Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Phẫu thuật thay khớp thái dương hàm nhân tạo 2 bên

1. ĐẠI CƯƠNG

Là kỹ thuật điều trị tổn thương khớp thái dương hàm do chấn thương, dính khớp, u lồi cầu bằng phẫu thuật và sử dụng khớp thái dương hàm nhân tạo.
Vật liệu thay thế là lồi cầu xương hàm dưới bằng hợp kim và ổ chảo silicon

2. CHỈ ĐỊNH

- Hội chứng loạn năng khớp thái dương hàm không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn, lồi cầu bị tiêu.
- Gãy nát lồi cầu hai bên
- Dính khớp thái dương hàm hai bên do di chứng chấn thương, nhiễm trùng...
- U lồi cầu xương hàm dưới hai bên

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Tình trạng toàn thân không cho phép điều trị.
- Người bệnh có dị ứng với vật liệu thay thế

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

- Phẫu thuật viên: Bác sỹ Răng hàm mặt đã được đào tạo về phẫu thuật hàm mặt
- Kíp phẫu thuật.
- Kíp gây mê.

4.2. Phương tiện

4.2.1. Phương tiện và dụng cụ

- Bộ phẫu thuật xương.
- Bộ phẫu thuật phần mềm
- Máy khoan và cưa xương chuyên dụng
- Bộ khớp thái dương hàm nhân tạo

4.2.2. Vật tư

- Thuốc và vật liệu
- Kim, chỉ khâu các loại....

4.3. Người bệnh

- Người bệnh và/ hoặc người giám hộ được giải thích và đồng ý điều trị.

4.4. Hồ sơ bệnh án

- Hồ sơ bệnh án theo quy định.
- Phim Xquang, CT Conebeam đánh giá tình trạng khớp thái dương hàm.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án

5.2. Kiểm tra người bệnh

- Đánh giá tình trạng toàn thân và tại chỗ.

5.3. Các bước kỹ thuật

5.3.1. Sát khuẩn.
5.3.2. Vô cảm:

- Gây mê nội khí quản.

5.3.3. Thiết kế đường rạch:

- Dùng bút chuyên dụng thiết kế đường rạch trước tai và đường rạch dưới hàm (đường rạch Risdon có hay không có biến đổi).

5.3.4. Bộc lộ khớp thái dương hàm

- Rạch da theo thiết kế.
- Dùng dụng cụ thích hợp cắt và bóc tách bóc mô mềm tiếp cận cành cao xương hàm dưới.
- Dùng dụng cụ thích hợp tách bóc màng xương, bộc lộ vùng khớp thái dương hàm.

5.3.5. Cắt bỏ phần tổn thương khớp thái dương hàm và chuẩn bị nơi nhận.

- Dùng cưa, khoan và các dụng cụ thích hợp cắt bỏ lồi cầu và một phần cành cao.
- Tạo hình lại ổ khớp và diện cắt cành cao.
- Đưa 2 hàm về khớp cắn trung tâm và cố định hai hàm.

5.3.6. Đặt khớp thái dương hàm nhân tạo vào nơi nhận

- Đặt lồi cầu nhân tạo vào nơi nhận và sửa soạn cho phù hợp
- Cố định lồi cầu nhân tạo bằng vít.
- Đặt ổ chảo vào nơi nhận và sửa soạn cho phù hợp
- Cố định lồi ổ chảo bằng vít
- Kiểm tra cử động khớp thái dương hàm, kiểm tra khớp cắn của bệnh nhân.
- Cầm máu.
- Đặt dẫn lưu
- Khâu đóng phần mềm theo các lớp giải phẫu.

5.3.7. Thay thế khớp thái dương hàm bên còn lại

- Thực hiện theo các bước từ mục 3.3 đến 3.6.

6. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

6.1. Trong phẫu thuật

- Chảy máu: Cầm máu.

6.2. Sau phẫu thuật

- Sai khớp cắn: Cần cố định liên hàm trước khi đặt và cố định khớp giả.
- Trật khớp thái dương hàm ra trước: Định vị lồi cầu và ổ khớp nhân tạo sao cho sau và trên nhất.
- Chảy máu: Cầm máu.
- Tụ máu: Lấy máu tụ.
- Nhiễm trùng: kháng sinh toàn thân và chăm sóc vết mổ.