1. ĐẠI CƯƠNG
U tủy là những u phát triển từ bên trong hoặc xung quanh tủy sống, xuất phát từ màng tủy. Các u này có thể ở trong tủy sống, hoặc bên dưới màng tủy ngoài tủy sống hoặc nằm giữa màng tủy và cột sống.
U tủy biểu hiện lâm sàng nghèo nàn, nếu phát hiện muộn có thể để lại nhưng di chứng nặng nề: liệt, rối loạn cơ tròn…
Phẫu thuật là một trong các cách điều trị mang lại hiệu quả cao, giải quyết căn nguyên. Tuy nhiên trong phẫu thuật, bắt buộc phải mở cung sau cột sống để lấy bỏ khối u mà việc mở cung sau này gây mất vững cột sống. Chính vì vậy người bệnh cần phải phối hợp cố định cột sống bằng nẹp vít trong mổ.
2. CHỈ ĐỊNH
Chỉ định mổ lấy u khi người bệnh được chẩn đoán là u tủy gần như là tuyệt đối. Tuy nhiên chỉ định cố định cột sống phối hợp trong mổ khi:
- Mở từ hai cung sau trở lên.
- Mở trên một cung sau nhưng có kèm cắt eo hoặc diện khớp gây mất vững cột sống.
- U có gây tổn thương đốt sống.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh lớn tuổi, nhiều bệnh phối hợp, không đủ sức chịu đựng hoặc khi giai đoạn quá muộn.
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên (PTV) là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật cột sống hoặc phẫu thuật thần kinh.
- Số lượng PTV cần từ hai trở lên.
4.2. Người bệnh
- Vệ sinh cá nhân, thụt tháo, dặn người bệnh nhịn ăn, test kháng sinh.
- Với người bệnh thể trạng kém, cần dinh dưỡng nâng cao thể trạng trước mổ.
- Hội chẩn các chuyên khoa để điều trị ổn định các bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan...
- Giải thích người bệnh và gia đình về bệnh, nguy cơ liệt, tiểu tiện không tự chủ, ảnh hưởng chức năng sinh dục, nhiễm trùng vết mổ, thậm chí tử vong có thể xảy ra.
4.3. Phương tiện
- Dụng cụ tiêu hao như băng, gạc, betadin, găng tay, kim tiêm…
- Hộp tủy mổ cột sống, hộp thường, dụng cụ nẹp vit, bộ dụng cụ bắt vit.
- Kính hiển vi vi phẫu lấy u.
- Bộ lấy u vi phẫu.
- Máy chụp C-arm trong mổ
- Chỉ prolene khâu màng cứng, chỉ đóng vết mổ.
4.4. Dự kiến thời gian phẫu thuật
Từ 120 phút trở lên.
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Tư thế
Người bệnh nằm sấp.
5.2. Vô cảm
Mê nội khí quản có giãn cơ.
5.3. Kỹ thuật
Bước 1: Xác định vị trí phẫu thuật trên C-arm. Gây tê, Rạch da.
Bước 2: Bóc tách cơ cạnh sống.
Bước 3: Bắt vít cố định cột sống phía trên và dưới vị trí khối u trong trường hợp khối u lớn, bắt buộc phải mở rộng cung sau để lấy u gây mất vững cột sống.
Bước 4: Mở cung sau giải ép.
Bước 5: Mở màng cứng nếu u dưới màng cứng.
Bước 6: Dùng kính hiển vi lấy u.
Bước 7: Đóng màng cứng, cầm máu.
Bước 8: Đặt dẫn lưu.
Bước 9: Đóng các lớp.
6. THEO DÕI VÀ NGUYÊN TẮC XỬ TRÍ TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG
6.1. Theo dõi
- Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp
- Tác dụng phụ thuốc gây mê: nôn, buồn nôn,…
- Theo dõi dẫn lưu vết mổ: số lượng, màu sắc.
- Theo dõi lâm sàng: vận động, cảm giác ngay sau mổ, đánh giá so sánh với trước mổ.
- Lấy u gửi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý và dựa vào kết quả này để tư vấn và điều trị nội khoa phối hợp tiếp theo cho người bệnh.
6.2. Các biến chứng
- Liệt vận động chi: cần chụp MRI cấp cứu xác định nguyên nhân, tùy nguyên nhân sẽ có hướng xử trí,ví dụ: nếu do máu tụ, mổ lại lấy máu tụ.
- Tê buốt chi sau mổ: thường điều trị nội khoa.
- Nhiễm trùng vết mổ: thay băng, cấy dịch vết mổ, thay kháng sinh theo kháng sinh đồ.
- Các biến chứng do nằm lâu nếu người bệnh già yếu hoặc liệt trước mổ: loét tỳ đè, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu...
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến