Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Nội soi đại trực tràng toàn bộ can thiệp cấp cứu

1. ĐỊNH NGHĨA

Soi đại tràng là một kỹ thuật đưa một ống soi mềm qua hậu môn đi ngược lên đến manh tràng để quan sát toàn bộ niêm mạc đại tràng. Nếu cần thiết có thể tiến hành sinh thiết tổn thương ở đại tràng và một số thủ thuật như cắt polyp, lấy dị vật, tiêm cầm máu

2. CHỈ ĐỊNH

Đi ngoài ra máu đỏ
Đi ngoài ra máu đen (Soi dạ dày bình thường) Bán tắc ruột nghi u đại tràng

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Thủng đại tràng
- Viêm phúc mạc
- Suy tim
- Người bệnh nhồi máu cơ tim mới
- Mới phẫu thuật ở đại tràng, mổ ở tiểu khung
- Phình lớn động mạch chủ bụng
- Bệnh túi thừa cấp tính
- Người bệnh có tắc mạch phổi
- Tình trạng shock
- Người bệnh đang có thai (3 tháng đầu và 3 tháng cuối)

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

- 01 Bác sĩ đã được đào tạo về nội soi đại tràng và đã được cấp chứng chỉ nội soi.
- 02 điều dưỡng.

4.2. Phương tiện

- 01 máy nội soi đại tràng ống mềm có kênh hoạt động lớn hoặc có 2 kênh hoạt động.
- 01 kìm sinh thiết phù hợp với kênh sinh thiết của máy.
- 01 kim tiêm cầm máu qua nội soi: có đầu cắt ngắn khoảng 4mm, để tránh nguy cơ thủng do tiêm quá sâu.
- 1 bơm tiêm 10ml.
- Adrenalin 1/10.000 gây co mạch tại chỗ, pha Adrenalin với dung dịch ưu trương
- Kẹp clip
- Heater probe: Các loại đầu dò
+ Đầu dò đơn cực: một đầu kim loại gắn với hệ thống bơm rửa nằm ở đầu dưới của một catheter mềm. Loại này phối hợp bơm rửa được nên giảm nguy cơ dính ở tổ chức. Dòng điện truyền đi giữa điện cực sẽ được khuyếch đại ở vùng có tổn thương và một bảng dây đất sẽ được tiếp xúc với da của người bệnh. Dòng điện sẽ dần qua thành ống tiêu hóa và gây nên những tổn thương ở sâu.
+ Đầu dò lưỡng cực; dòng điện cầm màu chạy qua 2 điện cực nên tránh được sự lan truyền của dòng điện xuống ở tổ chức sâu, giảm nguy cơ thủng.
+ Đầu dò nhiều cực: có 3 điện cực dương và 3 điện cực âm. Dòng điện chạy giữa các điện cực đó có tác dụng cầm máu. Qúa trình cầm máu xảy ra không sâu quá 1mm và việc bơm nước với áp lực mạch máu làm quan sát tổn thương dễ dàng hơn và tránh được sự mất hơi nước của tổ chức và do đó nguy cơ thủng rất thấp
- Máy APC

4.3. Người bệnh

4.3.1. Hồi sức

Phải hồi sức thật tốt cho người bệnh để đảm bảo tình trạng huyết động của người bệnh ổn định

4.3.2. Nếu người bệnh có suy hô hấp hoặc rối loạn tri giác

Đòi hỏi phải đăt nội khí quản trong quá trình làm nội soi

4.3.3. Làm sạch đại tràng bằng 2 cách

+ Dùng thuốc nhuận tràng: có nhiều loại thuốc nhưng hiện nay dùng Fortrans, Fleed. Dùng 3 gói thuốc pha vào 3 lít nước đun sôi để nguội uống trước khi soi 6 giờ.
Chú ý: Nếu người bệnh có bán tắc hay tắc ruột không dùng thuốc nhuận tràng
+ Phương pháp thụt rửa: Nếu người bệnh không uống được thuốc nhuận tràng hoặc người bệnh có bán tắc ruột, thụt sạch 3 lần trước khi soi
- Hỏi kỹ tiền sử dị ứng với các thuốc tiền mê, giảm đau, giảm nhu động
- Người bệnh hoặc người nhà ký vào giấy đồng ý soi

4.4. Hồ sơ bệnh án

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Kiểm tra hồ sơ

- Kiểm tra tình trạng huyết động của người bệnh: Mạch<100, HA>90/60
- Kiểm tra các xét nghiệm về đông máu và cầm máu
- Kiểm tra tình trạng dùng thuốc trước đó của người bệnh đặc biệt là dùng thuốc chống đông

5.2. Kiểm tra người bệnh

- Tình trạng ý thức của người bệnh, trong trường hợp cần thiết có thể đặt nội khí quản
- Kiểm tra lại huyết động trước khi soi

5.3. Thực hiện kỹ thuật

5.3.1. Thực hiện kỹ thuật soi đại tràng ống mềm

Xin xem quy trình soi đại tràng toàn bộ

5.3.2. Các phương pháp cầm máu
a) Quang đông bằng laser Nd

YAG
- Nguyên tắc: làm đông máu bằng phương pháp bốc hơi của tổ chức, niêm mạc
- Ưu điểm: sử dụng tia đồng trục của khí cacbonic có tác dụng quét sạch máu và do đó nhận xét được rõ ràng các vùng tổn thương, các ổ loét nên chùm laser sẽ xác định được chính xác vị trí cầm máu
- Nhược điểm: giá thành đắt
- Kỹ thuật: Đặt một sợi mạ có xung động ngắn và công suất cao 70-90w vào vùng có tổn thương. Khoảng cách giữa sợi mạ và nơi tổn thương là 1 cm.
+ Khi thấy mạch máu tổn thương thì bắn chùm laser vào nơi tổn thương. Lúc đầu bắn vòng theo chu vi của tổn thương và sau đó quang đông có chọn lọc vào đúng mạch máu bị tổn thương.
+ Để tăng hiệu quả của phương pháp bắn laser có thể phối hợp với tiêm cầm máu tại chỗ bằng Adrenalin vào chu vi ổ loét.

b) Đông điện

- Nguyên tắc: Dùng dòng điện tạo ra một nhiệt năng làm khô tổ chức và đông tổ chức do đó tạo ra quá trình đông máu
- Ưu điểm: dễ dàng cầm máu.
- Nhược điểm: Kỹ thuật đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp giữa đầu dò và tổn thương nên cục máu đông dễ dính vào đầu dò, do đó làm giảm hiệu quả cầm máu và khi rút đèn ra sẽ dễ làm bong cục máu đông nên có nguy cơ chẩy máu tái phát.
Có một số tổn thương ở những vị trí không thể đặt được đầu dò vào nên không thực hiện được phương pháp này.
- Thực hiện kỹ thuật cắt polyp: xin xem quy trình cắt polyp đại tràng.
+ Thực hiện kỹ thuật tiêm cầm máu:
∙ Kỹ thuật đơn giản rẻ tiền
∙ Bắt đầu tiêm dưới niê mạc ở rìa tổn thương. Nếu mạch máu ở trung tâm một ổ loét lớn và sâu thì sẽ tiêm dung dịch xung quanh mạch máu cũng như ở rìa tổn thương
+ Thực hiện kỹ thuật kẹp clip: lắp clip vào kìm sinh thiết và đưa kìm sinh thiết vào vị trí cần kẹp clip và phóng clip vào tổn thương.
+ Thực hiện kỹ thuật cầm máu bằng máy APC: xin xem quy trình soi can thiệp cầm máu ống tiêu hóa bằng máy APC.

6. THEO DÕI

- Người bệnh trong và sau khi quá trình soi được theo dõi liên tục trên monitoring về tình trạng huyết động và độ bão hòa oxy.
- Nếu người bệnh có dùng thuốc tiền mê theo dõi cho tới lúc tỉnh hoàn toàn.
- Theo dõi mạch huyết áp và những triệu chứng như: đau bụng, chướng bụng, buồn nôn.
- Người bệnh có làm thủ thuật cần được theo dõi các triệu chứng báo động: đau bụng, ỉa ra máu.

7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Như soi đại tràng toàn bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jonathan Cohen. (2007). Colon. 121-164. Advanced Digestive Endoscopy
2. Wilcox CM., Munoz-Navas Miguel ., Sung JJY.( 2008). Atlas of clinical gastrointestinal endoscopy. Saunders Elsevier
3. Jerow D., Way MD., Dogulas KR et al ( 2009). Colonoscopy. Willey Blackwel
4. DanL Longo, AS.Fauci (2010). Harrisons Gastroenterology and Hepatology .