1. ĐẠI CƯƠNG
- Kỹ thuật đặt van phát âm là thủ thuật tạo đường thông và đặt van phát âm vào khí thực quản cho người bệnh đã cắt thanh quản toàn phần để tái tạo chức năng phát âm cho người bệnh.
- Có hai kiểu gồm đặt van thì 1 (trong khi mổ cắt thanh quản), đặt van thì 2 (sau mổ cắt thanh quản).
2. CHỈ ĐỊNH
Người bệnh ung thư thanh quản, ung thư hạ họng đã cắt thanh quản toàn phần.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Lỗ thở quá hẹp.
- Không có khả năng sử dụng và chăm sóc van.
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
Các bác sỹ chuyên khoa Tai Mũi Họng từ chuyên khoa I trở lên được đào tạo về phẫu thuật đầu cổ.
4.2. Phương tiện
- Bộ dụng cụ đặt van gồm có trôca, dây đặt van, ống soi thực quản.
- Van khí thực quản loại Provox, Bloom-Singer.
4.3. Người bệnh
- Khám nội soi tai mũi họng, làm xét nghiệm đầy đủ:
+ Công thức máu.
+ Đông máu cơ bản.
+ Chức năng gan, thận.
- Khám trước mổ bởi bác sĩ Gây mê hồi sức.
- Giải thích về cách thức phẫu thuật, tai biến có thể xảy ra.
4.4. Hồ sơ bệnh án
Hoàn thiện hồ sơ bệnh án theo như quy định chung.
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Đặt van thì 1
Đây là một thì trong cắt thanh quản toàn phần được tiến hành dưới gây mê toàn thân.
5.1.1. Tư thế
Người bệnh nằm ngửa, có gối độn vai, đầu ngửa tối đa (như tư thế cắt thanh quản toàn phần).
5.1.2. Kỹ thuật
Luồn ống bảo vệ họng vào ống thực quản của người bệnh đến ngang mức đầu khí quản đã cắt sao cho đầu vát của ống áp sát vào thành thực - khí quản.
- Chọc trôca từ phía khí quản sang thực quản, cách đầu trên của khí quản khoảng 0,5 - 1 cm ở vị trí chính giữa thành khí thực quản. Hướng trôca từ trước ra sau, từ dưới lên trên sao cho nòng trôca đi vào lòng ống bảo vệ họng.
- Rút nòng trong của trôca, luồn dây qua nòng ngoài từ khí quản sang thực quản, gắn van vào dây kéo từ phía thực quản sang bên khí quản sao cho hai đầu loe của van nằm áp sát vào thành khí quản và thành thực quản.
5.2. Đặt van thì 2
Được tiến hành sau cắt thanh quản ổn định, nếu người bệnh có điều trị tia xạ hậu phẫu thì phải đợi sau 6 tháng mới tiến hành đặt van được.
5.2.1. Kiểm tra hồ sơ
5.2.2. Kiểm tra người bệnh
5.2.3. Vô cảm
Phẫu thuật thực hiện dưới gây mê giãn cơ toàn thân.
5.2.4. Tư thế
Người bệnh nằm ngửa, có gối độn vai, đầu ngửa tối đa.
5.2.5. Kỹ thuật
- Dùng ống soi thực quản 30 cm soi ống họng, kiểm tra khi thấy đầu ống đến ngang tầm miệng lỗ thở (bóng ánh sáng từ ống soi qua thành khí thực quản), xoay ống soi 180 sao cho mặt vát của ống áp vào thành khí thực quản.
- Chọc trôca từ phía khí quản sang thực quản, cách đầu trên của khí quản khoảng 0,5 - 1 cm ở vị trí chính giữa thành khí thực quản. Hướng trôca từ trước ra sau, từ dưới lên trên sao cho nòng trôca đi vào lòng ống bảo vệ họng.
- Rút nòng trong của trôca, luồn dây qua nòng ngoài từ khí quản sang thực quản lên đến miệng người bệnh, gắn van vào dây kéo từ phía thực quản sang bên khí quản sao cho hai đầu loe của van nằm áp sát vào thành khí quản và thành thực quản.
6. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC SAU MỔ
- Theo dõi sự cố định của van vào thành khí - thực quản.
- Hút, vệ sinh van đảm bảo sự thông thoáng.
- Dạy người bệnh tập phát âm ngay ngày thứ 2.
7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
- Chảy máu: ít xảy ra, thường do rách thành khí - thực quản.
- Tổn thương thành sau thực quản gây nhiễm trùng thực quản: cho người bệnh kháng sinh, nếu có áp xe phải mở dẫn lưu.
- Tụt van: đặt lại van.
- Đăng nhập để gửi ý kiến