Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Siêu âm doppler xuyên sọ có giá đỡ tại giường theo dõi 24/24 giờ

1. ĐẠI CƯƠNG

- Siêu âm Doppler xuyên sọ dựa trên nguyên lý các sóng siêu âm sẽ phản chiếu lại khi xuyên qua một vật thể chuyển động trong dòng máu (hồng cầu) với tần số sóng phản xạ thay đổi theo tốc độ và hướng chuyển động của hồng cầu.
- Việc theo dõi TCD liên tục có thể cung cấp những thông tin hữu ích trong việc tiên lượng ở những người bệnh chảy máu dưới nhện có co thắt mạch, tăng áp lực trong sọ, các tình trạng dòng chảy thấp liên quan đến các bệnh tắc nghẽn phía ngoài, suy tim hay các bệnh van tim và chuẩn bị chết não.
- Hiện tượng tượng tăng tưới máu và giảm tưới máu sau chấn thương sọ não kín cũng là lĩnh vực thú vị đối với việc theo dõi TCD 24/24 giờ. Việc kiểm soát dòng chảy máu não một cách chặt chẽ có thể làm giảm tổn thương não.

2. CHỈ ĐỊNH

TCD có giá đỡ tại giường được chỉ định:
- Theo dõi chuẩn bị chết não
- Theo dõi tình trạng co thắt mạch sau chảy máu dưới nhện
- Chẩn đoán và theo dõi tăng áp lực trong sọ
- Chấn thương sọ não
- Theo dõi trong phẫu thuật
- Phát hiện tắc mạch não, vi tắc mạch não.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

TCD là kỹ thuật không xâm nhập, không nguy hại nên không có chống chỉ định

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

Một bác sỹ và một điều dưỡng

4.2. Phương tiện, dụng cụ, thuốc

Máy siêu âm Doppler xuyên sọ, gel bôi đầu dò, khăn lau, giá đỡ máy siêu âm, băng chun giãn cố định đầu dò.

4.3. Người bệnh

Trong tư thế nằm ngửa

4.4. Hồ sơ bệnh án

Cần ghi rõ tên tuổi địa chỉ, giới tính, chẩn đoán lâm sàng, ngày giờ bắt đầu làm siêu âm.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra tên tuổi, chẩn đoán lâm sàng.

5.2. Kiểm tra người bệnh

Kiểm tra các chức năng sống của người bệnh như tình trạng hô hấp, mạch, nhiệt độ huyết áp. Kiểm tra các vùng của sổ thái dương có sạch sẽ không, được bộc lộ tốt không.

5.3. Thực hiện kỹ thuật

- Thăm dò tín hiệu động mạch não giữa qua cửa sổ thái dương hai bên
- Tìm độ sâu và hướng đầu dò cho tín hiệu động mạch não giữa tốt nhất
- Dùng băng chun cố định đầu dò tại độ sâu và hướng đã xác định
- Chỉnh lại hướng đầu dò sau khi đã cố định băng chun để có tín hiệu tốt nhất
- Đánh giá các thông số của động mạch não giữa khi bắt đầu làm siêu âm và khi có những thay đổi bất thường.

6. THEO DÕI

Đối với các người bệnh nặng cần theo dõi các chức năng sống.

7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Không có tai biến do siêu âm xuyên sọ gây ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Văn Thính(2001). “Doppler xuyên sọ”. Bài giảng Thần kinh dành cho đối tượng chuyên khoa định hướng. Bộ môn Thần kinh Trường Đại học Y Hà Nội, 228-232.
2. Andrei V. Alexandrov, MD, RVT (2004). Cerebrovascular ultrasound in stroke prevention and treatment, 17-32; 81-129.
3. William J. Zwiebel, M.D (2004). Introduction to vascular ultrasonography, 145-172.