1. ĐỊNH NGHĨA
Viêm quanh Implant là tình trạng viêm mô mềm, viêm và tiêu xương xung quanh Implant.
2. NGUYÊN NHÂN
- Vi khuẩn trong mảng bám.
- Các yếu tố gây tích tụ mảng bám
+ Cement gắn cầu, chụp trên Implant dư thừa quanh trụ Implant.
+ Phục hình sai quy cách.
+ Vị trí Implant không thích hợp.
+ Thiếu mô lợi sừng hóa quanh Implant.
+ Lỏng kết nối trụ phục hình với trụ Implant….
- Quá tải lực nhai gây mất cân bằng về sinh cơ học từ đó gây tiêu xương quanh Implant.
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
3.1.1. Lâm sàng
- Niêm mạc xung quanh Implant nề, đỏ.
- Khi thăm khám quanh Implant có hiện tượng chảy máu,
- Có dịch tiết: Giai đoạn viêm nặng có thể có dịch tiết ở túi quanh Implant.
- Tăng độ sâu túi xung quanh Implant.
3.1.2. Cận lâm sàng
X quang: Có biểu hiện mất xương xung quanh Implant.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
Viêm quanh Implant chẩn đoán phân biệt với Viêm lợi quanh Implant, và dựa vào các triệu chứng dưới đây:
Triệu chứng | Viêm quanh Implant | Viêm lợi quanh Implant |
Lợi nề đỏ | + | + |
Chảy máu lợi tự nhiên | +/- | +/- |
Chảy máu lợi khi thăm khám | + | + |
Tăng độ sâu túi quanh Implant | + | - |
Dịch rỉ viêm | + | +/- |
X quang: Tiêu xương quanh Implant | + | - |
4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc
- Loại bỏ tác nhân gây bệnh và ổ viêm nhiễm xung quanh Implant.
- Giảm độ sâu của túi quanh Implant.
- Ghép xương trong trường hợp tiêu nhiều xương quanh Implant.
4.2. Điều trị cụ thể
- Tùy theo mức độ mất xương xung quanh Implant mà có thể có các mức độ xử trí khác nhau. Nếu xương chưa bị mất quá 2 mm thì việc điều trị có thể giới hạn ở mức độ lấy cao răng, mảng bám và kiểm soát mảng bám kết hợp làm sạch Abutment, chỉnh sửa cấu trúc phục hình nếu cần và hướng dẫn bệnh nhân tăng cường vệ sinh răng miệng.
- Có thể dùng các tác nhân kháng khuẩn toàn thân (Amoxicillin, Metronidazole, Tetracycline, Clindamycin) hoặc tại chỗ (sợi Tetracycline, tinh thể Monocycline và Gel Chlorhexidine) và dùng nước súc miệng chứa Chlohexidine.
- Nếu xương đã bị mất quá 2 mm nhưng vẫn chưa quá ½ chiều dài của Implant cần điều trị phẫu thuật lấy bỏ tổ chức viêm nhiễm xung quanh Implant, làm sạch bề mặt Implant và có thể tiến hành ghép xương để tái tạo tổ chức xương đã mất. Bề mặt Implant có thể được làm sạch bằng các chất hóa học (Gel Metronidazole), các phương pháp cơ học sử dụng bàn chải và bột đánh bóng, sử dụng lazer cũng cho kết quả tốt. Sau khi bề mặt Implant được làm sạch có thể tiến hành ghép xương nhằm khôi phục khối lượng xương đã mất. Nếu không ghép xương thì làm nhẵn bề mặt nhám của Implant đã bị bộc lộ nhằm giảm sự tích tụ mảng bám lên bề mặt Implant.
- Nếu xương bị mất quá ½ chiều dài của Implant thì tốt nhất nên tháo Implant ra, phát triển xương tại chỗ và chờ để có thể đặt lại Implant mặc dù trên lý thuyết có thể ghép lại xương vào phần xương đã tiêu tuy nhiên trên thực tế tỷ lệ thành công của phương pháp này rất thấp.
5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
5.1. Tiên lượng
Đối với tình trạng viêm quanh Implant ở giai đoạn ban đầu có nguyên nhân do cấu trúc phục hình hoặc lực nhai quá tải thì tiên lượng điều trị rất khả quan, tuy nhiên đối với tình trạng viêm quanh Implant ở giai đoạn tiến triển trên bệnh nhân bị bệnh viêm quanh răng hoặc không xác định được nguyên nhân gây bệnh thì kết quả điều trị ít khả quan và bệnh vẫn có nguy cơ tiến triển dẫn đến việc phải tháo bỏ Implant.
5.2. Biến chứng
Đào thải Implant.
6. PHÒNG BỆNH
- Tuân thủ đúng quy trình phẫu thuật đặt Implant và phục hình răng.
- Hướng dẫn bệnh nhân tăng cường vệ sinh răng miệng, kiểm soát mảng bám răng.
- Khám định kỳ để phát hiện tổn thương sớm và điều trị kịp thời, nhất là ở các trường hợp nguy cơ cao như bệnh nhân có tiền sử viêm quanh răng, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, điều trị corticoid kéo dài,….
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến