1. NGUYÊN LÝ
Lithium được sử dụng trong điều trị bệnh tâm thần hưng trầm cảm. Lithium tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh và tạo ra tác dụng an thần trên hệ thống thần kinh trung ương. Mức lithium tăng có thể gây độc. Các triệu chứng ngộ độc bao gồm sự thờ ơ, chậm chạp, buồn ngủ, hôn mê, khó nói, run, suy nhược cơ, và thiếu máu. Liệu pháp lithi dài hạn có thể gây ra cường cận giáp ở một số người bệnh và làm tăng calci máu.
Lithium được định lượng bằng phương pháp so màu.
2. CHUẨN BỊ
2.1. Người thực hiện
- Người thực hiện cần có trình độ phù hợp.
2.2. Phương tiện, hóa chất
Phương tiện
- Máy có thể phân tích: ARCHITECT C, COBAS C, AU…
- Máy ly tâm
- Tủ lạnh để bảo quản hóa chất, chất hiệu chuẩn, QC và mẫu bệnh phẩm
- Ống nghiệm, giá đựng ống nghiệm
- Pipet chuyển mẫu, nước cất hoặc nước khử ion
Hóa chất
Các hóa chất cần thiết gồm:
- Thuốc thử định lượng Lithium: Khi chưa mở nắp, thuốc thử ổn định ở 2- 8 °C cho đến hết hạn sử dụng ghi trên hộp. Cần tránh ánh sáng. Thuốc thử đã mở nắp và để trên máy ổn định trong 18 ngày.
- Chất chuẩn
- Chất kiểm tra chất lượng.
2.3. Người bệnh
Người bệnh và người nhà người bệnh cần được chuẩn bị và giải thích về mục đích của việc lấy máu để làm xét nghiệm.
2.4. Phiếu xét nghiệm
- Phiếu xét nghiệm theo đúng quy định của Bộ Y tế và bệnh viện
- Trên phiếu xét nghiệm cần ghi đầy đủ thông tin của người bệnh: họ và tên, tuổi, giới tính, số giường, khoa phòng, chẩn đoán, xét nghiệm cần làm.
- Trên phiếu xét nghiệm cần có: chữ ký và họ tên bác sĩ chỉ định xét nghiệm, họ tên người lấy mẫu, thời gian chỉ định xét nghiệm và thời gian lấy mẫu bệnh phẩm.
3. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
3.1. Lấy bệnh phẩm
Có thể sử dụng huyết thanh hoặc huyết tương để thực hiện xét nghiệm này.
Huyết thanh: Chỉ ly tâm khi đã hình cục máu đông. Không sử dụng ông thủy tinh để lấy máu.
Huyết tương: Thuốc chống đông có thể chấp nhận được là Natri heparin và K2-EDTA. Không sử dụng Lithium heparin. Không sử dụng ống thủy tinh để lấy máu.
Mẫu được bảo quản ở 20 - 25°C tối đa 1 ngày, ở 2 - 8°C tối đa 7 ngày, ở - 20°C tối đa 6 tháng.
Mẫu có nồng độ Lithium >3,51 mmol/L cần hòa loãng thủ công hoặc tự động. Nếu pha loãng thủ công kết quả cần nhân với độ hòa loãng. Pha loãng tự động máy sẽ pha loãng 1:40 và kết quả tự động được nhân với độ hòa loãng.
3.2. Tiến hành kỹ thuật
- Máy phân tích cần chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phân tích mẫu: Máy đã được cài đặt chương trình xét nghiệm Lithium. Máy đã được chuẩn với xét nghiệm Lithium. Kết quả kiểm tra chất lượng với xét nghiệm Lithium đạt yêu cầu: không nằm ngoài dải cho phép và không vi phạm luật kiểm tra chất lượng.
- Người thực hiện phân tích mẫu nhập dữ liệu về thông tin người bệnh và chỉ định xét nghiệm vào máy phân tích hoặc hệ thống mạng (nếu có).
- Thực hiện phân tích mẫu bệnh phẩm theo protocol của máy.
- Khi có kết quả cần xem xét đánh giá kết quả sau đó in báo cáo hoặc ghi kết quả vào phiếu xét nghiệm để trả cho người bệnh.
4. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
Nồng độ Lithium 12 giờ sau liều điều trị: 1,0 đến 1,2 mmol/L
Nếu lớn hơn 1,5 mmol/L 12 giờ sau liều là có nguy cơ gây ngộ độc đáng kể.
5. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ XỬ TRÍ
Huyết thanh vàng: Không có nhiễu đáng kể với nồng độ bilirubin liên hợp khoảng: 684 μmol/L (40 mg/dL), bilirubin không liên hợp khoảng: 428 μmol/L (25 mg/dL).
Tán huyết: Không có nhiễu đáng kể với nồng độ hemoglobin: 1000 mg/dL.
Huyết thanh đục: Không có nhiễu đáng kể với nồng độ triglycerid tối đa đến 1500 mg/dL.
- Đăng nhập để gửi ý kiến