Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Chương 3. Sự kết thúc của thời kỳ "Người xây dựng tài ba"

TTLA

     Kể từ khi bảng kiểm đầu tiên của ngành hàng không được sử dụng rộng rãi đến nay đã có thêm bốn phiên bản khác nhau. Thực tế cho thấy, việc sử dụng bảng kiểm đã giúp con người tránh được nhiều sai sót trong các lĩnh vực, kể cả những người có kinh nghiệm. Chúng được ví như một dạng “lưới tri thức”. Chúng bắt được những sai sót tâm lý vốn có trong tất cả chúng ta—những sai sót về trí nhớ, sự tập trung và sự chi tiết (giúp con người loại bỏ những lỗi cố hữu như hay quên, không tập trung hoặc bất cẩn). Và vì vậy, chúng mở ra những cơ hội rộng lớn và bất ngờ. 
     Tuy nhiên, cần xác định rõ trong trường hợp nào bảng kiểm thực sự có ích, và trong trường hợp nào nó sẽ không phát huy tác dụng. 
     Hai giáo sư chuyên nghiên cứu về những phạm trù phức tạp, Brenda Zimmerman của trường Đại học York và Sholom Glouber thuộc trường Đại học Toronto, đã phân loại các vấn đề con người sẽ gặp phải trong cuộc sống thành ba mức độ khác nhau: đơn giản, phức tạp và quá phức tạp. Ví dụ, theo họ, việc nướng bánh thật đơn giản. Vì công thức nướng bánh đã có sẵn, chỉ học thêm một số kỹ thuật cơ bản là bạn có thể làm được chiếc bánh nướng. Khi làm đi, làm lại nhiều lần bằng một công thức, chắc chắn bạn sẽ thành công. 
     Việc phóng tên lửa lên mặt trăng lại phức tạp hơn, nhưng người ta thường tìm cách đơn giản hóa những phức tạp ấy bằng cách chia ra từng công đoạn khác nhau. Tuy nhiên, lại không có một công thức cụ thể nào cho việc đó, nên muốn đạt được thành công, đòi hỏi phải có nhiều chuyên gia, nhiều nhóm người cùng tham gia thực hiện. Đó là chưa tính đến những sự cố bất ngờ có thể xảy ra, và trong những tình huống ấy, thời điểm và khả năng phối hợp trở thành mối quan  tâm hàng đầu. Nhưng khi tìm ra cách phóng tên lửa lên mặt trăng, bạn có thể thực hiện các lần phóng khác một cách dễ dàng và việc đó sẽ trở nên đơn giản, vì tên lửa thường giống nhau.  
     Đối với các vấn đề quá phức tạp thì được ví như việc nuôi dạy một đứa trẻ. Vì đứa trẻ này không giống đứa trẻ kia, nên dù bạn có thành công trong việc nuôi dạy đứa trẻ này nhưng chưa chắc sẽ thành công nếu áp dụng kinh nghiệm ấy với đứa trẻ khác. Thực tế cho thấy, cách nuôi dạy mỗi đứa trẻ có thể khác nhau. Kiến thức chuyên môn rất cần nhưng chưa đủ. Và như vậy, khi giải quyết những vấn đề quá phức tạp, bạn sẽ không thể chắc chắn về kết quả cuối cùng. Cũng như việc nuôi dạy một đứa trẻ thành công là công việc quá phức tạp mà không phải ai cũng làm được. 
     Qua những câu chuyện như: cách phòng ngừa tai nạn máy bay năm 1935, hay cách phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng đường truyền trung tâm của máy hô hấp nhân tạo năm 2003, hoặc phương pháp cứu chữa nạn nhân bị chết đuối ngày nay... cho thấy, mặc dù có nhiều yếu tố cùng tác động, nhưng về cơ bản, chỉ có một vấn đề chính trong mỗi trường hợp và vấn đề này khá đơn giản. Ở trường hợp thứ nhất, chúng ta phải tập trung chú ý vào bánh lái và điều khiển bay. Trong trường hợp thứ hai, việc đảm bảo vô trùng là cơ bản, và ở trường hợp cuối cùng thì việc phẫu thuật tim bắc cầu là vấn đề chính. Tất cả đều có thể giải quyết, nhờ vào những gì các kỹ sư gọi là “chức năng cưỡng chế”: những giải pháp tương đối đơn giản buộc con người thao tác hành vi cần thiết phải xảy ra—Giải pháp đó chính là việc lập bảng kiểm những việc cần làm cho từng công việc cụ thể. 
     Đa số các vấn đề phát sinh từ những lỗi rất đơn giản. Chẳng hạn như, trong y học, khi bác sĩ quên đeo khẩu trang vô trùng lúc nối đường truyền trung tâm của máy hô hấp nhân tạo vào người bệnh nhân, hay không nhớ một trong mười nguyên nhân làm bệnh nhân ngừng tim là việc sử dụng thuốc potassium quá liều khi gây mê. Trong lĩnh vực pháp lý, khi luật sư không nhớ các bằng chứng cần sử dụng để biện hộ cho một vụ gian lận thuế, hoặc không trình diện đúng hẹn theo yêu cầu của tòa án. Hay cảnh sát không hướng dẫn nhóm nhân chứng một cách đầy đủ: như quên nói với nhân chứng rằng thủ phạm có thể không nằm trong nhóm được nhận diện, hoặc quên lấy lời  khai của người có thể cung cấp thông tin về kẻ tình nghi mà họ đang điều tra. Bảng kiểm các việc cần làm sẽ giúp chúng ta phòng ngừa những lỗi cơ bản ấy. 
     Đó là với công việc đơn giản, còn với công việc có tính phức tạp lại không hề dễ dàng như thế. Việc nối hệ thống ống truyền trung tâm của máy hô hấp nhân tạo chỉ là 1 trong 178 thao tác mà ê kíp làm việc tại ICU cần phối hợp thực hiện mỗi ngày, trong khi công việc ở đó vô cùng phức tạp. Vậy có thể lập bảng kiểm cho những thao tác ấy không, và việc này có thực tế không? Vì chẳng có một phương pháp chăm sóc bệnh nhân nào trong ICU là đơn giản cả, Nó đòi hỏi nhiều bác sĩ phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác nhau cho những tình trạng bệnh khác nhau—những vấn đề không thể kiểm soát bằng các quy định ép buộc. 

     Hơn nữa, con người là những cá thể rất phức tạp, không giống như bất cứ cá thể nào. Ví như, cùng mắc bệnh viêm phổi, nhưng bệnh nhân này khác với bệnh nhân kia. Dù cùng bị nhiễm một loại vi khuẩn, cùng có các triệu chứng như ho và thở gấp, nồng độ oxy thấp, và cùng được điều trị như nhau, có thể bệnh nhân này khỏi bệnh còn bệnh nhân kia thì không. Bác sĩ phải luôn chuẩn bị trước những diễn biến bất ngờ của bệnh nhân, khi các bảng kiểm không giúp gì họ được. Có thể nói, những vấn đề tồn tại trong y học rất đa dạng, từ đơn giản, phức tạp cho đến vô cùng phức tạp. Có khi, bác sĩ lâm sàng chỉ thực hiện những gì họ cho là cần thiết, đó là chăm sóc cho bệnh nhân mà không cần để ý đến các bảng kiểm. 

