Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Phẫu thuật Sapejko

1. ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật Sapejko là phẫu thuật điều trị quặm mi do cụp mi hình thành sau quá trình xơ co của kết mạc mi.

2. CHỈ ĐỊNH

Quặm mi sau bỏng mắt, Hội chứng Steven-Johnson, quặm do mắt hột tái phát đã phẫu thuật nhiều lần đặc biệt có khuyết mi....

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH (tương đối)

- Quặm do mắt hột nguyên phát (chưa phẫu thuật lần nào).
- Tình trạng toàn thân không cho phép phẫu thuật.

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Mắt.

4.2. Phương tiện

- Hiển vi phẫu thuật.
- Bộ dụng cụ phẫu thuật quặm.
- 2 kẹp lấy niêm mạc môi.
- Kim chỉ: Kim kết mạc + chỉ lanh hoặc chỉ 4-0.
Chỉ tiêu chậm: 5-0 hoặc 6-0. 
Chỉ tiêu chậm: 7-0 hoặc 8-0.

4.3. Người bệnh

- Khám mắt toàn diện: theo mẫu chung.
- Làm vệ sinh mắt, bơm rửa lệ đạo. Vệ sinh khoang miệng trước phẫu thuật.
- Người bệnh được tư vấn trước phẫu thuật.

4.4. Hồ sơ bệnh án

Theo quy định chung của Bộ Y tế.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Kiểm tra hồ sơ

5.2. Kiểm tra người bệnh

5.3. Thực hiện kỹ thuật

5.3.1. Vô cảm

- Trẻ em: gây mê.
- Người lớn: gây tê tại chỗ.

5.3.2. Kỹ thuật
a) Lấy mảnh niêm mạc môi

- Lấy 1 mảnh niêm mạc môi cho 1 mi phẫu thuật.
+ Vị trí lấy niêm mạc thuận lợi nhất là lấy ở môi dưới, có thể lấy ở môi trên hoặc ở má. Tuy nhiên phải chú ý tránh các vị trí đổ ra của tuyến nước bọt và một số vị trí giải phẫu đặc biệt khác.
+ Thông thường lấy mảnh niêm mạc môi hình thoi dài 3-4cm, rộng 2-3mm. Chiều dài mảnh niêm mạc phụ thuộc chiều dài mi mắt của người bệnh, chiều rộng phụ thuộc mức độ khuyết mi, mức độ sẹo dính.....
- Dùng dao phẫu tích niêm mạc môi, tạo mảnh niêm mạc.
- Khâu phục hồi niêm mạc môi bằng chỉ 5-0 hoặc 6-0 tiêu chậm khâu vắt.

b) Tại mắt

- Cố định mi bằng chỉ lanh hoặc chỉ 4-0, bộc lộ bờ mi bằng thanh đè Trabut.
- Rạch dọc mi theo bờ tự do vào sâu 2 - 3mm (độ sâu của đường rạch tùy thuộc vào mức độ quặm nhiều hay ít).
- Khâu ghép mảnh niêm mạc môi vào 2 mép rạch của bờ mi bằng chỉ tiêu chậm 7-0 hoặc 8-0, khâu cố định miếng ghép 4 điểm, sau đó khâu vắt các mũi cách nhau 2mm.
- Tra betadin 5%, mỡ kháng sinh, băng ép.

6. THEO DÕI SAU PHẪU THUẬT

- Người bệnh giữ vệ sinh răng miệng bằng súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn miệng hàng ngày.
- Thay băng hàng ngày, theo dõi tình trạng mảnh ghép và vết khâu ở môi.
- Đánh giá độ vểnh mi.
- Tình trạng miếng ghép: nhiễm khuẩn, dinh dưỡng.
+ Mảnh ghép hồng: mảnh niêm mạc liền tốt.
+ Mảnh ghép nhợt: bong mảnh ghép, hoại tử mảnh ghép.
Có thể xuất viện sau 5 ngày, cắt chỉ sau 10 - 14 ngày.
- Kháng sinh tại chỗ và toàn thân.

7. TAI BIẾN VÀ XỬ LÝ

7.1. Trong phẫu thuật

Chảy máu: cầm máu bằng khâu kỹ hoặc đốt cầm máu.

7.2. Sau phẫu thuật

- Tuột chỉ: khâu lại mảnh ghép.
- Bong mảnh ghép: khâu lại mảnh ghép hoặc ghép lại mảnh ghép khác tùy thuộc tình trạng mảnh ghép bị bong.
- Nhiễm khuẩn: kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề.