1. ĐỊNH NGHĨA
Là áp xe khu trú ở thành bên họng, do lan rộng áp xe các vùng lân cận mà thường có nguyên nhân do răng.
2. NGUYÊN NHÂN
- Do răng
+ Răng viêm quanh cuống không được điều trị.
+ Răng có viêm quanh răng không được điều trị.
+ Do biến chứng răng khôn.
- Do nguyên nhân khác
+ Do tai biến điều trị.
+ Do chấn thương.
+ Áp xe các vùng lân cận.
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
3.1.1. Lâm sàng
a. Toàn thân
Có biểu hiện nhiễm trùng huyết: sốt cao, rét run, tim đập nhanh, đau đầu, vật vã mất ngủ, hơi thở hôi….
b. Tại chỗ
- Ngoài miệng
+ Nếu mủ tụ ở vùng trước trâm thì thấy sưng đau dọc cơ ức đòn chũm.Khởi đầu vùng dưới hàm, góc hàm có 1 khối sưng lớn, da trên khối sưng nóng đỏ hoặc tím, căng, nề, có thể thâm nhiễm lan rộng lên vùng mang tai.Lồi bờ nền xương hàm dưới bị xóa.
+ Giai đoạn đầu khối có mật độ cứng, về sau ấn lõm hoặc có dấu hiệu chuyển sóng. Bệnh nhân đau dữ dội khi sờ vào.
- Trong miệng
+ Khít hàm nhiều.
+ Sưng nền phần trước thành bên hầu, đẩy amidan và vòm miệng vào giữa. Do thành bên hầu bị sưng nề nên bệnh nhân thường có khó thở.
+ Niêm mạc hầu đỏ, căng, đau do mủ tụ ở giữa cơ chân bướm trong và cơ khít hầu trên.
+ Nếu đặt 1 ngón tay ở thành bên hầu, các ngón khác đặt sau và dưới góc hàm có thể phát hiện thấy mềm lún hoặc có dấu hiệu chuyển sóng.
+ Nếu mủ tụ ở sau vùng trâm: bệnh cảnh lâm sàng tương tự như nhiễm khuẩn máu. Bệnh nhân ít khi bị khít hàm, sưng bên ngoài cũng ít hơn so với áp xe ở trước trâm. Trong miệng thây sưng thành bên hầu.
+ Răng nguyên nhân: có biểu hiện bệnh lý của răng nguyên nhân.
c. Dấu hiệu cơ năng
- Khó nuốt, kể cả khi bệnh nhân uống nước.
- Đau do căng mủ, đau lan lên tai, xuống vùng dưới hàm.
- Khó thở do sưng bít 1 phần hầu, nề thanh quản.
3.1.2. Cận lâm sàng
- X quang thường quy
Có biểu hiện tổn thương răng nguyên nhân.
- CT Scanner: có khối thấu quang ranh giới rõ ở vùng thành bên họng.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
Viêm tấy amidan: amidan sưng đỏ, xung huyết, không có khít hàm.
4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc
Dẫn lưu mủ và điều trị răng nguyên nhân.
4.2. Điều trị cụ thể
4.2.1. Điều trị toàn thân
Kháng sinh và nâng cao thể trạng.
4.2.2. Điều trị tại chỗ
Chích dẫn lưu mủ qua đường trong miệng hoặc đường ngoài miệng hoặc phối hợp cả hai.
a. Đường trong miệng
- Chỉ định: khi áp xe tiến triển về phía niêm mạc thành bên họng.
- Kỹ thuật
+ Vô cảm.
+ Rạch niêm mạc ở chỗ thấp nhất và phồng nhất của ổ áp xe.
+ Bộc lộ ổ áp xe và dẫn lưu mủ.
+ Bơm rửa.
+ Đặt dẫn lưu.
+ Điều trị răng nguyên nhân.
b. Đường ngoài mặt
- Chỉ định: khi áp xe tiến triển về phía dưới da vùng cổ và dưới hàm.
- Kỹ thuật
+ Vô cảm.
+ Rạch da bờ trước cơ ức đòn chũm: đường rạch từ góc hàm tới 1/3 giữa của vùng dưới hàm.
+ Bóc tách da và mô dưới da.
+ Dùng kẹp Kocher thâm nhập vào vùng áp xe để dẫn lưu mủ.
+ Bơm rửa.
+ Đặt dẫn lưu.
+ Điều trị răng nguyên nhân.
5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
5.1. Tiên lượng
- Nếu dẫn lưu mủ phối hợp với điều trị răng nguyên nhân thì có kết quả điều trị tốt.
- Nếu điều trị không kịp thời hoặc không đúng có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.
5.2. Biến chứng
- Viêm tấy tỏa lan vùng mặt.
- Liệt hô hấp do nề thành quản cấp, phải tiến hành mở khí quản.
- Chảy máu do nhiễm khuẩn xâm lấn, làm tổn thương các mạch máu lớn (động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh trong), phải tiến hành thắt mạch.
- Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm màng não mủ.
- Áp xe trung thất.
- Nhiễm trùng huyết.
6. PHÒNG BỆNH
Khám răng miệng định kỳ để phát hiện các răng sâu, tổn thương viêm quanh răng, răng mọc lệch để điều trị kịp thời.
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến