Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Bài 83: Điều trị tràn dịch khoang màng phổi do ung thư bằng thuốc phóng xạ

1. ĐẠI CƯƠNG

Tràn dịch màng phổi do ung thư di căn là triệu chứng thường gặp. Tràn dịch màng phổi với số lượng lớn gây đau tức ngực, ho, khó thở ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Các phương pháp điều trị dịch màng phổi thông thường là chọc hút, đặt ống dẫn lưu, sử dụng các thuốc gây độc tế bào toàn thân, bơm hoá chất (bleomycin, fluorouracil, cisplatin...), bơm chất gây xơ dính (doxycyclin, bột talc...) vào khoang màng phổi. Bơm keo phóng xạ 90Y vào khoang màng phổi là phương pháp mới; Phẫu thuật mở ngực và bóc màng phổi đối với tràn dịch kháng điều trị nội khoa.

2. NGUYÊN NHÂN

Tràn dịch màng phổi ác tính là do các tế bào ung thư di căn vào màng phổi, gây tiết dịch và do phản ứng viêm.
Các bệnh ung thư hay di căn màng phổi là ung thư phổi, ung thư vú, u lympho ác tính, u trung mô ác tính, ung thư buồng trứng, ung thư ống tiêu hóa, ung thư tiết niệu và ung thư tử cung.

3. CHẨN ĐOÁN

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng sau:

3.1. Lâm sàng

Nếu tràn dịch với số lượng ít, ban đầu có thể chưa có triệu chứng. Khi tràn dịch với số lượng nhiều xuất hiện các triệu chứng như khó thở, thở ngắn khi gắng sức hoặc khi nghỉ ngơi, khó thở khi nằm, khó thở kịch phát ban đêm, đau tức ngực bên tràn dịch, ho.
Khi khám lâm sàng: gõ đục, rung thanh giảm hoặc mất hẳn, rì rào phế nang giảm hoặc mất (hội chứng ba giảm) là những dấu hiệu điển hình.

3.2. Cận lâm sàng

- Xquang phổi: góc sườn hoành tù, mờ đều vị trí tràn dịch.
- Siêu âm màng phổi: hình ảnh tràn dịch màng phổi giúp đo khối lượng dịch và định vị hướng dẫn vị trí chọc hút dịch màng phổi.
- Chọc hút dịch màng phổi: thường dịch màu đỏ (nước rửa thịt) không đông để làm xét nghiệm chẩn đoán tế bào học: cho kết quả dương tính ở 50-70% các trường hợp tràn dịch ác tính.
- Chọc hút dịch màng phổi: có thể làm xét nghiệm cell block để có chẩn đoán mô bệnh học.
- Sinh thiết màng phổi giúp chẩn đoán xác định ung thư di căn.
- Mở lồng ngực hoặc soi màng phổi để sinh thiết trực tiếp ở các bệnh nhân có kết quả tế bào học và sinh thiết mù màng phổi âm tính nhưng vẫn nghi ngờ ung thư.
- CT scan ngực: phát hiện dịch màng phổi, đánh giá số lượng, ngoài ra giúp phát hiện tổn thương nhu mô phổi, tổn thương trong trung thất (u, hạch).

3.3. Chẩn đoán xác định

Có bệnh ung thư nguyên phát, dịch màng phổi hoặc sinh thiết màng phổi có tế bào ung thư.

3.4. Chẩn đoán phân biệt

- Tràn dịch màng phổi do suy tim ứ huyết, suy thận.
- Tràn dịch màng phổi do nhiễm trùng, lao.
- Tràn dịch màng phổi do nhồi máu phổi.

4. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc chung

Đây là phương thức điều trị dùng keo phóng 90Y đưa vào khoang màng phổi, để làm giảm nhẹ mức độ tràn dịch ở các khoang đó do ung thư gây nên. Điều đó làm cho bệnh nhân đỡ mất nước, điện giải và các chất dinh dưỡng, giảm nhẹ triệu chứng. Các hạt keo phóng xạ 90Y có kích thước lớn tồn tại trong khoang màng phổi, tia β do 90Y phát ra có năng lượng cực đại là 2,25MeV với quãng chạy trong tổ chức 9-11mm sẽ tác dụng trực tiếp lên các mao mạch, tế bào thanh mạc, tổ chức viêm, tế bào ung thư di căn phát huy tác dụng điều trị. Tác dụng của bức xạ β có khả năng:
- Tiêu diệt các tế bào ung thư lơ lửng tự do trong dịch màng phổi.
- Tác dụng trực tiếp lên bề mặt khối u di căn trên mặt thanh mạc.
- Xơ hoá mạch máu nhỏ của màng phổi gây giảm xuất tiết dịch.
Mục đích chính của điều trị này là điều trị giảm nhẹ (palliative treatment).

4.2. Chỉ định

Tràn dịch màng phổi do ung thư di căn.

4.3. Chống chỉ định

Bệnh nhân nữ có thai hoặc đang cho con bú. 
Tràn dịch khu trú (encapsulated).
Bạch cầu trung tính <2G/L.

4.4. Các bước tiến hành

- Chuẩn bị thuốc phóng xạ: 90YCl3 dung dịch, T1/2 =64 giờ; phát tia beta năng lượng cực đại 2,23MeV, năng lượng trung bình 0,93MeV.
- Liều dùng: 80-120mCi. Có thể chia làm 2 hoặc 3 lần.
- Tiêm vào khoang màng phổi sau khi đã hút dịch màng phổi.
- Chuẩn bị bệnh nhân: Cần giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ để có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà, để phối hợp điều trị và thực hiện an toàn bức xạ.

- Bước 1:
+ Siêu âm xác định thể tích dịch màng phổi, xác định vị trí chọc hút dịch màng phổi và tiêm dung dịch keo 90Y.
+ Sát khuẩn. Vô cảm bằng xylocaine, lidocain.
+ Chọc tháo dịch màng phổi cho chảy hết.

- Bước 2: Tiêm vào khoang màng phổi dung dịch keo 90Y hòa trong 50ml nước muối sinh lý.
Trong giờ đầu sau tiêm bệnh nhân phải thường xuyên thay đổi tư thế để thuốc phân tán đều trong khoang màng phổi.
- Theo dõi bệnh nhân và xử lý kịp thời các phản ứng không mong muốn nếu có.
- Đánh giá kết quả điều trị qua lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng:
+ Đáp ứng tốt: hết dịch màng phổi.
+ Đáp ứng một phần: giảm lượng dịch ≥50% so với trước điều trị.
+ Đáp ứng kém: giảm lượng dịch <50% so với trước điều trị.
+ Không đáp ứng: dịch màng phổi không thay đổi hoặc tăng thêm.

4.5. Biến chứng và xử trí

- Buồn nôn, nôn: chống nôn primperan 10mg, 2 viên, uống lần 1 viên, ngày 2 lần hoặc primperan ống 10mg hoặc ondansetron ống 8mg, tiêm tĩnh mạch lần 1 ống, ngày 1-2 lần.
- Giảm bạch cầu: khi số lượng bạch cầu trung tính <2G/L cho kháng sinh dự phòng: Cephalosporin lọ 1g, tiêm tĩnh mạch ngày 2 lọ. Thuốc kích bạch cầu filgrastim 300mcg tiêm dưới da ngày 1 ống cho đến khi số lượng bạch cầu trung tính ≥2G/L.
- Tại chỗ: viêm màng phổi, viêm phổi do bức xạ. 
Xử trí: chống viêm, giảm đau, corticoid.
Paracetamol viên 0,5g uống 1 lần 1 viên/ngày 2-3 lần).
Corticoid (Medrol viên 16mg uống 2 viên buổi sáng x 2-3 ngày sau đó uống 1 viên x 2-3 ngày) nếu nặng methylprednisolone 40mg x 2 lọ, tiêm tĩnh mạch.
An thần: Diazepam 5mg uống lần 1 viên buổi tối khi đi ngủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Mai Trọng Khoa (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bằng Y học hạt nhân. Nhà xuất bản Y học.
2. Mai Trọng Khoa (2014). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Nhà xuất bản Y học.
3. Mai Trọng Khoa (2013). Ứng dụng kỹ thuật PET/CT trong ung thư. Nhà xuất bản Y học.
4. Mai Trọng Khoa (2012). Y học hạt nhân. Sách dùng cho sau đại học. Nhà xuất bản Y học.
5. Ell P.J., S.S. Gambir (2004). Nuclear Medicine in Clinical Diagnosis and Treatment. Churchill Livingstone.
6. Hans Jỹrgen Biersack, Leonard M. Freeman (2007). Clinical Nuclear Medicine. Springer-7. Verlag Berlin Heidelberg.
7. Janet FE, Winfried B (2007). Nuclear medicine therapy. Informa heathcare. New York. London.
8. Christiaan Schiepers (2006). Diagnostic Nuclear Medicine, 2nd Revised Edition. Springer - 2. Verlag Berlin Heidelberg.
9. Ell P.J., S.S. Gambir (2004). Nuclear Medicine in Clinical Diagnosis and Treatment. Churchill Livingstone.
10. Hans. Jỹrgen Biersack, Leonard. M. Freeman (2007). Clinical Nuclear Medicine. Springer-7. Verlag Berlin Heidelberg.
11. Hagop M. Kantarjian, Robert A. Wolff, Charles A. Koller (2006). The MD Anderson manual of medical oncology. McGraw-Hill.
12. Janet FE, Winfried B (2007). Nuclear medicine therapy. Informa heathcare. New York. London.