Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Spect nhồi máu cơ tim với 99mTc-Pyrophosphat

1. NGUYÊN LÝ

Trong nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp có sự tích luỹ pyrophosphat tạm thời, đồng thời với sự lắng đọng canxi. Pyrophosphat gắn với 99mTc (99mTc - pyrophosphat) tích tụ cùng với canxi ở ty lạp thể, bào tương của tổ chức cơ tim hoại tử. Sự lắng đọng pyrophosphat cao nhất 48 - 72 giờ sau nhồi máu cơ tim, kết quả là ta sẽ có một hình ghi dương tính (hot spot imaging).

2. CHỈ ĐỊNH

- Đánh giá vị trí, kích thước ổ nhồi máu cơ tim.
- Đánh giá khi người bệnh đau ngực nghi ngờ có nhồi máu cơ tim ít nhất 48h trước (24 giờ - 72 giờ).
- Đánh giá người bệnh có điện tim đồ bất thường hoặc tăng men tim không rõ.
- Nghi ngờ nhồi máu cơ tim ở người bệnh có block nhánh trên điện tim đồ khó chẩn đoán.
- Chẩn đoán nhồi máu cơ tim thất phải.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Người bệnh có thai hoặc đang cho con bú
- Người bệnh đang có cơn đau ngực nặng
- Đánh giá tại thời điểm quá sớm hoặc quá muộn

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

- Bác sỹ chuyên khoa Y học hạt nhân
- Điều dưỡng Y học hạt nhân
- Cán bộ hóa dược phóng xạ
- Cán bộ an toàn bức xạ
- Kỹ thuật viên Y học hạt nhân
- Bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa tim khi cần.

4.2. Phương tiện, thuốc phóng xạ

- Máy ghi đo: máy Gamma Camera có trường nhìn rộng, kết nối điện tim, bao định hướng năng lượng thấp, đa mục đích, độ phân giải cao.
- Thuốc phóng xạ: đảm bảo các kít còn hạn sử dụng, thực hiện 3 kiểm tra, 5 đối chiếu; 99mTc-stannous pyrophosphat, kiểm tra chất lượng, hiệu suất gắn trên 90% in vivo, 95% in vitro.
Liều dùng : 15 - 20 mCi (555-740 MBq), tiêm tĩnh mạch..

4.3. Dụng cụ, vật tư tiêu hao

- Bơm tiêm 1ml, 3ml, 5ml, 10ml.
- Kim lấy thuốc, kim tiêm.
- Dây truyền dịch.
- Bông, cồn, băng dính.
- Găng tay, khẩu trang; mũ, áo choàng y tế.
- Áo chì, kính chì, cái bọc bơm tiêm bằng chì, liều kế cá nhân.

4.4. Chuẩn bị người bệnh

- Giải thích cho người bệnh về quy trình xét nghiệm.
- Tháo các đồ trang sức hoặc vật dùng bằng vàng, bạc, kim loại khi nằm trên bàn ghi đo.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

- Tư thế người bệnh: nằm ngửa, để tay trái lên trên.
- Thời điểm ghi đo:
Ghi hình tĩnh (static), bể máu ngay sau tiêm. Ghi hình static 2 - 3 giờ sau tiêm thuốc phóng xạ.
- Thu nhận theo chế độ SPECT tại lồng ngực ở thời điểm 3h sau tiêm thuốc phóng xạ.

6. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ

6.1. Hình ảnh bình thường

- Bình thường cơ tim không bắt hoạt độ phóng xạ.
- Thuốc phóng xạ bắt giữ tại xương ức, xương sườn và cột sống.

6.2. Hình ảnh bệnh lý

Khu vực ổ nhồi máu là khu vực tăng hoạt độ phóng xạ bất thường.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

- Theo dõi người bệnh qua monitor điện tim
- Xử trí các triệu chứng mạch vành tim nếu có.