Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

U men xương hàm (Ameloblastoma)

1. ĐỊNH NGHĨA

U men xương hàm là u có nguồn gốc từ liên bào tạo men, là u lành tính nhưng có tính chất phá hủy và có thể chuyển dạng thành ác tính.

2. NGUYÊN NHÂN

Phát sinh từ liên bào tạo men còn vùi kẹt ở trong xương hàm.

3. CHẨN ĐOÁN

3.1. Chẩn đoán xác định

3.1.1. Lâm sàng
a. Giai đoạn đầu

Bệnh tiến triển trong xương hàm, không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ khi chụp X quang xương hàm.

b. Giai đoạn u to làm phồng xương hàm

- Ngoài mặt
Mặt biến dạng, sờ không đau, khối u không đều sờ có chỗ cứng, chỗ mềm.

- Trong miệng
U làm phồng xương hàm, làm đầy ngách lợi, thời kỳ đầu niêm mạc và răng trên u bình thường, ấn cứng. Khi u đã phá hủy tới vỏ xương thì ấn có dấu hiệu bóng nhựa. Khi u đã phá hủy hầu hết xương có các dấu hiệu dưới đây:
+ Các răng trên vùng u có biểu hiện di lệch.
+ Niêm mạc trên vùng u có thể bị loét do sang chấn hoặc có các dấu răng.
+ Trường hợp u bị bội nhiễm: có cảm giác đau, niêm mạc và da trên u đỏ, các răng trên u lung lay nhiều. Bệnh nhân có sốt và xuất hiện hạch vùng ngoại vi.
+ Hiếm gặp u men ở hàm trên. Nếu gặp thì có thể có thấy triệu chứng mũi xoang.

3.1.2. Cận lâm sàng

- X quang
Có hình ảnh tổn thương phá hủy xương hàm dạng nang có thể một hoặc nhiều buồng, ranh giới không rõ. Có thể có hình ảnh tiêu chân răng các răng liên quan.

- Mô bệnh học
Thấy hình ảnh tổn thương đặc trưng của u men. Dựa vào hình ảnh mô bệnh học, u men được phân loại thành các thể dưới đây:
+ U men thể nang: Ameloblastoma.
+ U men dạng tuyến: Adeno-Ameloblastoma.
+ U men - xơ: Fibro-Ameloblastoma.
+ U men dạng nhày: Myxo-Ameloblastoma.
+ U men máu: Angio-Ameloblastoma.

3.2. Chẩn đoán phân biệt

- Nang xương hàm
+ Nang thân răng: trên X quang có hình ảnh tổn thương xương hàm có ranh giới rõ, và liên quan đến thân răng ngầm nằm trong nang.
+ Nang chân răng: liên quan với răng nguyên nhân nhưng trên X quang không có hình ảnh tiêu chân răng.

4. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc

Phẫu thuật cắt bỏ triệt để toàn bộ khối u để tránh tái phát.

4.2. Điều trị cụ thể

- Trường hợp u có kích thước nhỏ, chưa phá hủy nhiều xương
+ Phẫu thuật cắt bỏ u, giữ lại bờ nền xương hàm.
+ Phục hình răng để phục hồi chức năng ăn nhai.
- Trường hợp u có kích thước lớn, phá hủy nhiều xương
+ Phẫu thuật cắt bỏ u và đoạn xương hàm.
+ Phục hồi đoạn xương cắt bỏ bằng kỹ thuật ghép xương hàm.
+ Phục hình răng để phục hồi chức năng ăn nhai.
- Trong một số trường hợp có thể tiến hành phẫu thuật mở thông u men để chuẩn bị cho phẫu thuật cắt bỏ triệt để.

5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

- Nếu phẫu thuật không triệt để, lấy bỏ toàn bộ u thì có nguy cơ tái phát cao.
- Nếu không được điều trị thì u gây phá hủy xương hàm nhanh chóng, có thể gây gãy xương bệnh lý và xâm lấn mô mềm xung quanh. U men còn có nguy cơ chuyển dạng ác tính.
- Nếu phẫu thuật triệt để lấy bỏ toàn bộ u thì sẽ có tiên lượng tốt.

6. PHÒNG BỆNH

Khám chuyên khoa răng hàm mặt định kỳ để phát hiện tổn thương sớm và điều trị kịp thời.