Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Phẫu thuật nang tarlov

1. ĐẠI CƯƠNG

- Nang Tarlov là phần phình ra của khoang dịch não tủy của một rễ thần kinh. Chúng thường gặp nhất ở vùng xương cùng, vị trí mà nang Tarlov có thể gây ăn mòn vào các thành xương và gây nên chèn ép thần kinh.
- Tarlov lần đầu tiên mô tả nang này vào năm 1938 trong nghiên cứu mổ xác vùng cùng cụt. Kể từ đó đã có nhiều thông báo về bệnh lý này. Đặc biệt với sự ra đời của MRI, việc chẩn đoán nang Tarlov càng dễ dàng hơn.
- Nang Tarlov nhỏ và không triệu chứng gặp vào khoảng 5%, số lượng nang có triệu chứng lâm sàng rất ít gặp.
- Có nhiều phương pháp được đặt ra để điều trị nang Tarlov có triệu chứng như: chọc hút dịch trong nang, chọc hút kèm tiêm xơ … Trong những năm qua, phẫu thuật đang được ưu tiên sử dụng.

2. CHỈ ĐỊNH

- Nang Tarlov vùng cùng cụt gây chèn ép rễ thần kinh và có biểu hiện trên lâm sàng (Thường kích thước của nang >1,5 cm)
- MRI có hình ảnh nang Tarlov tương ứng lâm sàng
- Chụp XQ tuỷ cản quang sal 6h vẫn còn hình ảnh lưu thuốc trong nang, chứng tỏ sự chèn ép của nang có ý nghĩa gây biểu hiện triệu chứng thần kinh

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Các tổn thương dạng nang khác
- Triệu chứng chèn ép rễ thần kinh do các nguyên nhân khác như: thoát vị đĩa đệm, u thần kinh …

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

1 phẫu thuật viên chuyên sâu về cột sống, 2 phụ phẫu thuật, 1 dụng cụ viên.

4.2. Người bệnh

- Hoàn thành các phương tiện chẩn đoán hình ảnh: X quang và MRI nhằm chẩn đoán xác định nang Tarlov.
- Giải thích cho người bệnh và gia đình về tình trạng bệnh và phương pháp mổ, các nguy cơ tai biến và rủi ro.

4.3. Phương tiện

- Bộ dụng cụ phẫu thuật cột sống thắt lưng
- Bộ dụng cụ vi phẫu thuật
- Kính hiển vi phẫu thuật
- Khoan mài tốc độ cao
- Vật liệu cầm máu và vá màng cứng: Chỉ đơn sợi không tiêu 5/0 hoặc 6/0 để khâu tạo hình màng cứng.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Tư thế

Người bệnh nằm sấp, độn gối kê dưới ngực và cánh chậu

5.2. Vô cảm

Gây mê nội khí quản

5.3. Kỹ thuật

- Sát trùng vùng mổ và trải toan
- Xác định mốc giải phẫu theo C.arm
- Rạch da, bóc tách các lớp cân cơ đến vùng cùng cụt
- Xác định vị trí nang Tarlov tương ứng trên MRI dựa vào giải phẫu trong mổ và C.arms
- Mở cung sau S1 - S2vùng tiếp cận nang
- Bộc lộ màng cứng và xác định nang Tarlov
- Nhận định: Kích thước và giới hạn nang, rễ bị chèn ép và rễ hình thành nang.
- Tạo hình và lấy bỏ vỏ nang, khâu van nối thông giữa rễ thần kinh và nang Tarlov
- Kiểm tra sự rò rỉ của dịch não tủy
- Xét cố định cột sống kèm theo nếu nang quá lớn
- Cầm máu kỹ
- Dẫn lưu ngoài cơ
- Đóng các lớp theo giải phẫu

6. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

6.1. Theo dõi

Ngay sau mổ
- Đánh giá tình trạng huyết động sau mổ
- Đánh giá lâm sàng sau mổ
- Đánh giá tình trạng vết mổ
- Rút dẫn lưu sau 24 - 48 giờ, lưu ý màu sắc và số lượng dẫn lưu

Theo dõi sau mổ
- Đeo đai cứng cột sống 6 tuần sau mổ
- Đánh giá hồi phục triệu chứng lâm sàng thần kinh
- Đánh giá sự liền của vết mổ

6.2. Xử trí tai biến

- Rò dịch não tủy: Cho nằm đầu thấp chân cao, dùng thuốc giảm tiết dịch não tủy (Diamox), băng ép chặt vết mổ. Nếu các phương án trên không hiệu quả đòi hỏi phải tiến hành phẫu thuật vá màng cứng
- Tổn thương thần kinh: nang Tarlov phát triển từ 1 rễ thần kinh nên trong quá trình tạo hình nang có nguy cơ tổn thương thần kinh. Trong mổ, nên có kính hiển vi hỗ trợ và đòi hỏi phẫu thuật viên thần kinh - cột sống có kinh nghiệm.