Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Chọc hút kim nhỏ chẩn đoán tế bào hạch ngoại vi

1. ĐẠI CƯƠNG

Kỹ thuật tế bào học bằng chọc hút kim nhỏ là phương pháp lấy dịch hạch để chẩn đoán tế bào. Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, có thể áp dụng ở nhiều cơ sở y tế.

2. CHỈ ĐỊNH

Theo chỉ định của bác sĩ lâm sàng: sờ thấy hạch ngoại vi. Hạch chưa rõ nguyên nhân cần phải phân biệt:
- Hạch viêm hay hạch lao.
- Hạch lao hay hạch ung thư.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định. Tuy nhiên, không nên chọc hút tế bào ở những bệnh nhân có tình trạng chảy máu trầm trọng đã có chống chỉ định ngoại khoa (bệnh rối loạn đông máu) hoặc không nên tiến hành ở những cơ sở mà trình độ chuyên môn còn kém hoặc không được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật này.

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

Bác sĩ giải phẫu bệnh, kỹ thuật viên hoặc bác sĩ lâm sàng đã được đào tạo về kỹ thuật chọc.

4.2. Dụng cụ

Kim nhỏ kích cỡ 21-23, bơm tiêm 10ml hay 20ml, bông, gạc, cồn, băng dính, vv…

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

- Chuẩn bị dụng cụ.
- Giải thích cho bệnh nhân an tâm, giúp thủ thuật được tiến hành dễ dàng. Người bệnh có thể nằm hoặc ngồi tùy theo vị trí hạch tổn thương.
- Thăm khám lâm sàng, xác định vị trí tổn thương.
- Căng da, nhẹ nhàng và dứt khóat đưa kim qua da và tổ chức dưới da vào tổn thương.
- Dùng pít tông và lực ở tay tạo áp lực âm để lấy bệnh phẩm vào lòng kim.
- Xoay kim theo ba hướng khác nhau trong lòng tổn thương đảm bảo đúng và đủ bệnh phẩm. Kim không được rút trong quá trình hút để bệnh phẩm luôn nằm trong lòng kim mà không bị hút vào bơm tiêm.
- Giải phóng áp lực âm một cách từ từ trước khi rút kim.
- Tháo kim khỏi bơm tiêm.
- Làm đầy không khí trong bơm tiêm.
- Lắp bơm tiêm đã có không khí vào kim.
- Đặt nhẹ nhàng một giọt bệnh phẩm lên một đầu lam kính.
- Dàn bệnh phẩm tạo thành phiến đồ bằng cách lấy một lam kính khác đặt đè lên trên và nhẹ nhàng kéo hai lam kính theo hai hướng ngược chiều nhau.
- Phiến đồ để khô rồi cố định bằng cồn tuyệt đối.
- Chuyển tiêu bản đến phòng xét nghiệm tế bào để nhuộm và đọc kết quả.

6. THEO DÕI VÀ XỬ LÝ TAI BIẾN

Nhìn chung, chọc hút kim nhỏ ít hoặc không có biến chứng và các biến chứng thường nhẹ và có thể kiểm soát được:
- Gây đau cho bệnh nhân, gây cơn choáng nhẹ.
- Chảy máu, tụ máu.
- Chọc nhầm vào mạch máu.
- Chọc vào đỉnh phổi gây tràn khí màng phổi
- Gây nhiễm trùng thứ phát tại chỗ chọc.