1. ĐẠI CƯƠNG
Cắt đại tràng phải là phẫu thuật bao gồm: cắt bỏ 10 - 15 cm hồi tràng, manh tràng, đại tràng lên, một phần đại tràng ngang bên phải, cùng mạc treo tương ứng. Lập lại lưu thông đường tiêu hóa bằng nối hồi tràng với đại tràng ngang. Miệng nối có thể được làm ngay hoặc lần phẫu thuật sau.
2. CHỈ ĐỊNH
- Thường áp dụng nhất cho các trường hợp u ở đại tràng từ van hồi – manh tràng đến đại tràng góc gan.
- Một số trường hợp khác: lao hồi manh tràng, polyp ung thư hóa, xoắn đại tràng, lồng ruột hoại tử, khối u ở sau phúc mạc hay mạc treo đại tràng, vết thương hoặc chấn thương đại tràng không có khả năng bảo tồn
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Thể trạng người bệnh quá yếu, cần hồi sức tích cực trước phẫu thuật.
- Người bệnh già yếu có các bệnh nặng phối hợp.
- Ung thư đã di căn xa, xâm lấn vào các tạng lân cận, đặc biệt là di căn phúc mạc không có khả năng cắt bỏ.
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
Người thực hiện tiêu hóa và bác sỹ gây mê hồi sức có kinh nghiệm.
4.2. Phương tiện
Bộ đại phẫu tiêu hóa, các phương tiện cần có kèm theo như dao điện, dao mổ siêu âm, phương tiện khâu nối máy.
4.3. Người bệnh
(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn - trực tràng)
- Các xét nghiệm cơ bản chẩn đoán.
- Nhất thiết phải chụp đại tràng, soi đại tràng và làm sinh thiết.
- Nội soi dạ dày - tá tràng trong trường hợp u to nghi thâm nhiễm tá tràng.
- Nếu nghi ngờ có thâm nhiễm hay rò vào các cơ quan khác cần thăm dò, chẩn đoán rõ ràng.
- Chuẩn bị đại tràng theo quy định.
- Đặc biệt cần lưu ý nâng cao thể trạng người bệnh trước phẫu thuật bằng nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Tư thế
Nằm ngửa, đặt sonde bàng quang.
5.2 Vô cảm
Gây mê nội khí quản
5.3. Kỹ thuật
5.3.1. Rạch da
Đường trắng giữa trên và dưới rốn.
5.3.2. Thăm dò đánh giá thương tổn và toàn bộ ổ bụng.
Thận trọng trước khi quyết định cắt đại tràng nếu thấy tổn thương thâm nhiễm vào dạ dày, khối tá tụy hoặc thành bụng sau.
5.3.3. Cắt đại tràng
- Buộc thắt 2 đầu ruột: đầu trên (hồi tràng) cách góc hồi manh tràng từ 10 cm đến 15 cm; đầu dưới (đại tràng ngang).
- Giải phóng đại tràng bắt đầu từ góc manh tràng, đại tràng lên… cho đến nửa đại tràng phải. Cần bộc lộ rõ tá tràng, tĩnh mạch chủ dưới, niệu quản để tránh làm tổn thương đến các cơ quan này.
- Cắt mạc treo đại tràng, hồi tràng. Đối với ung thư cần cắt các mạnh máu sát gốc để lấy hết các hạch, các hạch này cần được ghi chú riêng từng vị trí để thử giải phẫu bệnh.
- Cắt hồi tràng và đại tràng ngang ở chỗ đã được buộc.
5.3.4. Lập lại lưu thông đường tiêu hóa
+ Miệng nối hồi - đại tràng ngang với chỉ không tiêu hoặc tiêu chậm 4/0 kiểu tận - tận, tận - bên hoặc bên - bên. Có thể sử dụng máy cắt nối nếu có điều kiện.
5.3.5. Dẫn lưu dưới gan - rãnh đại tràng phải.
5.3.6. Đóng bụng
2 hoặc 3 lớp.
6. THEO DÕI
(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn - trực tràng)
- Như mọi trường hợp phẫu thuật đường tiêu hóa nói chung.
- Sau phẫu thuật phối hợp 2 loại kháng sinh từ 5 đến 7 ngày.
- Bồi phụ đủ nước - điện giải, năng lượng hàng ngày, protein máu.
- Khi có trung tiện bắt đầu cho ăn cháo sữa.
7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
7.1. Trong phẫu thuật
- Thủng vào tá tràng: nên mời tuyến trên chi viện ngay vì XỬ trí phức tạp tùy theo từng trường hợp cụ thể.
- Cắt phải niệu quản, nếu không mất đoạn nhiều có thể nối lại ngay và đặt modelage. Nếu bị mất đoạn thì dẫn lưu đầu trên ra ngoài, đầu dưới thắt lại và đánh dấu bằng một sợi chỉ màu (cần ghi rõ trong biên bản phẫu thuật) để dễ tìm khi phẫu thuật lại. Gửi sớm người bệnh lên tuyến trên.
7.2. Sau phẫu thuật (Xem bài cắt toàn bộ đại tràng)
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến