Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Đặt máy tạo nhịp tạm thời với điện cực trong buồng tim

1. ĐẠI CƯƠNG

Tạo nhịp tạm thời nhằm điều trị, dự phòng các rối loạn nhịp chậm và một số rối loạn nhịp nhanh.

2. CHỈ ĐỊNH

2.1. Nhịp chậm trong NMCT cấp

- Hội chứng suy nút xoang có triệu chứng, trơ với thuốc.
- Blốc N-T cấp II, III ở NMCT trước vách.
- Blốc 2 phân nhánh mới xuất hiện.
- Blốc nhánh luân phiên.
- Blốc nhánh mới xuất hiện ở NMCT trước vách.
- Blốc N-T các mức độ mà tần số thất chậm có triệu chứng.

2.2. Nhịp chậm không có NMCT cấp

- Các trường hợp suy nút xoang, blốc N-T cấp II, III có triệu chứng trơ với thuốc.
- Blốc N-T cấp III có QRS giãn rộng hoặc tần số thất <50ck/ph.

2.3. Dự phòng nhịp chậm

- Thông tim hoặc sinh thiết cơ tim ở người bệnh có blốc nhánh trái.
- Sốc điện chuyển nhịp ở người bệnh mới xuất hiện hội chứng suy nút xoang.
- Blốc N-T hoặc blốc nhánh ở người bệnh viêm nội tâm mạc cấp.
- Trước khi mổ người bệnh blốc 2 phân nhánh có tiền sử ngất.
- Điều trị bằng thuốc làm nhịp tim chậm nhiều hơn.

2.4. Trong điều trị một số rối loạn nhịp nhanh

- Cắt cơn NNT hay NNTT tái phát nhiều lần.
- Ngăn ngừa các rối loạn nhịp thất do nhịp chậm gây nên bao gồm cả xoắn đỉnh.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định.

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

01 bác sĩ và 01 kỹ thuật viên thành thạo về tim mạch can thiệp.

4.2. Phương tiện

- Máy chụp mạch.
- Máy điện tim có màn hình theo dõi liên tục.
- Máy sốc điện.
- Máy tạo nhịp tạm thời.
- Introducer.
- Dây điện cực kèm dây cáp nối với máy tạo nhịp.
- Kim chọc mạch, kim gây tê.
- Bộ dụng cụ tiểu phẫu vô khuẩn.
- Chỉ khâu.
- Bộ áo phẫu thuật, khăn mổ, gạc vô khuẩn, găng phẫu thuật.
- Cồn sát khuẩn: cồn Betadine, cồn 90 độ...
- Thuốc: thuốc gây tê, các thuốc cấp cứu trong tim mạch...

4.3. Người bệnh

- Có chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời.
- Được giải thích kỹ lưỡng về mục đích, hiệu quả cũng như là các biến chứng có thể của thủ thuật.
- Người bệnh hoặc gia đình viết giấy cam đoan làm thủ thuật.
- Được làm các xét nghiệm cơ bản: đông máu cơ bản…

4.4. Hồ sơ bệnh án

Hoàn thiện theo quy định của Bộ Y tế

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Sát trùng rộng tại vị trí chọc mạch.
2. Gây tê và chọc mạch theo phương pháp Seldinger. Vị trí chọc mạch trong đặt máy tạo nhịp tạm thời có thể là: TM dưới đòn, TM cảnh trong hay TM đùi.
3. Luồn guidewire qua kim chọc mạch, đặt Introducer.
4. Đưa dây điện cực qua Introducer, dưới màn huỳnh quang tăng sáng hoặc máy chụp mạch, đẩy dây điện cực tới các vị trí cần thiết trong buồng nhĩ phải hoặc thất phải.
5. Tìm ngưỡng tạo nhịp. Đặt các thông số cho máy tạo nhịp.
6. Cố định dây điện cực.
7. Sát trùng lại và băng kín vị trí đặt.

6. THEO DÕI

1. Các chỉ số sống: nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.
2. Khám tim mạch, làm điện tâm đồ, làm siêu âm tim nếu cần thiết.
3. Khám phổi, chụp XQ tim phổi nếu cần thiết.
4. Tại vị trí chọc mạch.

7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

7.1. Chảy máu

- Do chọc vào động mạch dưới đòn, do dùng thuốc chống đông…
- Ép mạch tại vị trí chọc 5-10 phút. Dùng các thuốc cầm máu nếu cần

7.2. Tràn khí màng phổi 

Chọc hút và dẫn lưu nếu tràn khí nhiều

7.3. Tràn máu màng phổi

- Chọc hút và dẫn lưu.

7.4. Tràn máu màng tim

- Theo dõi nếu số lượng ít.
- Chọc hút và dẫn lưu nếu nhiều.

7.5. Phản ứng cường phế vị

- Nâng cao 2 chân.
- Truyền dịch nhanh.
- Atropin.

7.6. Rối loạn nhịp tim.

- Thường do dây điện cực gây ra.
- Thao tác nhẹ nhàng, tránh thô bạo. Chuyển vị trí khác nếu cần. Dùng thuốc chống loạn nhịp hoặc sốc điện nếu cần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Khuyến cáo về thăm dò điện sinh lý tim và điều trị rối loạn nhịp tim của Hội Tim mạch Việt Nam năm 2010.