Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Tạo hình hẹp ống tai không hoàn toàn

1. ĐẠI CƯƠNG

Là phẫu thuật phục hồi lại ống tai ngoài, cả phần mềm và phần xương đến tận màng nhĩ.

2. CHỈ ĐỊNH

- Chít hẹp ống tai bẩm sinh không hoàn toàn.
- Chít hẹp ống tai sau chấn thương.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Chít hẹp ống tai hoàn toàn bẩm sinh cả phần mềm và phần xương hai bên tai.
- Chít hẹp ống tai phần xương kết hợp với thiểu sản xương chũm trên phim chụp cắt lớp vi tính.
- Chít hẹp ống tai hoàn toàn kết hợp với thiểu sản vành tai.

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai đã được đào tạo về kỹ thuật này.

4.2. Phương tiện

Bộ dụng cụ phẫu tích, dụng cụ vi phẫu, kính hiển vi phẫu thuật.

4.3. Người bệnh

Được chuẩn bị như trong phẫu thuật xương chũm.

4.4. Hồ sơ bệnh án

Theo quy định chung.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Vô cảm

Gây mê toàn thân.

5.2. Kỹ thuật

Giống như trong phẫu thuật tạo hình ống tai kiểu trâu lá đa. Bao gồm các bước sau: 
Thì 1: Rạch phần mềm
- Rạch da dọc theo thành trước trên ống tai từ trong ra ngoài đi qua rãnh trên bình.
- Bóc tách tổ chức dưới da 2 bên đường rạch từ ngoài vào trong để tạo ra 2 vạt ghép.
- Bộc lộ toàn bộ ống tai xương bị hẹp.
Thì 2: Khoan xương
- Dùng khoan cắt (3 mm) mở rộng ống tai xương về phía sau và đi sâu đến gần màng nhĩ.
- Lấy tổ chức hoại tử, cholesteatoma hình thành bên trong chỗ hẹp.
- Rửa sạch ống tai và ghép da vào hốc mổ, có thể sử dụng thêm các mảnh da ghép tự do lấy ở rãnh sau tai để ghép vào ống tai xương sau khi đã lạng mỏng.
Thì 3: Mở rộng ống tai
- Mở rộng ống tai về phía trước bằng cách: lấy bớt tổ chức sụn ở mép trước của đường rạch, khâu 2 mép trước của đường rạch trước để biến đường rạch thành hình chữ T bằng chỉ 4.0.
- Mở rộng ống tai về phía sau: 
+ Lấy bớt tổ chức sụn ở mép sau của đường rạch da ống tai.
+ Dùng chỉ 2.0 luồn từ rãnh sau tai ra trước xuyên qua mép sau của đường rạch ra ở 2 điểm đối diện nhau (chỗ gấp khúc của đường rạch). Sợi chỉ lại luồn ngược về phía sau đến sát mũi chỉ ở rãnh sau tai.
+ Buộc thắt nút chỉ sao cho mép ra của đường rạch sau được kéo về phía sau để mở rộng cửa tai và che kín phần sụn ở bên dưới (kỹ thuật trâu lá đa).
Thì 4: Chèn bấc hốc mổ
- Lấy các mảnh gelaspon có tẩm huyết thanh đặt cố định các mảnh da ghép trong ống tai.
- Chèn gelaspon khô phía ngoài.
- Đặt cuộn bấc tròn có tẩm Betadin cố định kích thước ống tai.

6. THEO DÕI VÀ ĐIỀU TRỊ SAU PHẪU THUẬT

- Kháng sinh toàn thân chống nhiễm khuẩn.
- Giảm đau, chống phù nề.
- Nhỏ Betadin hàng ngày vào bấc cửa tai để chống nhiễm trùng.
- Ngày thứ 7 tháo bấc cửa tai và cắt chỉ, thay cuộn bấc bằng mecrocel hàng tuần cho đến khi da ghép đã liền và phủ kín ống tai.

7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Chảy máu: thường do tổn thương nhánh của động mạch thái dương do viêm nhiễm thứ phát ở vùng cửa tai. Cần mở lại hốc mổ và buộc thắt mạch máu.
- Viêm sụn vành tai: thường do để lộ sụn trong lúc phẫu thuật chỉnh hình của tai. Mức độ nhẹ, tiêm vitamin C dưới da vành tai và rửa vết mổ bằng Betadin hàng ngày, phối hợp kháng sinh kỵ khí trong điều trị kháng sinh toàn thân. Nếu viêm sụn vẫn không rút lui, cần rạch da phía sau vành tai, nạo vét sụn viêm hoại tử, đặt dẫn lưu, băng ép.