Kính gửi anh chị em đồng nghiệp,
Hơn 15 năm trước, cá nhân tôi đã rất trăn trở khi mơ hồ nhận ra việc quản trị trong bệnh viện đang tồn tại những vấn đề nghiêm trọng. Những vấn đề này khiến cho việc hành nghề của nhân viên y tế rất nhiều áp lực, hiệu quả không cao, kết quả đầu ra cho người bệnh chưa tương xứng. "Một vòng xoắn bệnh lý" cứ thế tiếp diễn, trong một bối cảnh hết sức phức tạp, lại đổi thay từng ngày khiến cho bệnh viện ngày một "bệnh" nặng hơn.
Thời sinh viên từ Y3 đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ. Những đêm trực trò chuyện với các tiền bối tại các các khoa, nghe ngóng những thông tin về bệnh viện, về khoa này, khoa kia. Thời đó đã có nghe các tiền bối than vãn về ISO 9001, có người lại khen và thấy rằng cái đó thật sự cần thiết. Tôi cũng không quan tâm nhiều, cũng như bao sinh viên, học viên, bác sĩ khác chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn và vấn đề bệnh tật của người bệnh mình đang theo dõi.
Rồi ra trường đi làm tại khoa cấp cứu của một bệnh viện. Lúc này, khi trực tiếp tham gia công việc của bác sĩ từ thực tập - chính thức - trực chính, các vấn đề không liên quan đến chuyên môn ngày một nhiều.
Nhiều khi đã có lúc tôi không thực sự chắc chắn điều tôi đang làm có lợi hay có hại cho người bệnh!
Cũng chứng kiến nhiều tình huống giao ca tua trước - tua sau có những quyết định rất vô lý và dẫn đến những tai biến cho người bệnh.
Những sự cố này dường như rất ít liên quan đến chuyên môn, hoặc nếu có liên quan đến trình độ chuyên môn thì vấn đề đằng sau/nguyên nhân của nó là gì?
Hành trình của tôi vẫn tiếp diễn như những bác sĩ khác, đó là học chuyên khoa sơ bộ, chuyên khoa I, chuyên khoa II, các chứng chỉ phụ.
Khi mà gánh nặng chuyên môn đi kèm với gánh nặng tài chính vào giao đoạn này cũng khó mà khiến chúng ta có thể tỉnh táo để nhìn theo một khía cạnh khác. Tuy nhiên những điều mơ hồ ngày càng trở thành hiện hữu, thậm chí có cảm giác chạm vào được nó. Mọi thứ dần trở lên sáng tỏ và hiển nhiên - NGUYÊN NHÂN GỐC.
Một ngày khoảng năm 2014-2015, một bác sĩ - bạn học cùng lớp CK1 tặng tôi 2 cuốn sách "Tài liệu đào tạo liên tục quản lý chất lượng bệnh viện" và "Tài liệu đào tạo an toàn người bệnh" do Bộ Y tế ban hành. Việc tiếp cận 2 cuốn sách này, chính thức được Bộ Y tế biên soạn mang lại cho tôi cảm giác rất đặc biệt. Trên chuyến xe về tỉnh từ thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù khá mệt mỏi sau một ngày học hành tại bệnh viện, tôi cũng đã đọc gần hết.
Điều này rất cần thiết để tôi áp dụng cho chính các công việc cá nhân của tôi về y tế.
Những trải nghiệm có được về Chất lượng, An toàn từ các ngành khác hay từ các đơn vị y tế mà tôi có cơ hội tiếp cận dường như tua lại với từng mục trong hai cuốn sách. Tôi cũng chiêm nghiệm lại với bối cảnh hiện tại của bệnh viện.
Có lẽ tôi đã có cảm giác "Giác ngộ" điều mà bao năm nay mơ hồ. Mọi cái hiện lên một cách có hệ thống.
Và 10 năm nay với vai trò là trưởng phòng QLCL của một bệnh viện, được tham gia nhiều hoạt động sâu - rộng về QLCL&ATNB tôi càng khẳng định và dần vẽ ra được bức tranh mơ hồ ngày trước.
Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 2.0 ra đời như là một giải pháp "thần kỳ" trong bối cảnh này.
Cùng nhiều văn bản khác từ Bộ Y tế. Các căn cứ pháp lý ngày càng củng cố dần hoạt động QLCL&ATNB. Trừ khi bệnh viện không muốn làm, sở y tế chưa xác định rõ tầm nhìn, nếu không bệnh viện có rất nhiều cơ hội để phát triển ngoạn mục. Nhưng cũng có nhiều đơn vị mong muốn làm, lại khó khăn trong việc chọn một mô hình phù hợp. Đặc biệt sự tham gia của nhiều đơn vị "tư vấn" "chuyên gia" thực sự chưa thấu hiểu môi trường bệnh viện, môi trường nhà nước, các khó khăn thực tế của các đơn vị lớn đến mức nào. Những đóng góp đó có vẻ tích cực giai đoạn đầu, nhưng càng về sau càng như những liều thuốc độc. Bệnh viện sai đường, sai mô hình. Sửa chữa mô hình rất khó khăn, nhưng còn sửa được. Niềm tin vào QLCL mất đi, thì khó mà lấy lại được.
Bệnh viện cần một mô hình quản lý chất lượng hiệu quả!
Việc xây dựng một mô hình quản lý chất lượng cho bệnh viện triển khai là công việc rất khó khăn, không thể làm một mình, không thể tự tổng hợp lý thuyết từ sách vở. Đây là công việc đòi hỏi đa ngành, trải nghiệm nhiều tổ chức, học hỏi nhiều nơi, góp ý của nhiều chuyên gia.
