Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Định lượng IgE đặc hiệu ong bắp cầy vàng trong máu

1. NGUYÊN LÝ

IgE là một globulin miễn dịch có vai trò quan trọng trong miễn dịch với ký sinh trùng như giun sán… Ngoài ra nó còn có vai trò trong các quá trình dị ứng của cơ thể như phản vệ và một số bệnh dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng…
IgE đặc hiệu ong bắp cầy vàng được định lượng bằng phương pháp miễn dịch hóa phát quang. Quy trình xét nghiệm IgE đặc hiệu ong bắp cầy vàng chia thành 2 chu kỳ:
- Chu kỳ đầu: nghiệm phẩm và dị nguyên đặc hiệu ong bắp cầy vàng đã đánh dấu ligand được ủ với hạt gắn với anti-ligand trong 30 phút. IgE đặc hiệu trong nghiệm phẩm gắn với các dị nguyên, sau đó phức hợp này liên kết với anti-ligand trên hạt. Các thành phần không gắn kết được loại bỏ bằng cách rửa ly tâm;
- Chu kỳ thứ hai: kháng thể đơn dòng kháng IgE từ chuột gắn với enzyme xúc tác được ủ với phức hợp trên trong 30 phút. Kháng thể này sẽ kết hợp với IgE đã cố định trên hạt, các thành phần không liên kết được loại bỏ bằng cách rửa ly tâm. Khi gặp enzyme, cơ chất hóa phát quang sẽ phát quang, cường độ phát quang tỉ lệ thuận với nồng độ IgE.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Người thực hiện

Người thực hiện kỹ thuật có trình độ phù hợp

2.2. Phương tiện, hóa chất

2.2.1. Phương tiện

- Máy xét nghiệm: IMMULITE 2000, Beckman Access, Cobas e411,v.v
- Máy ly tâm có tốc độ vòng quay 3000-5000 vòng/phút
- Tủ lạnh
- Dụng cụ lấy máu: Bông cồn, bơm tiêm, ống đựng máu, găng tay.

2.2.2. Hóa chất

+ Gói hạt có gắn anti-ligand;
+ Hộp thuốc thử IgE đặc hiệu;
+ Chất chuẩn: kháng thể IgE có nguồn gốc từ người, 2 mức nồng độ (thấp và cao);
+ Mẫu nội kiểm: kháng thể IgE có nguồn gốc từ người, 2 mức nồng độ;
+ Hộp dị nguyên đặc hiệu ong bắp cầy vàng có mã vạch;
+ Cơ chất hóa phát quang.
Chú ý: sử dụng nước cất hoặc nước khử ion khi phân tích nghiệm phẩm; bảo quản hóa chất ở 2-8°C, nơi khô thoáng, tránh ánh sáng mặt trời.

2.3. Người bệnh

Người bệnh và người nhà người bệnh cần được giải thích về mục đích của việc lấy máu để làm xét nghiệm.

2.4. Phiếu xét nghiệm

- Phiếu xét nghiệm theo đúng quy định của Bộ Y tế và bệnh viện.
- Trên phiếu xét nghiệm cần ghi đầy đủ thông tin của người bệnh: họ và tên, tuổi, giới tính, số giường, khoa phòng, chẩn đoán, xét nghiệm cần làm.
- Trên phiếu xét nghiệm cần có: chữ ký và họ tên bác sĩ chỉ định xét nghiệm, họ tên người lấy mẫu, thời gian chỉ định xét nghiệm và thời gian lấy mẫu bệnh phẩm.

3. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

3.1. Lấy bệnh phẩm

- Lấy 3 ml máu tĩnh mạch vào ống không có chất chống đông, đảm bảo mẫu máu không bị vỡ hồng cầu;
- Sau khi lấy nghiệm phẩm, đem ly tâm tách huyết thanh, nên tiến hành phân tích trong vòng 2 giờ để tránh hiện tượng bay hơi;
- Nghiệm phẩm có thể được bảo quản 7 ngày ở 2-8°C, 6 tháng ở -20°C;
- Nghiệm phẩm chỉ rã đông 1 lần và đảm bảo ở nhiệt độ phòng trước khi phân tích.

3.2. Tiến hành kỹ thuật

- Máy phân tích cần được chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phân tích nghiệm phẩm cụ thể:
+ Cài đặt chương trình xét nghiệm IgE đặc hiệu;
+ Cho hộp dị nguyên đặc hiệu ong bắp cầy vàng quét mã vạch, đặt vào khay thuốc thử trong máy;
+ Chạy hiệu chuẩn và xây dựng đường chuẩn;
+ Chạy nội kiểm dị nguyên đặc hiệu ong bắp cầy vàng, đảm bảo kết quả nội kiểm đạt yêu cầu;
+ Cho cơ chất hóa phát quang vào đúng vị trí trên máy.
- Nhập dữ liệu về thông tin người bệnh và chỉ định xét nghiệm vào máy phân tích hoặc hệ thống mạng (nếu có);
- Cho ống nghiệm có chứa nghiệm phẩm vào giá mẫu thử, sau đó đặt giá này vào khay mẫu trên máy;
- Thực hiện các bước thao tác trên máy theo hướng dẫn sử dụng;
- Khi có kết quả, cần xem xét đánh giá kết quả, sau đó in báo cáo hoặc ghi kết quả vào phiếu trả kết quả xét nghiệm để trả cho người bệnh hoặc bác sĩ lâm sàng. 

4. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ

Hệ thống phân loại tiêu chuẩn sử dụng các ngưỡng theo nhóm:

Mức

kU/L

Mức phản ứng với dị nguyên

0

< 0.10

Không có hoặc không thể phát hiện

0.10-0.34

Rất thấp

I

0.35-0.69

Thấp

II

0.70-3.49

Vừa phải

III

3.50-17.49

Cao

IV

17.5-52.49

Rất cao

V

52.5-99.99

VI

≥ 100

5. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ XỬ TRÍ

- Kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng khi:
+ Nồng độ bilirubin ≤ 200 mg/L;
+ Nồng độ hemoglobin ≤ 500 mg/dL;
+ Nồng độ triglycerid ≤ 3000 mg/dL.
- Nếu vượt quá ngưỡng trên, tùy thuộc vào nồng độ của nghiệm phẩm có thể pha loãng với tỉ lệ thích hợp để thực hiện lại xét nghiệm.