Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Chương 9: Bảng kiểm đã cứu sống con người

TTLA

     Mùa xuân năm 2007, ngay khi bảng kiểm của chúng tôi mới bắt đầu hình thành, tôi đã thử đưa nó vào sử dụng trong các ca mổ do tôi phụ trách. Tôi không nghĩ là nó cần thiết mà vì tôi chỉ muốn chắc chắn nó có thể áp dụng hiệu quả. Chúng tôi dự định sẽ giới thiệu nó ở tám bệnh viện trên khắp thế giới. Tôi cho rằng, tốt nhất là tôi tự sử dụng nó trước. Nhưng thật tình, nếu bạn trói tôi vào và dọa cắt ruột thừa của tôi mà không tiêm thuốc mê, tôi sẽ nói thật là, tôi đã từng nghĩ, không biết bảng kiểm có tạo được sự khác biệt trong các ca mổ của tôi không? Tôi không biết trả lời như thế nào, thật xấu hổ. Nhưng tôi lại đã phải trải qua một tuần làm việc, mà nếu không có bảng kiểm, chúng tôi có thể đã bỏ sót một số điều. Chẳng hạn, chúng tôi đã phát hiện ra ba vấn đề, trong năm ca mổ đã thực hiện trong tuần.
     Một bệnh nhân của tôi chưa được tiêm kháng sinh trước lúc mổ, đây là một trong những lỗi phổ biến nhất của kíp mổ. Họ đã quên làm điều đó, vì thật ra con người khi nhớ khi quên. Và họ gặp rắc rối vì không tìm được ven để tiêm tĩnh mạch, hơn nữa có một cái màn hình đang bị giật, khi đó y tá đã đề nghị kíp mổ dừng lại để thực hiện bảng kiểm trước khi mổ.
     “Kháng sinh được tiêm trước khi mổ sáu mươi phút ?” Tôi đọc to dòng chữ của tấm bảng dán trên tường.
     “Ồ, đúng rồi, tôi sẽ làm việc này ngay bây giờ”, bác sĩ gây mê đáp. Chúng tôi ngưng lại chờ thuốc có tác dụng trước khi mổ.
     Một bệnh nhân khác không muốn sử dụng kháng sinh.Cô nói rằng, nó làm cho cô bị rối loạn tiêu hóa và nấm Candida. Cô ấy hiểu rõ những lợi ích của kháng sinh, nhưng rủi ro nhiễm trùng vết thương trong ca mổ của cô rất thấp, khoảng 1%, và cô chấp nhận rủi ro này. Nhưng sử dụng kháng sinh là thói quen (khi chúng tôi không bị các vấn đề khác làm sao lãng) đến mức chúng tôi suýt tiêm cho cô ấy hai lần, mà không chú ý đến những dị ứng cô sẽ gắp phải. Lần thứ nhất là trước lúc gây mê, lần này chính cô đã phát hiện ra. Lần thứ hai là sau khi gây mê, và bảng kiểm đã phát hiện ra điều này. Khi chúng tôi đi lại trong phòng, tạm ngưng trước khi mổ, để đảm bảo không ai còn lo lắng điều gì liên quan đến ca mổ, y tá đã nhắc không sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân. Bác sĩ gây mê ngạc nhiên, vì trước đó, bà ấy đã không tham gia cuộc hội ý của ê kíp và đang định tiêm kháng sinh cho bệnh nhân.
     Một trường hợp của bệnh nhân nữ, khoảng 60 tuổi. Tôi phụ trách ca phẫu thuật cắt bỏ một nửa tuyến giáp vì nó có nguy cơ gây ung thư cho bà ấy. Bệnh nhân đã chia sẻ với chúng tôi về các vấn đề sức khỏe và yêu cầu một túi thuốc nhằm kiểm soát được nhưng rắc rối ấy. Bệnh nhân đã từng có thời gian dài nghiện thuốc lá nặng, nhưng đã bỏ vài năm trước. Và thuốc lá đã không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của bà. Bà có thể đi thang bộ hai tầng lầu, mà không bị hụt hơi hay đau ngực. Trông bà ấy rất khỏe mạnh. Tôi khám thấy phổi sạch, không có tiếng khò khè. Hồ sơ bệnh án không có chẩn đoán nào liên quan đến phổi. Nhưng khi gặp bác sĩ gây mê trước ca mổ, bà ta lại nói là mình đã bị khó thở sau hai ca mổ trước đây, và phải thở oxy tại nhà trong vài tuần. Có lần, bà còn phải ở lại trong khu chăm sóc đặc biệt.