     Tôi đã suy nghĩ về những vấn đề này suốt một thời gian dài. Tôi muốn trở thành một bác sĩ tốt cho bệnh nhân của mình. Và câu hỏi về việc khi nào nên tuân theo nhận định của mình và khi nào nên tuân theo quy trình là cốt lõi trong việc làm tốt công việc—hoặc làm bất cứ điều gì khó khăn khác. Bạn muốn mọi người đảm bảo rằng họ làm đúng những điều đơn giản. Tuy nhiên, bạn cũng muốn để lại không gian cho nghề nghiệp, phán đoán và khả năng ứng phó với những khó khăn bất ngờ phát sinh trong quá trình thực hiện. Giá trị của các bảng kiểm đối với những vấn đề đơn giản hiệu quả là rõ ràng. Nhưng liệu chúng có thể giúp ngăn ngừa thất bại khi những vấn đề kết hợp giữa những điều đơn giản và phức tạp? Tôi tình cờ tìm ra một câu trả lời ở một nơi không ngờ tới. Tôi đã tìm thấy nó khi đang dạo bộ trên phố một ngày.

      Đó là vào buổi sáng tháng Giêng năm 2007. Khi đang đi bộ trên lề đường từ bãi đỗ xe đến cổng chính, tôi nhận thấy một tòa nhà đang được xây dựng cho trung tâm y tế nơi tôi đang làm việc. Tòa nhà được dựng lên nhanh chóng, với bộ khung gồm nhiều dầm sắt, cao mười một tầng, và nhìn rất hoành tráng. Tôi thấy anh công nhân đứng trên một thanh xà để hàn bản lề ở tầng  bốn, ngay phía trên chỗ tôi đang đứng. Tôi tự hỏi: Làm thế nào để anh ấy cùng những người khác  biết rằng họ đang làm đúng, và chắc chắn tòa nhà sẽ không bị đổ sụp xuống? 
     Tòa nhà không quá lớn, nhưng sau khi xây dựng xong, nó sẽ có 150 giường bệnh và 16 phòng mổ. Nhìn tổng thể thì không có gì lạ và tôi chắc chắn rằng đã có nhiều tòa nhà lớn hơn được xây khắp cả nước. 
     Tuy nhiên, theo người quản lý của bệnh viện thì việc xây dựng tòa nhà mới này không phải là một việc đơn giản. Vì tòa nhà này sẽ rộng 350.000m2, cao mười một tầng cộng với ba tầng hầm. Để xây dựng nó, chúng ta cần 360 triệu đô-la chi phí cho toàn bộ công trình (trong đó cần 3.885 tấn sắt, 13.000m3 bê tông, 19 hệ thống trung chuyển không khí (AHU), 16 thang máy, một cột tháp hơi làm lạnh nước thải và một máy phát điện dự phòng. Bên cạch đó, công trình cần phải đào  100.000m3 đất, lắp đặt 64.000m ống đồng, 75.000m ống dẫn và 145.000m dây điện – số dây đủ dài để dẫn đến tiểu bang Maine. 
     Và tôi tự nhủ, nếu được xây dựng như ắt tòa nhà này sẽ không thể nào đổ xuống được. 
     Tôi vẫn còn nhớ hồi 11 tuổi, khi cả gia đình đang sống ở thành phố Athens của bang Ohio, một hôm tôi quyết định sẽ tự làm cho mình một cái kệ sách. Tôi xin mẹ mười đô-la, và đạp xe đến một cửa hàng bán dụng cụ trên đại lộ Richland. Ông bán hàng giúp tôi chọn mua bốn tấm ván gỗ thông, sau đó lại cắt mỗi tấm ấy ra làm đôi. Tôi mua thêm một hộp sơn màu, một hộp véc-ni, vài tờ giấy nhám và một hộp đinh. Tôi đem những đồ ấy về nhà và bắt đầu công việc. Tôi cẩn thận đo kích thước chiếc kệ cần làm, rồi đóng hai tấm ván vào nhau, và dựng nó lên. Bộ khung đã xong. Trông nó thật tuyệt vời. Tôi tiếp tục đánh bóng và làm đẹp chiếc kệ bằng giấy nhám, sơn và véc ni. Khi hoàn thành, tôi đưa nó vào phòng của mình, và đặt một nửa số sách tôi có lên kệ. Ngay lập tức, kệ sách đổ sang một bên như gã say rượu. Hai tấm ván ở giữa bắt đầu bung ra. Tôi đóng thêm vài cây đinh nữa rồi dựng nó lên. Lần này nó lại đổ sang phía khác. Tôi tiếp tục đóng thêm đinh vào một  góc của cái kệ sách và nghĩ lần này mình sẽ thành công. Nhưng không, cái kệ vẫn đổ xuống. Cuối  cùng tôi phải đóng kệ vào bức tường cho thật chắc chắn. Và kể từ đó, tôi bắt đầu có khái niệm về trụ đỡ. 
     Nhưng đối với tòa nhà này, yêu cầu đặt ra là nó còn phải đứng vững ngay cả khi có động đất. Tôi thầm nghĩ rằng không biết bằng cách nào để các công nhân biết chắc họ đang thực hiện  công việc một cách chính xác. Tôi nhận thấy có hai vấn đề chính. Đầu tiên là họ phải chắc chắn mình đã được trang bị những kiến thức cần thiết? Và kế tiếp là việc áp dụng những kiến thức ấy sao cho phù hợp? 
     Thực hiện tốt cả hai vấn đề nêu trên đều rất khó. Vì trong bản thiết kế, các chuyên gia phải tính toán hàng loạt các yếu tố như: kết cấu địa chất, độ cao của mỗi công trình, sức bền của vật  liệu,... Nhưng từ bản vẽ đến thực tế lại khác xa nhau, và có thể họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn phức tạp nhằm đảm bảo mọi việc được thực hiện thật chính xác, theo đúng quy trình nhưng vẫn có thể linh hoạt điều chỉnh khi xuất hiện sự cố hay xảy ra những thay đổi bất ngờ. 
     Thực tế cho thấy các chủ thầu xây dựng vẫn thành công trong công việc của mình. Họ đã xây được hàng triệu ngôi nhà an toàn trên khắp thế giới, dù qua thời gian ngành xây dựng đã trở nên  phức tạp hơn rất nhiều. Thế nhưng, họ vẫn thành công khi quản lý một lực lượng lao động lớn, phụ trách nhiều vị trí quan trọng ở những công đoạn khác nhau. Và mỗi người chỉ quan tâm đến công việc họ được giao như: việc đóng cọc làm móng, việc mắc điện cho tòa nhà... Những công việc đó cũng giống như công việc của bác sĩ, giáo viên hay bất cứ ngành nào, khi công việc của họ đã được chuyên môn hóa, và người khác không nên can thiệp vào. 
     Tôi đến thăm Joe Salvia - kỹ sư kết cấu - người phụ trách việc xây dựng tòa nhà bệnh viện mới của chúng tôi. Tôi nói với ông ấy rằng tôi muốn tìm hiểu về các công việc trong lĩnh vực xây dựng. Công ty McNamara/Salvia của ông chuyên thi công kết cấu cho hầu hết các bệnh viện, một  số khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp ở Boston từ cuối thập niên 60 của thế kỷ 20 cho đến nay. Chính công ty này cũng đã thi công lại phần kết cấu của sân vận động Fenway Park - sân bóng chày với 36.000 chỗ ngồi của đội chủ nhà Red Sox, thuộc thành phố Boston - kể cả Green Monster  - tên gọi của bức tường cánh trái ngăn những cú đánh dài, cao hơn 10m. Có thể nói,  McNamara/Salvia là đơn vị chuyên thiết kế và xây dựng các công trình đòi hỏi kỹ thuật cao, mang tính phức tạp trên khắp nước Mỹ. 
