Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Phẫu thuật sinh thiết hạch cổ

1. ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật sinh thiết hạch cổ là phẫu thuật bóc lấy một phần hoặc toàn bộ một hạch điển hình vùng cổ để làm giải phẫu bệnh. Bên cạnh chọc hút hạch bằng kim nhỏ thì sinh thiết hạch cổ là một phẫu thuật giúp chẩn đoán bệnh lý viêm và hình ảnh tổ chức học của hạch, nếu là u thì lành hay ác tính, nguyên phát hay di căn từ cơ quan nào, bộ phận nào của cơ thể.

2. CHỈ ĐỊNH

- Hạch sưng ở vùng cổ ở bất kỳ vị trí nào, mới, to hay nhỏ, di động hay cố định, đau hay không, chưa rõ ràng bản chất của hạch.
- Hạch ở vùng cổ không đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Sinh thiết hạch nhằm chẩn đoán hạch viêm, u lành hay ác tính, di căn từ lĩnh vực đầu, mặt, cổ hay từ đâu đến.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Chống chỉ định trong các thủ thuật ngoại khoa chung như bệnh về máu, đang bị bệnh cấp tính, bệnh mạn tính đang tiến triển nặng, cũng có thể chỉ trì hoãn sinh thiết trong trường hợp người bệnh quá yếu không chịu đựng được phẫu thuật do bệnh lý nào đó như bệnh chuyển hóa, bệnh hệ thống, suy mòn vì ung thư…

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

Các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng như chuyên khoa định hướng trở lên được đào tạo về phẫu thuật sinh thiết.

4.2. Phương tiện

- Bộ dụng cụ phẫu thuật sinh thiết hạch như dao, kéo, kẹp cầm máu, kim chỉ, bông băng, cồn gạc.
- Thuốc tê (lidocain + adrenalin 1/10.000).

4.3. Người bệnh

- Phải được khám tổng quan và khám hạch tại chỗ cần làm phẫu thuật, làm xét nghiệm đầy đủ:
+ Công thức máu.
+ Đông máu cơ bản.
- Siêu âm vùng cổ và vị trí hạch, nếu có điều kiện chụp phim cắt lớp vi tính vùng cổ khi cần.
- Khám trước phẫu thuật, nếu người bệnh có những bệnh lý nặng như tim mạch, gan, thận thì phải có ý kiến của bác sĩ gây mê và hội chẩn bác sĩ chuyên khoa trước khi làm phẫu thuật.
- Giải thích cho người bệnh về cách thức tiến hành phẫu thuật, các tai biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật và cách săn sóc hậu phẫu.

4.4. Hồ sơ bệnh án

Hoàn thành hồ sơ bệnh án theo như quy định chung của Bộ Y tế.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Kiểm tra hồ sơ

5.2. Kiểm tra người bệnh

5.3. Vô cảm

Phẫu thuật sinh thiết hạch cổ có thể tiến hành dưới gây tê tại chỗ hay gây mê toàn thân, trẻ em dưới 10 tuổi và người bệnh quá nhút nhát nên gây mê.

5.4. Tư thế

- Người bệnh nằm ngửa, cổ hơi nghiêng về bên đối diện với bên cần sinh thiết, có gối kê dưới cổ để nổi rõ vùng hạch cần sinh thiết.
- Phẫu thuật viên chính đứng bên phải người bệnh, người phụ đứng bên đối diện phẫu thuật viên và phía trên đầu người bệnh.

5.5. Kỹ thuật

- Sát trùng rộng rãi vùng cổ cần sinh thiết hạch.
- Tiêm thuốc tê lidocain có pha thêm adrenalin pha loãng (1/10.000) để có hiệu quả vừa giảm cảm giác đau và hạn chế chảy máu tại chỗ trong quá trình phẫu thuật.
- Dùng dao số 15 hay 11 rạch da trên vùng hạch, bộc lộ hạch cần sinh thiết, cầm máu cẩn thận. Nên rạch theo nếp lằn cổ để hạn chế sẹo xấu.
- Dùng kéo hay dụng cụ bóc tách để lấy toàn bộ khối hạch.
- Đặt dẫn lưu hố mổ hoặc không tùy từng trường hợp cụ thể.
- Khâu da 2 hay 3 lớp.
- Cần thận trọng khi bóc tách khối u ở các vị trí gần mạch máu lớn vùng cổ hay thần kinh, đặc biệt khi hạch cổ đã dính vào tổ chức lân cận.
- Lấy được hạch có thể gửi khoa giải phẫu bệnh xét nghiệm trả lời ngay (sinh thiết tươi) nếu không có điều kiện trả lời ngay phải giữ bệnh phẩm vào dung dịch formol 10% để bệnh phẩm không bị hỏng.

6. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC SAU PHẪU THUẬT

- Băng ép vô trùng vết mổ.
- Thay băng hằng ngày.
- Cắt chỉ sau 6 - 7 ngày.

7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Chảy máu có thể xảy ra trong trường hợp hạch nằm gần mạch máu hay dính vào mạch máu: cần thao tác và khâu buộc mạch máu cẩn thận.
- Tụ máu: có thể banh vết mổ để lấy khối máu tụ sau đó băng ép.
- Tổn thương các dây thần kinh vùng cổ: cần bóc tách các hạch cẩn thận, tránh các dây thần kinh vùng cổ.