1. ĐẠI CƯƠNG
Điện tâm đồ chuyển đạo thực quản là một phương pháp thăm dò không chảy máu trong chẩn đoán một số rối loạn nhịp tim.
Do thực quản nằm ngay sát phía sau nhĩ trái, trong trường hợp sóng P ở chuyển đạo bề mặt không xác định được, với việc đưa một dây điện cực vào thực quản, ở nơi tiếp giáp với tâm nhĩ trái để ghi được điện đồ nhĩ (tương đương sóng P ở điện tâm đồ thường quy) với biên độ lớn hơn nhằm giúp cho việc chẩn đoán một số rối loạn nhịp tim.
2. CHỈ ĐỊNH
- Trong cơn nhịp nhanh có QRS giãn rộng: chẩn đoán phân biệt NNT (nhịp nhanh thất) với NNTT ( nhịp nhanh trên thất) có dẫn truyền lệch hướng hoặc có blốc nhánh từ trước.
- Chẩn đoán cơ chế của cơn NNTT.
- Chẩn đoán phân biệt cơn cuồng nhĩ không điển hình với cơn NNTT.
- Tạo nhịp vượt tần số để cắt một số loại nhịp nhanh kịch phát, nhất là cơn NNTT và cơn cuồng nhĩ.
- Tạo nhịp tạm thời trong một số trường hợp đặc biệt.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Khi có tổn thương vùng hầu họng hay thực quản.
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
- 01 kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng nội khoa.
- 01 Bác sĩ thực hiện kỹ thuật và đọc kết quả điện tâm đồ.
4.2. Phương tiện
- Giường bệnh: 01 chiếc.
- Máy theo dõi điện tim, có thể ghi điện tâm đồ.
- Có hệ thống chống nhiễu tốt.
- Các chất dẫn điện (gel) hoặc nước muối sinh lý 0,9%.
- Dây điện cực chuyên biệt hoặc có thể dùng dây điện cực tạm thời loại đặt qua đường tĩnh mạch.
- Ống sonde dạ dày.
- Giấy ghi điện tâm đồ tiêu chuẩn: 25mm/s; 50mm/s; 100ms/s.
- Giấy dán kết quả điện tâm đồ.
4.3. Người bệnh
- Được giải thích về cách tiến hành kỹ thuật.
- Nằm yên tĩnh, không cử động.
- Nếu người bệnh lo lắng quá hoặc kích thích vật vã thì có thể dùng thuốc an thần.
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Người bệnh nằm ngửa trên giường bệnh và được dán các điện cực để ghi ĐTĐ 12 chuyển đạo.
- Đặt ống sonde dạ dày ( đối với trường hợp sử dụng loại dây điện cực qua đường tĩnh mạch).
- Dây điện cực được đưa vào trong thực quản qua đường mũi, có thể đưa trực tiếp với dây điện cực chuyên dụng hoặc luồn qua ống sonde dạ dày với dây điện cực sử dụng qua đường tĩnh mạch. Dây điện cực này được đưa sao cho đầu dây điện cực vào đến chỗ nối giữa 2/3 trên với 1/3 dưới thực quản, thông thường cách lỗ mũi khoảng 40cm. Tuy nhiên khoảng cách này có thể khác nhau phụ thuộc vào chiều cao của từng người. Chiều dài dây tính từ lỗ mũi được tính dựa vào công thức OLID (cm)= 0,25x chiều cao (cm)- 7cm. Điều chỉnh dây điện cực sao cho điện thế nhĩ thu được là rõ và lớn nhất.
- Ghi điện tâm đồ đồng thời với điện tâm đồ 12 chuyển đạo.
- In và đọc kết quả điện tâm đồ trước khi đưa cho người bệnh.
6. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Thường là an toàn hầu như không có biến chứng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Esophageal pacing: a diagnostic and therapeutic tool. Circulation 65:336-341.1982.
2. Transesophageal recording. In Cardiac electrophysiology from cell to bedside. 2nd Edition: 1112-1115. 1995.
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến