Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng.

Trào lưu 'bắt pen' tìm cảm giác phê lịm có thể tổn thương não, ngưng tim

DrVDT

Trào lưu "bắt pen" (dùng hai tay ấn mạnh vào vùng cổ) để tìm cảm giác phê lịm, ngất xỉu từ từ đang được giới trẻ đua nhau thực hiện. Bác sĩ cảnh báo đây là hành động nguy hiểm, nếu ấn và để quá lâu có thể tổn thương não, ngưng tim.

Một học sinh dùng ngón tay ép mạnh hai bên vùng cổ (giới trẻ gọi là trào lưu "bắt pen") cho một học sinh khác để tìm cảm giác phê lịm - Ảnh: X.M. chụp lại

 

Thời gian gần đây, các mạng xã hội xuất hiện nhiều video thực hiện một trào lưu có tên là "bắt pen". Một người sẽ dùng hai tay ấn mạnh vào vùng cổ của một người còn lại, khiến họ rơi vào trạng thái lơ mơ rồi ngất xỉu tạm thời.

Trào lưu này đã thu hút nhiều người trẻ tham gia, đặc biệt là học sinh. Theo bình luận của nhiều tài khoản đã thực hiện trào lưu này, họ sẽ có cảm giác "phê phê", rồi từ từ ngất xỉu và cần người đánh thức dậy sau đó.

 

Hành động nguy hiểm
Nhìn hình ảnh giới trẻ thực hiện trào lưu trên, PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 - nhận định:

"Có lẽ các cậu trẻ dùng tay ấn vào cổ để ép động mạch cảnh trong hai bên, chỉ để tìm cảm giác "phê", mất ý thức trong ít giây nhưng không lường được hậu quả có thể xảy ra".

Phân tích rõ hơn hành động dùng hai tay ấn mạnh vào vùng cổ là nguy hiểm, PGS Thắng cho biết có hai hệ thống mạch máu chính để cung cấp máu lên não, bao gồm: hai động mạch cảnh (tuần hoàn trước) chịu trách nhiệm 70-80% nhu cầu của não bộ và động mạch sống - nền (tuần hoàn sau) chịu trách nhiệm 20-30% nhu cầu máu còn lại.

Các hệ thống mạch máu phía trước - sau và hai bên được liên kết với nhau qua đa giác Willis (giống như vòng xoay giao thông), nhằm đảm bảo nhu cầu máu lên não luôn ổn định khi một bên bị sự cố.

Tại hai động mạch cảnh trong đoạn cổ còn có xoang cảnh có tác động điều chỉnh nhịp tim và huyết áp.

Do vậy hành động ép chặt hai bên động mạch cảnh sẽ gây giảm tưới máu não nghiêm trọng (do chịu trách nhiệm 70 - 80% lượng máu lên não). Nếu bỏ tay nhanh, gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thoáng qua.

 

Có thể tổn thương não, ngưng tim
Trường hợp nếu ép quá lâu, PGS Thắng cho hay có thể gây đột quỵ do thiếu máu, đặc biệt khi đã có sẵn tình trạng tắc hẹp mạch máu trước đó nhưng không biết hoặc cũng có thể gây ra tổn thương não do hội chứng tăng tái tưới máu.

Trong trường hợp ép quá mạnh tay cũng có thể gây tổn thương động mạch cảnh. Nguy hiểm hơn hết, việc ép cổ gây kích thích xoang cảnh có thể làm chậm nhịp tim và ngưng tim.

"Đây là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn trên các mạng xã hội. Nó hoàn toàn không phải là trò chơi để có thể mạo hiểm thử tìm cảm giác", PGS Thắng nhấn mạnh.

Tương tự PGS Nguyễn Hoài Nam - chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM - cảnh báo khi ấn vào động mạch cảnh một cách đột ngột sẽ có hai trường hợp xảy ra.

Thứ nhất, thiếu máu nuôi dưỡng não tạm thời, gây choáng váng, ngã vật ra.

Thứ hai, gây một phản xạ đối với động mạch cảnh (được bao bọc hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm), làm ngưng tim đột ngột.

"Tuyệt đối không được thực hiện hành động này. Ngay cả khi đùa nghịch, nếu chẳng may đánh trúng vào động mạch cảnh vùng cổ cũng rất nguy hiểm, có thể gây ngưng tim đột ngột", ông Nam khuyến cáo.

XUÂN MAI

Đính kèm