Viện năng suất Việt Nam - VNPI, một cơ quan của nhà nước. Thật may mắn khi tôi được tiếp cận rất sớm. Quên bệnh viện đi! Quên y tế đi! Quên chuyên môn đi! Tiếp cận công cụ năng suất, chất lượng từ gốc! Rồi sàng lọc, tinh chỉnh, đồng bộ vào bệnh viện. Những chuyên gia năng suất - chất lượng cũng đã đưa ra nhiều lời khuyên cụ thể trong các tình huống của bệnh viện.
"Ngôi nhà Lean" rất hay. Nhưng áp dụng trong y tế thì ...không hiểu bắt đầu từ đâu.
"Bệnh viện là ngôi nhà thứ hai" của anh chị em đồng nghiệp chúng ta. Những năm tháng đẹp nhất của đời người chúng ta ở bệnh viện, những thời khắc đẹp nhất một ngày chúng ta ở bệnh viện, những người bạn tốt nhất của chúng ta ở bệnh viện. Có khi vợ, con, ba mẹ, ông bà, anh chị họ hàng chúng ta cũng đang ở đây cùng với chúng ta trong những khoảnh khắc đẹp - tốt nhất của cuộc đời.
Và chính chúng ta khi được sinh ra, cũng như một ngày nào đó chúng ta về cõi vĩnh hằng cũng sẽ ở bệnh viện...
Nhiều khi không biết liệu "Ngôi nhà thứ hai" này chúng ta gắn bó có nhiều hơn "Ngôi nhà thứ nhất" hay không!?
Vậy tại sao chúng ta không dốc hết sức mình vì "Ngôi nhà thứ hai" này.
Chiêm nghiệm đó, cảm hứng đó, nhóm đã khởi xướng xây dựng và áp dụng "Ngôi nhà chất lượng - Quality House" trong mọi hoạt động QLCL&ATNB của mình. Rất may mắn khi "Quality House" hội tụ đầy đủ các nguyên tắc của ISO 9001, PDCA, vai trò của lãnh đạo, SOPPs, Kaizen Teian, ... Chuyên gia viện năng suất cũng đã xem và góp ý để phù hợp với các kiến thức, các nguyên tắc GỐC của quản trị, của quản lý chất lượng. Chuyên gia bên y tế cũng đã góp ý về tính khả thi và phù hợp. Đặc biệt có ý kiến từ một người Thầy của tôi - Một trong các chuyên gia về QLCL&ATNB hàng đầu của Việt Nam.
Tháng 11 năm nay, thật tình cờ khi nhân viên của tôi kể lại với tôi rằng, "Quality House" được một giảng viên đại học lấy ra làm ví dụ trong bài giảng về QLCL của Cô. Cô đã khen rất nhiều. Bạn của nhân viên tôi đang theo học sau đại học ở đó và kể lại. Đây thật sự là động lực rất lớn cho nhóm và cả cá nhân tôi.
Quản lý chất lượng dường như luôn gắn với chữ DUYÊN, nơi mà những người đam mê sẽ luôn có cách để kết nối.
Đại dịch Covid - 19 tàn phá ngành Y, tàn phá thảnh quả của bệnh chưa là gì so với "Hậu Covid". Bệnh viện điêu đứng, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt. Và...nhân viên làm QLCL cũng không ngoại lệ. Mọi người chợt nhận ra nhiều thứ. Niềm tin là cái dễ mất đi nhất và khó lấy lại nhất.
Trong bối cảnh như thế, bất cứ tác động nhỏ nào cũng khiến bất cứ ai cũng nhanh chóng đưa ra những quyết định mạnh nhất. TỪ BỎ! Quá dễ và thanh thản để đến các cơ hội khác khắp nơi ngoài y tế.
Người Thầy lớn nhất của tôi luôn động viên tôi. Luôn phân tích các khía cạnh bằng những câu chuyện dễ hiểu. Càng khó khăn như hiện nay, càng cần anh chị em QLCL chúng ta. Chúng ta cũng có càng nhiều việc để làm, nói vui là không bao giờ sợ thất nghiệp.
Mọi cái tốt hết rồi. Thì cần QLCL làm gì!!!
Với sự quan tâm đặc biệt của Uỷ Ban Tỉnh, các cấp. Các bệnh viện đã dần thoát khó. Và nhất định thoát khó. Sự đổi thay về nhân sự, đổi thay về quan điểm, đổi thay về nhận thức sau giai đoạn khó khăn sẽ là điều kiện đủ để các bệnh viện "lột xác" chuyển mình!
Tôi cũng có nhiều kinh nghiệm quý báu từ đó để hoàn thiện "Quality House" của mình.
Tháng 11 năm 2024, đoàn Bộ Y tế Lào ghé bệnh viện tham quan và cùng nhau chia sẻ Quản lý chất lượng và An toàn người bệnh. Như Ban giám đốc có nói, đây là cơ hội để chính bệnh viện rà soát lại các việc làm được, những gì chưa làm được - và vì sao, để mà cải tiến. Tôi cũng có nhiều suy nghĩ và kiện toàn phiên bản 3 của "Quality House" gửi đến Anh chị em đồng nghiệp.
Chúng ta cùng nhau xây dựng Ngôi nhà thứ hai - Ngôi nhà chất lượng của chính chúng ta nhé!
(Mình để hình Quality House ở đây, các bài viết sau phân tích từng khía cạnh, cách triển khai theo mô hình. Anh chị em có thể mở tab khác để chuyển qua lại đối chiều với hình sẽ dễ hơn).