Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Từ chuyện bệnh viện sử dụng tên viết sai chính tả đến bản dịch 5S

DrVDT

Trong hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy, nếu bạn để ý kỹ, vẫn còn đó những bảng tên cũ kỹ với dòng chữ: "Bịnh-viện Chợ-Rẩy". Tên gọi ấy – dù “sai chính tả” theo chuẩn mực hiện nay – vẫn tồn tại giữa những bức tường ngả màu thời gian, và không ai chê cười. Trái lại, ai ai cũng cảm thấy một sự mến yêu, kính trọng. Nó nhắc nhở về một thời khốn khó nhưng đầy nỗ lực, nơi các bậc tiền bối đã đổ mồ hôi và tâm huyết để xây dựng nên nền móng cho y tế Việt Nam ngày nay.

Không phán xét quá khứ – Hãy biết ơn và kế thừa

Tên gọi "Bịnh viện" hay "Chợ Rẩy" không làm giảm đi giá trị của nơi ấy. Cũng như vậy, cách dịch 5S từng được phổ biến trong nhiều tài liệu: Sàng lọc – Sắp xếp – Sạch sẽ – Săn sóc – Sẵn sàng, có thể không sát nghĩa gốc như "Sort – Set in Order – Shine – Standardize – Sustain", nhưng vẫn là dấu mốc đầu tiên giúp hàng loạt bệnh viện, nhà máy, trường học… tiếp cận được với tinh thần quản lý hiện đại, khoa học, kỷ luật.

Tấm biển sai chính tả này đáng giá vô cùng! Ai cũng yêu quý và trân trọng.

Chúng ta không thể – và không nên – quay lại chỉ trích người đi trước. Chính họ là những người đầu tiên mang khái niệm 5S, Kaizen, SOP, TWI, SPC, ISO, 5Why, 5W1H, Fishbone… về Việt Nam. Nếu không có họ, thì thế hệ chúng ta hôm nay có thể vẫn còn đang lạc lối trong tư duy "làm cho xong".

“Không có họ, sẽ không có chúng ta hôm nay.”

Trách nhiệm không nằm ở quá khứ – mà ở hiện tại

Điều cần trách không phải là các "sai sót" trong quá khứ, mà là sự thiếu hiểu đúng, làm sai lệch và tầm thường hóa giá trị hiện tại. Khi ngày nay, chúng ta bê nguyên những bản dịch thiếu chính xác vào quy trình mà không hiểu bản chất – đó mới là sai lầm. Thậm chí là "tội lỗi".

Việc biến 5S thành khẩu hiệu dán tường, thành check-list hình thức – trong khi không ai thực hành đúng – mới là điều đáng lo. Khi dùng các công cụ quản trị mà không hiểu cốt lõi, ta làm mất đi tinh thần cải tiến liên tục mà tiền bối truyền lại.

Vì vậy, trách nhiệm của thế hệ hôm nay là: hiểu sâu hơn, làm đúng hơn, và truyền lại đầy đủ hơn những gì tiền bối đã khởi dựng. Đừng làm mờ đi ánh sáng của quá khứ chỉ vì sự hời hợt của hiện tại.

Hiểu không hết thì phải học thêm. Đừng làm sai rồi đổ lỗi cho người đi trước.

Tôi chỉ là một người học trò, một nhân viên

Tôi không phải chuyên gia. Không phải thầy cô. Tôi chỉ là người trực tiếp làm việc trong bệnh viện – nơi tiếp xúc hàng ngày với những quy trình, những bảng kiểm, những ca bệnh thực tế. Những gì tôi chia sẻ, là góc nhìn của một người học trò đang học cách giữ gìn và phát huy những điều tử tế từ thế hệ đi trước.

Tôi cũng rất tiếc, thậm chí nhiều khi rất giận vì nhiều bệnh viện không tận dụng được công cụ 5S. Lý do đến từ sự truyền bá chưa đúng tinh thần của công cụ. Những người này chưa học được đủ từ kiến thức và kinh nghiệp của các tiền bối đi trước, nhưng đã truyền bá lại cho người khác.

Tôi có may mắn được tiếp cận, được học từ các thầy cô, các chuyên gia thực sự từ Bộ Y tế, từ Viện Năng Suất nên cũng thấy mình không hiểu sai từ đầu. Nhưng cũng chẳng làm được gì, khi phần còn lại chưa "đồng bộ".

Bài viết này không nhằm chỉ trích ai. Cũng không mong ai đồng tình hoàn toàn. Tôi chỉ hy vọng: chúng ta – những người đang làm trong hệ thống y tế, quản lý, giáo dục hay sản xuất – hãy có thêm một chút trân trọng, một chút tinh tế, và một chút can đảm để hiểu đúng, làm đúng và giữ cho những giá trị xưa không bị mai một.

Tôn trọng quá khứ không có nghĩa là bảo thủ, và phát triển tương lai không có nghĩa là phủ nhận cội nguồn. Vì một ngày nào đó, chính chúng ta cũng sẽ trở thành "quá khứ" của ai đó.

Không có cách nào là đúng hay sai hoàn toàn. Cũng như chất lượng đơn giản là sự phù hợp với nhu cầu:

  • Chúng ta có thể giữ nguyên cách dịch 5S như hiện tại. Nhưng chắc chắn sẽ tốn thêm nhiều công sức hơn để cho lãnh đạo, cho quản lý, cho nhân viên "định nghĩa lại" và "hiểu lại". Có nơi sẽ thấy việc này không khó, nhưng có nơi lại thấy lủng củng và kỳ quặc. Đặc biệt khi áp dụng ISO, mọi thứ thuật ngữ đều cần chuẩn chỉnh.

  • Chúng ta cũng có thể không dịch để vẫn có 5 chữ S hoặc dịch sát nhưng không còn 5 chữ S nữa. Cũng như các công cụ khác, chúng ta cũng đâu thể dịch được 5W1H, 5Why, TWI, ...và nhiều công cụ khác. Tôi nghĩ di sản của các tiền bối không vì thế mà bị coi nhẹ. Việc chúng ta tiếp tục khai thác, đào sâu, khai thác tối đa cũng là một sự tri ân.

Với vai trò là người tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện, hỗ trợ tổ chức cải tiến, mình chúc ACE đồng nghiệp chọn được con đường đúng cho mình.

 

Mình cũng muốn nói thêm, dù Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn giữ lại những bảng tên cũ như một cách tôn vinh quá khứ, thì mọi tài liệu và bảng biểu hiện nay đều đã được điều chỉnh chính tả đầy đủ, đúng chuẩn.