Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Chương 7. Bài kiểm tra

TTLA

     Trở về Boston, tôi thành lập nhóm nghiên cứu để bắt đầu xây dựng bảng kiểm trong phẫu thuật. Chúng tôi áp dụng những kinh nghiệm xây dựng bảng kiểm của ngành hàng không. Chúng tôi chủ yếu sử dụng loại bảng kiểm THỰC HIỆN-XÁC NHẬN thay cho loại  ĐỌC-THỰC HIỆN, nhằm tạo điều kiện cho mọi người trở nên linh hoạt hơn trong lúc thực hiện công việc của mình, kể cả việc phải dừng lại vào những thời điểm then chốt để xác nhận họ không bỏ sót bước quan trọng nào. Qua nhiều lần chỉnh sửa, bảng kiểm dần hoàn thiện hơn. 
     Sau đó, chúng tôi kiểm tra bảng kiểm bằng những mô phỏng. Quá trình mô phỏng được thực hiện tại phòng họp lớn ngay tiền sảnh của trường Y tế Cộng đồng, nơi tôi thực hiện việc nghiên cứu của mình. Chúng tôi nhờ một trợ tá nằm trên bàn, lúc này cô ấy là bệnh nhân đang chờ mổ. Tiếp theo chúng tôi chỉ định những người khác tham gia với vai trò là bác sĩ phẫu thuật, phụ tá mổ, các y tá (một y tá phụ mổ và một y tá tuần hoàn), và bác sĩ gây mê. Nhưng chúng tôi đã gặp rắc rối ngay  khi mới bắt đầu thử nghiệm. 
     Ai là người có nhiệm vụ quyết định tạm dừng mọi việc lại và bắt đầu tiến hành theo bảng kiểm? Chúng tôi đã nhận ra điều này, nhưng đây không phải là một vấn đề đơn giản. Thông thường chỉ có bác sĩ phẫu thuật mới có đủ quyền hạn để kiểm soát và hướng mọi người vào ca mổ. Do vậy, tôi đề nghị bác sĩ phẫu thuật thực hiện điều này, nhưng đã có nhiều ý kiến phản đối. Trong ngành hàng không thì “phi công không điều khiển máy bay” là người bắt đầu bảng kiểm. Lý do là để tránh cho “phi công đang điều khiển máy bay” có thể bị mất tập trung khi đang thực hiện các nhiệm vụ bay và có khả năng họ sẽ bỏ qua danh mục kiểm tra. Hơn nữa, việc phân tán trách nhiệm gửi đi một thông điệp rằng tất cả mọi người – không chỉ là cơ trưởng – đều phải có trách nhiệm với sự an toàn của chuyến bay, và mọi người đều có quyền được biết về tình hình đang diễn ra. Các đồng nghiệp của tôi cho rằng, nếu muốn bảng kiểm tạo được sự thay đổi, nó cần phải thực hiện theo cách của ngành hàng không, đó là việc phân tán trách nhiệm và quyền hạn cho mọi người. Vì thế, chúng tôi đã đi đến thống nhất rằng y tá tuần hoàn sẽ là người có nhiệm vụ tạm dừng và bắt đầu thực hiện bảng kiểm. 
     Vậy các y tá có bắt buộc phải ghi chú lại những công việc họ đã thực hiện không? Câu trả lời là họ không phải làm thế. Vì đây là ca mổ chứ không phải là thủ tục để lưu trữ hồ sơ. Chúng tôi muốn có một cuộc thảo luận nhóm nhằm bảo đảm mọi người đã xem lại điều cần thiết để ca mổ có thể diễn ra một cách tốt nhất. 
     Từng mục trong bảng kiểm cần phải được ngắt ra. Chúng tôi đo thời gian thực hiện bằng chiếc đồng hồ trên tường. Bảng kiểm được thực hiện tại 3 thời điểm – trước lúc gây mê, trước lúc mổ, và sau khi mổ xong – với thời gian không quá sáu mươi giây cho mỗi lần kiểm tra, và chúng tôi chưa làm được điều đó. Để áp dụng bảng kiểm trong môi trường có áp lực cao như trong phòng mổ, bảng kiểm phải được thực hiện nhanh hơn. Chúng tôi sẽ phải bỏ đi một số mục không quá quan trọng – tức là không gây chết người. 
     Thật khó khăn khi quyết định bỏ đi hay giữ lại một mục nào đó, bởi luôn có sự xung đột giữ hai vấn đề ngắn gọn và sự hiệu quả. Nếu lược bỏ quá nhiều, bạn sẽ không có đủ các mục cần kiểm tra, nhưng nếu quá nhiều thì bảng kiểm sẽ trở nên dài dòng. Hơn thế nữa, một vấn đề có thể quan trọng với người này, nhưng lại không quan trọng với người khác.           Mùa xuân năm 2007, chúng tôi lại triệu tập nhóm các chuyên gia quốc tế trong tổ chức WHO tại Luân-đôn để thảo luận về điều này. Và không quá ngạc nhiên khi có sự bất đồng quan điểm về việc nên giữ lại hay nên lược bỏ. 
     Ví dụ, các nghiên cứu ở Mỹ và các nước Châu Âu đã phát hiện ra rằng, trong những ca phẫu  thuật kéo dài, chứng huyết khối tĩnh mạch sâu – là các cục máu tụ trong chân có thể di chuyển lên  phổi và để lại những hậu quả chết người – có thể được ngăn chặn bằng cách tiêm một lượng nhỏ chất làm loãng máu, như heparin hay cho họ mang bít tất đặc biệt để nén vào chân thật chặt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và Ấn Độ lại cho việc đó là không cần thiết, vì theo thống  kê của họ, tỷ lệ đông máu cục ở nước họ rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với các nước phương Tây và hầu như không ai bị tử vong vì nguyên nhân đó. Do phương pháp điều trị này có chi phí cao nên sẽ khó có thể áp dụng được đối với những nước nghèo và có thu nhập trung bình. Thêm vào đó, một  sơ suất nhỏ của bác sĩ điều trị khi kê đơn thuốc làm loãng máu có thể gây ra tình trạng quá liều, và điều đó sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân. Cuối cùng vấn đề này được loại bỏ khỏi bảng kiểm. 
     Chúng tôi đã thảo luận về sự cố hỏa hoạn trong phòng mổ, một tai nạn thường xảy ra. Nguyên do là trong phòng phẫu thuật có những thiết bị mà trong quá trình sử dụng đôi khi tạo ra tia lửa điện: thiết bị điện tử có điện áp cao, các dụng cụ đốt, …trong phòng mổ còn có nguồn oxy nồng độ cao, và đôi khi chúng lại được đặt cạnh nhau. Kết quả là,hầu hết các cơ sở y tế trên thế giới đều có ít nhất một vụ cháy xảy ra trong lúc phẫu thuật. Những tai nạn này thật khủng khiếp. Vì oxy nguyên chất có thể gây cháy rất nhanh, như những tấm phủ phẫu thuật trên người bệnh nhân, hay ống thở chèn ở cổ họng. Tuy nhiên, điều đó vẫn có thể phòng ngừa được. Nếu các ê kíp đảm bảo không có khí oxy rò rỉ cũng như hạn chế sử dụng chất khử trùng có chứa cồn, các vụ cháy sẽ không có cơ hội xảy ra. Trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra, nếu chuẩn bị trước cũng có thể ngăn ngừa rủi ro cho bệnh nhân, cụ thể là, xác nhận mọi người đều biết vị trí van gas, chuông báo động và bình cứu hỏa. Bước này có thể dễ dàng đưa vào một danh mục kiểm tra.  
     Nhưng so với những nguyên nhân nghiêm trọng có thể gây chết người trong phẫu thuật như nhiễm trùng, chảy máu hay gây mê không an toàn, thì cháy rất hiếm khi xảy ra. Ở Mỹ, hàng năm, cứ mười triệu ca mổ thì có khoảng một trăm ca xảy ra hỏa hoạn trong phòng mổ và rất hiếm trường  hợp gây ra tử vong. Trong khi đó, nếu có khoảng 300.000 ca mổ để lại hậu quả nhiễm trùng tại vị trí mổ, thì có hơn 8.000 ca bị tử vong do nguyên nhân này. Vì thế, chúng ta nên tập trung vào việc phòng ngừa nhiễm trùng hơn là kiểm tra nhằm ngăn ngừa hỏa hoạn. Kết quả là chúng tôi quyết định loại bỏ chúng khỏi bảng kiểm. 
     Không có cơ sở khoa học hay tiêu chuẩn nhất định nào trong quá trình đưa ra quyết định rằng giữ lại hay loại bỏ một mục nào đó. Mổ sai bệnh nhân hay sai vị trí mổ cũng cực kỳ hiếm. Nhưng các bước kiểm tra để ngăn chặn những sai sót này lại tương đối nhanh, và đã được áp dụng ở một số nước, trong đó có Mỹ. Những sai sót như thế cũng nhận được nhiều sự chú ý. Chính vì  thế mà chúng tôi đã giữ chúng lại trong bảng kiểm. 
     Ngược lại, các bước kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu trao đổi thông tin đã được thừa nhận là có thể giúp hạn chế một số sai sót. Nhưng việc yêu cầu mọi người tự giới thiệu nhanh  về mình, và thảo luận ngắn về những vấn đề quan trọng của ca mổ lại chưa chứng tỏ được hiệu quả. Tuy nhiên, tăng khả năng làm việc theo nhóm lại là cơ sở để tạo ra sự khác biệt, do vậy, chúng tôi sẵn sàng đưa những mục này vào và tiến hành thử nghiệm.
     Sau cuộc thảo luận ở Luân-đôn, chúng tôi tiếp tục kiểm tra bảng kiểm với quy mô nhỏ hơn,  – mỗi trường hợp chỉ thực hiện một lần. Nhóm bác sĩ ở Luân-đôn sau khi thử nghiệm bản bảng kiểm phác thảo, họ đã đưa ra những đề nghị của mình, sau đó đến nhóm bác sĩ ở Hồng-Kông. Sau mỗi đợt thử nghiệm, danh mục kiểm tra được chỉnh sửa, bổ sung để có thể trở nên chính xác cũng như hiệu quả hơn. Dường như chúng tôi đã làm được điều mà chúng tôi mong muốn khi một bảng kiểm đã sẵn sàng để lưu hành. 
     Bảng kiểm mà WHO chính thức ban hành gồm chín mục nhằm giúp hạn chế rủi ro trong phẫu thuật. Trong đó có bảy mục cần kiểm tra trước lúc gây mê. Đầu tiên, ê kíp mổ cần đảm bảo rằng đích thân bệnh nhân (hay người được bệnh nhân ủy quyền) xác nhận nhân thân và đồng ý thực hiện ca mổ. Họ phải xác định chắc chắn vị trí mổ đã được đánh dấu và rằng oxy huyết kế – thiết bị kiểm soát oxy trong máu – đã gắn vào người bệnh nhân và đang ở trong tình trạng hoạt  động tốt. Họ cần kiểm tra những vấn đề về dị ứng thuốc của bệnh nhân. Tiếp đó, ê kíp mổ phải xem xét, đánh giá những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến đường hô hấp – đây là vấn đề nguy hiểm nhất của phương pháp gây mê toàn thân. Kiểm tra lại những thiết bị cùng sự trợ giúp cần thiết trong quá  trình mổ, và phải đảm bảo chúng đã sẵn sàng cho ca mổ. Và cuối cùng, họ cần xác nhận rằng đường ống truyền vào tĩnh mạch, máu và dịch truyền đã có sẵn phòng trường hợp bệnh nhân có nguy cơ mất hơn 1/2 lít máu (hay một lượng máu tương đương ở một đứa trẻ). 
     Sau khi gây mê, ê kíp mổ phải thực hiện thêm bảy mục cần kiểm tra trước khi mổ. Đầu tiên, họ phải đảm bảo rằng đã được giới thiệu tên cho nhau và vai trò của từng thành viên trong kíp mổ. Họ xác nhận đúng bệnh nhân cần mổ và ghi nhớ quy trình mổ (cả việc mổ phía bên phải hay bên trái của bệnh nhân). Tiếp đó, ê kíp mổ cần xác nhận rằng có phải tiêm kháng sinh cho bênh nhân đúng giờ hay không cần tiêm. Kế đó là kiểm tra xem những tấm phim chụp X-quang cần cho ca mổ đã được treo lên chưa. Tiếp nữa, họ thảo luận những vấn đề quan trọng của ca mổ như: bác sĩ phẫu thuật dự tính ca mổ sẽ kéo dài bao lâu, lượng máu cần được chuẩn bị; bác sĩ gây mê kiểm tra lại kế hoạch gây mê; các y tá kiểm tra những thiết bị cần thiết cho ca mổ đã được chuẩn bị và vô trùng chưa cũng như tất cả những vấn đề mà các thành viên ê kíp mổ quan tâm liên quan đến bệnh nhân. 
     Khi ca mổ kết thúc, trước lúc đẩy bệnh nhân ra khỏi phòng mổ, ê kíp cần thực hiện năm mục kiểm tra cuối cùng. Lần lượt từ việc y tá phòng mổ kiểm tra bằng miệng tên hồ sơ lưu của ca mổ, dán nhãn mẫu mô trong trường hợp cần gửi chúng đi nghiên cứu bệnh học, kiểm đếm các loại kim, các miếng gạc và các dụng cụ khác đã được sử dụng trong phẫu thuật. Kiểm tra các thiết bị nhằm xác định rằng nếu bị hư hỏng, chúng sẽ phải được khắc phục để sử dụng cho ca mổ tiếp theo. Để đảm bảo thông tin sau ca mổ được đầy đủ và rõ ràng, ê kíp mổ phải đưa ra những chỉ định và lưu ý trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật. 
     Tuy nhiên, nhiều ca phẫu thuật phải thực hiện ít nhất mười chín bước. Nhưng cũng như ngành xây dựng, chúng tôi đã cố gắng soạn thảo để bảng kiểm có thể bao trùm tất cả các bước, từ đơn giản đến phức tạp. Trong danh mục có một số bước quan trọng phải thực hiện chi tiết nhằm đảm bảo ê kíp không bỏ sót (như việc tiêm kháng sinh, vấn đề dị ứng thuốc của bệnh nhân, và xác định chính xác bệnh nhân), và mục trao đổi thông tin để các thành viên trong kíp mổ cùng phối hợp làm việc theo nhóm cũng như việc cùng nhau xử lý những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật. Nhưng điều đó có thể giúp làm giảm các nguy hiểm cho bệnh nhân trong phẫu thuật hay không? 
     Để trả lời câu hỏi đó, chúng tôi quyết định nghiên cứu ảnh hưởng của bảng kiểm ở tám bệnh viện khác nhau trên thế giới. Quy mô này phù hợp với khoản tài trợ khiêm tốn của WHO và cũng đủ để có được những kết quả chứng minh hiệu quả của bảng kiểm. Chúng tôi nhận được rất nhiều thư xin tham gia của các bệnh viện. Và chúng tôi đã đưa ra một số tiêu chí để lựa chọn bệnh viện tham gia nghiên cứu. Thứ nhất, lãnh đạo bệnh viện phải biết tiếng Anh – chúng tôi có thể phiên dịch bảng kiểm cho các thành viên tham gia nhưng không thể trao đổi thông tin hàng ngày với tám lãnh đạo bệnh viện bằng những ngôn ngữ khác nhau. Thứ hai, bệnh viện ấy phải là nơi an toàn để có thể đi, đến một cách dễ dàng. (Chúng tôi nhận được một lá thư đầy tâm huyết từ một trưởng khoa phẫu thuật của một bệnh viện ở Iraq, nhưng khi ấy đất nước này đang xảy ra chiến  tranh, và như vậy thì mục đích nghiên cứu có vẻ như không phù hợp). 
     Bên cạnh đó, bệnh viện tham gia phải thật đa dạng – từ những nước giàu, nghèo và trung  bình. Ý kiến này gây ra sự ngạc nhiên ngay tại trụ sở của WHO. Vì theo họ thì WHO luôn ưu tiên  giúp đỡ những nước nghèo, và việc chi một khoản tiền đáng kể vào việc thu thập số liệu ở những nước giàu sẽ làm hao hụt nguồn tài trợ cho những nước nghèo hơn. Nhưng tôi nhận thấy, sai sót trong phẫu thuật có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ vùng nông thôn Ấn Độ đến cả Harvard, và bảng kiểm sẽ giúp cải thiện tình trạng ấy ở bất kỳ đâu. Nếu danh mục có tác dụng ở những nước giàu, nó càng thuyết phục được các nước nghèo hơn áp dụng thực hiện. Vì thế, chúng tôi thống nhất để các bệnh viện ở những nước giàu cùng tham gia nhưng với điều kiện là họ đồng ý chịu chi phí phục vụ việc nghiên cứu. 
     Điều kiện cuối cùng là những bệnh viện tham gia phải để cho các quan sát viên tính tỷ lệ thực tế của biến chứng, tử vong và những sai sót trong quá trình chăm sóc phẫu thuật trước và sau khi áp dụng danh mục kiểm tra. Đây là một vấn đề không nhỏ, vì hầu hết các bệnh viện – cả ở những nơi có thu nhập cao nhất – đều không biết chính xác tỷ lệ này là bao nhiêu. Vẫn biết rằng điều kiện đó chắc chắn sẽ gây khó khăn cho họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có tám bệnh viện trên thế giới sẵn sàng chờ tham gia cuộc nghiên cứu. 
     Đó là bốn bệnh viện thuộc những nước có thu nhập cao và nằm trong số những bệnh viện hàng đầu trên thế giới: Trung tâm Y tế Đại học Washington ở Seattle (Mỹ), Bệnh viện Đa khoa Toronto (Canada), Bệnh viện Thánh Mary ở Luân-đôn (Anh) và Bệnh viện Thành phố Aukland (New Zealand). Bốn bệnh viện ở những nước có thu nhập thấp và trung bình là: Bệnh viện Đa khoa Philippines ở Manila, to gấp đôi so với những bệnh viện ở những nước giàu kể trên; Bệnh viện Hoàng tử Hamza ở Amman, Jordan, cơ sở y tế mới được nhà nước xây dựng nhằm giúp đỡ những người tị nạn vùng Jordan; Bệnh viện Thánh Stephen ở New Delhi, một bệnh viện từ thiện ở thành  thị; và Bệnh viện Quận Thánh Francis Designated ở Ifakara, Tanzania, bệnh viện duy nhất phục vụ gần một triệu dân nông thôn. 
     Giữa hai nhóm bệnh viện mà chúng tôi dự định nghiên cứu, có nhiều điểm khác biệt. Ở những nước giàu, họ đầu tư vào chăm sóc y tế với hàng ngàn đô-la/người, trong khi ở Ấn Độ,  Philippin và các nước Đông Phi, con số này không vượt quá hai con số. Chẳng hạn, ngân sách chi  cho Trung tâm Y tế Đại học Washington là hơn một tỷ đô-la mỗi năm, nó nhiều hơn gấp đôi so với  tổng chi cho y tế của cả nước Tanzania. Vì thế, chất lượng phẫu thuật ở tám bệnh viện trên là rất  khác nhau. Một bên là những bệnh viện với các trang thiết bị khoa học, kỹ thuật hiện đại giúp họ thực hiện nhiều ca phẫu thuật như: cắt tuyến tiền liệt bằng rô-bốt, cấy ghép gan, cùng với rất nhiều thủ thuật phẫu thuật tiên tiến khác nhưng ít gây ra nguy hiểm. Bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày nếu là chữa trị bệnh sa ruột, sinh thiết vú và đặt ống thông tai dẫn chất nhầy do nhiễm trùng tai  mạn tính ở trẻ em.  
     Ở nhóm còn lại là những bệnh viện phải làm việc trong tình trạng thiếu trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ để mổ khẩn cấp – chẳng hạn như những ca mổ đẻ khẩn cấp trong trường hợp bà mẹ bị chết trong lúc sinh hay các ca mổ do chấn thương nghiêm trọng. Thậm chí, ngay cả khi các bệnh  viện thực hiện những ca mổ giống nhau – cắt bỏ ruột thừa, mổ vú, hay đặt thanh nẹp vào xương đùi  bị gãy – thì quy trình mổ cũng hoàn toàn khác nhau, đến nỗi nó chỉ giống nhau ở mỗi tên gọi. Ở những bệnh viện có điều kiện kém hơn, ngoài việc trang thiết bị nghèo nàn lạc hậu, thì việc đào tạo chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ cũng hạn chế hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân lại thường xuyên nhập viện trong tình trạng rất nặng như: ruột thừa đã thoát vị, khối ung ở vú đã to lên gấp hai lần, xương đùi không những bị gãy mà còn bị nhiễm trùng. 
     Cuối cùng, chúng tôi cũng bắt tay tiến hành nghiên cứu với tám bệnh viện đã chọn. Bởi suy cho cùng, mục đích của chúng tôi không phải là để so sánh các bệnh viện với nhau mà là nhằm xác định xem bảng kiểm có thể giúp cải thiện việc chăm sóc sức khỏe ở mỗi nơi là như thế nào. Chúng tôi thuê các điều phối viên nghiên cứu người địa phương và tập huấn cho họ cách thu thập thông tin từ các bệnh viện về tỷ lệ tử vong và biến chứng sau phẫu thuật. Sau đó, chúng tôi cẩn thận phân loại từng trường hợp được thống kê. Các biến chứng phải thật sự nghiêm trọng như: viêm phổi, đau tim, chảy máu cần phải quay lại phòng mổ hay mất hơn bốn đơn vị máu, vết thương bị nhiễm trùng, hoặc đại loại như vậy. Đồng thời, các biến chứng ấy phải thật sự xảy ra tại bệnh viện. 
     Chúng tôi thu thập dữ liệu về quá trình phẫu thuật trong từng quy trình tại ít nhất 4 phòng phẫu thuật trong vòng ba tháng trước khi lập bảng kiểm. Đây là một dạng thăm dò quá trình chăm sóc mà bệnh nhân nhận được tại các bệnh viện trên toàn thế giới. Và kết quả thu được phản ánh khá chính xác những gì đang diễn ra. 
     Trong số gần 4.000 bệnh nhân là người lớn được phẫu thuật mà chúng tôi thống kê được, thì có hơn 400 bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật, 56 bệnh nhân bị chết. Khoảng 1/2 bệnh nhân bị biến chứng do nhiễm trùng, 1/4 bệnh nhân do sai sót kỹ thuật phải đưa trở lại phòng mổ để ngăn chảy máu hay khắc phục sự cố. Nhìn chung, tỷ lệ biến chứng nằm trong khoảng  từ 6% đến 21%. Điều đáng chú ý là phòng mổ tại các bệnh viện mà chúng tôi nghiên cứu lại có xu hướng thực hiện các quy trình mổ phức tạp hơn nhiều. Đối với những ca mổ dễ hơn, tỷ lệ thương tật cũng ít hơn. Tuy nhiên, các số liệu đã chứng minh những gì chúng tôi từng tiên đoán trước đó: dù ở bất kỳ đâu thì phẫu thuật cũng rất nguy hiểm và đầy rủi ro. 
     Chúng tôi đã tìm thấy cơ hội để cải thiện tình hình phẫu thuật ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn, không một bệnh viện nào có cách tiếp cận thường xuyên để đảm bảo các ê kíp mổ đã biết và chuẩn bị cho các ca mổ mà bệnh nhân có nguy cơ mất máu nhiều, hoặc có cuộc thảo luận giữa các thành viên về những lưu ý quan trọng liên quan đến bệnh nhân. Chúng tôi đã quan sát các phòng mổ thực hiện sáu bước an toàn: tiêm kháng sinh đúng lúc, sử dụng oxy huyết kế, hoàn thành việc đánh giá rủi ro khi đặt ống thở, xác nhận bằng miệng rằng đã tiếp nhận đúng bệnh nhân và đúng ca mổ, gắn  các đường ống truyền vào tĩnh mạch cho bệnh nhân mất máu nghiêm trọng, và cuối cùng là đếm xem các miếng gạc có đầy đủ vào cuối ca mổ không. Đây là những bước cơ bản nhất trong ca mổ, và nó giống như việc mở khóa điều khiển bánh lái độ cao trước khi máy bay cất cánh. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy sai sót ở cả tám bệnh viện được nghiên cứu. Trường hợp khả quan nhất cũng bỏ qua ít nhất một trong các bước cơ bản này, và tỷ lệ bỏ sót ở mức thấp nhất là 6% – nghĩa là cứ mười  sáu ca mổ thì có một lần họ sót một bước. Tính trung bình, cả ở những nước giàu và nghèo, các bệnh viện đã bỏ qua một bước trong 2/3 số ca mổ. Chăm sóc phẫu thuật ở mỗi bệnh viện trên thế giới là khác nhau, nhưng chúng có điểm giống nhau khi đều mắc những lỗi cơ bản. 
     Đầu xuân năm 2008, các bệnh viện được chọn bắt đầu áp dụng bảng kiểm trong phẫu thuật với khoảng thời gian là hai phút gồm mười chín bước mà chúng tôi đưa ra. Và chúng tôi sẽ phải làm rất nhiều việc để tạo ra sự thay đổi, chứ không chỉ là việc đưa các danh mục kia vào phòng mổ. Lãnh đạo các bệnh viện đã cam kết sẽ giới thiệu các bảng kiểm này một cách có hệ thống. Họ trình bày với các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, y tá và tất cả thành viên trong kíp mổ. Chúng tôi cung cấp cho họ số liệu mà chúng tôi có được về những biến chứng trong phẫu thuật  ở chính bệnh viện của họ, để họ thấy rằng họ cần phải thay đổi điều gì. Chúng tôi đưa cho họ một số tài liệu trên chương trình PowerPoint, vài đoạn phim trên Youtube, một chương trình chiếu phim minh họa “Cách Sử dụng bảng kiểm An toàn Phẫu thuật ”, và một chương trình khác khá thú vị có tựa đề “Làm thế nào để không Sử dụng Bảng kiểm An toàn Phẫu thuật” – cho  thấy việc xử lý các tình huống dễ như thế nào. 
     Chúng tôi cũng yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện rằng ban đầu chỉ áp dụng bảng kiểm ở một phòng mổ, tốt nhất là trong những ca mà trưởng khoa phẫu thuật trực tiếp đứng mổ cùng các thành viên trong kíp mổ có nhiều kinh nghiệm. Trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ có nhiều sai sót cần khắc phục, và khi ấy mỗi bệnh viện sẽ tự chỉnh sửa lại trình tự sắp xếp và cách diễn đạt trong bảng kiểm để phù hợp với thực tế và ngôn ngữ của họ. Một số bệnh viện sử dụng nguyên mẫu  bản dịch, trong khi số khác thêm vào bảng kiểm những yêu cầu riêng. Ở một số bệnh viện, bảng kiểm cũng đặt ra sự thay đổi – ví dụ, bệnh viện cần phải trữ nhiều thuốc kháng sinh hơn trong phòng mổ. Chúng tôi cần những nhóm đầu tiên áp dụng bảng kiểm phải có kinh nghiệm và sự kiên nhẫn để chấp nhận những thay đổi cần thiết và không gạt bỏ toàn bộ công trình. 
     Sử dụng bảng kiểm đòi hỏi phải có sự thay đổi văn hóa lớn cũng như sự dịch chuyển trong quyền hạn, trách nhiệm của mọi người với mong muốn cải thiện việc chăm sóc y tế. Và yêu cầu trên hết là các bệnh viện cần nhận thức được điều đó. Chúng tôi tin rằng đội ngũ nhân viên của bệnh viện chắc chắn sẽ áp dụng bảng kiểm nếu họ nhận thấy lãnh đạo của mình tán thành nó ngay từ ban đầu. 
     Nhóm nghiên cứu bắt đầu chia nhau đến thăm các bệnh viện tiên phong trong việc thử nghiệm để hoàn thiện bảng kiểm. Tôi chưa bao giờ thấy việc người ta phẫu thuật theo nhiều cách khác nhau như vậy, nó vượt xa những gì tôi dự đoán, và các vấn đề gặp phải cũng đa  dạng hơn rất nhiều. 
