Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

A1.4. Bệnh viện bảo đảm các điều kiện cấp cứu người bệnh kịp thời

DrVDT

Căn cứ đề xuất và ý nghĩa

  • Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009.

  • Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/1/2008 về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc.

  • Cấp cứu người bệnh kịp thời là yêu cầu cấp thiết đối với bệnh viện.

  • Đã có những trường hợp người bệnh cấp cứu nhưng bệnh viện xử trí chậm trễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

 

Các bậc thang chất lượng

Mức 1

  1. Phát hiện thấy người bệnh cấp cứu nhưng không được cấp cứu kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng như tử vong, các tổn thương không hồi phục (loại trừ các trường hợp do người bệnh đến muộn vượt quá khả năng xử lý).

  2. Bệnh viện không có giường cấp cứu.

  3. Giường cấp cứu không sẵn sàng phục vụ ngay nếu có người bệnh đến cấp cứu.

Mức 2

  1. Có hướng dẫn/quy định về thứ tự ưu tiên khám và xử trí cho đối tượng người bệnh cấp cứu (nếu có đông người bệnh cấp cứu).

  2. Có quy định cứu chữa ngay cho người bệnh cấp cứu trong trường hợp chưa kịp đóng viện phí hoặc không có người nhà người bệnh đi kèm.

  3. Có danh mục thuốc cấp cứu (theo quy định của Bộ Y tế).

  4. Có danh mục trang thiết bị, phương tiện cấp cứu thiết yếu (theo quy định của Bộ Y tế).

  5. Có bảng phân công nhân viên y tế trực cấp cứu (bao gồm hành chính, tài chính, lái xe).

  6. Không có trường hợp người bệnh cấp cứu bị trì hoãn khám và xử trí, gây hậu quả nghiêm trọng (loại trừ các trường hợp do người bệnh đến muộn).

Mức 3

  1. Bảo đảm đầy đủ các cơ số thuốc cấp cứu (theo quy định của Bộ Y tế).

  2. Có đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện cấp cứu (bình ô-xy, khí nén, bóng…) và được kiểm tra thường xuyên.

  3. Giường cấp cứu* của bệnh viện bảo đảm trong tình trạng sẵn sàng hoạt động được ngay khi cần thiết.

  4. Bảo đảm nhân viên y tế trực cấp cứu 24/24 giờ. 

  5. Bệnh viện có quy định về hội chẩn người bệnh, trong đó có hội chẩn người bệnh nặng.

  6. Người bệnh nặng được hội chẩn theo quy định và xử lý kịp thời.

Mức 4

  1. Có máy theo dõi liên tục cho người bệnh tối thiểu tại khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực.

  2. Bảo đảm có đủ máy thở cho người bệnh tại các giường bệnh điều trị tích cực khi có chỉ định sử dụng máy thở (không tính trường hợp thiên tai, thảm họa).

  3. Có số liệu thống kê về số lượt sử dụng máy thở.

  4. Có hệ thống cung cấp ô-xy trung tâm và khí nén cho giường bệnh cấp cứu.

  5. Có tiến hành đánh giá hoạt động cấp cứu người bệnh theo định kỳ (do bệnh viện tự quy định theo quý, năm) như xác định các vấn đề tồn tại, ưu, nhược điểm trong cấp cứu người bệnh.

  6. Có tiến hành đánh giá, phân loại kết quả cấp cứu theo định kỳ (do bệnh viện tự quy định theo quý, năm) và có số liệu như số ca cấp cứu thành công, số ca chuyển tuyến, tử vong…

  7. Có tiến hành học tập, rút kinh nghiệm từ các kết quả đánh giá cấp cứu.

  8. Có xây dựng quy trình và triển khai “báo động đỏ”* nội viện, huy động ngay lập tức các nhân viên y tế cấp cứu xử trí các tình huống cấp cứu khẩn cấp.

Mức 5

  1. Có xây dựng quy trình và triển khai “báo động đỏ” ngoại viện, huy động ngay lập tức các chuyên gia y tế từ bệnh viện khác (trong tỉnh, ngoài tỉnh) cùng cấp cứu xử trí các tình huống cấp cứu khẩn cấp.

  2. Có sử dụng kết quả đánh giá để cải tiến công tác cấp cứu người bệnh.

  3. Đánh giá, theo dõi kết quả cấp cứu người bệnh theo thời gian như thành công, tử vong, biến chứng, chuyển tuyến…

  4. Vẽ biểu đồ xu hướng kết quả cấp cứu người bệnh theo thời gian và công bố cho nhân viên bệnh viện, người bệnh thông qua báo cáo chung bệnh viện, bảng truyền thông…

Ghi chú

* Tiêu chí này không áp dụng đối với các bệnh viện không có nhiệm vụ tiếp nhận người bệnh cấp cứu.

* Đối với các bệnh viện chuyên khoa (Y dược cổ truyền, Da liễu…) nếu trong danh mục kỹ thuật có thực hiện khám, chữa bệnh chung vẫn áp dụng tiêu chí này.

*Các trang thiết bị và yêu cầu giường cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế.

* Quy trình “báo động đỏ” tham khảo kinh nghiệm của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh trên trang thông tin điện tử hoặc liên hệ trực tiếp.