Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua (transient synovitis of the hip)

1. ĐỊNH NGHĨA

Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua còn được gọi là viêm màng hoạt dịch do nhiễm độc (toxic synovitis) là tình trạng viêm khu trú ở màng hoạt dịch khớp háng một bên với tính chất khởi phát đột ngột, khỏi nhanh chóng trong vòng 7-10 ngày mà không để lại di chứng. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 3-10 tuổi, song có thể gặp ở trẻ 3 tháng tuổi hoặc ở người trưởng thành. Trẻ trai gặp nhiều hơn trẻ gái 2-4 lần. Trong các bệnh lý đau cấp tính của khớp háng thì viêm màng hoạt dịch thoáng qua là loại hay gặp nhất ở trẻ nhỏ. Có thể gặp ở người lớn.

2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

Nguyên nhân chính xác còn chưa rõ. Có thể liên quan đến nhiễm virus đường hô hấp dưới hoặc chấn thương xảy ra ngay trước khi có triệu chứng viêm màng hoạt dịch.
Sinh thiết màng hoạt dịch thấy tăng sinh màng hoạt dịch và tình trạng viêm không đặc hiệu. Có hình ảnh tràn dịch khi siêu âm khớp háng và xét nghiệm dịch khớp có tăng nồng độ proteoglycan.

3. CHẨN ĐOÁN

3.1. Lâm sàng

- Bệnh khởi phát đột ngột, cấp tính với triệu chứng đau tại khớp háng hoặc đôi khi khi đau ở đùi hoặc tại khớp gối ở bên bị bệnh.
- Ở trẻ nhỏ, do trẻ không có khả năng mô tả, nên có thể biểu hiện bởi hiện tượng đi khập khiễng hoặc bò lết bất thường; trẻ khóc bất thường không giải thích nguyên nhân khi được thay tã.
- Sờ nắn vào khớp háng tổn thương khiến trẻ kêu đau hoặc khóc. Hạn chế vận động khớp háng, đặc biệt là động tác dạng và xoay trong ở bên tổn thương. Khớp háng bên đối diện, các khớp khác và cột sống không thấy dấu hiệu gì bất thường.
- Sốt: nhiệt độ tăng có thể vừa phải hoặc cao. Trẻ có tình trạng kích thích, khó chịu.

3.2. Cận lâm sàng

- Các thông số về viêm như tốc độ máu lắng, CRP, bạch cầu có thể tăng nhẹ.
- Chụp Xquang khớp háng thường không thấy gì đặc biệt, đôi khi thấy khe khớp như rộng ra; chỏm xương đùi có vẻ như phẳng ra; mất nhẹ chất khoáng ở đầu xương. Cần chụp khớp háng hai bên để dễ quan sát và so sánh.
- Siêu âm có thể thấy dịch trong ổ khớp (không thường xuyên). Trong trường hợp phải phân biệt với viêm khớp nhiễm khuẩn, cần chọc hút dịch dưới hướng dẫn của siêu âm, nuôi cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.
- Chụp MRI đôi khi được chỉ định trong trường hợp khó, khi cần phải phân biệt với viêm khớp nhiễm trùng (CT không có giá trị trong trường hợp này).

3.3. Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán xác định dựa vào các thông tin sau:
- Các triệu chứng viêm khớp háng một bên với biểu hiện:
+ Đau, hạn chế vận động khớp háng một bên.
+ Tràn dịch khớp (thường phát hiện trên siêu âm), có thể có tăng sinh màng hoạt dịch khớp thấy trên siêu âm hoặc cộng hưởng từ.
+ Tăng các thông số viêm trên xét nghiệm.
- Đáp ứng tốt với thuốc chống viêm không steroid và kéo dài không quá 2 tuần.
Điều cần chú ý là chỉ chẩn đoán xác định viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua khi đã loại trừ tất cả các bệnh có thể gây đau tại khớp háng một bên, đặc biệt là viêm khớp háng nhiễm khuẩn. Trường hợp đau, viêm kéo dài trên 2 tuần cần tìm nguyên nhân khác.

3.4. Chẩn đoán phân biệt

- Viêm khớp háng nhiễm khuẩn: Đây là chẩn đoán phân biệt quan trọng nhất vì nếu bỏ qua một viêm khớp háng nhiễm khuẩn sẽ gây phá hủy khớp không hồi phục. Các triệu chứng gợi ý: sốt thường cao, các thông số viêm tăng mạnh, tình trạng nhiễm trùng rõ. Chẩn đoán xác định: chọc hút có dịch khớp là dịch mủ, xét nghiệm có tế bào mủ; có thể phân lập được vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.
- Các nguyên nhân gây đau khớp háng khác như viêm xương, viêm xương tủy; chấn thương như chấn thương phần mềm ở chi dưới, sang chấn gân, dây chằng, gãy xương; bệnh Legg-Calves-Perthes; bệnh lý thần kinh ngoại biên; loạn sản khớp háng, bệnh lý khối u; áp xe cơ thắt lưng chậu, viêm tinh hoàn...
- Viêm khớp mạn tính thiếu niên giai đoạn đầu: triệu chứng viêm kéo dài trên 3 tháng.

4. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

Chủ yếu là nghỉ ngơi, tránh cho khớp khỏi bị đè ép và chịu tải trọng.

4.2. Điều trị cụ thể

- Thuốc chống viêm giảm đau không steroid: ở trẻ em thường dùng Ibuprofen, vì thuốc ít tác dụng phụ so với các thuốc chống viêm không steroid khác. Liều lượng mỗi lần uống 5-10 mg /kg cân nặng, uống 3-4 lần trong một ngày. Trường hợp ở trẻ lớn trên 16 tuổi hoặc người trưởng thành có thể dùng một trong các thuốc chống viêm không steroid khác như diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib,… Cần chú ý các tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa.
- Kéo dãn khớp háng để làm giảm bớt áp lực trong ổ khớp và giảm đau.

5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

Bệnh lành tính và thường khỏi trong vòng 7 – 10 ngày không để lại di chứng. Đôi khi kéo dài vài tuần. Có 4-17% bệnh nhân tái phát trong vòng 6 tháng đầu.

6. PHÒNG BỆNH

Phòng và điều trị các viêm đường hô hấp, tránh các chấn thương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Fischer SU, Beattie TF (Nov 1999). "The limping child: epidemiology, assessment and outcome". J Bone Joint Surg Br. 81 (6): 1029–34.
2. Scott Moses, MD. "Transient hip tenosynovitis". Family practice notebook. Revision of August 9, 2007. Retrieved December 22, 2007
3. Gough-Palmer A, McHugh K (Jun 2007). "Investigating hip pain in a well child". BMJ 334 (7605): 1216–7.
4. Bienvenu-Perrard M, de Suremain N, Wicart P, et al. (Mar 2007). "Benefit of hip ultrasound in management of the limping child [Benefit of hip ultrasound in management of the limping child” (in French). J Radiol 88 (3 Pt 1): 377–83.
5. Kwack KS, Cho JH, Lee JH, Cho JH, Oh KK, Kim SY (Aug 2007). "Septic arthritis versus transient synovitis of the hip: gadolinium-enhanced MRI finding of decreased perfusion at the femoral epiphysis". AJR Am J Roentgenol 189 (2): 437–45