1. ĐỊNH NGHĨA
Viêm xương chũm cấp tính là tình trạng viêm các thông bào xương chũm trong xương thái dương.
Tình trạng này luôn kèm theo một viêm tai giữa cấp tính và có thể là một bước tiến triển nặng hơn của một viêm tai giữa mạn tính.
2. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân thường do các loại vi trùng: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và Streptococci nhóm A (GAS). Ngoài ra có thể còn do: Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn gram âm và kị khí.
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
3.1.1. Lâm sàng
Triệu chứng bệnh thay đổi theo tuổi và giai đoạn bệnh, có thể gặp:
- Triệu chứng toàn thân: sốt, có thể sốt cao hoặc không cao; ăn kém; mệt mỏi; bứt rứt hoặc quấy khóc.
- Triệu chứng cơ năng: chảy mủ tai; nghe kém; đau tai, sưng nề, viêm tấy đỏ sau tai, đẩy vành tai ra trước, có dấu phập phều sau tai.
- Triệu chứng thực thể: màng nhĩ viêm đỏ, phồng, có hình ảnh vú bò.
3.1.2. Cận lâm sàng
- Soi tai kính hiển vi: tình trạng viêm tai giữa.
- X-quang Schuller: vách thông bào dày không rõ + có chỗ thành những hốc rỗng do mất vách ngăn giữa các thông bào.
- CT scan xương thái dương: hình ảnh đọng dịch và mất các thông bào.
- Công thức máu: Bạch cầu/máu tăng do tình trạng nhiễm trùng, tăng tỉ lệ trung tính.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
a. Phân loại với viêm tai cấp tính có mủ
Chúng ta dựa vào những đặc điểm sau đây: trong viêm tai cấp tính, những triệu chứng đau tai, sốt, mệt mỏi, mất ngủ đều hết sau khi màng nhĩ được chích hoặc bị vỡ; đến cuối tuần lễ đầu, ngón tay ấn vào xương chũm không gây đau nữa. Chụp Xquang xương chũm: thông bào chũm còn tốt.
b. Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm
Trong trường hợp này bệnh nhân có tiền sử chảy tai kéo dài, khi nhiều khi ít không dứt hẳn. Mấy ngày gần đây bệnh nhân bị sốt, đau tai, chảy tai tăng lên, mủ thối, thính lực trước đây kém rồi bây giờ lại tụt nhanh, người mệt nhọc bơ phờ, ăn kém, ngủ ít... Trên phim thấy hình ảnh cholesteatoma hoặc xương bị tiêu hủy rộng.
c. Viêm hạch sau tai
Viêm hạch sau tai do viêm ống tai ngoài, do viêm da đầu có thể làm cho chúng ta nhầm với viêm xương chũm cấp tính. Trong viêm ống tai có những hiện tượng sau: nhai đau, ấn nắp tai gây đau, kéo vành tai cũng đau, rãnh sau tai còn nguyên vẹn. Trong chốc đa đầu, bệnh tích có thể bị tóc che kín, thầy thuốc phải sờ toàn bộ đa đầu mới phát hiện được bệnh.
4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
- Điều trị nội: kháng sinh phổ rộng, liều cao ngay từ đầu.
- Phẫu thuật kịp thời nếu cần để tránh biến chứng.
4.2. Sơ đồ/ Phác đồ điều trị
- Bệnh nhân được khám, soi tai, chụp X.quang/CT scan để chẩn đoán chính xác bệnh viêm xương chũm cấp tính.
- Điều trị nội khoa tích cực với kháng sinh phổ rộng, kháng viêm, giảm đau.
- Phẫu thuật khi túi mủ đã hình thành, hoặc bệnh tích xương đã nặng (mất vách ngăn tế bào), khi các triệu chứng toàn thân và chức năng kéo dài: sốt, mệt nhọc, mất ngủ, đau đầu, điếc...
4.3. Điều trị cụ thể (nội/ngoại khoa)
Điều trị nội hay ngoại khoa tùy vào triệu chứng, diễn tiến bệnh.
4.3.1. Điều trị nội khoa
- Kháng sinh mạnh, phổ rộng: Cephalosporin thế hệ 2, 3.
- Kháng viêm.
Steroid: có thể sử dụng tiêm trong 3-5 ngày đầu sau đó chuyển sang dạng uống và giảm liều dần:
+ Mazipredone (Depersolone 0,03g) Trẻ em:1-2mg/kg/ngày
+ Methylprednisolone (Solumedrol 40mg)
Trẻ em: 1-2mg /kg/ngày
+ Medrol 4-16mg, Prednisolone 5mg
- Giảm đau hạ sốt: Paracetamol
4.3.2. Điều trị ngoại khoa
- Mở sào bào dẫn lưu mủ và làm sạch mô viêm, tạo sự thông thương giữa tai giữa và các tế bào chũm.
5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
Biến chứng: các biến chứng thường gặp:
- Cốt tủy viêm xương thái dương với hội chứng nhiễm khuẩn rất nặng.
- Viêm mê nhĩ.
- Liệt VII hoặc liệt VI.
- Các biến chứng nội sọ: viêm màng não, áp xe não hoặc viêm tĩnh mạch bên.
Tiên lượng:
Viêm xương chũm cấp tính được điều trị nội khoa kịp thời hay mổ đúng lúc thì tiên lượng tốt.
Nếu được mổ đúng quy cách, thính lực sẽ không giảm hoặc có giảm rất ít không đáng kể.
Nếu không được điều trị, chảy mủ tai kéo dài và thính lực sẽ giảm nhiều. Trong trường hợp có viêm mê nhĩ, tai thường bị điếc đặc. Trường hợp không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng, có thể tử vong như nêu trên.
6. PHÒNG BỆNH
Phương pháp phòng bệnh tốt nhất là không để cho tai bị viêm. Khi tai giữa bị viêm cấp tính rồi, thầy thuốc phải chích rạch màng nhĩ sớm, bảo đảm dẫn lưu tốt, dùng kháng sinh đúng quy cách.
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến