1. ĐẠI CƯƠNG
* Nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa được chia làm hai loại:
- Nuôi dưỡng ngắn hạn (< 4 tuần): qua ống thông mũi - dạ dày hay mũi - ruột
- Nuôi dưỡng dài hạn (long-tern feeding): thời gian từ 4 tuần trở lên, bằng các phương pháp mở dạ dày nuôi ăn
* Đây là phương pháp thường được chọn lựa vì phù hợp với chức năng sinh lý đường tiêu hóa, giá thành thấp, giúp mau lành vết thương, giảm tình trạng nhiễm trùng, giảm thời gian nằm viện và nguy cơ rủi ro thấp hơn so với nuôi dưỡng bằng đường ngoại vi.
* Nuôi dưỡng liên tục bằng máy truyền thức ăn qua thực quản dạ dày là phương pháp an toàn hiệu quả giúp đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh, đồng thời kiểm soát lượng dịch vào ra chính xác hơn.
2. CHỈ ĐỊNH
- Hôn mê, co giật, dị dạng đường tiêu hóa nặng, u thực quản, u lưỡi
- Chấn thương vùng hàm mặt, gãy xương hàm phải cố định
- Người bệnh sau đặt ống nội khí quản, mở khí quản ≥ 24 giờ, thở máy
- Cần cung cấp nhiều năng lượng hơn bình thường (bỏng, nhiễm khuẩn...)
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Tắc ruột, bán tắc ruột, hẹp khít môn vị.
- Bỏng thực quản, dạ dày do axít, kiềm mạnh, áp xe thành họng, teo thực quản, các lỗ thông thực quản
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện quy trình kỹ thuật:
Một điều dưỡng viên
4.2. Phương tiện, dụng cụ, thuốc
- Bộ dây truyền nhỏ giọt thức ăn, bơm cho ăn 50ml
- Túi/chai thức ăn lỏng (số lượng tùy thuộc vào bệnh lý và theo chỉ định) nhiệt độ 37oC - 40oC, có trường hợp phải cho thức ăn lạnh
- 01 chai nước chín, 01 cốc nước chín, 01 cốc sạch
- Khay chữ nhật, gạc miếng, băng dính, ống nghe, khăn bông
- Máy truyền đếm giọt, cọc truyền, quang treo chai thức ăn
- Phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh
4.3. Người bệnh
Thông báo và giải thích cho người bệnh hoặc người nhà an tâm và hợp tác khi tiến hành thủ thuật.
4.4. Hồ sơ bệnh án
Có kèm theo phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Kiểm tra hồ sơ
5.2. Kiểm tra người bệnh
Đối chiếu với hồ sơ bệnh án
5.3. Thực hiện kỹ thuật
- Điều dưỡng rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang.
- Ðưa dụng cụ đến bên giường bệnh.
- Đối chiếu người bệnh, giải thích, động viên người bệnh hoặc người nhà.
- Đặt người bệnh ở tư thế đầu cao 30 - 45 độ. Choàng khăn bông trước ngực và quanh cổ người bệnh.
- Kiểm tra vị trí ống thông, kiểm tra dịch tồn dư trong dạ dày người bệnh.
- Đặt cọc truyền ở vị trí thích hợp, gắn máy truyền đếm giọt lên cọc truyền, nối nguồn điện vào máy, đèn “CHARGE” sáng.
- Kiểm tra thức ăn, cắm dây truyền nhỏ giọt vào chai/túi đựng thức ăn và đuổi hết khí, khóa lại.
- Mở cửa máy truyền → ấn và giữ nút “POWER” để máy tự kiểm tra → lắp dây truyền nhỏ giọt vào máy → đóng cửa máy truyền.
- Đặt tốc độ truyền thức ăn theo y lệnh (ml/h), đèn “RATE” sáng, sau đó ấn nút “SELECT” để nhớ.
- Bơm 20 ml nước chín vào ống thông dạ dày (tráng ống thông).
- Nối dây truyền nhỏ giọt với ống thông dạ dày, mở thông khí và mở khóa dây truyền nhỏ giọt, sau đó ấn nút “START” để bắt đầu truyền thức ăn.
- Hết thức ăn chuyển sang chai nước chín, truyền 30ml để tráng ống thông.
- Kết thúc quá trình truyền: đèn “COMPLETE” bật sáng và chuông kêu → ấn nút “STOP” để dừng truyền → khóa truyền lại rồi ấn nút “POWER” tắt máy → tháo bỏ dây truyền ra khỏi máy và ống thông dạ dày. Nút kín đầu ống thông.
- Giúp người bệnh về tư thế thoải mái, đầu cao 30 - 45 độ.
- Thu dọn dụng cụ, rửa tay. Ghi phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh.
6. THEO DÕI
Theo dõi các thông số của người bệnh, bao gồm:
- Tình trạng tiêu hóa (táo bón, ỉa chảy).
- Theo dõi cân nặng và các xét nghiệm theo chỉ định.
Lưu ý:
- Trong ngày cần dừng truyền ít nhất 4 giờ để giúp cho dạ dày tiết lại dịch vị.
- Kiểm tra dịch tồn dư trong dạ dày mỗi 3 giờ và theo dõi sát các dấu hiệu trào ngược để có hướng xử trí thích hợp.
- Thức ăn chỉ được sử dụng trong vòng 4 giờ sau pha, nấu (tránh lên men).
- Ống thông phải được thay ít nhất mỗi tuần 1 lần. Vệ sinh răng miệng, mũi thường xuyên trong suốt quá trình đặt ống thông cho ăn.
- Tham vấn bác sỹ và tiết chế dinh dưỡng lâm sàng để cân đối dịch truyền nuôi dưỡng tĩnh mạch và nuôi ăn đường tiêu hóa.
7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
7.1. Nôn, trào ngược
Đôi khi xảy ra do tốc độ truyền quá nhanh, quá nhiều trong một lần, do chỉ định không đúng hoặc để người bệnh nằm ở tư thế không an toàn → Nghiêng đầu sang một bên, hút dịch ở hầu họng và phế quản → Cho người bệnh nằm đầu cao 30 - 45 độ.
7.2. Ỉa chảy, táo bón
Bù nước và điện giải, đánh giá sự tương tác thuốc và thực phẩm, dị ứng thức ăn, tình trạng dung nạp thức ăn, kháng sinh dài ngày... Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra các thao tác của điều dưỡng.
7.3. Chướng bụng
Giảm bớt tốc độ dịch truyền, theo dõi tình trạng dung nạp thức ăn. Thực hiện thuốc theo chỉ định.
7.4. Viêm phổi do hít
Do số lượng dịch đưa vào quá nhiều trong một lần, người bệnh nằm ở tư thế không an toàn hoặc do hiện tượng không dung nạp thức ăn.
→ Giảm lượng dịch nuôi ăn mỗi bữa, cho người bệnh nằm đầu cao 30 - 45 độ trong và sau khi cho ăn 1 giờ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kỹ thuật cho người bệnh ăn qua ống thông. Hướng dẫn quy trình chăm sóc người bệnh, tập II, trang 84 - 87. NXB Y học 2004.
2. “Nutrition and Stroke”. Stroke Northumbria: Stroke care guide- Professional version, p 31-47. May 2003.
3. “Basic Personal Care Skills: Feeding a resident –Total Assistance”. Long - Term Care Companion: Skills for the Certified Nursing Assistant. First Edition, p 205 - 209. 1995.
4. “Nutrition”. Fundamentals of nursing: concepts, process, and practice, p 914 - 920. Jul 1, 1999.
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến