1. ĐẠI CƯƠNG
Siêu âm can thiệp chọc hút nang giả tụy qua da là một kỹ thuật nhằm hút dẫn lưu dịch từ nang giả tuỵ qua kim nhỏ.
2. CHỈ ĐỊNH
Nang giả tụy tồn tại > 4 tuần, kích thước lớn (>6cm), có triệu chứng đau hoặc có biến chứng nhiễm trùng.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Người bệnh nghi ngờ nhồi máu cơ tim, hội chứng mạch vành cấp, phình tách động mạch chủ, rối loạn nhịp tim phức tạp, tăng huyết áp không kiểm soát được, suy hô hấp, tụt huyết áp.
- Rối loạn đông máu: tỷ lệ prothrombin <50%, tiểu cầu < 50 G/l.
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
02 bác sỹ và 01 điều dưỡng.
4.2. Phương tiện
4.2.1. Dụng cụ
- Máy siêu âm đầu dò quét thẳng hoặc quét hình quạt
- Kim Seldinger 18G.
- Găng, bông, gạc vô khuẩn.
- Các dụng cụ vô khuẩn khác: bơm và kim tiêm, chỉ khâu chân dẫn lưu, khay men, khay quả đậu, khăn trải có lỗ, các lọ đựng bệnh phẩm làm xét nghiệm, lam kính.
4.2.2. Thuốc
Thuốc sát khuẩn, thuốc gây tê lidocain 2%
4.3. Người bệnh
- Người bệnh phải nhịn ăn sáng.
- Người bệnh hoặc người nhà người bệnh phải được giải thích trước và ký giấy cam đoan đồng ý làm thủ thuật.
- Người bệnh phải làm các thăm dò chẩn đoán hình ảnh khác (chụp CT ổ bụng hoặc làm siêu âm nội soi) để xác tổn thương nang giả tụy.
4.4. Hồ sơ bệnh án
- Người bệnh sau khi tiến hành thủ thuật phải được ghi vào Phiếu kết quả nội soi để trả lại cho người bệnh. Nếu người bệnh nội trú thì dán kết quả vào bệnh án.
- Giấy cam đoan đồng ý làm thủ thuật phải được lưu tối thiểu 6 tháng.
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Đặt đầu dò tìm vị trí thuận lợi nhất: đường đi của kim không đi qua các mạch máu, tránh vị trí có ống tiêu hóa, túi mật.
- Sát khuẩn vùng định chọc, trải khăn có lỗ.
- Gây tê tại chỗ.
- Dưới hướng dẫn siêu âm tìm nang tụy, chọn đường đi vào nang an toàn nhất, dùng kim chọc hút đi qua da và nang, tiến hành hút dịch nang đến khi hết dịch. Bệnh phẩm đưa làm xét nghiệm.
6. THEO DÕI
- Theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, vị trí chọc kim, chân ống thông dẫn lưu, tình trạng bụng, tình trạng hô hấp của người bệnh trong 24giờ sau làm thủ thuật.
- Thay băng, vệ sinh chân dẫn lưu hằng ngày.
7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
7.1. Chảy máu
Nếu có dịch ổ bụng chọc dò ra máu thì cần xét chỉ định ngoại khoa để phẫu thuật.
7.2. Thủng tạng rỗng
Theo dõi, hội chẩn chuyên khoa Ngoại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế, Quy trình kỹ thuật bệnh viện.
2. Alexander A. Aghdassi, Julia Mayerle, Matthias Kraft et al. Pancreatic pseudocysts when and how to treat? HPB (oxford). 2006;(8): 432-441
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến