Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Đau dây thần kinh V

1. ĐỊNH NGHĨA

Đau dây thần kinh V hay dây tam thoa là chứng đau nửa mặt với đặc trưng là các cơn đau ngắn, dữ dội, xuất hiện tự nhiên hoặc do kích thích.

2. NGUYÊN NHÂN

- Thường không xác định rõ được nguyên nhân gây đau dây V.
- Trong một số trường hợp, có thể do:
+ Chèn ép dây thần kinh V.
+ Rối loạn khử myelin nguyên phát: bệnh xơ cứng rải rác.
+ Dây thần kinh V bị xâm nhập vào vùng rễ thần kinh V hay hạch Gasser trong một số bệnh: Carcinoma, Sarcoidosis...

3. CHẨN ĐOÁN

3.1. Chẩn đoán xác định

3.1.1. Lâm sàng
a) Toàn thân

Không có biểu hiện gì đặc biệt.

b) Cơ năng

+ Đau kịch phát kéo dài một vài giây đến vài phút, xảy ra chủ yếu vào buổi sáng, hiếm khi về đêm.

+ Tính chất cơn đau

- Thường khu trú một bên mặt.
- Vùng đau là vùng chi phối một nhánh hoặc nhiều nhánh thần kinh V.
- Đau khởi phát đột ngột, với tính chất đau buốt, như dao đâm, như cháy bỏng, hay như điện giật.
- Cường độ đau dữ dội.
- Đau khởi phát từ vùng bị kích thích như ăn nhai, đánh răng, rửa mặt...
- Giữa các cơn đau là khoảng im lặng, hoàn toàn không có triệu chứng.
- Tuy nhiên, một vài bệnh nhân có thể có đau đầu âm ỉ vào những thời điểm khác.
+ Không kèm theo dấu hiệu rối loạn cảm giác.
+ Kiểu đau là cố định trên mỗi bệnh nhân.
+ Ngoài ra có thể kèm theo những dấu hiệu do bệnh lý nguyên nhân gây nên.

+ Thực thể

- Trong một số trường hợp, có thể xác định được các tổn thương là yếu tố kích thích.
- Trong cơn đau, khi sờ nắn vùng mặt bên đau làm cơn đau tăng lên dữ dội.

3.1.2. Cận lâm sàng

- X quang thường quy: có thể thấy hình ảnh khối u chèn ép dây V.
- Chụp cộng hưởng từ: có thể phát hiện hình ảnh u thần kinh dây VIII hoặc hình ảnh các khối u chèn ép dây V.

3.2. Chẩn đoán phân biệt

- Đau thần kinh sau Herpes: phân biệt dựa vào tiền sử có nhiễm Herpes.
- Đau đầu từng chuỗi (Cluster Headache): kèm theo đau một bên mặt còn có dấu hiệu chảy nước mắt, nước mũi, vã mồ hôi ....
- Đau co thắt nửa mặt (Hemifacial Spasm): đau do thần kinh VII bị kích thích, với tính chất đau kèm theo co giật các cơ một bên mặt, nhưng không dữ dội như đau thần kinh V.

4. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc

- Trong các trường hợp phát hiện được nguyên nhân thì phải điều trị loại bỏ nguyên nhân gây đau.
- Trong các trường hợp không xác định được nguyên nhân thì điều trị triệu chứng.

4.2. Điều trị cụ thể

4.2.1. Điều trị nguyên nhân

- Chỉ định: Trong các trường hợp xác định được nguyên nhân gây đau dây V.
- Kỹ thuật: Trường hợp dây V bị chèn ép thì phải phẫu thuật cắt bỏ các khối u (phẫu thuật giải áp thần kinh V):
+ Vô cảm: thường thực hiện dưới gây mê.
+ Phẫu thuật bộc lộ khối u.
+ Cắt bỏ khối u, giải phóng dây thần kinh V.
+ Cầm máu và kiểm soát vùng phẫu thuật.
+ Đặt dẫn lưu.
+ Khâu phục hồi theo các lớp giải phẫu.

4.2.2. Điều trị triệu chứng
a) Nội khoa

- Chỉ định: trong các trường hợp không xác định được nguyên nhân thì điều trị nội khoa luôn là lựa chọn đầu tiên trước khi tiến hành điều trị ngoại khoa.
- Phác đồ điều trị
+ Carbamazepine thường là lựa chọn đầu tiên khi điều trị đau thần kinh V, có thể thay thế bằng Oxcarbazepine hoặc gabapentin để giảm tác dụng phụ.
+ Khởi đầu bằng một liều thấp, tăng dần đến liều đáp ứng. Sau khi đạt liều đáp ứng, duy trì trong 4 - 6 tuần, sau đó giảm dần về liều khởi đầu.
+ Trường hợp thuốc lựa chọn không đáp ứng thì lựa chọn giải pháp điều trị khác.

b) Ngoại khoa

- Chỉ định: khi không xác định được nguyên nhân và điều trị nội khoa thất bại.
- Kỹ thuật: tùy trường hợp có thể áp dụng một trong các phương pháp dưới đây:

+ Phương pháp phá hủy rễ thần kinh V

Phá hủy rễ thần kinh có thể là phá hủy một phần (phá hủy chọn lọc) hoặc phá hủy hoàn toàn (microsurgical rhizotomy).
+ Phá hủy rễ thần kinh V một phần: có một số phương pháp sau:
- Phương pháp xuyên da: có 3 kỹ thuật
+ Phá hủy rễ thần kinh V bằng Glycerol.
+ Phá hủy rễ thần kinh V bằng bóng áp lực.
+ Phá hủy rễ thần kinh V bằng nhiệt đông.
- Phẫu thuật cắt rễ thần kinh.

+ Phương pháp phá hủy thần kinh ngoại vi

Phá hủy thần kinh ngoại vi có thể thực hiện bằng tiêm Alcohol hoặc phẫu thuật cắt thần kinh V ngoại vi.
- Tiêm Alcohol
+ Tiêm Alcohol vào các vị trí: lỗ cằm, lỗ dưới ổ mắt, gai Spix, bờ trên ổ mắt: sử dụng Alcohol loại 100%, gây tê trước khi tiêm lượng Alcohol khoảng 1ml.
- Phẫu thuật cắt thần kinh V ngoại vi:
+ Xác định vị trí vùng khởi phát và nhánh thần kinh V cần cắt bỏ.
+ Vô cảm.
+ Phẫu thuật bộc lộ nhánh thần kinh.
+ Cắt bỏ đoạn nhánh dây V.
+ Cầm máu.
+ Khâu phục hồi.

5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

5.1. Tiên lượng

- Các trường hợp xác định được nguyên nhân: cho kết quả điều trị tốt.
- Các trường hợp không xác định được nguyên nhân.
- Điều trị nội khoa: dễ tái phát.
- Điều trị ngoại khoa: kết quả điều trị thường tốt, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ tái phát nhất định.

5.2. Biến chứng

- Dị cảm.
- Mất cảm giác xúc giác vùng dây V chi phối.

6. PHÒNG BỆNH

Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các nguyên nhân gây đau và điều trị kịp thời