1. ĐẠI CƯƠNG
Công tác chăm sóc người bệnh là nhiệm vụ thường quy đối với người điều dưỡng, Gội đầu tại giường được tiến hành khi người bệnh nằm lâu tại chỗ không tự gội được, nhằm mục đích:
- Làm sạch tóc và da đầu.
- Phòng chống các bệnh về tóc và da đầu.
- Kích thích tuần hoàn ở đầu đem lại sự thoải mái, dễ chịu.
- Tránh nhiễm khuẩn trong trường hợp tổn thương ở đầu.
2. CHỈ ĐỊNH
- Người bệnh có các bệnh lý thần kinh nằm lâu tại chỗ không tự gội được (liệt…)
- Khi người bệnh có hiện tượng ngứa, nấm da đầu
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh đang trong tình trạng nặng, nguy kịch, sốt cao
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
Một điều dưỡng viên
4.2. Phương tiện, dụng cụ, thuốc
- Xô (thùng) đựng nước ấm 37o – 40oC, nhiệt kế đo nhiệt độ nước, ca múc nước
- Dầu gội đầu hoặc bồ kết, chanh
- 2 khăn bông to, 1 khăn bông nhỏ
- Găng tay (nếu thực sự cần thiết)
- Mảnh nilon, máy sấy tóc, bông không thấm nước, lược, khay hạt đậu, kim băng (kẹp)
- Máng chữ U có bọc nilon để dẫn nước chảy xuống thùng đựng nước bẩn
- Thùng (xô) đựng nước bẩn
4.3. Người bệnh
- Điều dưỡng: thăm hỏi người bệnh, giới thiệu tên, chức danh của mình.
- Thông báo, giải thích cho người bệnh hoặc người nhà biết về kỹ thuật sắp làm
4.4. Hồ sơ bệnh án
có kèm theo phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Kiểm tra hồ sơ
5.2. Kiểm tra người bệnh
- Đối chiếu với hồ sơ bệnh án
- Nhận định toàn trạng người bệnh
- Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp
5.3. Thực hiện kỹ thuật
- Điều dưỡng rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang.
- Mang dụng cụ đến bên giường người bệnh.
-Tắt quạt, đóng cửa hoặc che bình phong.
- Đi găng (nếu cần), phủ nilon lên gối, phủ khăn bông to lên gối.
- Cho người bệnh nằm chéo giường, đầu thấp hơn vai, choàng khăn bông xếp rẻ quạt vào cổ và cố định trên ngực bằng kim băng (kẹp).
- Đặt máng gội dưới đầu người bệnh, đặt thùng (xô) đựng nước bẩn.
- Chải tóc: từ ngọn tóc đến chân tóc (nếu tóc dài thì chia thành nhiều lọn nhỏ để chải). Nếu tóc quá rối, dùng dầu xả hoặc paraphin để chải tóc.
- Nút bông không thấm nước vào 2 lỗ tai.
- Dội nước ấm ướt đều tóc, xoa dầu gội (nếu dùng nước bồ kết: dội nước bồ kết lên tóc nhiều lần).
- Một tay đỡ đầu, một tay chà sát khắp da đầu và tóc bằng đầu ngón tay (tránh làm xây xát da đầu và làm lắc đầu người bệnh), massage nhẹ nhàng da đầu.
- Dội nước cho tới khi sạch.
- Bỏ bông thấm nước ở tai, lấy khăn bông nhỏ lau mặt, kéo khăn choàng cổ bao kín tóc.
- Bỏ máng gội, cho người bệnh nằm hoặc ngồi thoải mái trên giường, lau khô tóc (từ gốc đến ngọn).
- Sấy tóc, chải tóc. Giúp người bệnh trở lại tư thế thoải mái.
- Thu dọn dụng cụ, rửa tay.
- Ghi phiếu theo dõi và chăm sóc: ngày giờ thực hiện, tình trạng tóc và da đầu của người bệnh, tên điều dưỡng thực hiện.
6. THEO DÕI
- Theo dõi sắc mặt, diễn biến của người bệnh trong và sau quá trình gội.
- Theo dõi da đầu người bệnh trong các lần gội để phát hiện những bệnh về da đầu (nấm....).
7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
7.1. Người bệnh bị nhiễm lạnh:
do gội quá lâu hoặc dùng nước lạnh gội đầu cho người bệnh.
Xử trí:
- Sấy khô tóc, ủ ấm cho người bệnh
- Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh
7.2. Nước vào tai, mắt, ướt cổ áo người bệnh
Xử trí: Lau khô tai, tra thuốc nhỏ mắt Natriclorua 0,9%, thay áo cho người bệnh
7.3. Xây xước da đầu người bệnh do chà sát quá mạnh
Xử trí: Điều chỉnh lại thao tác kỹ thuật của Điều dưỡng Lưu ý:
- Cân nhắc chỉ định gội đầu đối với những người bệnh có vết thương ở đầu
- Chải tóc cho người bệnh hàng ngày (nếu người bệnh tóc dài, phải tết tóc cho người bệnh).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “Kỹ thuật gội đầu cho người bệnh tại giường”. Hướng dẫn quy trình chăm sóc người bệnh, tập II, trang 49 - 51. NXB Y học 2004.
2. “Basic physiological Needs”. Fundamentals of nursing: concepts, process, and practice, p 853-853. Jul 1, 1999.
3. “Basic Personal Care Skills”. Long - Term Care Companion: Skills for the Certified Nursing Assistant. First Edition, p 193 - 196. 1995.
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến