Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Định lượng Zn (KẼM) máu

1. NGUYÊN LÝ

Kẽm (Zn) là vi chất quan trọng đối với sức khỏe. Khi thiếu kẽm , đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như rối lọa hệ thống miễn dịch, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, viêm phổi …. Khi lưu hành trong máu, kẽm được liên kết với protein vận chuyển và một phần rất nhỏ kẽm ở dưới dạng tự do. Vì vậy sự thiếu hụt protein máu nói chung và protein vận chuyển kẽm nói riêng sẽ làm giảm lượng kẽm huyết thanh. Kẽm hỗ trợ hệ thống miễn dịch, cần thiết cho vết thương lãnh lại, giúp bảo vệ vị giác và khứu giác, cần thiết cho sự tổng hợp DNA. Kẽm cũng hỗ trợ cho việc tăng trưởng và phát triển bình thường của thai nhi trong bụng mẹ, thời kỳ ấu thơ và thiếu niên.
Zn trong bệnh phẩm kết hợp dưới dạng chelat với 5-Br-PAPS2-(5-bromo-2- pyridylazo)-5-(N-propyl-N-sulfopropylamino)-phenol trong thuốc thử. Phức hợp được tạo thành đo được ở bước sóng 560 nm

2. CHUẨN BỊ

2.1. Người thực hiện

- 1 cán bộ đại học có thẩm quyền ký duyệt kết quả;
- 1 KTV chuyên ngành hóa sinh hoặc người có trình độ phù hợp để thực hiện phân tích đã được đào tạo sử dụng máy phân tích hóa sinh tự động

2.2. Phương tiện và hóa chất

2.2.1. Phương tiện

- Máy xét nghiệm hóa sinh tự động
- Máy ly tâm
- Tủ lạnh đựng hóa chất, tủ lạnh bảo quản mẫu QC, mẫu bệnh phẩm
- Pipet các loại, đầu côn xanh, đầu côn vàng
- Giá đựng ống nghiệm, các ống lấy mẫu, sample cup …

2.2.2. Hóa chất

- Hóa chất định lượng kẽm phù hợp VD của công ty Randox
- Các chất chuẩn, QC, dung dịch pha loãng, dung dịch hệ thống của Randox

2.3. Người bệnh

Cần giải thích cho người bệnh và người nhà hiểu về mục đích của việc lấy máu làm xét nghiệm.

2.4. Phiếu xét nghiệm

- Phiếu xét nghiệm theo đúng quy định của Bộ Y tế và bệnh viện
- Trên phiếu xét nghiệm cần ghi đầy đủ thông tin của người bệnh: họ và tên, tuổi, giới tính, số giường, khoa phòng, chẩn đoán, xét nghiệm cần làm.
- Trên phiếu xét nghiệm cần có: chữ ký và họ tên bác sĩ chỉ định xét nghiệm, họ tên người lấy mẫu, thời gian chỉ định xét nghiệm và thời gian lấy mẫu bệnh phẩm.

3. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

3.1. Lấy bệnh phẩm

Mẫu bệnh phẩm có thể là huyết thanh hoặc huyết tương hoặc nước tiểu. Không sử dụng ống chống đông bằng EDTA. Lấy 3 ml máu tĩnh mạch. Ly tâm 3000 vòng/ phút trong 5 phút, tách lấy huyết thanh hoặc huyết tương ngay khi có thể.

3.2. Tiến hành kỹ thuật

- KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG: việc thực hiện nội kiểm chất lượng được diễn ra trước khi thực hiện phân tích mẫu cho người bệnh và tuân thủ theo quy trình nội kiểm chất lượng của phòng xét nghiệm. Vật liệu làm nội kiểm có 2 mức nồng độ khác nhau. Kết quả nội kiểm chất lượng được xem xét theo các quy định của quy trình nội kiểm chất lượng. Chỉ khi nội kiểm chất lượng đạt mới tiến hành phân tích mẫu bệnh phẩm.
- Thực hiện kỹ thuật trên máy phân tích tự động theo chương trình cài đặt sẵn
- Lấy và in trả kết quả sau khi đã được người có thẩm quyền duyệt kết quả

4. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ

4.1. Khoảng tham chiếu

- Mỗi phòng xét nghiệm nên tự thiết lập giá trị tham chiếu riêng cho mình để đảm bảo tính đại diện của mỗi quần thể người bệnh.
- Người lớn trưởng thành:
Bình trường trong huyết thanh hoặc huyết tương: 9.18 - 18.4 µmol/L (60.0 - 120.0 µg/dL); trong nước tiểu: 3.83 - 13.0 µmol/L (25.0 - 85.0 µg/dL)
- Ở trẻ em: 11.5 - 15.3 µmol/L (75.0 - 100.0 µg/dL)

4.2. Tăng trong

Tăng kẽm huyết thanh

4.3. Giảm trong

Phụ nữ có thai, thiếu kẽm huyết thanh, hội chứng thận hư, tiêu chảy kéo dài…

5. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ XỬ TRÍ

- Tuyến tính đến 103 µmol/L (672 µg/dL). Cần pha loãng bệnh phẩm nếu vượt ngưỡng này.