1. ĐẠI CƯƠNG
- Siêu âm Doppler xuyên sọ dựa trên nguyên lý các sóng siêu âm sẽ phản chiếu lại khi xuyên qua một vật thể chuyển động trong dòng máu (hồng cầu) với tần số sóng phản xạ thay đổi theo tốc độ và hướng chuyển động của hồng cầu.
- Các tín hiệu ghi được qua thăm dò vùng thái dương (temporal window) cho phép xác định các thông số về động mạch não giữa, não trước, não sau. Qua cửa sổ ổ mắt cho biết các thông số của động mạch đốt sống và thân nền. Qua cửa sổ ổ mắt có thể xác định được các thông số của động mạch mắt và động mạch cảnh trong.
2. CHỈ ĐỊNH
- Chẩn đoán chết não
- Theo dõi và chẩn đoán co thắt mạch sau chảy máu dưới nhện
- Theo dõi và chẩn đoán tăng áp lực trong sọ
- Theo dõi trong phẫu thuật
- Những trường hợp tình trạng người bệnh nặng di chuyển khó khăn
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
TCD là kỹ thuật không xâm nhập, không nguy hại nên không có chống chỉ định
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
Một bác sỹ và một điều dưỡng
4.2. Phương tiện, dụng cụ, thuốc
Máy siêu âm Doppler xuyên sọ, gel bôi đầu dò, khăn lau
4.3. Người bệnh
Trong tư thế nằm, các vùng cửa sổ siêu âm được vệ sinh sạch sẽ và được bộc lộ tốt.
4.4. Hồ sơ bệnh án
Cần ghi rõ tên tuổi địa chỉ, giới tính, chẩn đoán lâm sàng, ngày giờ làm siêu âm và bác sỹ làm siêu âm.
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra tên tuổi, chẩn đoán lâm sàng, lý do làm siêu âm cấp cứu tại giường.
5.2. Kiểm tra người bệnh
Kiểm tra các chức năng sống của người bệnh như tình trạng hô hấp, mạch, nhiệt độ huyết áp. Kiểm tra các vùng cửa sổ thăm dò có sạch sẽ không, được bộc lộ tốt không.
5.3. Thực hiện kỹ thuật
5.3.1. Các bước siêu âm qua cửa sổ thái dương
Bước 1:
- Đặt độ sâu khoảng 50-56mm (điểm giữa của đoạn M1 MCA được thiết lập ở độ sâu xấp xỉ 50mm).
- Đặt đầu dò ở vị trí trên cung gò má, chĩa đầu dò hơi hướng lên trên và ra trước tới tai bên đối diện.
- Tìm bất cứ tín hiệu dòng chảy nào và tránh tạo góc quá ra trước hoặc quá ra sau.
- Bằng việc giảm độ sâu, theo dõi tín hiệu đến điểm đầu xa của M1 mà không mất tín hiệu. Thường thì việc điều chỉnh nhẹ góc đầu dò là cần thiết.
- Lưu lại tín hiệu đầu xa của M1 MCA tại độ sâu 45mm. Nếu các tín hiệu ở cả hai hướng được tìm thấy, lưu lại tín hiệu tốc độ cao nhất ở mỗi hướng (các nhánh đầu xa M1-đầu gần M2).
Bước 2:
- Theo dõi các tín hiệu cho đến tận khi chúng biến mất ở độ sâu 35-45mm.
- Lưu lại bất kỳ tín hiệu bất thường nào.
- Quay trở lại với tín hiệu của M1 MCA đầu xa.
Bước 3:
- Theo dõi thân của M1MCA đến tận gốc của nó ở độ sâu 60-70mm phụ thuộc vào kích thước hộp sọ ở người bệnh người lớn. Chú ý tới sự thay đổi về tốc độ dòng chảy và âm thanh khi siêu âm tới đoạn tận động mạch cảnh trong cũng có thể ở những độ sâu này.
- Tìm chỗ phân chia của động mạch cảnh trong ở độ sâu xấp xỉ 65mm (phạm vi từ 58-70mm ở người lớn) và nhận những tín hiệu cả hai đầu xa của M1 MCA và đầu gần A1 ACA.
- Lưu lại những tín hiệu hai hướng ở chỗ phân chia (M1/A1).
Bước 4:
- Theo dõi tín hiệu A1 ACA cho đến tận những độ sâu 70-75mm.
- Lưu lại tín hiệu A1 ACA ở độ sâu 70mm.
Bước 5:
- Theo dõi tín hiệu A1 ACA đến tận phạm vi độ sâu đường giữa (75-80mm). Tín hiệu A1 ACA có thể biến mất hoặc tín hiệu hai hướng có thể xuất hiện ở độ sâu đường giữa.
- Lưu lại bất cứ tín hiệu bất thường nào.
- Quay trở lại chỗ phân chia ở độ sâu 65mm.
Bước 6:
- Tìm tín hiệu chỗ kết thúc của động mạch cảnh trong ngay phía dưới và thỉnh thoảng hơi phía sau chỗ phân chia ở độ sâu 60-65mm. Nếu đầu dò được tạo góc phía dưới và phía trước tới chỗ phân chia của động mạch cảnh trong ở các độ sâu 60-70mm, phần xa của động mạch cảnh đoạn siphon có thể được tìm thấy qua cửa sổ thái dương.
- Lưu lại bất cứ tín hiệu bất thường nào.
- Quay lại chỗ phân chia ở độ sâu 65mm.
Bước 7:
- Đặt độ sâu ở 63mm và xoay đầu dò ra phía sau 10-30o.
- Thường có một khoảng trống dòng chảy giữa chỗ phân chia của động mạch cảnh trong và các tín hiệu của động mạch não sau.
- Tìm các tín hiệu của PCA cùng hướng đầu dò (P1) và ngược hướng đầu dò (P2) và ở độ sâu trong phạm vi 55-75mm.
- Lưu lại các tín hiệu PCA với tốc độ dòng chảy cao nhất.
5.3.2. Các bước siêu âm qua cửa sổ ổ mắt
Bước 1:
- Giảm năng lượng (Power) tới mức thấp nhất (17mW) hoặc 10%.
- Đặt độ sâu ở mức 50-52mm, đặt đầu dò trên mí mắt và tạo một góc nhẹ với đường giữa.
- Xác định mạch và hướng dòng chảy đầu xa động mạch mắt.
- Lưu lại tín hiệu dòng chảy đầu xa động mạch mắt ở độ sâu 52mm.
Bước 2:
- Tăng độ sâu lên tới 60-64mm tìm các tín hiệu dòng chảy động mạch cảnh trong đoạn Siphon.
- Các tín hiệu của đoạn Siphon thường ở chính giữa cửa sổ ổ mắt.
- Lưu lại các tín hiệu hai hướng ở độ sâu 62mm (C3 hoặc gối Siphon).
- Nếu tín hiệu chỉ ở một hướng, lưu lại các tín hiệu cùng hướng đầu dò (C4 hoặc cánh tay dưới của Siphon) và ngược hướng đầu dò (C2 hoặc cánh tay trên của Siphon).
5.3.3. Các bước siêu âm qua cửa sổ dưới chẩm
Bước 1:
- Đặt lại hệ thống mức năng lượng (Power) cao nhất.
- Đặt đầu dò ở đường giữa và dưới 1 inch (2,54cm) so với gờ xương sọ và chĩa tới sống mũi.
- Đặt độ sâu ở 75mm (vị trí được cho là điểm kết thúc của động mạch đốt sống và bắt đầu động mạch thân nền).
- Xác định tín hiệu dòng chảy ngược hướng đầu dò.
- Tín hiệu này có thể là đoạn tận của động mạch đốt sống (góc đầu dò hơi chếch sang phía bên) hoặc của đầu gần động mạch thân nền (đầu dò đặt ở chính giữa và hơi hướng lên trên).
- Tăng độ sâu, theo dõi dòng chảy ngược hướng đầu dò. Độ sâu tăng lên được cho là tập trung chùm tia vào đầu gần của động mạch thân nền.
- Lưu lại tín hiệu đầu gần động mạch thân nền tới độ sâu 80mm.
Bước 2:
- Theo dõi động mạch thân nền tới độ sâu 90mm (đoạn giữa động mạch thân nền).
- Các tín hiệu hai hướng có thể được tìm thấy ở các độ sâu khác nhau với dòng chảy sức trở kháng thấp của các động mạch tiểu não cùng hướng đầu dò.
- Lưu lại các tín hiệu bất thường.
Bước 3:
- Theo dõi động mạch thân nền đầu xa tới độ sâu 100+mm đến tận khi nó biến mất hoặc thay thế bởi tín hiệu tuần hoàn phía trước.
- Lưu lại tín hiệu tốc độ cao nhất ở độ sâu đầu xa động mạch thân nền.
Bước 4:
Theo dõi thân động mạch thân nền quay về phía trước trong khi giảm độ sâu của siêu âm tới 80mm và khẳng định những dấu hiệu trước đó.
Bước 5:
- Đặt đầu dò khoảng 1 inch sang bên so với đường giữa và chĩa về hướng sống mũi hoặc hơi chếch về mắt bên đối diện.
- Tìm tín hiệu dòng chảy của động mạch đốt sống ngược hướng với đầu dò.
- Theo dõi đường đi của đoạn động mạch đốt sống trong sọ từ độ sâu 80mm đến 40mm.
- Lưu lại tín hiệu của động mạch đốt sống ở độ sâu 60mm hoặc tín hiệu tốc độ dòng chảy cao nhất.
Bước 6:
- Đặt đầu dò ở vị trí bên đối diện lệch 1 inch so với đường giữa.
- Nhắc lại các bước kiểm tra động mạch đốt sống cho bên đối diện từ 80 tới 40mm.
- Lưu lại tín hiệu động mạch đốt sống ở độ sâu 60mm hoặc tín hiệu tốc độ dòng chảy cao nhất.
6. THEO DÕI
Cần theo dõi sát các chức năng sống.
7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Không có tai biến do siêu âm xuyên sọ gây ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Văn Thính(2001). “Doppler xuyên sọ”. Bài giảng Thần kinh dành cho đối tượng chuyên khoa định hướng. Bộ môn Thần kinh Trường Đại học Y Hà Nội, 228-232.
2. Andrei V. Alexandrov, MD, RVT (2004). Cerebrovascular ultrasound in stroke prevention and treatment, 17-32; 81-129.
3. William J. Zwiebel, M.D (2004). Introduction to vascular ultrasonography, 145-172.
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến