Tôi đang trò chuyện với một người bạn học y khoa, giờ đây là bác sĩ phẫu thuật tổng quát ở San Francisco. Chúng tôi chia sẻ những câu chuyện trong phòng mổ – điều mà các bác sĩ phẫu thuật thường làm. Một trong số đó là câu chuyện của John về một người đàn ông nhập viện đêm Halloween với một vết đâm. Trước đó, anh ấy đến dự một buổi tiệc hóa trang, rồi vướng vào một cuộc ẩu đả.
Khi được đưa vào cấp cứu, tình trạng của nạn nhân khá ổn định, nhịp thở đều, không kêu đau, nhưng say mèm và miệng luôn lảm nhảm với đội cấp cứu. Các bác sĩ phải dùng kéo để cắt bỏ quần áo anh ấy và tiến hành kiểm tra toàn diện. Nạn nhân có chiều cao trung bình, nặng khoảng 90 ký nhưng bụng phệ. Anh ấy bị đâm ở bụng, một vết thương hở còn đỏ máu và dài khoảng hơn hai đốt ngón tay. Từ miệng vết thương, một thứ mỡ vàng sậm lộ ra. Đó là lớp mỡ từ trong thành bụng chứ không phải thứ mỡ vàng nhạt bên dưới lớp da. Các bác sĩ đưa anh ấy đến phòng mổ để kiểm tra xem có tổn thương gì trong khoang bụng không, sau đó mới khâu vết thương lại.
John nói: “Không có gì nghiêm trọng lắm”.
Nếu đây là một vết thương nặng, bác sĩ sẽ phải lao vào phòng mổ, xe đẩy chạy như bay, các điều dưỡng sẽ nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ mổ và các bác sỹ gây mê sẽ xem nhanh các bước kiểm tra chi tiết hồ sơ bệnh án để lập tức tiến hành ca mổ. Tuy nhiên, đây không phải là một ca khẩn cấp. Các bác sĩ có thời gian để xem xét trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Nhưng ngay lúc đó, một điều dưỡng phát hiện bệnh nhân đã không còn nói lảm nhảm. Nhịp tim tăng vọt. Mắt thì trợn trừng, lay nhẹ nhưng không thấy anh ấy có phản ứng gì. Cô vội gọi trợ giúp cấp cứu và nhóm bác sĩ điều trị lao nhanh vào phòng mổ. Huyết áp gần như không đo được. Họ đặt nội khí quản, truyền dịch, truyền máu khẩn cấp cho bệnh nhân nhưng vẫn không thể nâng huyết áp tăng lên.
Vậy là giờ đây, các bác sĩ đã phải cấp tốc lao nhanh vào phòng mổ, điều dưỡng cấp tốc chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật, bác sĩ gây mê bỏ qua bước xem xét hồ sơ bệnh án. Một bác sĩ thực tập đổ vội cả chai thuốc khử trùng Betadine lên vùng bụng bệnh nhân. John cầm dao mổ số 10 to tướng, rạch một đường sắc lẹm và gọn gàng lên lớp da bụng, kéo dài từ phần xương sườn lồng ngực đến tận xương mu.
"Dao điện"
John cầm lưỡi dao điện cắt dọc lớp mỡ dưới da, tách nó ra từ trên xuống dưới, sau đó cắt qua những sợi màng của mô liên kết dưới cơ bụng. Khi anh rạch xuyên qua đến khoang bụng thì đột nhiên máu tuôn ra ồ ạt
"Chết tiệt."
Máu tràn khắp nơi. Lưỡi dao của kẻ tấn công đã cắm sâu hơn một foot (khoảng 30 cm) qua da, qua lớp mỡ, qua cơ, xuyên qua ruột, dọc theo bên trái của cột sống, và cắt vào động mạch chủ từ tim.
“Điều đó thật kinh khủng”, John kể. Một bác sĩ cùng kíp mổ đã kịp thời hỗ trợ và dùng tay thít chặt động mạch chủ, ngay trước vết cắt. Điều đó đã giúp chặn được phần lớn máu chảy và họ dần kiểm soát được tình hình. Đồng nghiệp của John nói rằng anh chưa gặp tình huống nào tương tự từ sau chiến tranh Việt Nam.
"Thật điên rồ," John nói. Một bác sĩ phẫu thuật khác tham gia, ấn mạnh tay lên động mạch chủ trên điểm bị đâm. Điều đó ngăn chặn phần lớn máu chảy và họ bắt đầu kiểm soát tình hình. Đồng nghiệp của John nói rằng anh ta chưa từng thấy chấn thương nào như thế từ sau chiến tranh Việt Nam.
Hóa ra, tình tiết cũng gần giống như thế bởi sau này John được nghe kể lại rằng kẻ tấn công bệnh nhân kia ở bữa tiệc hóa trang đã mặc bộ đồ của một người lính và còn trang bị cả một lưỡi lê.
Những ngày sau đó, nhiều lần bệnh nhân phải trải qua tình trạng nguy hiểm, nhưng cuối cùng anh ấy cũng qua khỏi. John vẫn còn lắc đầu với vẻ mặt rầu rĩ khi nhắc lại trường hợp này
Có hàng ngàn lý do khiến sự việc có thể trở nên tồi tệ khi đối mặt với một bệnh nhân bị đâm như vậy. Và cả ê kíp điều trị đã thực hiện rất tốt hầu hết mọi bước, từ kiểm tra tổng quát, theo dõi cẩn thận huyết áp, mạch và nhịp thở, giám sát ý thức đến truyền dịch qua đường tĩnh mạch, liên hệ ngân hàng máu để sẵn sàng hỗ trợ, thay thế ống dẫn tiểu để luôn giữ vệ sinh. Họ làm tất cả mọi thứ, chỉ trừ có một điều là không ai hỏi bệnh nhân hay đội cấp cứu về hung khí gây thương tích.
“Bạn sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến một lưỡi lê lại xuất hiện giữa thành phố San Francisco này”. John chỉ có thể giải thích.
John kể tôi nghe một câu chuyện khác về một bệnh nhân đang trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u dạ dày thì bất ngờ tim ngừng đập*. John nhớ lại lúc nhìn vào máy điện tim, anh đã quay sang hỏi vị bác sĩ gây mê: “Này, không thấy nhịp tim à?”. Khi ấy, màn hình điện tâm đồ hiện lên một đường thẳng, cứ như thể máy điện tim không được kết nối với bệnh nhân vậy.
Lúc đó, vị bác sĩ gây mê đã cho rằng: “Có lẽ phích cắm điện không ăn”, vì việc tim ngừng đập gần như không thể xảy ra. Bệnh nhân là nam giới, khoảng 50 tuổi, trước khi được phát hiện cơ thể có khối u thì dường như tình trạng sức khỏe của ông ấy hoàn toàn bình thường. Khối u được phát hiện tình cờ trong một lần ông đi khám bệnh vì một vấn đề khác, hình như là bị ho, và ông có trình bày với vị bác sĩ khám bệnh là mình thường bị ợ hơi. Thỉnh thoảng ông cảm thấy như ăn không tiêu, thức ăn hay bị tắc ở thực quản khiến ông có cảm giác buồn nôn khó chịu. Bác sĩ yêu cầu ông uống một ly nước chứa chất bari màu trắng đục và tiến hành chụp X-quang. Hình ảnh chụp được cho thấy một khối u có kích thước cỡ nắm tay, thỉnh thoảng lại tạo áp lực chặn ở thực quản như một cái nút. Rất may là khối u được phát hiện sớm và chưa có dấu hiệu di căn. Trong trường hợp này, biện pháp duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày. Đây là một ca phẫu thuật khó và thường kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ.
Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành được nửa chặng đường. Khối u được lấy ra mà không có bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Khi các bác sĩ đang chuẩn bị khôi phục lại bộ máy tiêu hóa cho bệnh nhân thì đột nhiên màn hình báo không có nhịp tim. Phải mất năm giây mọi người mới nhận ra phích cắm vẫn hoạt động bình thường. Chuyên viên gây mê cũng không thấy mạch đập trong động mạch cảnh. Đúng là tim bệnh nhân đã ngừng đập.
Ngay lập tức, John nhanh chóng giật tấm vải vô trùng khỏi người bệnh nhân và bắt đầu tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Theo từng động tác của John, phần ruột bệnh nhân cứ phập phồng trong khoang bụng vẫn đang mở toang, liền bấm nút báo động xanh - tín hiệu dùng trong trường hợp tim bệnh nhân ngừng đập.
Dừng câu chuyện, John quay sang hỏi, nếu trong trường hợp này, tôi sẽ làm gì.
Tôi cố gắng suy nghĩ thật kỹ. Tim ngừng đập giữa một ca đại phẫu khiến điều đầu tiên tôi nghĩ đến là bệnh nhân mất quá nhiều máu. Nếu là tôi, tôi sẽ tìm xem máu chảy ở đâu và lập tức cho truyền máu.
Vị bác sĩ gây mê cũng nhận định như tôi. Nhưng John báo rằng không có hiện tượng chảy máu vì khoang bụng của bệnh nhân đang mở toang.
“Anh ấy không tin nổi, và cứ luôn miệng nói: “Chắc chắn đang chảy máu ồ ạt! Chắc chắn là thế!”. Nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Thiếu oxy cũng là một khả năng. Tôi sẽ vặn nút điều chỉnh oxy lên tối đa và kiểm tra đường hô hấp. Ngay sau đó sẽ khẩn cấp lấy máu bệnh nhân để kiểm tra xem có điều gì bất thường không.
John nói rằng các bác sĩ cùng kíp cũng đã nghĩ đến điều đó. Nhưng đường hô hấp vẫn bình thường. Còn về phần kiểm tra máu, nếu phải đợi 20 phút để có kết quả xét nghiệm ắt hẳn tính mạng của bệnh nhân sẽ bị đe dọa.
Đó cũng có thể là chứng tràn dịch phổi. Nhưng John nói không có dấu hiệu gì của việc đó. Các bác sĩ đã dùng ống nghe để kiểm tra nhịp thở, nhưng không tìm thấy dấu hiệu nào bất thường.
Nguyên nhân tiếp theo được tôi đưa ra là tắc mạch phổi. Rất có thể một cục máu đông đã di chuyển vào tim và cản trở quá trình tuần hoàn máu. Khả năng này rất hiếm, nhưng với những bệnh nhân phẫu thuật chữa trị ung thư có thể xảy ra rủi ro này, và nếu điều đó xảy ra sẽ rất khó cứu chữa. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ dùng một liều epinephire (còn được gọi là adrenalin) cực mạnh để cố gắng kích thích tim, nhưng rất khó cải thiện được tình hình.
John nói rằng cả ê kíp đã đưa ra những kết luận tương tự. Sau mười lăm phút cấp cứu bằng phương pháp ép tim, điện tâm đồ vẫn cứ hiện lên một đường thẳng đầy tuyệt vọng.
Tuy nhiên, trong số những người đến hỗ trợ ca cấp cứu lúc ấy có một bác sĩ gây mê nhiều kinh nghiệm. Ông băn khoăn rằng có thể đã có một sai sót nào đó. Ông đưa ra câu hỏi là mọi người có làm điều gì khác thường trong vòng mười lăm phút trước khi sự cố xảy ra không.
Câu trả lời là không. Nhưng khoan đã, hình như có điều gì đó. Như thường lệ, lúc đầu bệnh nhân được kiểm tra tổng quát và không gặp vấn đề gì, ngoại trừ lượng potassium thấp. Bác sĩ gây mê đã truyền thêm cho bệnh nhân lượng potassium cần thiết để giúp cân bằng.
John cảm thấy bực mình vì đã quên mất khả năng này. Một lượng potassium bất thường là nguyên nhân kinh điển nhất gây ra hiện tượng tim ngừng đập. Điều này được ghi lại trong mọi cuốn sách y khoa, và John không thể tin là mình đã không nhớ ra nó. Lượng potassium thấp hơn mức bình thường có thể làm tim ngừng đập và khi ấy chỉ có thể khắc phục bằng cách bù đắp một lượng thích hợp. Ngược lại, lượng potassium quá cao cũng gây ra hậu quả tương tự, và đây cũng chính là cách người ta dùng để hành quyết tử tù.
Vị bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm yêu cầu xem lại lượng potassium đã được sử dụng cho bệnh nhân. Không mất nhiều thời gian để họ tìm thấy túi đựng được bỏ trong thùng rác và mọi chuyện đã sáng tỏ. Trước đó, vị bác sĩ gây mê trong phòng mổ đã sử dụng liều lượng potassium nhiều hơn gấp 100 lần liều lượng cho phép. Nói cách khác, anh ta đã cho bệnh nhân quá liều potassium, và số lượng này đủ để gây chết người.
Sau khi mất quá nhiều thời gian để tìm nguyên nhân, không ai dám chắc về khả năng sống sót của bệnh nhân. Sự việc dường như đã quá muộn. Nhưng từ khi tìm ra nguyên nhân, cả ê kíp đã cố gắng hết sức có thể. Họ đã nhanh chóng tiêm insulin và glucose để làm hạ lượng potassium độc hại trong cơ thể. Cả ê kíp đều biết rằng sẽ phải mất khoảng mười lăm phút thì việc này mới có tác dụng, và đó là quãng thời gian quá dài đối với một tình huống nguy kịch. Họ liền kết hợp truyền thêm calcium vào tĩnh mạch và cho bệnh nhân hít một lượng albuterol (thường dùng làm thuốc trị suyễn) để đẩy nhanh tác dụng cấp cứu. Quả nhiên, lượng potassium của bệnh nhân lập tức giảm một cách nhanh chóng và điều kỳ diệu cuối cùng cũng đã đến: tim của bênh nhân bắt đầu đập trở lại.
Rơi vào tình huống trên, cả ê kíp phẫu thuật đã gần như không giữ nổi bình tĩnh, đến độ họ không chắc có thể kết thúc được ca mổ. Không chỉ suýt hại chết bệnh nhân, thậm chí họ còn không biết được nguyên nhân gây ra cái chết đó. Nhưng cuối cùng, họ cũng đã thành công. John ra khỏi phòng mổ và vui mừng thông báo tin tốt lành cho gia đình bệnh nhân. Anh cảm thấy cả mình và người bệnh đều đã rất may mắn. Sau đó, bệnh nhân đã phục hồi, sức khỏe trở lại bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Những câu chuyện trong nghề mà các bác sĩ phẫu thuật chia sẻ với nhau thường là những tình huống bất ngờ như chuyện cái lưỡi lê ở San Francisco, hay tim bệnh nhân ngừng đập trong khi mọi thứ tưởng như đang diễn ra rất tốt đẹp. Và cũng có đôi khi là sự hối tiếc vì đã bỏ lỡ những cơ hội mang lại sự sống cho bệnh nhân. Chúng tôi kể về những ca cứu người như “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng kết quả đã thành công, và cả những lần thất bại. Mọi câu chuyện đều là một phần công việc mà chúng tôi đang làm. Chúng tôi luôn cho rằng mình luôn có thể kiểm soát được mọi việc, nhưng những câu chuyện mà John chia sẻ đã khiến tôi phải suy nghĩ về những gì chúng ta thực sự kiểm soát được và điều gì là không thể.
Vào những năm 70 của thế kỷ 20, hai nhà triết học Samuel Gorovitz và Alasdair MacIntypre đã cùng viết một bài luận ngắn về tình trạng con người thường dễ mắc sai lầm. Tôi được đọc bài báo ấy trong đợt tập huấn về phẫu thuật, và từ đấy tôi luôn nghĩ về nó. Câu hỏi mà hai triết gia đặt ra là tại sao chúng ta không thể thực hiện được những công việc mà chúng ta đã định sẵn. Và theo họ giải thích, nguyên nhân là vì “những lỗi tất yếu phải xảy ra”, đơn giản là có những điều chúng ta không thể làm được dù rất muốn bởi con người không thể nắm bắt hết mọi việc trong cuộc sống. Thậm chí, dù đã được khoa học công nghệ giúp sức rất nhiều, nhưng khả năng của con người vẫn còn rất hạn chế. Thế giới chúng ta đang sống vẫn tồn tại nhiều điều nằm ngoài phạm vi hiểu biết và khả năng kiểm soát của con người.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể kiểm soát ở một vài lĩnh vực như: xây dựng những tòa nhà chọc trời, dự báo các cơn bão tuyết, điều trị bệnh tim và chữa lành các vết thương. Ở những lĩnh vực này, theo Gorovitz và MacIntype, chỉ có hai lý do khiến chúng ta thất bại.
Lý do thứ nhất đó là sự thiếu hiểu biết, nghĩa là chúng ta có thể phạm sai lầm vì khoa học chỉ giúp chúng ta hiểu được một phần hữu hạn của thế giới. Vẫn còn có những công trình chúng ta chưa biết làm thế nào để xây dựng thành công, hay những cơn bão tuyết nằm ngoài dự báo, và còn nhiều người chết vì bệnh tim mà chúng ta không thể ngăn được. Lý do thứ hai là không có khả năng, vì có những trường hợp, dù đã được trang bị đầy đủ kiến thức, nhưng chúng ta không thể áp dụng chính xác được. Đó là những cao ốc được xây không đúng quy cách và bị sụp, lún, hoặc các nhà dự báo khí tượng bỏ qua các tín hiệu ở vùng đất mà cơn bão tuyết sẽ đi qua, hay như việc bác sĩ quên không hỏi hung khí mà kẻ thủ đã gây ra vết thương cho bệnh nhân.
Những câu chuyện của John chỉ là các ví dụ nhỏ giữa muôn vàn khó khăn mà nền y học đầu thế kỷ của chúng ta đang phải đối mặt. Suy nghĩ thật kỹ về vấn để này, tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra hiện nay hai nguyên nhân kể trên lại đổi chỗ cho nhau. Nghĩa là, gần như trong suốt lịch sử loài người, sự thiếu hiểu biết đã chi phối đến đời sống con người. Bằng chứng là, khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta hầu như không thể tìm ra nguyên nhân hoặc tìm ra phương thức để chữa trị hiệu quả, kịp thời. Đến nay, mặc dù khoa học đã trang bị cho con người nhiều kiến thức hơn, tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp thất bại vì những khả năng hạn chế. Và điều này không khác gì sự thiếu hiểu biết cả.
Bệnh tim là một ví dụ. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, chúng ta hầu như không tìm ra cách để ngăn chặn hay chữa trị nó. Nếu ai đó bị đau tim, chúng ta chỉ biết tiêm cho họ thuốc giảm đau, có thể là cho thở oxy, và để bệnh nhân nằm nghỉ hoàn toàn trên giường vài tuần, nghĩa là bệnh nhân không được phép ngồi dậy và đi vào phòng tắm vì lo ngại điều đó sẽ làm bệnh nặng thêm. Sau đó, mọi người sẽ nắm tay cầu nguyện với hy vọng bệnh nhân sớm ra khỏi bệnh viện và sống nốt phần đời còn lại của mình ở nhà như một người tàn phế.
Tương tự, chúng ta không biết sự nguy hiểm của huyết áp cao, và nếu có thì chúng ta cũng không biết phải làm gì. Mãi cho đến những năm của thập niên 60, lần đầu tiên thế giới mới sáng chế ra một loại thuốc có thể chữa trị chứng tăng huyết áp. Cạnh đó, chúng ta cũng không hiểu rõ tác hại của cholesterol, di truyền, hút thuốc hay bệnh tiểu đường.
Ngày nay, chúng ta cũng có rất nhiều cách nhằm làm giảm khả năng mắc bệnh đau tim, chẳng hạn như: kiểm soát huyết áp, kê đơn statin (một loại thuốc làm giảm lipid), tập thể dục đều đặn, bỏ hút thuốc, và bạn có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa về tim để được hướng dẫn thêm nếu phát hiện sớm các triệu chứng đau tim. Nếu bạn mắc bệnh tim, chúng ta có một bảng đầy đủ các liệu pháp để không chỉ cứu sống mà còn làm giảm thiểu mối nguy hại cho tim. Đó là: cách dùng thuốc tan máu đông giúp thông động mạch vành bị nghẽn, đặt ống dò và thông tim, sử dụng kỹ thuật mổ tim hở cho phép bắc cầu giữa các mạch bị tắc. Và trong một số trường hợp, tất cả những gì chúng ta cần làm là cho người bệnh nằm trên giường thở oxy, uống aspirin hay statin, và một vài loại thuốc kiểm soát huyết áp. Chỉ vài ngày sau, bạn sẽ được về nhà và dần dần trở lại cuộc sống bình thường của mình.
Nhưng vấn đề giờ đây lại là không có khả năng, hoặc có thể “có khả năng” nhưng phải đảm bảo rằng chúng ta áp dụng đúng và nhất quán những kiến thức đã được học hỏi. Ngay cả với các bác sĩ lâm sàng, việc lựa chọn liệu pháp phù hợp nhất trong số các phương thức để điều trị cho bệnh nhân đau tim cũng trở nên rất khó khăn. Thậm chí, khi đã chọn ra liệu pháp đúng đắn thì vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn trong mỗi phương thức ấy. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ rõ, những bệnh nhân đau tim điều trị theo kỹ thuật thông mạch máu bằng bóng balloon cần được tiến hành phẫu thuật trong vòng chín mươi phút kể từ khi nhập viện. Bởi sau thời gian đó, khả năng cứu sống sẽ giảm đi đáng kể. Trên thực tế, điều này có nghĩa là, trong vòng chín mươi phút, đội ngũ y tế phải hoàn tất các xét nghiệm cần thiết cho bất kỳ bệnh nhân đau tim nào nhập viện. Họ phải tiến hành chẩn đoán chính xác và lên kế hoạch mổ, trao đổi với bệnh nhân và được sự đồng ý của họ, đảm bảo không có vấn đề gì khác về sức khỏe hay dị ứng, chuẩn bị phòng cath lab (còn gọi là phòng chụp mạch máu) và ê kíp mổ, di chuyển bệnh nhân, và chuẩn bị phẫu thuật.
Đến đây, câu hỏi đặt ra là khả năng để các bước trên sẽ được thực hiện đầy đủ trong vòng chín mươi phút ở một bệnh viện bình thường là bao nhiêu %? Câu trả lời cho thấy, theo thống kê được công bố năm 2006 là dưới 50%.
Nhưng các bạn cũng đừng ngạc nhiên, vì đây không phải là trường hợp hiếm. Những thất bại như này vẫn diễn ra thường xuyên trong lĩnh vực y tế. Các báo cáo cho thấy, ít nhất 30% bệnh nhân đột quỵ không được bác sĩ của họ chăm sóc một cách đầy đủ và phù hợp, tương tự với 45% bệnh nhân hen suyễn và 60% bệnh nhân viêm phổi. Việc thực hiện đầy đủ và đúng các bước là cực kỳ khó khăn, ngay cả khi bạn hiểu rõ chúng.
Tôi đã từng cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của những khó khăn và áp lực nặng nề trong lĩnh vực y tế. Và tôi nhận thấy, đây không phải là áp lực vì tiền, áp lực từ cấp trên, mối đe dọa của các vụ kiện tụng do tắc trách hay những tranh cãi với các công ty bảo hiểm, mặc dù mỗi bên đều có một phần trách nhiệm trong đó. Nguyên nhân chính là do sự phức tạp của khoa học đang đè nặng lên đôi vai những người trực tiếp điều trị và sự căng thẳng khi họ cố gắng thực hiện tốt những hứa hẹn của khoa học. Vấn đề này không chỉ xảy ra với riêng nước Hoa Kỳ, mà tôi nhận thấy nó còn “hiện diện” cả ở những nơi khác như: Châu Âu lẫn Châu Á, nước nghèo lẫn nước giàu. Và hơn thế nữa, tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra thách thức ấy không chỉ có trong lĩnh vực y tế.
Những lĩnh vực chúng ta đang nỗ lực nghiên cứu ngày càng có nhiều phát minh, sáng kiến, nhưng đồng thời, nó cũng trở nên phức tạp hơn. Và đi cùng với nó, chúng ta cũng gặp thêm nhiều khó khăn hơn để đạt được kết quả như mong đợi. Bạn có thể kiểm chứng điều này qua những lỗi mà các nhà chức trách gặp phải khi đối phó với bão, lốc xoáy hay các thảm họa khác. Đó cũng chính là lời giải thích cho việc tại sao các vụ thân chủ kiện lại luật sư của mình tăng 36% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2007 mà nguyên nhân ở đây lại là những lỗi khá đơn giản như: quên lịch hẹn, gây ồn ào trong văn phòng hay viện dẫn điều luật không phù hợp. Ngoài ra có thể kể thêm những ví dụ khác, chẳng hạn: thiết kế phần mềm bị lỗi, thất bại trong công tác tình báo nước ngoài hay hệ thống ngân hàng bị sụp đổ. Thực tế cho thấy, dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cũng cần am hiểu nhiều kiến thức liên quan.
Mỗi khi gặp những tình huống như trên, chúng ta thường cảm thấy hoang mang, lo lắng, bởi nếu thất bại vì thiếu hiểu biết thì có thể tha thứ được, hoặc trong tình huống không tìm được giải pháp tối ưu thì chúng ta cũng cảm thấy an lòng vì mọi người đã thực sự nỗ lực hết mình. Nhưng chúng ta sẽ thực sự bức xúc nếu vẫn còn có giải pháp mang đến kết quả tốt hơn nhưng vì một lý do nào đó chúng lại không được áp dụng. Bạn sẽ nghĩ gì khi biết 50% số bệnh nhân đau tim không được chữa chạy kịp thời? Bạn nghĩ gì nếu biết 75% số ca bệnh phải trả giá bằng cái chết nhưng nguyên nhân chính là do các nhân viên y tế mắc lỗi? Và hai triết gia, Gorovitz và MacIntype, đã hoàn toàn có lý khi chỉ ra nguyên nhân của những thất bại ấy bằng một cái tên nghe thật tàn nhẫn – không có khả năng. Những người khác thì lại sử dụng những từ như: bất cẩn, hay thậm chí là vô tâm.
Tuy nhiên, đối với những người thực hiện các công việc luôn đòi hỏi thời gian hành động nhanh, như: điều trị bệnh, thi hành pháp luật hay cứu hộ thì dường như phán xét trên chưa phù hợp khi bỏ qua một thực tế rằng đây là những công việc rất khó khăn. Trong khi đó, do công việc đặc thù nên mỗi ngày chúng lại tăng thêm, nhiều điều phải học hơn. Chưa kể, khi rơi vào hoàn cảnh quá khắc nghiệt, con người thường dễ gặp phải thất bại, mặc dù họ đã cố gắng hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà người trong nghề vẫn thường tạo cơ hội trau dồi kinh nghiệm và rèn luyện thay vì dùng biện pháp trừng phạt khi ai đó gặp thất bại.
Về tầm quan trọng của kinh nghiệm thì không có gì để phải tranh luận thêm. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì chưa thể giúp một bác sĩ phẫu thuật có đủ khả năng trong việc điều trị một bệnh nhân đang bị chấn thương. Họ phải nắm vững kỹ thuật xử lý vết thương, hiểu rõ mối nguy hại mà các vết thương sẽ gây ra, và còn phải biết chẩn đoán hướng điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Kế tiếp, mỗi bác sĩ phẫu thuật phải luôn chú ý đến tầm quan trọng của việc cứa chữa bệnh nhân thật nhanh. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình điều trị, họ còn phải nắm bắt được tình trạng lâm sàng, cập nhật thường xuyên các sự kiện liên quan đến diễn biến điều trị. Trước khi đạt đến thành công trong nghề, mỗi bác sĩ phải luôn luôn rèn luyện để đạt đến độ thành thạo và lĩnh hội thật nhiều kinh nghiệm. Và nếu ai đó thất bại vì thiếu kỹ năng cá nhân, điều đơn giản nhất là cần phải học tập và rèn luyện thêm nữa.
Nhưng điều tôi quan tâm nhất với những câu chuyện của John lại ở chỗ, anh ấy là một trong những bác sĩ giải phẫu được đào tạo bài bản nhất mà tôi từng biết, với hơn mười năm kinh nghiệm tại chiến trường. Và anh bạn tôi được xem là hình mẫu điển hình của một bác sĩ được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế. Điều này cho thấy năng lực cá nhân không phải là khó khăn hàng đầu, dù là trong lĩnh vực y tế hay bất kỳ ngành nghề nào khác. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Việc đào tạo trong lĩnh vực nào cũng mất nhiều thời gian và khó khăn hơn bao giờ hết. Trước khi trở thành bác sĩ, giáo viên, luật sư hay kỹ sư,… hàng tuần, chúng ta phải dành ra rất nhiều thời gian cũng như công sức để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trên giảng đường. Mỗi người luôn tìm cách hoàn thiện chính mình để có thể tạo ra cho xã hội nhiều chuyên gia hơn, nhưng chúng ta vẫn không tránh khỏi thất bại.
Và giờ đây, chúng ta đang ở những thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Qua thời gian, nhân loại đã tích lũy được những bí quyết kỳ diệu và trao nó lại cho những người làm việc chăm chỉ nhất, có năng lực nhất, được đào tào bài bản nhất. Bằng cách này, họ đã đạt được một số thành tựu xuất sắc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường không làm chủ được những bí quyết ấy. Nhiều thất bại mà chúng ta cho rằng có thể tránh được vẫn cứ xảy ra, đó là chưa nói đến những thất bại làm chúng ta bực bội, thậm chí căm phẫn, từ lĩnh vực y tế cho đến tài chính, ngân hàng, từ kinh tế cho đến xã hội. Những hậu quả trên thể hiện một điều rõ ràng, khối lượng và tính phức tạp của kiến thức đã vượt quá khả năng của mỗi cá nhân nếu muốn sử dụng lợi ích của nó theo cách đúng đắn, an toàn và đáng tin cậy. Kiến thức đã giúp chúng ta nhưng nó cũng đồng thời là gánh nặng đối với mỗi người.
Từ những khó khăn trên, mỗi người cần xây dựng cho bản thân một kế hoạch nhằm giúp mình vượt qua những thất bại trong công việc. Đây chính là kế hoạch được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm của cá nhân và tận dụng khối kiến thức của nhân loại nhằm giúp hoàn thiện những mặt còn thiếu sót mà chúng ta thường mắc phải. Tuy nhiên, kế hoạch này nghe có vẻ đơn giản đến hài hước, và nhất là với những ai đã dành rất nhiều thời gian để phát triển các kỹ năng và công nghệ cao, họ có thể cho nó là điên rồ.
Kế hoạch mà tôi muốn nói ở đây đó là xây dựng bảng kiểm.
* Một vài chi tiết cụ thể đã được thay đổi theo yêu cầu của John
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến