của nang noãn (ngày -3 tới -1) | 121 | 29,0 | 9,8 | 90,3 |
Giữa chu kỳ kinh (ngày 0, LH tăng đột biến) | 96 | 41,8 | 16,9 | 91,8 |
Pha sớm của hoàng thể (ngày 1 tới 3) | 122 | 43,7 | 16,1 | 97,5 |
Pha giữa của hoàng thể (ngày 4 tới 11) | 344 | 38,3 | 3,9 | 87,7 |
Pha muộn của hoàng thể (ngày 12 tới 14) | 138 | 12,5 | 2,7 | 47,1 |
Phụ nữ sau mãn kinh | 58 | 1,1 | < 1,0 | 2,1 |
Nam giới | 67 | 1,1 | < 1,0 | 2,0 |
5. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ XỬ TRÍ
- Giới hạn phát hiện xấp xỉ 1-1500 pg/mL. Nếu nồng độ của mẫu > 1500 pg/mL thì pha loãng bệnh phẩm với Access Sample Diluent A.
- Các mẫu lấy trong thời điểm 27-40 tuần tuổi thai thể hiện sự pha loãng không tuyến tính
- Đăng nhập để gửi ý kiến