Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Theo dõi SpO2 liên tục tại giường

1. ĐẠI CƯƠNG

- SpO2 là tỉ lệ (%) mức bão hòa oxy gắn vào hemoglobin (Hb) máu động mạch ngoại vi (saturation of peripherical oxygen).
- Theo dõi SpO2 liên tục tại giường là một kỹ thuật không xâm lấn, đơn giản có độ chính xác cao nhằm phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy máu của người bệnh, giúp cho công tác điều trị được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả đồng thời có thể giảm thiểu số lần chọc khí máu động mạch.

2. CHỈ ĐỊNH

Theo dõi SpO2 được tiến hành trong các trường hợp:
- Tất cả các cuộc mổ
- Người bệnh nặng cần hồi sức, đột quỵ não, nhược cơ, tổn thương (ép, viêm và chấn thương) tủy cổ có liệt cơ hô hấp, Guillain Barré….
- Người có bệnh phổi, suy hô hấp, suy tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn, rối loạn nhịp tim, sốc, trụy mạch, tụt huyết áp…
- Trẻ sơ sinh đẻ non, trẻ suy hô hấp.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định

4. CHUẨN BỊ

4.2. Người thực hiện

Một điều dưỡng viên

4.2. Phương tiện, dụng cụ, thuốc

- 01 máy theo dõi (monitoring) có gắn thiết bị đầu đo SpO2
- Bút xanh, đỏ, thước kẻ
- Huyết áp kế
- Ống nghe

4.3. Người bệnh

- Điều dưỡng thăm hỏi người bệnh, giới thiệu tên, chức danh của mình.
- Thông báo, giải thích cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh những điều cần thiết.
- Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp.
- Vệ sinh sạch sẽ rồi lau khô vị trí định lắp bộ phận nhận cảm (nếu cần thiết).


4.4. Hồ sơ bệnh án 

Có kèm theo phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Kiểm tra hồ sơ

5.2. Kiểm tra người bệnh

Đối chiếu với hồ sơ bệnh án

5.3. Thực hiện kỹ thuật

- Rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang.
- Kiểm tra lại dụng cụ và mang đến bên giường người bệnh.
- Đặt máy theo dõi (monitoring) vào vị trí thuận lợi, dễ nhìn, chắc chắn.
- Để người bệnh ở tư thế thích hợp, an toàn.
- Giải thích, động viên người bệnh phối hợp khi tiến hành kỹ thuật.
- Kẹp hoặc dán bộ phận nhận cảm (sensor) ở đầu ngón tay, ngón chân, dái tai hoặc bất cứ tổ chức nào được tưới máu mà có thể gắn được.
- Thông báo kết quả cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh biết.
- Dặn người bệnh hoặc gia đình những điều cần thiết.
- Rửa tay, ghi phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh.

6. THEO DÕI

Theo dõi liên tục chỉ số SpO2 được thay đổi và hiện liên tục trên màn hình theo dõi (monitoring). Tùy từng trường hợp cụ thể để báo bác sỹ có quyết định xử trí kịp thời và hiệu quả. (SpO2 ở người bình thường dao động từ 92 - 98%).

7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Cần kiểm tra máy và bộ phận cảm nhận kẹp hoặc dán thường xuyên đề phòng bộ phận này bị tuột hoặc lỏng hoặc dây cáp bị đứt dẫn đến chỉ số sai và cần phối hợp với thăm khám tình trạng lâm sàng của người bệnh để xử trí kịp thời.
Lưu ý: Hạn chế của đo SpO2:
- Bão hòa oxy máu quá thấp sẽ không phát hiện được bằng SpO2.
- SpO2 phản ánh bão hòa oxy máu chậm hơn SaO2.
- Tụt huyết áp hoặc co mạch làm giảm dòng máu và độ nảy ở tiểu động mạch nên giá trị SpO2 không còn chính xác.
- Hạ nhiệt độ, cử động, tiêm chất màu vào mạch máu, sắc tố da, sơn màu móng tay, … làm giá trị SpO2 không chính xác.
- Trong ngộ độc CO: theo dõi SpO2 không chính xác, cần làm khí máu động mạch để đo SaO2 và COHb.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Robert E.St.John. “Airway and Ventilatory Management”. AACN Essentials of critical Care Nursing, p116-117. Published July 29th 2005 by McGraw- Hill Medical Publishing.
2. Mills, Elizabeth Jacqueline (2004). “ Respiratory Care: Monitoring”. Nursing Procedures, 4th Edition, p 413-426.
3. Holmes S, and SJ Peffers (2009). PCRS-UK Opinion Sheet No. 28: Pulse Oximetry in Primary Care.www.pcrs-uk.org.
4. Valdez-Lowe (2009).Pulse Oximetry in Adults AJN 109(6): 52-59