     Ở Tanzania, Bệnh viện Quận Thánh Francis Designated nằm cách thủ đô Dares Salaam khoảng 300km. Đường đến đó đầy bụi, thậm chí có đoạn chỉ đủ một làn xe. Tình trạng ngập lụt vào mùa mưa đã cắt đứt nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết như thuốc men và khí tê cho bệnh viện, và nó cứ lặp đi, lặp lại vài tuần một lần. Mỗi năm có hàng ngàn bệnh nhân cần phải mổ nhưng bệnh viện chỉ có năm bác sĩ phẫu thuật và bốn nhân viên gây mê nhưng cả bốn nhân viên ấy đều chưa có bằng cấp về y khoa. Hầu hết máu được cung cấp là từ người nhà của bệnh nhân, và nếu không đủ, thì các nhân viên trong bệnh viện sẽ phải cho máu. Để tiết kiệm thuốc gây mê, họ buộc phải gây tê cột sống – là loại thuốc gây tê được tiêm thẳng vào ống tủy sống. Họ còn có thể tiến hành phẫu thuật dưới xương sống, mà điều này thì tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra. Họ đã tái khử trùng các găng tay phẫu thuật, và sử dụng lại cho đến khi nó rách hẳn mới bỏ đi. Thậm chí, họ còn tự làm gạc phẫu thuật. Vào mỗi buổi chiều trong lúc uống trà, các y tá và nhân viên gây mê ngồi quanh một cái bàn gỗ cũ để cắt những cuộn vải cotton màu trắng rồi xếp chúng lại theo cỡ của miếng gạc, và sử dụng cho các ca mổ tiếp theo. 
     Còn ở New Delhi, Bệnh viện Thánh Stephen không quá nghèo nàn như ở Tanzania hay những vùng nông thôn Ấn Độ mà tôi đã từng đến. Ở đây có nhiều nguồn tiếp tế hơn. Đội ngũ nhân viên cũng được đào tạo tốt hơn, với bảy bác sĩ gây mê được đào tạo bài bản về chuyên môn. Nhưng mỗi năm họ phải thực hiện khoảng 20.000 ca mổ cho thành phố với mười ba triệu dân này. Một con số thật không thể tưởng tượng nổi. Trong khi cũng với số lượng ca phẫu thuật tương đương như vậy, Bệnh viện Thành phố Aukland ở New Zealand phải cần đến chín mươi hai bác sĩ gây mê mới có thể đảm trách được. Tuy nhiên, đối diện với tình trạng khó khăn như: thiếu trang thiết bị, thiếu điện, danh sách chờ mổ dài đằng đẵng, những ngày làm việc kéo dài mười bốn giờ, nhưng tôi lại ít nhận được lời phàn nàn hay thái độ không hài lòng từ các nhân viên phẫu thuật ở New Delhi so với nhiều bệnh viện ở Mỹ mà tôi từng chứng kiến. 
     Không chỉ có sự khác nhau giữa những bệnh viện ở nước giàu và nước nghèo, mà trong cùng một điều kiện về kinh tế, mỗi bệnh viện cũng có những điểm riêng khác nhau. Chẳng hạn,  Bệnh viện Thánh Mary ở Luân-đôn, là một khu gồm nhiều căn nhà được xây bằng gạch đỏ và đá  trắng cách đây gần hai thế kỷ, và trông rất nổi bật ở khu Paddington. Chính tại đây, vào năm 1928, Alexander Fleming đã phát hiện ra penicillin. Gần đây, dưới sự điều hành của ngài Darzi of Denham, Chủ tịch ban phẫu thuật, bệnh viện đã trở thành nơi tiên phong trong việc phát triển phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mô phỏng ở tầm quốc tế. Bệnh viện Thánh Mary hiện đại, có đầy đủ trang thiết bị và là sự lựa chọn hàng đầu của giới thượng lưu cũng như những người có quyền lực ở Luân-đôn. Chẳng hạn, hai Hoàng tử William và Harry đã được sinh ra tại đây, người con trai bị tàn tật của ông David Cameron, Thủ lĩnh Đảng bảo thủ và là đương kim Thủ tướng Anh, cũng được chăm sóc ở đây. Nhưng hầu như nó không có vẻ sang trọng, vì đây là bệnh viện của nhà nước nằm trong hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia, nó phục vụ miễn phí bất kỳ người dân Anh nào và đặc biệt là không phân biệt đối xử. 
     Quan sát mười sáu phòng mổ ở đây, tôi thấy chúng khá giống với những bệnh viện tôi làm việc ở Boston – phong cách hiện đại với trang thiết bị công nghệ cao. Nhưng quy trình phẫu thuật  thì có vẻ khác trong từng công đoạn. Chẳng hạn, bệnh nhân không được gây mê bên trong phòng mổ, mà được gây mê ở bên ngoài rồi sau đó mới đẩy vào trong, và như vậy sẽ đồng nghĩa với việc phần đầu tiên của bảng kiểm cần phải thay đổi. Nhưng việc các bác sĩ gây mê và y tá phòng mổ không mang khẩu trang lại khiến tôi cảm thấy không hài lòng. Tuy nhiên tôi cũng phải thú nhận rằng khoa học chưa chứng minh được sự cần thiết phải mang khẩu trang đối với các nhân viên không làm việc gần vết mổ của bệnh nhân. Hầu hết các thuật ngữ mà ê kíp mổ sử dụng nghe rất xa lạ. Tôi không hiểu họ đang nói gì, cho dù tất cả chúng tôi đều dùng tiếng Anh. 
     Ở Jordan, môi trường làm việc lại khác biệt hẳn so với những nơi khác. Các phòng mổ tại Bệnh viện Hoàng tử Hamza ở Amman khá đơn giản – bởi đây là đất nước đang phát triển, các trang thiết bị đã cũ – nhưng họ vẫn có đủ thiết bị cần thiết cho một ca phẫu thuật, và dường như chất  lượng chăm sóc y tế ở đây là rất tốt. Tôi đã gặp Irapi, một bác sĩ phẫu thuật. Anh được đào tạo ở Baghdad và làm việc tại đó cho đến khi Mỹ tấn công Iraq vào năm 2003, và khi tình hình trở nên lộn xộn đã buộc anh phải chạy trốn cùng gia đình, bỏ lại căn nhà, tiền tiết kiệm và công việc đang làm. Trước đây, Baghdad là nơi có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất vùng Trung Đông, nhưng trong thời kỳ Saddam Husein, những luật lệ hà khắc của ông ta đã bóp chết nền y tế của Iraq. Irapi nói rằng giờ đây Jordan lại là nơi có dịch vụ y tế tốt nhất vùng, và anh ấy cảm thấy may mắn khi được làm việc ở đó. Theo số liệu mà tôi được biết thì hàng năm có hơn 200.000 bệnh nhân nước  ngoài đến Jordan để khám chữa bệnh, đem lại thu nhập khoảng một tỷ đô-la mỗi năm cho đất nước. 
     Tuy nhiên, điều tôi không thể lý giải được là làm thế nào để mọi người trong ê kíp mổ có thể vượt qua được sự phân biệt giới tính nghiêm ngặt ở đây. Nhớ lại lúc mới đến đây, tôi ngồi bên ngoài một nhà hàng quan sát người qua lại để rồi nhận thấy đàn ông và phụ nữ gần như không bao giờ đi cạnh nhau. Hầu hết phụ nữ đều trùm khăn che kín đầu. Tôi làm quen với một bác sĩ phẫu thuật nội trú, anh ấy khoảng 30 tuổi, là người hướng dẫn tôi trong dịp ghé thăm bệnh viện. Chúng tôi đã từng đi xem phim cùng nhau. Khi biết anh ấy có bạn gái là sinh viên đã tốt nghiệp, họ quen nhau đã được hai năm, tôi liền hỏi: “Kể từ lúc quen nhau, đến khi nào thì anh mới được nhìn thấy mái tóc của cô ấy”. 
     Anh ấy trả lời: “Chưa lần nào cả”. 
     “Tôi không tin. Chưa lần nào thật sao?”. - Tôi hỏi lại với ý nghi ngờ. 
     “Chưa bao giờ”. - Anh ấy quả quyết. Sau đó anh ấy nói rằng anh mới chỉ thấy được vài sợi và biết là tóc của cô có màu nâu sẫm. Trong mối quan hệ hẹn hò thời hiện đại, ngay cả với những người được giáo dục cao, quan niệm cũ vẫn không thể bị vượt qua. 
     Trong phòng mổ, tất cả các bác sĩ phẫu thuật đều là nam, còn hầu hết y tá là phụ nữ. Tỷ lệ nam, nữ trong nhóm bác sĩ gây mê cân bằng nhau. Những người phụ nữ trong phòng mổ vẫn luôn trùm khăn kín đầu và phải tránh nhìn đàn ông. Trong điều kiện như vậy, tôi tự hỏi liệu kiểu làm việc theo nhóm như trong bảng kiểm yêu cầu có thực hiện được không. Tuy nhiên, tôi từ từ nhận ra rằng các nhân viên sẽ bỏ qua các nghi thức khi thật sự cần thiết. Tôi đã quan sát một ca phẫu thuật túi mật, lúc bác sĩ mổ vô ý đã làm dơ găng tay của ông ấy khi điều chỉnh những bóng đèn mổ. Ông ấy không hề biết, nhưng cô y tá nhận thấy điều đó. 
     Cô liền nói với ông ấy bằng tiếng A-rập: “Bác sĩ cần phải đổi đôi găng tay” (Có người đã dịch cho tôi nghe). 
     Bác sĩ trả lời: “Nó vẫn tốt mà”. 
    Y tá đáp: “Không đâu, nó đã bị dơ rồi”. Và cuối cùng cô ấy đã thành công trong việc buộc bác sĩ phải đổi găng tay khác. 
     Chứng kiến tất cả những điều khác biệt giữa tám bệnh viện trên, tôi cảm thấy bất ngờ với cách mà mọi người có thể thoải mái khi đang ở trong phòng mổ. Mỗi khi có một ca mổ, bạn sẽ có một bệnh nhân nằm trên bàn mổ với niềm hy vọng cùng nỗi sợ hãi, tính mạng họ đang phụ thuộc vào bạn và họ tin tưởng bạn sẽ thực hiện thành công ca mổ. Ngoài ra, bạn còn có các đồng sự đang cố gắng phối hợp với nhau để cùng biến niềm tin đó thành hiện thực.
     Đôi khi việc thử nghiệm bảng kiểm cũng gặp trở ngại. Chúng tôi đã gặp một số trục trặc liên quan đến vấn đề nhân sự. Chẳng hạn, ở Manila, cứ bốn ca mổ thì chỉ có một y tá, vì các bệnh viện ở Mỹ và Ca-nada đã thu hút những y tá phòng mổ giỏi về đó. Các sinh viên y khoa thực tập được thay thế lại quá rụt rè để ra hiệu bắt đầu thực hiện bảng kiểm, vì thế nên các nhân viên gây mê phải đảm trách nhiệm vụ này. Ở Anh, các nhân viên địa phương lại gặp khó khăn trong việc tìm ra những thay đổi cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế trong việc gây mê của họ.
     Mức độ tiếp thu cũng là một vấn đề cần quan tâm. Dù bảng kiểm có đơn giản đến đâu, nhưng nếu đã quen thực hiện công việc theo cách của mình, thì bạn cũng sẽ gặp khó khăn khi phải thay đổi thói quen để thực hiện theo bảng kiểm. Thỉnh thoảng các ê kíp mổ quên thực hiện một phần trong bảng kiểm – đặc biệt là phần kết thúc, tức là trước khi đưa bệnh nhân ra khỏi phòng mổ. Có khi họ thấy khó thực hiện đúng bảng kiểm vì nó quá phức tạp, nhưng thực tế lại không phải vậy. Thay vào đó, dường như khó khăn chính là ở khả năng giao tiếp giữa các thành viên trong kíp mổ với nhau. Nhiều người không quen khi nêu ra một vấn đề nào đó – chẳng hạn, y tá phải lên tiếng trong trường hợp chưa tiêm kháng sinh cho bệnh nhân, và yêu cầu cả kíp mổ dừng lại cho đến khi bệnh nhân đã được tiêm kháng sinh. Trong phòng mổ, mỗi người có một phong cách riêng, nhất là các bác sĩ phẫu thuật. Người thì im lặng, người thì mang dáng vẻ căng thẳng, người lại thích trò chuyện. Tuy nhiên, ít người có khả năng hòa nhập ngay vào ê kíp mổ để có thể nhanh chóng nắm bắt một cách có hệ thống kế hoạch mổ và những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình mổ.
     Có nhiều ý kiến khác nhau về việc giới thiệu tên và chức vụ của các thành viên kíp mổ lúc bắt đầu thực hiện ca phẫu thuật. Từ New Delhi đến Seattle, các y tá có vẻ như khá thoải mái khi thực hiện bước này, trong khi các bác sĩ phẫu thuật thì thỉnh thoảng cảm thấy khó chịu vì phải làm việc này. Nhưng hầu hết mọi người vẫn thực hiện theo bảng kiểm.
     Tuy nhiên, vẫn có nơi không muốn thực hiện theo bảng kiểm, nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt. Họ nói thẳng với chúng tôi rằng: “Bảng kiểm chỉ làm tốn thời gian mà thôi”. Ở một số bệnh viện, các lãnh đạo yêu cầu những ai không chấp hành sẽ bị xử phạt và buộc họ phải thực hiện theo bảng kiểm. Chúng tôi không khuyến khích chuyện đó. Lý do là bởi nếu bị bắt buộc phải áp dụng bảng kiểm có thể sẽ gây ra những phản ứng mạnh mẽ khiến họ có thái độ khó chịu khi tham gia. Chúng tôi đề nghị ban lãnh đạo các bệnh viện giới thiệu bảng kiểm đơn giản như một công cụ để giúp mọi người cải thiện kết quả làm việc của chính họ. Cuối cùng, vẫn có khả năng là những người phản ứng nó đã nói đúng, bởi họ cho rằng bảng kiểm chỉ thể hiện thiện chí chứ không tạo ra điều gì tích cực.
     Dù bị một số người phản đối nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực thực hiện bảng kiểm phẫu thuật an toàn trong vòng một tháng ở mỗi bệnh viện theo đúng kế hoạch, với các ê kíp thường xuyên áp dụng bảng kiểm ở những phòng mổ mà chúng tôi thực hiện cuộc nghiên cứu. Chúng tôi tiếp tục theo dõi số liệu bệnh nhân và chờ kết quả cuối cùng.
     Tôi cảm thấy lo lắng về hiệu quả của dự án này. Chúng tôi đã lên kế hoạch kiểm tra kết quả chỉ với một thời gian ngắn, khoảng ba tháng tại mỗi bệnh viện sau khi giới thiệu bảng kiểm. Với cách này, nếu có bất kỳ sự tiến triển nào chắc chắn đó là nhờ vào bảng kiểm, chứ không phải vì sự phát triển của ngành y tế. Nhưng tôi lo lắng rằng liệu nó có hiệu quả chỉ trong thời gian ngắn như thế không, trong khi các nhóm thử nghiệm còn chưa hiểu rõ cách thực hiện. Có thể do thời gian chúng tôi đưa ra để mọi người nghiên cứu là chưa đủ. Đồng thời, cũng có quá ít sự giúp đỡ khi các bệnh viện bắt đầu thử nghiệm nó. Chúng tôi đã không cung cấp cho họ các trang thiết bị y tế cũng như mặt nhân sự. Những bệnh viện này vẫn thiếu thốn nhiều thứ, và chúng tôi phải tự hỏi nếu cơ sở vật chất không đầy đủ, liệu kết quả có được cải thiện hay không? Chúng tôi chỉ đưa cho họ một danh sách dài một trang giấy với mười chín mục và hướng dẫn họ cách sử dụng chúng. Dù đã cố gắng làm cho nó thật ngắn gọn và đơn giản, nhưng nó lại quá sơ sài và không đủ chi tiết. Đáng lẽ chúng tôi không nên nghe theo lời khuyên của các cố vấn trong ngành hàng không.
     Khi chúng tôi bắt đầu thấy thất vọng, thì tin tức từ Bệnh viện Thánh Mary ở Luân-đôn báo về khiến chúng rất vui mừng. Đó là tin tốt lành từ một ca mổ thay đầu gối do một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình phụ trách, trong khi đây chính là một trong những người đã chỉ trích dự án của chúng tôi. Ngay trước khi bắt đầu mổ – là thời điểm rất quan trọng, bảng kiểm đã giúp ê kíp nhận ra rằng bộ phận đầu gối giả mà họ có không đúng kích cỡ với bệnh nhân – và rằng lúc này bệnh viện lại không có đúng kích cỡ mà bệnh nhân cần. Vị bác sĩ phẫu thuật ấy trở thành người đề xuất áp dụng bảng kiểm ngay lập tức.
     Theo chúng tôi được biết, ở Bệnh viện Thánh Stephen của Ấn Độ, bảng kiểm đã giúp ban phẫu thuật nhận ra lỗi cơ bản trong quy trình mổ của họ. Thông thường, bệnh nhân sẽ được truyền kháng sinh trong phòng chờ phẫu thuật trước khi được đẩy vào phòng mổ. Nhưng nhờ có bảng kiểm, các bác sĩ lâm sàng nhận ra việc chuẩn bị trong phòng mổ chậm chễ đã khiến cho kháng sinh bị yếu đi trước khi bệnh nhân bắt đầu được mổ. Vì thế, các nhân viên phải thay đổi quy trình làm việc của họ để thực hiện cùng với bảng kiểm, tức là khi bệnh nhân được đưa vào phòng mổ mới tiêm kháng sinh.
     Tại Trung tâm Y tế Đại học Washington ở Seattle, một người bạn là bác sĩ phẫu thuật làm việc tại đây cho biết việc đưa bảng kiểm vào quy trình làm việc hàng ngày ở phòng mổ của cô diễn ra khá dễ dàng. “Nhưng nó có giúp mọi người phát hiện ra lỗi không?” - Tôi hỏi cô ấy.
     “Ồ, tất nhiên là giúp rất nhiều”. - Cô ấy trả lời. Chúng đã giúp phát hiện ra các lỗi về tiêm kháng sinh, về thiết bị và một số vấn đề khác mà trước đây chúng tôi thường bỏ sót. Hơn thế, theo cô ấy, việc dừng lại để thảo luận đã giúp các nhân viên phản ứng tốt hơn nếu sau đó họ gặp phải rắc rối như: bệnh nhân bị chảy máu quá nhiều hay vấn đề về kỹ thuật trong ca phẫu thuật. Cô ấy khảng định: “Chúng tôi đã phối hợp tốt hơn và đã như một nhóm cộng tác thực sự”.
     Những thông tin này đã cho tôi thêm hy vọng.
     Tháng Mười năm 2008, tôi nhận được các kết quả nghiên cứu. Cùng tham gia dự án này với tôi còn có hai thành viên khác và họ đều là bác sĩ nội trú chuyên ngành phẫu thuật tổng quát. Alex Haynes đã bỏ hơn một năm không tham gia tập huấn phẫu thuật để thực hiện cuộc nghiên cứu tại tám bệnh viện tiên phong nhằm thu thập và xử lý số liệu. Còn Tom Weiser đã dành hai năm để quản lý, phát triển các bảng kiểm của WHO, và anh ấy cũng là người phụ trách việc kiểm tra lại các số liệu đã thu thập được. Riêng William Berry, bác sĩ phẫu thuật tim đã nghỉ hưu, phụ trách việc kiểm tra lần cuối tất cả những gì hai cộng sự của tôi đã thu thập được. Vào cuối một buổi chiều, họ cùng đến gặp tôi.
Alex nói: “Anh cần phải xem cái này”.
     Anh ấy đặt một xấp giấy in các số liệu thống kê trước mặt và cùng tôi xem các bảng biểu đã được tổng hợp. Kết quả cuối cùng cho thấy, sau khi áp dụng bảng kiểm, tỷ lệ biến chứng nguy hiểm mà các bệnh nhân phẫu thuật gặp phải ở tám bệnh viện trong chương trình nghiên cứu đã giảm 36% và tỷ lệ tử vong giảm 47%.
     Đây là kết quả bỏ xa những gì trước đó chúng tôi từng hy vọng. Tất cả thật tuyệt vời. Tỷ lệ nhiễm trùng giảm gần 1/2. Số bệnh nhân phải trở lại phòng mổ sau ca phẫu thuật ban đầu vì mất máu hay vì những sai sót kỹ thuật khác cũng giảm 1/4. Trong số gần 4.000 bệnh nhân được khảo sát, có 435 người được dự đoán sẽ bị nhiễm trùng nặng sau mổ, dựa theo các số liệu khảo sát trước đây. Nhưng khi bệnh viện sử dụng bảng kiểm, kết quả cho thấy chỉ có 277 người bị nhiễm trùng. Và như vậy, việc sử dụng bảng kiểm đã cứu hơn 150 bệnh nhân khỏi nguy hiểm – và 27 người trong số đó giữ được tính mạng.
     Có thể bạn cho rằng tôi sẽ nhảy lên vì vui sướng, hay chạy qua các sảnh phòng phẫu thuật mà hét lên “Chúng tôi đã thành công rồi!”. Nhưng không. Thay vào đó, tôi lại rất lo lắng, và ngay lập tức kiểm tra lại hồ sơ dữ liệu xem có sự nhầm lẫn nào có thể tạo ra các kết quả này không.
     Giả sử kết quả này không phải nhờ vào bảng kiểm, mà chỉ là sự ngẫu nhiên vì các ca mổ ít nguy hiểm hơn trong khoảng thời gian thử nghiệm, và đó là lý do tại sao chúng tôi lại có kết quả tuyệt vời như thế. Alex trở lại và kiểm tra số liệu một lần nữa. Nhưng thực tế, trong đợt áp dụng thử nghiệm bảng kiểm này, các ê kíp mổ đã thực hiện nhiều ca cấp cứu hơn so với trước khi thử nghiệm, và các ca mổ về sản, lồng ngực, chỉnh hình, ổ bụng vẫn không thay đổi.
     Giả sử kết quả này chỉ là hiệu ứng Hawthorne, có nghĩa là khi bị giám sát trong một đợt nghiên cứu, nhân viên ở các bệnh viện sẽ làm việc hiệu quả hơn chứ không phải do bảng kiểm mang lại. Nhưng thực tế, người thực hiện nghiên cứu chỉ có mặt ngay trong phòng mổ trong khoảng 20% các ca mổ để thu thập thông tin. Có thể điều này đã tác động đến kết quả nghiên cứu trên. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, các quan sát viên đã có mặt trong các phòng mổ từ lúc bắt đầu dự án, và kết quả vẫn không thay đổi cho đến khi bảng kiểm được giới thiệu sử dụng. Hơn nữa, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra lại xem giữa ca mổ có và ca mổ không có sự tham gia của giám sát viên có sự khác nhau nào không. Và khi Alex kiểm tra lại hệ thống dữ liệu, kết quả vẫn không thay đổi, nghĩa là hiệu quả của bảng kiểm giữa những ca mổ có và không có người giám sát là như nhau.
     Như vậy, có thể bảng kiểm giúp tạo ra sự khác biệt ở một số nơi, và có lẽ chỉ ở những nơi có điều kiện kém hơn. Nhưng giả định này cũng không đúng. Vì thực sự, tỷ lệ biến chứng do phẫu thuật được lấy để tham khảo ở bốn bệnh viện tại những nước giàu là thấp hơn, nhưng sau khi sử dụng bảng kiểmcũng đã giúp giảm 1/3 tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng ở bốn bệnh viện này – cũng là một mức giảm rất đáng kể.
     Nhóm nghiên cứu cùng tôi kiểm tra lại kết quả của từng nơi trong số tám bệnh viện tham gia thử nghiệm. Kết quả là việc thử nghiệm bảng kiểm đã giúp các bệnh viện này kéo giảm đáng kể các ca biến chứng trong phẫu thuật. Trong đó, có bảy bệnh viện giảm với tỷ lệ lên đến hai con số.
     Và điều này đã phản ánh thực tế đã diễn ra tại các bệnh viện.

     Tháng Giêng năm 2009, tạp chí New England Journal of Medicine công bố kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Trước đó, thông tin đã bắt đầu rò rỉ ra bên ngoài khi chúng tôi gửi kết quả đến các bệnh viện tham gia. Các bệnh viện ở tiểu bang Washington đã bắt đầu thử áp dụng bảng kiểm khi biết được kết quả của Trung tâm Y tế Đại học Washington ở Seattle. Họ nhanh chóng phối hợp với các công ty bảo hiểm, hãng Boeing và chính phủ nhằm giới thiệu bảng kiểm một cách có hệ thống trên toàn tiểu bang và theo dõi dữ liệu chi tiết của các bệnh viện. Ở Anh, công đầu thuộc về ông Lord Darzi, Chủ tịch khoa phẫu thuật Bệnh viện Thánh Mary, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Y tế và ngài Liam Donaldson – một quan chức cao cấp được chỉ định làm việc cho WHO (và cũng chính là người đã đôn đốc thực hiện dự án bảng kiểm phẫu thuật tại địa điểm đầu tiên). Khi hai ông biết được kết quả nghiên cứu trên, họ đã nhanh chóng phát động chiến dịch áp dụng bảng kiểm trên toàn quốc.
     Tuy nhiên, phản ứng của các bác sĩ phẫu thuật lại rất đa dạng. Ngay cả nếu như sử dụng bảng kiểm không làm mất quá nhiều thời gian – sự thực là ở vài nơi, các nhóm thực hiện báo lại là nó đã giúp họ tiết kiệm thời gian – thì một số người lại phản đối vì họ cho rằng bản nghiên cứu đã không chứng minh được một cách rõ ràng là bằng cách nào mà bảng kiểm có thể tạo nên những kết quả đáng chú ý như vậy. Quả thật, thắc mắc của họ là có cơ sở. Ở tám bệnh viện tham gia cuộc nghiên cứu, chúng tôi thấy rõ sự cải thiện trong việc tiêm kháng sinh nhằm giảm nhiễm trùng, việc sử dụng máy đo bão hòa oxy trong máu gắn trên người bệnh trong các ca mổ, hay đảm bảo các ê kíp mổ nhận đúng bệnh nhân và thực hiện đúng quy trình trước khi bắt đầu mổ. Nhưng tất cả lại không thể giải thích được tại sao các biến chứng không liên quan như chảy máu chẳng hạn, lại giảm. Chúng tôi chỉ đưa ra dự đoán là nhờ vào việc dừng lại và sự trao đổi giữa các thành viên trong ê kíp. Qua phỏng vấn ngẫu nhiên các thành viên trong ê kíp bước ra từ phòng mổ có sử dụng bảng kiểm cho thấy mức độ giao tiếp trong phòng mổ đã thực sự tăng đáng kể. Ngoài ra, kết quả này còn thể hiện rằng tỷ lệ biến chứng sẽ giảm khi các thành viên trong kíp mổ phối hợp với nhau tốt hơn.
     Sau ba tháng sử dụng danh mục, hơn 250 thành viên các kíp mổ gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, y tá và những người khác được khảo sát thực tế sử dụng danh mục bằng phiếu mà không cần ghi tên. Kết quả cho thấy ban đầu hầu hết họ đều tỏ ra nghi ngờ. Nhưng cuối cùng, khoảng 80% cho biết họ thấy dễ dàng khi sử dụng danh mục bởi nó không mất nhiều thời gian và độ an toàn trong chăm sóc phẫu thuật cao. Và thực tế đã có 78% số người thực hiện theo bảng kiểm nhằm ngăn ngừa sai sót có thể xảy ra trong phòng mổ.
     Tuy vậy, vẫn có một số người tỏ ra nghi ngờ. Kết quả khảo sát cho thấy 20% số người thấy khó khăn khi sử dụng bảng kiểm bởi theo họ nó mất quá nhiều thời gian và không giúp cải thiện vấn đề an toàn trong chăm sóc phẫu thuật.
     Chúng tôi còn hỏi họ thêm câu cuối cùng của bản khảo sát, đó là: “Khi thực hiện một ca mổ, bạn có muốn sử dụng danh mục kiểm tra không?”.
     Kết quả là 93% số người trả lời là có.