Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Phẫu thuật vi phẫu nối các mạch máu, thần kinh trong nối lại 7 ngón tay bị cắt rời

1. ĐỊNH NGHĨA

Là phương pháp sử dụng vi phẫu nối lại mạch máu và thần kinh 7 ngón tay (ở hai bàn tay) bị đứt rời.

2. CHỈ ĐỊNH

- Đứt rời, gần rời 7 ngón tay, vết thương sắc gọn
- Tổn thương bầm dập ít, có thể khâu nối khi cắt lọc
- Tổn thương bầm dập nhiều có thể cắt bỏ đoạn bầm dập để khâu nối

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Người bệnh có nguy cơ do gây tê, gây mê 
- Ngón tay quá dập nát, vặn xoắn, kéo đứt rộng 
- Thời gian đứt rời quá lâu > 10 tiếng
- Người bệnh có tiền sử tâm thần, các bệnh toàn thân không cho phép (tiểu đường, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim...)

4. CÁC YẾU TỐ LỰA CHỌN NGƯỜI BỆNH TRƯỚC PHẪU THUẬT

- Độ tuổi
- Các bệnh lý về tiểu đường, tim mạch, mạch máu, các yếu tố đông máu.
- Sử dụng các chất kích thích, co mạch.
- Hút thuốc
- Mong muốn của người bệnh về kết quả phẫu thuật

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

- Kíp phẫu thuật: có thể từ 2 đến 4 kíp phẫu thuật bao gồm từ 6 - 10 phẫu thuật viên tạo hình hàm mặt vi phẫu.
- Kíp gây mê: 01 bác sỹ gây mê, 01 phụ mê.
- Kíp dụng cụ: 04 điều dưỡng dụng cụ, 01 điều dưỡng chạy ngoài, 01 hộ lý.
- Hồi tỉnh: 01 bác sỹ gây mê, 01 điều dưỡng hồi tỉnh.

5.2. Người bệnh

- Làm các xét nghiệm: xét nghiệm cơ bản, chụp các phim theo yêu cầu 
- Làm đủ các xét nghiệm chẩn đoán, chú ý các bệnh lý phối hợp: Tim mạch, tiểu đường...Đánh giá tình trạng toàn thân như tuổi, cơ địa, những bệnh mãn tính phối hợp có ảnh hưởng tới cuộc phẫu thuật, trong thời kỳ hậu phẫu. Đánh giá khả năng phẫu thuật để chuẩn bị cho cuộc mổ diễn ra an toàn và hiệu quả nhất.
- Dùng kháng sinh dự phòng nếu cần thiết.
- Giải thích cho người bệnh và gia đình biết rõ bệnh và tình trạng toàn thân, về khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về các tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, do cơ địa của người bệnh 
- Chuẩn bị trước mổ theo quy trình Ngoại khoa thông thường

5.3. Phương tiện

5.3.1. Phục vụ phẫu thuật

- Phòng mổ lớn cho gây mê toàn thân kéo dài
- Bộ dụng cụ mạch máu
- Bộ dụng cụ vi phẫu
- Khoan y tế
- Bộ nẹp vis nếu có thể
- Chỉ phẫu thuật và chỉ vi phẫu.
- Bông băng, gạc 
- Kính vi phẫu

5.3.2. Gây mê

- Máy mê
- Máy giữ nhiệt độ cho người bệnh 
- Bơm tiêm điện

5.4. Thời gian phẫu thuật

16-20h

6. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

6.1. Tư thế

Người bệnh nằm ngửa, hai tay đặt ngang trên bàn phẫu thuật

6.2. Vô cảm

Nội khí quản

6.3. Kỹ thuật

Hai kíp phẫu thuật tạo hình vi phẫu cho hai bên tay tổn thương. Nếu có 4 kíp phẫu thuật viên sẽ có 2 kíp chuẩn bị phần trung tâm ở hai tay và 2 kíp chuẩn bị phần đứt rời.
- Sát trùng, làm sạch bàn tay và phần chi thể đứt rời 
- Ngâm phần chi thể đứt rời vào bát nước muối có pha heparin 
- Lựa chọn kích thước kim để găm kim
- Sử dụng khoan y tế găm kim phần đứt rời với các ngón tương ứng
- Nối gân gấp, gân duỗi các ngón bằng phương pháp Kessler cải tiến bằng chỉ prolen 4/0
- Tìm các mạch máu và thần kinh tương ứng
- Bơm rửa lòng mạch bằng nước muối có pha heparin
- Mỗi ngón tay nối tối thiểu 1 động mạch và 2 tĩnh mạch bằng chỉ Ethilon 10.0 
- Nối thần kinh bằng chỉ Ethilon 9/0, 10.0.
- Khâu ngoài da bằng chỉ Ethilon 4/0 
- Băng nhẹ
- Bột cẳng bàn tay hai bên

7. THEO DÕI SAU PHẪU THUẬT

- Toàn trạng: Mạch, Huyết áp, Hô hấp, Công thức máu...
- Theo dõi: ngón tay 30 phút/lần trong 48h đầu và 3 lần/ngày tiếp theo, màu sắc, hồi lưu, nhiệt độ...
- Sử dụng Heparin bơm tiêm điện 05-07 ngày sau phẫu thuật và gối Aspergic trước khi dừng Heparin 1 ngày.
- Theo dõi chảy máu tại vùng mổ

8. BIẾN CHỨNG VÀ XỬ TRÍ

- Tắc mạch trong 1h đầu sau phẫu thuật: kiểm tra mạch dưới kính vi phẫu tại phòng mổ xử trí theo kết quả kiểm tra, cắt bớt chỉ,...
- Chảy máu: Cầm máu tại phòng mổ, giảm bớt liều Heparin.
- Nhiễm trùng: Kháng sinh theo kháng sinh đồ