     Tòa nhà cao nhất mà Salvia từng thiết kế và xây dựng là cao ốc 80 tầng ở Miami. Bên cạnh  đó, công ty đã xây dựng một khu trung tâm mua sắm tại thành phố Providence, tiểu bang Rhode  Island, mà theo chúng tôi được biết, công trình này đã sử dụng đơn hàng về thép thuộc loại lớn nhất  ở miền Đông nước Mỹ (khoảng 24.000 ngàn tấn). Ngoài ra, công ty còn tham gia vào dự án thiết kế và xây dựng khu thương mại lớn nhất thế giới - khu phức hợp thể thao và giải trí Meadowlands  Xanadu ở East Rutherford, bang New Jersey - bao gồm: sân nhà của hai đội bóng lừng danh New  York Giants và New York Jets, nhà hát với 3.000 chỗ ngồi, khu chiếu phim lớn nhất nước Mỹ, và  SnowPark - khu trượt tuyết trong nhà đầu tiên của nước Mỹ. Trong nhiều năm qua, các kỹ sư của  McNamara/Salvia đã làm việc với 50 đến 60 dự án mỗi năm, tính trung bình cứ một tuần sẽ hoàn  thành một dự án xây dựng mới. Và cho đến nay, chưa có tòa nhà nào bị sụp đổ.
     Tại văn phòng của công ty ở Boston, tôi hỏi Salvia rằng làm thế nào để ông ấy chắc chắn những công trình do công ty mình thiết kế và xây dựng mà không mắc phải sai sót. Ở tuổi sáu mươi mốt, đầu gần như hói và với giọng Boston đặc sệt, Joe Salvia đã vui vẻ tiếp tôi bằng thái độ từ tốn, chậm rãi mà tôi nghĩ ít người ở vào địa vị như ông có được. Salvia say sưa kể cho tôi nghe về dự án xây dựng đầu tiên ông phụ trách - đó là mái của một trung tâm mua sắm nhỏ. 
     Khi đó Salvia mới chỉ là một thanh niên 23 tuổi vừa tốt nghiệp đại học. Ông sinh ra và lớn lên tại thành phố East Cambridge, một vùng đất chẳng mấy khi xuất hiện nhân tài bởi đó không hẳn là nơi các giáo sư Harvard sinh sống dù trường đại học nổi tiếng thế giới tọa lạc tại đây. Có cha là nhân viên bảo trì, còn mẹ làm việc cho một nhà máy chế biến thịt, nhưng Salvia lại học rất giỏi và là người đầu tiên trong gia đình đỗ đại học. Ông vào học tại Đại học Tufts với mong muốn trở thành  một bác sĩ, và ông đã chọn lớp hóa học hữu cơ. 
     Ông kể: “Những ngày đầu tiên trên giảng đường, các giảng viên đã nói với chúng tôi: ‘Ở đây, các em phải học thuộc lòng các công thức’. Tôi liền hỏi thầy: ‘Tại sao chúng em phải nhớ chúng bởi ai cũng có thể mở sách ra xem?’. Các thầy trả lời: ‘Ồ, nếu muốn trở thành một bác sĩ giỏi, điều đầu tiên các em cần làm là phải nhớ tất cả’. Điều này nghe thật nực cười. Thêm nữa, tôi là người không giỏi nhớ, và thế là tôi đành từ bỏ mong ước trở thành một bác sĩ”. 
     Sau đó Salvia chuyển sang học để trở thành kỹ sư, một lĩnh vực khoa học nhưng thiết thực, và hơn hết là ông yêu thích nó. Ông được học về “tĩnh học và động lực học cơ bản - đại loại như: lực F thì bằng trọng lực m nhân với gia tốc a”, và đặc tính hóa lý của thép, bê tông, địa chất. Salvia rất giỏi trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp. Bằng chứng là ông đã giải thích cách tính nhẩm khi giải phương trình bậc hai cho tôi nghe, dù tất cả những gì đọng lại trong tôi lúc ấy chỉ là  giọng Boston đặc sệt của ông khi diễn đạt cụm từ “phương trình bậc hai”. Ông khảng định chắc nịch: “Tôi rất thích sự sáng tạo”.  
     Tuy nhiên, phải đợi đến lúc tốt nghiệp đại học thì Salvia mới lần đầu tham gia vào các công trình khi được nhận vào làm cho Sumner Shane, một công ty kiến trúc xây dựng chuyên về kỹ thuật  kết cấu cho các trung tâm mua sắm. Trong các dự án của công ty có công trình xây dựng một trung tâm mua sắm mới ở Texas, và Salvia đã được chỉ định phụ trách thiết kế hệ thống mái. Ông nghĩ mình hiểu rất rõ rằng làm thế nào để xây một cái mái vững chắc từ kiến thức đã học trong sách cũng như tuân theo các quy cách riêng của ngành xây dựng. 
     “Trường học đã dạy cho tôi biết cách thiết kế thép kết cấu, đó là việc kết hợp giữa dầm và trụ”. - Ông nói. Bên cạnh đó, các quy tắc riêng của ngành xây dựng cũng giải thích rõ là cần phải  làm gì để tạo ra sức bền của thép, kết cấu địa chất vững chắc, khả năng chịu đựng trước áp lực của  gió, các cơn bão, hay các trận động đất. Ông cũng phải tính đến những yếu tố này khi thiết kế và  xây dựng các công trình, trong đó cần ghi rõ quy mô, vị trí tòa nhà, số tầng lầu, vị trí kho hàng, bãi bốc dỡ hàng hóa...Vừa nói, ông vừa phác họa cho tôi xem trên một mảnh giấy. Đầu tiên, ông vẽ một hình vuông, rồi thêm các bức tường, các ô cửa, lối đi bộ. Bản vẽ dần trở nên chi tiết hơn. 
     “Bây giờ chúng ta cần vẽ một hệ thống các điểm có thể nâng đỡ mái nhà”. Nói rồi, ông đánh  dấu những điểm có thể đặt trụ đỡ. “Như vậy, phần còn lại là giải bài toán đại số. Chúng ta sẽ giải  phương trình để tìm giá trị X”. - Ông quay sang tôi, tiếp tục trình bày. Như vậy, dựa vào kích thước  và bề dày của mái nhà để tính ra trọng lượng của nó, nếu cách 10m có một trụ thì chúng ta sẽ tính được đường kính và sức nặng của mỗi cột trụ. Chúng ta phải tính toán làm sao để chúng đáp ứng được yêu cầu của quy cách kỹ thuật đã đưa ra. 
     Đây là những gì Salvia đã được học trong nhà trường, nhưng ông dần nhận ra có nhiều  điều trường học chưa dạy ông biết.
     Ông bảo: “Lý thuyết hình học cho ta biết cái gì là tốt nhất, nhưng không chắc sẽ thực hiện được khi áp dụng vào thực tiễn”. Chi phí chẳng hạn, đó là điều mà trường học không dạy. Kích thước và loại nguyên vật liệu mà chúng ta sử dụng sẽ làm thay đổi chi phí của dự án. Hoặc là vấn đề thẩm mỹ, chẳng hạn khi khách hàng không thích cái trụ đứng ngay giữa sảnh hay có thể che mất  một hướng nhìn nào đó của họ. 
     Salvia nghĩ: “Nếu đưa cho các kỹ sư thiết kế, thì căn nhà nào cũng sẽ được vẽ giống hình hộp hay hình chữ nhật”. Nhưng thực tế, mỗi căn nhà đều có nét mới, nét riêng theo nhiều cách dù  lớn hay nhỏ, và chúng rất đa dạng. Như vậy, lý thuyết từ sách vở không thể giúp ta giải quyết mọi  vấn đề xảy ra trong thực tế. Khi thành lập được công ty riêng, ông và các kỹ sư đã nhận thầu phần kỹ thuật kết cấu cho cao ốc International Place ở Boston. Tòa nhà được thiết kế hình một cái tháp cao 46 tầng, nó được xây dựng chủ yếu bằng kính và thép. Tác giả của thiết kế này là kiến trúc sư Philip Johnson, và chính nó đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng đối với sự nghiệp của Salvia. Tòa  nhà có kiến trúc đặc biệt, kiểu dáng hình trụ được chia nhỏ làm nhiều hình vuông, và chưa có thiết  kế nào giống tòa nhà này được xây dựng từ trước đến nay. Salvia giải thích, theo quan điểm của kỹ thuật kết cấu, hình trụ vốn rất khó ứng dụng. Các nghiên cứu cho thấy hình vuông sẽ có độ chắc  chắn cao hơn 60% so với hình tròn, và một tòa nhà cần phải trụ vững khi gặp áp lực của gió, bão hay động đất. Nhưng theo thiết kế, tòa cao ốc lại có dáng của một hình tháp, vì thế công ty của  Salvia bắt buộc đã phải tìm ra kỹ thuật phù hợp nhằm thực hiện ý tưởng đặc biệt của kiến trúc sư Johnson. 
     Phần mái của trung tâm mua sắm mà Salvia đã phụ trách trước đây có thể là một nhiệm vụ đơn giản, nhưng dường như lúc đó ông cũng gặp rất nhiều khó khăn do mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm thực tế. Vì không chỉ quan tâm đến chi phí và tính thẩm mỹ, ông còn phải xử lý các yêu cầu của nhiều đối tác liên quan đến dự án. Đó là các kỹ sư cấp thoát nước, kỹ sư điện, kỹ sư cơ  khí - khi ai cũng muốn lắp đặt ống, dây dẫn, thiết bị hệ thống điều hòa không khí (HVAC) ngay vị trí ông dự định cho xây các cột trụ. 
     “Một tòa nhà cũng giống như cơ thể con người vậy!” - Salvia nói. Nó có bộ xương và da  thịt. Nếu hệ thống ống nước là huyết mạch của tòa nhà, thì hệ thống thông gió là cơ quan hô hấp, còn hệ thống dây điện chính là hệ thần kinh. Theo ông, các công trình xây dựng hiện đại liên quan  đến khoảng 16 lĩnh vực khác nhau. Nói rồi, Salvia đưa ra bản thiết kế thi công của một tòa nhà cao  400m mà công ty ông đang thực hiện, và lật đến trang mục lục cho tôi xem. Mỗi lĩnh vực là một  phần bao gồm: hệ thống vận chuyển (thang cuốn và thang máy), hệ thống cơ khí (lò sưởi, thông gió,  ống nước, điều hòa không khí, phòng cháy chữa cháy), xây tô, kết cấu bê tông, kết cấu kim loại, hệ thống điện, hệ thống cửa (cửa chính và cửa sổ), hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm (cách nhiệt và  chống thấm ), phần xây thô và phần đã hoàn thiện, công việc ở công trường (đào đất, thu gom nước  thải và nước tuyết, lối đi bộ) - sau khi tất cả đã hoàn thiện sẽ đến công đoạn trang trí thẩm mỹ như, trải thảm, sơn quét, phối cảnh và lắp đặt thiết bị chống động vật gặm nhấm. 
     Tất cả mọi công đoạn đều phải được tính toán chi tiết, cụ thể để đảm bảo chúng được kết hợp với nhau thành một tổng thể thống nhất, hài hòa và được thực hiện chuẩn xác. Chỉ cần nhìn bề ngoài của tòa nhà ta đã hình dung được sự phức tạp của chúng. Vì thế, để đảm bảo hoàn thành các dự án với kỹ thuật cao, mang tính thẩm mỹ, ngành xây dựng buộc phải chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ của chuyên môn hóa sâu. 
     Trước kia, người ta thuê một chủ thầu xây dựng để thiết kế, xây dựng và giám sát thi công toàn bộ công trình, từ phần xây dựng cho đến hệ thống ống nước, hệ thống dây điện... Chẳng hạn  như khi xây dựng nhà thờ Đức Bà (Pháp), Đại thánh đường St. Peter (Basilica - Vatican), tòa nhà  Quốc hội Mỹ - Điện Capitol. Nhưng đến giữa thế kỷ 20, người ta không thấy sự hiện diện của các  chủ thầu nữa. Chính sự phát triển đa dạng và phức tạp trong mỗi giai đoạn phát triển của quy trình xây dựng đã khiến cho một cá nhân không thể hoàn thành các công trình xây dựng đòi hỏi kỹ thuật ngày càng cao của con người. 
     Trong những lần phân công lao động đầu tiên của ngành xây dựng, phần thiết kế kiến trúc và phần kỹ thuật được tách riêng. Sau đó, từng bộ phận một được tách ra theo hướng chuyên môn hóa hơn cho đến lúc các kiến trúc sư chỉ phụ trách lĩnh vực thiết kế kiến trúc còn các kỹ sư xây dựng sẽ đảm nhiệm về kỹ thuật thi công, với sự tham gia của nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác. 
     Các nhà thầu được phân công phụ trách các gói thầu khác nhau, từ nhà thầu chuyên thi công phần trục tháp cho đến những nhà thầu chuyên thi công phần mộc. Nói cách khác, ngành xây dựng cũng như ngành y học, cần phải chuyên môn hóa với nhiều chuyên gia giỏi, phụ trách ở từng lĩnh vực  khác nhau. 
     Tuy nhiên, những người làm trong ngành y hiện nay vẫn đang tiếp tục sống và làm việc như kỷ nguyên của các “chủ thầu xây dựng” thời trước. Tức là một bác sĩ điều trị phải làm tất cả các việc, như: vừa phụ trách phòng mổ vừa kê đơn thuốc cùng với một số ít người phụ việc theo sự hướng dẫn, đồng thời vẫn phải thực hiện việc chăm sóc bệnh nhân theo đúng quy trình từ chẩn đoán đến điều trị. Chúng ta vẫn chưa chấp nhận một thực tế là, có đến một phần ba bệnh nhân cần ít nhất mười bác sĩ cùng với các y tá, trợ lý bác sĩ, dược sĩ và đội ngũ chăm sóc y tế để chăm sóc họ vào năm cuối đời. Bằng chứng là rất nhiều bệnh nhân phải khám đến lần thứ hai mới phát hiện ra bệnh, và các bác sĩ thường rất ít phối hợp với nhau trong việc khám cũng như điều trị cho bênh  nhân.  
     Theo Salvia, trong lĩnh vực xây dựng, không ai được phép phạm những lỗi như thế. Dù công việc thiết kế mái nhà khu mua sắm mà lần đầu tiên ông thực hiện rất phức tạp, nhưng ông hiểu rằng công ty sẽ không có lợi nhuận nếu để xảy ra sai sót. Và nghiêm trọng hơn là có thể sẽ có nhiều  người chết nếu mái nhà sập xuống, hay công ty phải bồi thường một khoản tiền lớn sau những vụ kiện tụng không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, dù với lý do gì thì các kiến trúc sư, kỹ sư và nhà thầu buộc phải chấp nhận một thực tế rằng mô típ “chủ thầu xây dựng” không thể tiếp tục duy trì. Vì thế, họ đã từ bỏ nó và tìm ra cách khác để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong ngành xây dựng. 
     Để chứng minh cho những gì vừa nói, Salvia dẫn tôi đến thăm một trong những dự án mà ông và đồng nghiệp đang thi công. Salvia kể rằng ông tình cờ trúng thầu công trình này trong một lần đang đi dạo gần công ty. Đó là cao ốc Russia Wharf, gồm một khu phức hợp văn phòng  và các căn hộ có tổng diện tích sử dụng 700.000m2, với 32 tầng lầu. Riêng phần diện tích đất để xây dựng của tòa nhà gần 1 hec-ta. 
     Khi ấy trước mặt tôi chỉ là phần xây thô của tòa nhà nhưng nhìn nó rất đẹp và hoành tráng.  Russia Wharf là nơi các tàu buôn thường xuyên qua lại để trao đổi hàng hóa giữa hai thành phố St.  Peterburg và Boston. Các tàu cập cảng ở đây thường mua bán sắt, sợi gai dầu và vải bạt phục vụ cho ngành công nghiệp đóng tàu. Và tại đây, trước kia đã từng diễn ra phong trào Boston Tea  Party1. Tòa cao ốc được thiết kế bằng thép và kính này sẽ được xây dựng ngay cạnh cảng, với phần sân trong cao 10 tầng lầu, đặc biệt là phần mặt tiền cao ốc làm bằng gạch cách đây 110 năm theo kiến trúc thời kỳ Phục hưng Cổ đại được giữ lại nguyên vẹn. 
     Đến công trường, Salvia nhìn chiếc áo ngắn tay hiệu Brooks Brothers và đôi giày da màu đen của tôi rồi cười thầm và nói: “Anh nên mang một đôi giày phù hợp hơn khi đến đây!”. 
     Boston Tea Party: Đây là một phong trào tự phát của di dân người Anh khai thác thuộc địa Mỹ năm 1773. Họ đổ trà từ một con tàu cập cảng Boston xuống biển nhằm phản đối chính sách tăng thuế trà nhập khẩu vào Mỹ của Chính phủ Hoàng gia Anh
     Bên trong tòa nhà cũ đã bị phá hủy từ lâu và bộ khung sắt của tòa tháp mới được dựng lên  được gần một nửa, cao 14 tầng. Một cần trục tháp treo được đặt trên tầng thứ bốn. Chúng tôi đi vòng qua hai cái máy trộn bê tông, qua đội giữ gìn trật tự và những đống bùn để vào khu vực văn  phòng của công ty John Moriarty & Associates ở tầng một - nhà tổng thầu của toàn bộ công trình. Khung cảnh hiện ra trước mắt tôi không giống như những đoạn phim về công trường mà tôi từng  được xem, ở đó không có bình đựng cà phê bị gỉ, không có cái đài rẻ tiền bị rè tiếng, hay ông chủ thầu vừa ngậm điếu xì gà vừa quát tháo ra lệnh. Thay vào đó, tại các văn phòng làm việc có cả đàn  ông lẫn phụ nữ, họ đi giày ống, mặc quần jeans và áo phản quang màu vàng. Một số người đang làm việc trên máy tính, số khác ngồi quanh bàn họp với cái máy chiếu chương trình PowerPoint lên màn hình. 
     Tại đây, họ đưa cho tôi cái nón bảo hiểm màu xanh và tờ giấy cam kết, sau khi tôi ký vào đó, họ giới thiệu tôi với Finn O’Sullivan, người quản lý dự án. Ông là người Ai-len, cao khoảng 1m8, ông có khuôn mặt tươi tắn cùng giọng nói nhẹ nhàng. Ở đây, không ai gọi những người quản lý như Finn O’Sullivan là ông chủ trên công trường cả. O’Sullivan nói rằng một ngày ông phải quản lý từ 200 đến 500 công nhân đang làm việc tại công trường, trong đó có cả những công nhân của 60 nhà thầu phụ. Khối lượng kiến thức và mức độ phức tạp mà ông ấy đang quản lý quá lớn khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi nó chẳng khác gì công việc của ngành y. O’Sullivan đã giải thích cho tôi nghe, rằng làm thế nào để công ty luôn đảm bảo được tất cả những người lao động kia đều đang  thực hiện công việc của họ một cách chuẩn xác. Dù có nhiều vấn đề phức tạp cần quan tâm, và có khi bản thân ông cũng không hiểu các công việc ấy cụ thể, chi tiết, nhưng tòa nhà vẫn được hoàn thành theo đúng yêu cầu. Tôi thấy thật khó hiểu, cho đến khi được đưa vào phòng họp chính. Một cái bàn ô van to với màu trắng đặt giữa phòng, trên tường treo những tờ giấy in có kích thước bằng mặt một cái bàn nhỏ. Thật ngạc nhiên, đó chính là danh mục kiểm tra. 
     Theo O’Sullivan, những tờ giấy ghim trên bức tường bên phải chính là bảng kiểm chi tiết những công việc cần làm để theo dõi tiến độ thi công của công trình. Đó là những công việc đòi hỏi phải hoàn thành theo một trình tự nhất định. Ví dụ, việc đổ bê tông ở tầng thứ 15 sẽ được thực hiện vào ngày mười ba của tháng, sắt thép sẽ được chuyển đến vào ngày mười bốn,... Cứ thế, kế hoạch được kéo dài qua nhiều trang giấy. Những công việc nào quan trọng, bắt buộc phải hoàn thành trước khi thực hiện việc tiếp theo, người ta sẽ đánh dấu bằng cách tô màu đỏ lên phần đó. Khi  một nhiệm vụ được hoàn thành, người giám sát công trình sẽ báo cáo với O’Sullivan để ông ấy tiếp  tục ghi chú vào chương trình đã cài đặt sẵn trong máy tính. Hàng tuần ông sẽ đưa ra một kế hoạch làm việc mới, với các danh mục những công việc cụ thể để thực hiện trong giai đoạn tiếp theo và  ghim chúng lên tường. Nếu các công việc được thực hiện cùng lúc thì ông sẽ đưa ra kế hoạch làm việc hàng ngày. Về cơ bản thì bảng tiến độ thi công của ông chính là một danh mục kiểm tra. 
     Vì mỗi tòa nhà là một thiết kế mới với những đặc điểm riêng, nên danh mục kiểm tra không giống nhau, mà những người đại diện cho các lĩnh vực khác nhau sẽ cùng phối hợp để soạn thảo ra nó. Trong công trình này, công ty McNamara/Salvia của Salvia là nhà thầu phụ thực hiện thi công phần kỹ thuật kết cấu. Sau đó, toàn bộ kế hoạch và danh sách các công việc sẽ được gửi đến cho từng nhà thầu phụ và các chuyên gia độc lập để họ đánh giá, kiểm tra một lần nữa nhằm bảo đảm mọi thứ đều chính xác và không bị sót bất kỳ bước nào. 
     Kết quả thật đáng kể: một chuỗi các bước kiểm tra theo từng ngày sẽ hướng dẫn cách thức và quy trình xây dựng. Đồng thời, cách làm này cũng đảm bảo kiến thức được sử dụng đúng nơi,  đúng thời điểm và đúng cách. 
     Bảng tiến độ thi công dành cho cao ốc Russia Wharf được chia ra theo nhiều công đoạn khác nhau, và tôi sẽ không thể biết những công việc đó là gì nếu không được Bernie Rouillard - kỹ sư trưởng phụ trách thi công kết cấu của công ty McNamara/Salvia - dắt đi tham quan và giới  thiệu. Tôi thuộc dạng người sợ độ cao. Nhưng không sao, tôi đội nón bảo hiểm và đi theo Rouillard, ngang qua biển báo “CHÚ Ý: KHU VỰC CHỈ DÀNH CHO NHÂN VIÊN CÔNG  TRÌNH”, rồi vòng qua một đống sắt đã gỉ sét bị vứt bỏ, băng qua một lối đi vào tòa nhà dựng bằng các tấm gỗ, sau đó vào buồng thang máy màu cam để lên tầng mười bốn. Chúng tôi bước ra khỏi  buồng thang máy, đặt chân lên sàn bê tông màu xám rộng thênh thang, không có bức tường, chỉ có các trụ sắt thẳng đứng cao gần 4m bao xung quanh, ở giữa là lõi bê tông hình chữ nhật to đồ sộ.  
     “Đứng từ đây anh có thể nhìn thấy tất cả”. - Rouillard nói, rồi vẫy tay ra hiệu cho tôi đi ra  phía mép ngoài. Tôi rón rén bước từng bước một, không dám dừng lại trước cơn gió đang quật mạnh vào người và cũng không để ý đến độ cao chóng mặt khi ông chỉ cho tôi xem các công trình dọc bến cảng ở phía dưới mặt đất. Các tòa nhà chen lấn xung quanh chúng tôi. Khi quay lại nhìn các căn nhà ở phía sau, tôi mới cảm thấy dễ chịu hơn. Rouillard chỉ vào giàn kim loại thô được gắn với trần để nâng đỡ sàn nhà đang được xây dựng ở phía trên và nói: “Công việc tiếp theo là chống cháy”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Chúng ta phải chống cháy cho cả kim loại sao?”. “Ồ, có chứ!” - Rouillard trả lời. Nếu gặp lửa, kim loại sẽ mềm ra và mất đi độ cứng, lúc đó nó sẽ cong như sợi mì. Đây chính là lý do tại sao tòa tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) bị sụp đổ.  Ông dẫn tôi đi theo cầu thang bộ để xuống tầng dưới. Ở đây, người ta đang xịt một chất chống cháy có nguồn gốc từ thạch cao vào các giàn kim loại làm chúng rất mịn và có màu xám. 
     Xuống thêm vài tầng nữa, ông chỉ cho tôi xem lớp ngoài cùng của tòa nhà đã được thực hiện như thế nào. Cứ khoảng vài mét lại có một khung sắt gắn kính sáng bóng được nối với sàn nhà bằng bê tông. Càng ở những tầng dưới, công việc càng được chia nhỏ theo từng công đoạn hơn. Một đội các nhà thầu phụ đã xây bức tường bên trong lớp thép và kính. Thợ ống lắp ống dẫn và thoát nước. Kế tiếp là thợ cơ khí hàn các ống thông gió. Khi chúng tôi xuống tầng cuối cùng, phần xây thô, điện, ống nước và nhiều hạng mục khác như lan can cầu thang bộ đã được hoàn tất. Đây là một quy  trình phức tạp, ngoài sức tưởng tượng của tôi. 
     Dù không am hiểu nhiều về lĩnh vực xây dựng nhưng tôi đã chú ý thấy một điều bất thường ở các tầng trên của tòa nhà. Một trận mưa vừa xảy ra, khi các tầng này chưa được gắn lớp kính bên ngoài, thì có một lượng nước mưa đọng lại một chỗ, sát với vách tường của lõi bê tông.  Nhìn cái sàn nhà bị lõm trông như một cái bát, tôi liền hỏi Rouillard: “Tại sao nó lại bị như thế?”. 
     “Chủ đầu tư cũng không hài lòng về việc này”. - Ông nói. Nhưng theo ông, do trọng lượng khổng lồ của lõi bê tông, cùng với kết cấu địa chất rất đặc biệt bên dưới đã làm cho lõi cứng ổn định sớm hơn dự tính. Trong khi đó, khung sắt bên ngoài vẫn chưa chịu lực tác động lên, vì còn phải xây thêm 18 tầng bên trên nữa, và đó là lý do tại sao sàn nhà bị lõm như thế. Khi khung  sắt có đủ lực tác động lên, sàn nhà sẽ bằng phẳng trở lại. 
     Tôi không mấy hài lòng với lý giải của Rouillard, vì tôi cũng không hiểu biết nhiều về điều \ mà ông vừa nói. Nhưng tôi biết chắc chắn đây là tình huống không được tính đến trong kế hoạch thi công của họ: sàn nhà các tầng trên cao bị lõm. Giải pháp duy nhất là lau sạch vũng nước trên sàn và điều chỉnh lại kế hoạch do vấn đề mới phát sinh này. Tuy nhiên, chuyện đó đã làm cho kế hoạch của các nhà thầu bị thay đổi. Và chắc chắn những người có trách nhiệm phải xác định xem liệu sàn nhà bị lõm có phải là do trong quá trình thi công đã có sai sót hay do khung sắt chưa có đủ lực tác động lên, như Rouillard lý giải. Tôi tò mò muốn biết họ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, bởi biết đâu lý giải trên của Rouillard chưa chắc đã đúng. Làm thế nào để họ biết đó chỉ là một vấn đề phát sinh không đáng lo ngại, rằng khi khung sắt có đủ lực tác động nó sẽ giúp sàn nhà  bằng phẳng trở lại? Bản thân Rouillard cũng thừa nhận rằng “biến cố có thể xảy ra”. Đây là một tình huống cho thấy mức độ phức tạp mà ngày nay con người phải đối mặt với công việc cũng như  trong cuộc sống. 
     Trở lại văn phòng làm việc của công trường, tôi hỏi Finn O’Sullivan và đồng nghiệp của ông ấy về việc đã giải quyết tình huống đó ra sao. Thực tế cho thấy, công việc của các nhà thầu là thường xuyên phải đối mặt với hàng ngàn vấn đề phức tạp mà không thể đoán trước để đưa vào danh mục kiểm tra. Trong y học, nếu muốn biết bệnh nhân nào đó có lâm vào tình trạng nguy hiểm  đến tính mạng hay không, chúng tôi thường dựa vào đánh giá, phán đoán cá nhân của một bác sĩ giỏi và có nhiều kinh nghiệm. Điều đó có nghĩa là chúng ta trao quyền quyết định cho họ. Trong tình huống này, Rouillard là một chuyên gia giỏi, với nhiều kinh nghiệm trong nghề, và nếu công  trường là bệnh viện, đánh giá của ông ấy sẽ có tính quyết định. 
     Tuy nhiên, O’Sullivan lại cho rằng cách giải quyết vấn đề như thế sẽ gây ra sai lầm. Vì bệnh nhân cũng giống như một tòa nhà nên yêu cầu đặt ra là phải cần đến nhiều chuyên gia phụ trách các lĩnh vực khác nhau. Nếu giao quyền quyết định cho một người, mà người đó không phải là một chuyên gia thật sự hiểu biết nhiều kiến thức, đó thực sự sẽ là một thảm họa. Vì nếu người đó đưa ra  các quyết định không chính xác hay dễ dàng bỏ qua các lỗi trong khi thi công, và ngôi nhà vẫn tiếp tục được xây dựng lên, có thể nó sẽ bị nghiêng, méo mó hoặc bị sụp đổ. Theo như quan niệm của y học, đây là trường hợp xấu nhất. 
     “Anh đã làm gì để giải quyết vấn đề này?” - Tôi hỏi. 
     O’Sullivan lại cho tôi xem một tờ giấy khác được treo ở trong phòng họp. Bề ngoài nhìn nó cũng giống những tờ giấy kia, nhưng khác một điều, O’Sullivan gọi đó là “kế hoạch kiến nghị”. Đây cũng là một danh sách những việc cần làm, nhưng không phải là các công việc trong thi công mà nó là nhiệm vụ trao đổi thông tin. Tức là khi có tình huống bất ngờ xảy ra cần giải quyết, ban quản lý dự án sẽ triệu tập các nhà thầu, chuyên gia để cùng nhau bàn bạc về vấn đề phát sinh. Những người được triệu tập tại buổi họp sẽ đưa ra ý kiến đánh giá riêng của mình, từ đó thảo luận hướng giải quyết và thống nhất phương án xử lý vấn đề. Khi không thể lường được mọi  sự cố có thể xảy ra, thì chính họ cũng không thể biết trước được nó sẽ xảy ra ở đâu và khi nào. Như vậy, danh mục kiểm tra này đã chỉ rõ ai sẽ cần trao đổi với ai, vào ngày nào và về vấn đề gì. Cụ thể là người nào sẽ cung cấp thông tin đầu tiên khi thực hiện các bước kế tiếp. 
     Ví dụ, theo kế hoạch này, vào cuối tháng, các nhà thầu cùng bộ phận lắp đặt và kỹ sư phụ trách phần thang máy sẽ phải kiểm tra hoạt động của các buồng thang máy từ tầng dưới cùng đến tầng thứ mười. Buồng thang máy được sản xuất và kiểm định tại xí nghiệp, sau đó được các chuyên gia lắp đặt, nhưng như thế cũng không đồng nghĩa với việc nó sẽ vận hành tốt sau khi được lắp đặt. Điều đó có vẻ nghịch lý, tuy nhiên thực tế vẫn có trường hợp bị hư hỏng hay một bộ phận nào đó bị bỏ sót trong quá trình lắp đặt. Khi đó vấn đề sẽ trở nên rất phức tạp. Nhưng nếu ta biết cần phải gặp  những người nào và nhờ họ cùng nhau thảo luận vấn đề theo nhóm thay vì riêng từng người, họ sẽ giúp chúng ta nhanh chóng nhận ra cốt lõi của vấn đề và khắc phục chúng. 
     Như vậy, “kế hoạch kiến nghị” buộc mọi người phải cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra vấn  đề. Chẳng hạn, nếu các nhà thầu cần bàn bạc với đội lắp đặt và kỹ sư thang máy vào ngày 31 của  tháng, vậy họ buộc phải nói chuyện với bộ phận phòng cháy về chất chịu nhiệt vào ngày 25. Trước  đó hai tuần, họ yêu cầu các kỹ sư kết cấu, chuyên gia tư vấn và các nhà thầu khác phân tích về tình  trạng vách tường của lõi cứng và sàn nhà các tầng trên bị lõm. Tôi thấy người ta đã đánh dấu vào các ô trống của kế hoạch này, điều đó có nghĩa là nhiệm vụ đã được hoàn thành.  
     Tôi hỏi Rouillard: “Cuộc thảo luận về việc sàn nhà bị lõm đã diễn ra như thế nào?”. “Ồ, rất  thuận lợi. Các chủ đầu tư và các nhà thầu cùng nhau tranh luận, và họ cho rằng sàn nhà sẽ bằng  phẳng trở lại khi có lực tác động là có cơ sở. Nhà thầu sẽ dọn dẹp chỗ nước đọng và chỉnh sửa lại  kế hoạch làm việc. Tất cả mọi người đều thống nhất với phương án này”. - Ông nói. 
     Các nhà thầu cho rằng việc trao đổi thông tin thường xuyên sẽ giúp họ rất nhiều trong việc, nhất là khi cảm thấy không chắc chắn về điều gì hay mỗi khi rơi vào tình huống phức tạp mà không biết chính xác cách giải quyết đó có chắc chắn thành công hay không. Theo họ, sự hiểu biết của một cá nhân không bao giờ đủ, dù đó là một kỹ sư giỏi và nhiều kinh nghiệm. Họ tin vào kiến thức, kinh nghiệm của tập thể, vì sẽ tốt hơn nếu nhiều người cùng suy nghĩ về một vấn đề, và chính những người ấy sẽ cùng quyết định rằng cần phải làm gì. Một người có thể phạm sai lầm, nhưng nhiều người sẽ ít gây ra sai lầm hơn. 
     Ryan Walsh đang ngồi trước hai cái máy màn hình phẳng khá lớn trong một căn phòng phía sau khu vực văn phòng của công trường. Trông anh chừng 30 tuổi, vóc dáng to cao và khoác chiếc áo phản quang màu vàng bên ngoài. Công việc của Walsh là tập hợp tất cả kế hoạch thi công từ các bộ phận khác nhau và xây dựng mô hình phối cảnh 3D của công trình trên máy tính. Anh ấy chỉ vào màn hình, và cho tôi xem chi tiết tầng trên cùng của cao ốc. Đến lúc này, Walsh đã tổng hợp được kế hoạch thi công của chín bộ phận gồm: quy cách kết cấu, quy cách vận hành thang  máy, quy cách hệ thống ống nước,... Anh di chuyển con chuột chạy trên màn hình, hướng dẫn tôi đi vào trong tòa nhà, và lúc ấy tôi có cảm giác như mình đang đi dọc hành lang vậy. Các bức tường, cửa chính, van an toàn, mọi thứ hiện ra rõ đến mức chúng ta có thể phát hiện ra nếu có vấn đề bất thường. Walsh còn cho tôi xem phần mềm ứng dụng Clash Detective dùng để tìm ra những điểm không tương thích trong hệ thống tòa nhà. 
     Walsh giải thích: “Nếu một cái dầm kết cấu đi qua điểm treo hệ thống đèn chiếu sáng thì ứng dụng Clash Detective sẽ hiển thị cái dầm đó bằng một màu sắc khác trên máy. Có thể anh ít thấy những mâu thuẫn như thế. Nhưng tôi thì đã thấy rất nhiều lần rồi”. Tuy nhiên, khi phát hiện ra vấn đề, bạn phải giải quyết nó, và để làm được điều này, chắc chắn bạn phải trao đổi với những người am hiểu kiến thức liên quan. Máy tính sẽ được cài đặt sẵn để tự đánh dấu các vấn đề cần thảo luận, và thư điện tử sẽ được gửi để đi thông báo cho các bên có trách nhiệm. 
     Một chương trình máy tính khác có tên ProjectCenter, nó cho phép mọi người, kể cả công nhân công trường, khi phát hiện ra vấn đề cần trao đổi thông tin đều có thể gửi thư thông báo cho các bên liên quan, theo dõi tiến độ thi công, và đảm bảo đã đánh dấu vào kế hoạch thi công nhằm xác nhận mọi người đã thảo luận và tham gia giải quyết vấn đề. Khi trở lại văn phòng công ty McNamara/Salvia, Rouillard cho tôi xem thư của một công nhân gửi cho ông kèm theo ảnh chụp một dầm thép chữ I dài khoảng 4m mà anh ấy đang bắt bù-lông. Vấn đề ở đây là cái dầm không thẳng hàng và chỉ có hai cái bù-lông bắt vừa. Anh ấy muốn biết như thế có ổn không, và ông đã trả lời là không. Sau đó họ cùng trao đổi và đưa ra giải pháp: hàn cái dầm thẳng vào cột. Bức thư Rouillard trả lời người công nhân được tự động gửi đến nhà thầu chính và những người có liên quan. Mỗi bên có ba ngày để xem xét và xác nhận xem giải pháp đưa ra đã ổn thỏa chưa. Đồng thời, mọi người cũng cần xác nhận là họ đã được thông báo, và chỉ cần chút ít thời gian cho việc chỉnh sửa này nên sẽ không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình. 
     Joe Salvia đã từng nói với tôi rằng, qua nhiều thập kỷ, khả năng theo dõi tiến độ thi công và thông tin liên lạc giữa mọi người ngày càng được hoàn thiện. Đây là sự tiến bộ trong khoa học xây dựng. Và bây giờ thì tôi mới hiểu ẩn ý mà ông ấy muốn nói. 