     Vấn đề này khá nghiêm trọng. Bác sĩ gây mê biết chuyện đó, còn tôi thì không, cho đến khi thực hiện danh mục kiểm tra. Đến phần hội ý để thành viên kíp mổ đưa ra các vấn đề cần quan tâm, bác sĩ gây mê hỏi, tại sao tôi không dựa vào những vấn đế hô hấp trước đó của bệnh nhân mà lên kế hoạch theo dõi bệnh nhân lâu hơn sau ca phẫu thuật.
     Tôi ngạc nhiên hỏi, “Vấn đề hô hấp gì?”. Vấn đề xuất phát từ đó. Chúng tôi đã giữ bệnh nhân ở lại bệnh viện để theo dõi thêm. Ngoài ra, chúng tôi còn lên kế hoạch cho bà ấy thở với ống xịt thuốc trong và cả sau ca mổ, để phòng ngừa những vấn đề liên quan đến hô hấp. Các bước chuẩn bị đã có hiệu quả tuyệt vời. Bà ấy không cần thở oxy sau đó.
     Dù chúng tôi rất quen thuộc với các ca phẫu thuật, nhưng bệnh nhân mỗi ca lại khác nhau. Bảng kiểm giúp chúng tôi phát hiện ra các vấn đề về dị ứng thuốc, các trục trặc về thiết bị, sự nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, hay sai sót trong việc dán nhãn mẫu sinh thiết gửi đi nghiên cứu bệnh lý. Bảng kiểm giúp chúng tôi đưa ra những kế hoạch tốt hơn và chuẩn bị chu đáo hơn cho bệnh nhân. Nếu không có bảng kiểm, tôi không dám chắc là chúng tôi đã bao nhiêu lần mắc lỗi quan trọng và không biết đã gây nên những tai hại gì? Không phải chúng tôi thiếu sự chuẩn bị. Chúng tôi luôn thận trọng và chú tâm vào công việc, chính nỗ lực ấy đã giúp chúng tôi phát hiện ra một số vấn đề. Nhưng những vấn đề chúng tôi không phát hiện ra có thể chẳng bao giờ làm hại ai.
     Tuy nhiên, tôi biết chính bảng kiểm đã cứu sống một bệnh nhân của tôi. Đó là ông Hagerman, chúng tôi sẽ gọi ông như thế, ông ấy 50 tuổi, và có hai đứa con, ông cũng là Giám đốc điều hành của một công ty ở địa phương. Tôi đã đưa ông vào phòng mổ để cắt bỏ tuyến thượng thận bên phải vì có một khối u bất thường đang phát triển ở bên trong gọi là u tế bào ưa chrom. Các khối u như thế này cực kỳ hiếm, chúng tiết ra chất adrenalin nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, nhưng khó có thể cắt bỏ nó. Gần đây, ngoài chuyên môn phẫu thuật tổng quát, tôi còn đặc biệt quan tâm và tìm hiểu về phẫu thuật nội tiết. Tính đến nay, tôi đã thực hiện được khoảng bốn mươi ca phẫu thuật cắt bỏ khối u thượng thận mà không để lại biến chứng nào. Vì thế, khi ông Hagerman đến đề nghị tôi kiểm tra khối u ấy, tôi khá tự tin là mình có thể giúp được ông ta. Tôi giải thích cho ông là luôn có rủi ro biến chứng, mà rủi ro hàng đầu xảy ra khi tĩnh mạch chủ, mạch chính đưa máu chảy về tim, bị cắt phải, vì nếu điều đó xảy ra có thể sẽ gây chảy máu nghiêm trọng, và đe dọa mạng sống. Nhưng tôi cam đoan với ông ấy là khả năng này rất thấp.
     Tuy thế, khi đã thực hiện ca mổ, biến chứng có thể xảy ra hoặc không. Nhưng trong trường hợp này, đã xảy ra một biến chứng.