     Ngành xây dựng đã có những sáng kiến thật ấn tượng để đối phó với những vấn đề phức tạp diễn ra hàng ngày. Câu chuyện sau là một ví dụ. Robert McNamara, một cổ đông trong công ty McNamara/Salvia, trước đây là một trong những kỹ sư kết cấu cho tòa nhà Citicorp (nay gọi là  Citigroup) nằm ở trung tâm hạt Manhattan (New York). Nóc nhà của cao ốc này có hình dáng gây  nhiều tranh cãi. Theo thiết kế, nó sẽ cao hơn khoảng 300m, đứng trên bốn trụ như cột nhà sàn, và mỗi trụ cao chín tầng lầu được đặt giữa mỗi bên tòa nhà chứ không phải ở bốn góc. Bốn trụ này được giữ vững bằng những trụ chống có hình dáng chữ V bị che khuất. Đây là thiết kế của ông William LeMessurier - kỹ sư kết cấu trưởng của dự án. Ngay lập tức nó gây sự chú ý của mọi người. Cấu trúc to khác thường của tòa nhà đã tạo thành một điểm nhấn nổi bật trên đường số 53. Nhưng sau khi đưa toà nhà bằng mô hình vào phòng thí nghiệm và cho thổi gió, kết quả kiểm tra  đặc tính khí động học lại cho thấy tòa nhà quá cao so với những căn nhà xung quanh trong thành phố, và điều này khiến cho nó phải chịu nhiều lực tác động của gió. Việc tính toán này vốn chỉ quen thuộc với các nhà sản xuất máy bay chứ không phải là các kỹ sư kết cấu. Và họ vẫn chưa xác định được tòa nhà bị rung động ở mức độ nào thì có thể chấp nhận được. 
     Vậy họ đã làm gì? Không muốn thay đổi thiết kế của tòa nhà, McNamara đã đưa ra một giải pháp mới lạ. Đó là việc dùng “hệ thống giảm chấn” để làm giảm bớt rung động do gió gây ra. Họ sẽ treo một con lắc bê tông nặng 400 tấn bằng hệ thống lò xo từ trên đỉnh tháp ở tầng thứ năm mươi chín để khi gió làm dao động tòa nhà theo một hướng, con lắc sẽ dịch chuyển theo hướng  ngược lại, và nhờ vậy giúp giữ vững hệ kết cấu của toà nhà. 
     Giải pháp được đưa ra thật thông minh và tài tình. Các kỹ sư lại đưa mô hình của thiết kế mới vào phòng thí nghiệm, họ cho thổi gió để thử nghiệm và kết quả thu được rất thuyết phục. Tuy  nhiên, đối với những dự án có mức độ phức tạp như thế này, khả năng sai sót và những sự cố không  ường trước vẫn có thể xảy ra. Vì thế, các nhà thầu phải giảm thiểu sai sót theo cách tốt nhất mà họ biết, đó là đảm bảo tất cả mọi người cùng thảo luận nhóm khi làm việc. Nhóm này sẽ bao gồm chủ đầu tư, kiến trúc sư, một số người từ cơ quan quản lý các tòa nhà của thành phố, kỹ sư kết cấu và những người khác có liên quan. Họ cùng nhau xem xét lại ý tưởng và kiểm tra các tính toán. Đồng thời những người này phải xác nhận tất cả những gì họ quan tâm có liên quan đến toà nhà đã được đưa ra bàn bạc. Cuối cùng, mọi người tán thành kế hoạch và cho tiến hành thi công. 
     Thật táo bạo khi chúng ta lại cho thiết kế và xây dựng những tòa nhà kiểu như thế ngay giữa lòng những thành phố lớn, với hàng ngàn người bên trong toà nhà cùng hàng trăm ngàn người sống, làm việc quanh đó. Điều đó dường như rất nguy hiểm và cũng chẳng mấy khôn ngoan. Nhưng chúng ta vẫn đồng tình với điều đó, vì mọi người tin rằng các chuyên gia có thể khắc phục được những khó khăn ấy. Còn các chuyên gia, họ biết không thể dựa vào khả năng của cá nhân để hi vọng mọi việc diễn ra suôn sẻ. Giải pháp đưa ra là họ lập hẳn hai bộ danh mục kiểm tra. Một bộ để đảm bảo những bước đơn giản không bị vô tình bỏ sót hay cố ý bỏ qua. Một bộ nữa để chắc rằng mọi người sẽ cùng nhau thảo luận theo nhóm và giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn hay tình  huống bất ngờ xảy ra. 
     O’Sullivan nói với tôi: “Trong ngành này, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sai sót nghiêm trọng là người ta không trao đổi thông tin với nhau”. 
     Chẳng hạn, sau khi tính toán để đánh giá khả năng ổn định của tòa nhà Citicorp, người ta cho biết những khớp nối ở bốn trụ chân tòa nhà cần phải được hàn lại. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi nhiều nhân công và vì thế sẽ tốn nhiều chi phí. Công ty Bethlehen Steel - đơn vị nhận thầu xây dựng tòa nhà này - đã đề nghị chuyển sang bắt bù-lông. Nó không được chắc chắn bằng hàn nối nhưng theo họ nó cũng có độ bền vững nhất định. Tuy nhiên, sau này báo New Yorker tiết lộ rằng LeMessurier lại không hề hay biết chuyện này, và người ta đã không hỏi ý kiến ông về việc đó. 
     Chẳng biết trong lần kiểm tra cuối cùng ông có nhận ra điều đó không. Nhưng vào năm  1978, một năm sau khi khánh thành tòa nhà, vô tình một sinh viên kỹ thuật của Đại học Princeton biết chuyện rồi nói với ông, và lúc này LeMessurier mới biết vấn đề đó. Ngay lập tức ông nhận ra  đó là một lỗi nguy hiểm có thể gây chết người: cao ốc sẽ không chịu được cơn gió có vận tốc 110km/giờ, mà theo bảng dự báo thời tiết, nó chỉ xảy ra ít nhất năm mươi lăm năm một lần ở New  York. Lúc này, các mối nối bằng cách bắt bù-lông sẽ không thể chịu được và tòa nhà sẽ bị đổ sập,  bắt đầu từ tầng thứ ba mươi. Hiện giờ toàn bộ diện tích tòa nhà đã được sử dụng hết. LeMessurier  liền báo tin cho các chủ đầu tư và quan chức thành phố biết vấn đề này. Mùa hè năm ấy, khi cơn  bão Ella di chuyển hướng vào thành phố, một đội khẩn cấp đã bí mật làm việc qua đêm để hàn các  tấm thép dày khoảng 5cm xung quanh hai trăm bù-lông chính và tòa nhà đã được bảo vệ an toàn qua cơn bão. Từ đó, tháp Citicorp đứng vững cho đến ngày nay. 
     Trong ngành xây dựng, việc sử dụng bảng kiểmcũng không dễ giúp chúng ta phát  hiện ra các vấn đề. Tuy nhiên, hiệu quả mà nó mang lại cũng rất đáng kể.Ở khắp nước Mỹ hiện có khoảng năm triệu trung tâm thương mại, gần một trăm triệu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, và khoảng tám triệu nhà ở dành cho người có thu nhập cao. Mỗi năm có thêm khoảng bảy mươi ngàn trung tâm thương mại cùng khoảng một triệu căn nhà được xây mới. Nhưng tình trạng “hư  hỏng” - có thể hiểu là một phần hay toàn bộ kết cấu bị sụp - lại rất hiếm khi xảy ra, nhất là đối với các tòa nhà cao tầng. Theo một nghiên cứu của Đại học Ohio vào năm 2003, mỗi năm nước Mỹ chỉ có khoảng hai mươi ngôi nhà bị “hư hỏng” nghiêm trọng. Tính ra tỷ lệ này chưa tới 0,00002%. Và theo Joe Salvia giải thích, ngày nay các căn nhà phức tạp hơn trước, với tiêu chuẩn cao hơn - từ chống động đất đến hiệu suất sử dụng năng lượng - nhưng họ chỉ mất hai phần ba thời gian để hoàn thành công trình so với thời kỳ ông mới vào nghề. 
     Điều đó có được là nhờ vào bảng kiểm.