     Khi đang thực hiện ca mổ nội soi cắt bỏ khối u, tôi quan sát các thiết bị trên màn hình thông qua máy quay mà chúng tôi đã đưa vào người ông Hagerman. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tôi có thể nâng gan lên và ở phía xa, bên dưới tôi thấy một khối u màu vàng sậm, mềm, giống như lòng đỏ của quả trứng luộc chín tới. Tôi bắt đầu cắt từng phần của khối u ra khỏi tĩnh mạch chủ, dù nó đòi hỏi phải tỉ mỉ nhưng không quá khó. Khi toàn bộ khối u đã được tách ra thì tôi phát hiện ra mình đã làm rách tĩnh mạch chủ, điều chưa bao giờ xảy ra với tôi trước đó.
     Đây đúng là một thảm họa. Giống như tôi đã đâm một lỗ ngay tim bệnh nhân. Kết quả là máu chảy rất nhiều, chỉ khoảng sáu mươi giây sau, gần như toàn bộ máu của ông đã chảy vào ổ bụng, khiến tim bệnh nhân ngừng đập. Tôi liền rạch một vết mổ lớn để mở lồng ngực và bụng nhanh nhất, rộng nhất có thể. Tôi nắm lấy tim bệnh nhân trong tay và bắt đầu ép nó, để giữ cho máu chảy về não. Bác sĩ nội trú giúp tôi giữ áp suất trên tĩnh mạch chủ để làm chậm dòng máu chảy. Nhưng tôi có cảm tưởng, tim bệnh nhân không còn máu nữa.
     Tôi nghĩ thế là hết, chúng tôi sẽ không thể đưa ông Hagerman còn sống ra khỏi phòng mổ, tôi đã giết chết ông ấy rồi. Nhưng vào đầu ca mổ, chúng tôi đã sử dụng qua bảng kiểm. Đến mục dự đoán, các thành viên ê kíp sẽ phải chuẩn bị bao nhiêu máu cho bệnh nhân, tôi nói, “Tôi không nghĩ bệnh nhân sẽ mất máu nhiều, vì tôi chưa bao giờ để bệnh nhân mất hơn 100cc máu. Tôi tin ca này cũng vậy. Nhưng do khối u tụm sát tĩnh mạch chủ nên xét về lý thuyết, việc mất máu nhiều vẫn có thể xảy ra”. Và thật may mắn, y tá để ý câu nói sau của tôi, cô ấy đã kiểm tra bốn đơn vị máu khối được dự trữ sẵn trong ngân hàng máu, tức là chúng phải có sẵn, “phòng khi cần”, cô ấy nói.
     Tuy máu chưa có sẵn trong ngân hàng máu, nhưng do yêu cầu của y tá trong ca mổ của tôi, ngân hàng máu buộc phải chuẩn bị bốn đơn vị máu cho chúng tôi. Và kết quả là, bảng kiểm đã giúp chúng tôi cứu được mạng sống của bệnh nhân.
     Việc sử dụng bảng kiểm thường xuyên dần tạo thành tính kỷ luật, nó đã tác động mạnh đến chúng tôi. Trong số những người có mặt trong phòng khi bắt đầu ca mổ là bác sĩ gây mê, y tá gây mê, bác sĩ phẫu thuật nội trú, y tá phụ mổ, y tá tuần hoàn, sinh viên y khoa, nhưng tôi chỉ làm việc với hai người trước đó, và chỉ có bác sĩ nội trú là tôi biết rõ. Tuy nhiên, khi chúng tôi thực hiện bước tự giới thiệu thành viên kíp mổ lẫn nhau như: Atul Gawande, bác sĩ phẫu thuật; Rich Bafford, bác sĩ phẫu thuật nội trú; Sue Marchand, y tá, bạn sẽ cảm nhận được họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ. Chúng tôi xác nhận tên bệnh nhân trên vòng tay nhận dạng và tất cả đều nhất trí tuyến thượng thận nào sẽ được cắt bỏ. Bác sĩ gây mê khẳng định, ông không thấy có vấn đề bất thường nào cần phải bàn bạc trước lúc bắt đầu, và các y tá cũng vậy. Chúng tôi đảm bảo bệnh nhân đã được tiêm kháng sinh, một tấm mền ấm, sạch sẽ đã được đắp lên người bệnh nhân, ông ấy đã mang giày ống được bơm phồng nhằm ngăn các cục máu đông. Lúc bước vào phòng mổ chúng tôi như những người xa lạ, nhưng khi con dao mổ chạm vào da bệnh nhân, chúng tôi đã là một ê kíp.
     Khi tôi làm rách tĩnh mạch chủ, một thảm họa sắp xảy ra, thành viên kíp mổ vẫn bình tĩnh. Y tá tuần hoàn gọi báo động yêu cầu thêm người trợ giúp, và ngay lập tức, lấy máu từ ngân hàng máu. Bác sĩ gây mê thực hiện việc truyền máu vào người bệnh nhân. Các thiết bị nhanh chóng được mang vào phòng mổ theo yêu cầu của chúng tôi, một bác sĩ phẫu thuật mạch đến phòng mổ hỗ trợ bác sĩ gây mê tìm thêm đường truyền máu vào tĩnh mạch, đồng thời, y tá báo cho ngân hàng máu biết tình hình ca mổ. Sự phối hợp nhịp nhàng của kíp mổ đã cho tôi có thêm thời gian quý giá để có thể cứu sống bệnh nhân. Cuối cùng, họ đã truyền được hơn ba mươi đơn vị máu cho bệnh nhân, gần bằng ba lần lượng máu ông ấy có lúc ban đầu. Tay tôi vẫn tiếp tục ép tim của ông ta, áp lực máu thể hiện trên màn hình chứng tỏ nó đủ để giữ cho máu tiếp tục tuần hoàn. Bác sĩ phẫu thuật mạch và tôi có thời gian để kẹp vết rách của tĩnh mạch chủ lại một cách nhanh nhất. Tôi cảm nhận được tim bệnh nhân bắt đầu tự đập. Chúng tôi thực hiện việc khâu vết mổ lại. Thế là ông Hagerman đã sống sót.
     Tôi không thể làm ra vẻ bình thường, khi ông ấy đã thoát khỏi nguy hiểm một cách bình yên vô sự. Tình trạng huyết áp thấp trong thời gian dài đã làm tổn hại đến thần kinh thị giác và khiến một con mắt của ông gần như bị mù. Ông ấy phải dùng máy hỗ trợ hô hấp trong nhiều ngày sau mổ, và phải nghỉ làm vài tháng. Tôi rất đau lòng vì những gì tôi đã gây ra cho ông. Dù tôi có xin lỗi nhiều lần và vẫn tiếp tục công việc của mình, thì tôi cũng đã phải mất một thời gian dài để bình tâm trở lại sau ca mổ đó. Tôi đã không thể thực hiện ca mổ cắt tuyến thượng thận nào, mà không nghĩ đến trường hợp của ông ấy. Nhưng có lẽ như thế lại tốt, vì điều đó thúc đẩy tôi trong việc cải tiến kỹ thuật mổ với hy vọng đưa ra cách tốt hơn để bảo vệ tĩnh mạch chủ, để trường hợp tương tự không xảy ra lần nào nữa.
     Hơn thế, nhờ ca mổ của ông Hagerman, tôi lại thấy hiệu quả mà bảng kiểm đem lại. Nếu không có bảng kiểm có thể ca mổ đã rất tồi tệ. Tôi không muốn nghĩ đến việc phải bước ra khỏi phòng mổ, đến khu vực chờ của gia đình và báo tin cho vợ ông ấy rằng, ca mổ thất bại và chồng bà đã chết.
     Cách đây không lâu tôi có nói chuyện với ông Hagerman. Ông đã thành công trong việc bán công ty của mình và chuyển hướng kinh doanh vào một công ty khác. Ông thường chạy bộ ba ngày một tuần và thậm chí còn tự lái xe hơi.
     Ông bảo, “Tôi phải cẩn thận với những điểm tôi không nhìn thấy được, nhưng tôi có thể làm được nhiều điều”.
     Ông ấy nói mà không tỏ thái độ chua cay hay giận dữ gì, điều đó thật đặc biệt đối với tôi. Ông cho rằng “Tôi may mắn mới được sống sót”. Tôi hỏi, liệu tôi có được mang câu chuyện này kể cho người khác biết không.
     Ông trả lời, “Được chứ, tôi sẽ rất vui đấy”.