Theo các chuyên gia, việc ứng dụng giải pháp thông minh trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã có bước tiến quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử, giúp tăng hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, bảo đảm an toàn và thuận tiện cho người bệnh.
Từ phần mềm báo cáo sự cố
Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Dương Huy Lương cho biết, xác định sự cố y khoa luôn tiềm ẩn trong hoạt động khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành nhiều thông tư chỉ đạo đẩy mạnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và báo cáo sự cố y khoa bằng việc ứng dụng phần mềm báo cáo sự cố y khoa (Dr5 - STAR). Phần mềm này khuyến khích nhân viên y tế báo cáo sự cố y khoa (thay vì né tránh) và đề ra hướng khắc phục sự cố tại chỗ.
Từ những sự cố như chuyên môn khám chữa bệnh hoặc liên quan đến cơ sở vật chất, nhân viên y tế sẽ chụp ảnh, tóm tắt nội dung và đăng tải vào phần mềm để báo cáo người quản lý nhanh nhất. Từ đó, đội ngũ quản lý bệnh viện có thể kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục sự cố ngay từ đầu, rút ra bài học kinh nghiệm để không mắc phải sự cố tương tự. Ứng dụng cũng có phiên bản trên điện thoại thông minh giúp việc báo cáo, cập nhật tiến độ thuận tiện, nhanh chóng hơn.
Cho đến nay, phần mềm đã được áp dụng tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh (Nghệ An) và đang được thực hiện tại một số bệnh viện khác. Được biết, sau khi áp dụng phần mềm, số lượng báo cáo sự cố tại 3 bệnh viện trên đã tăng lên vài trăm lần so với trước đây.
Là một trong những bệnh viện ứng dụng phần mềm báo cáo sự cố y khoa tại tất cả các khoa phòng của bệnh viện, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn Nguyễn Trúc Cường cho biết, số lượng sự cố được báo cáo tăng gấp 3 lần so với trước. Phần mềm này giúp cán bộ, nhân viên tiết kiệm thời gian, có thể báo cáo ngay khi xảy ra sự cố. Công cụ phân tích nguyên nhân sự cố một cách cụ thể, trên cơ sở đó, lãnh đạo bệnh viện sẽ xem xét phê duyệt trực tiếp báo cáo này thông qua phần mềm. Cách làm này đã góp phần giảm thiểu sự cố y khoa xảy ra trong bệnh viện cũng như tăng chất lượng khám chữa bệnh.
… tới ứng dụng chữ ký số
Theo Điều 13 Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ban hành Quy chế sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký số của đơn vị mình trước khi triển khai thực hiện. Trường hợp đặc biệt (như bản cam kết của người bệnh, biểu đồ sinh hiệu, bảng công khai thuốc đầu giường, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn), thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định ký trên bản giấy, sau đó số hóa thành bản điện tử đính kèm hồ sơ bệnh án điện tử và phải lưu trữ bản giấy theo quy định.
Cùng với việc triển khai phần mềm báo cáo sự cố, thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử cũng là chủ trương lớn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thì việc ứng dụng chữ ký số là yêu cầu tất yếu đặt ra. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, Trần Quý Tường cho biết, đã có quy định pháp luật rõ ràng, cụ thể về chữ ký số, theo đó, nó có giá trị như chữ ký tay, vừa bảo đảm an toàn thông tin vừa chính xác hơn. Về kỹ thuật, các đơn vị cung cấp đều sẵn sàng phối hợp ứng dụng chữ ký số trong lĩnh vực y tế.
Chia sẻ về nội dung này, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thị Mỹ Thư cho biết, khi triển khai bệnh án điện tử, mỗi bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đều có tài khoản, mật khẩu để đăng nhập có khai báo chữ ký điện tử, chữ ký số. Điều này đã giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, nhân viên y tế có thêm thời gian điều trị và chăm sóc người bệnh, ngoài ra còn giúp bệnh viện làm việc khoa học và chuyên nghiệp hơn.
Mặc dù vậy, theo đại diện một số bệnh viện, việc ứng dụng chữ ký số còn gặp vướng mắc, dẫn tới chưa thể triển khai bệnh án điện tử. Theo thống kê, đến thời điểm này, mới có 14 cơ sở y tế trên cả nước triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Bởi việc đầu tư chữ ký số của người bệnh và bác sĩ không hề dễ dàng, giá của một chữ ký điện tử khá đắt. Trong khi đó, giá công nghệ thông tin vẫn chưa được đưa vào giá dịch vụ y tế, dẫn tới các cơ sở khám chữa bệnh còn lúng túng khi triển khai.
Mặt khác cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định chữ ký số phải đạt một số tiêu chuẩn y tế quốc tế, được mã hóa trên thiết bị chuyên nghiệp, đang gây khó cho cơ sở y tế. Theo đó, các bác sĩ luôn phải mang theo thiết bị lưu trữ (USB) có chứa chữ ký số đã mã hóa để đăng nhập vào hệ thống mỗi khi làm việc và việc mất chữ ký số này đồng nghĩa với mất chức năng ghi bệnh án.
Thực tế, quy định chữ ký số đạt tiêu chuẩn quốc tế và phải mã hóa là điều cần thiết, nhất là khi Bộ Y tế đã có chủ trương “kéo” người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, PGS.TS Trần Quý Tường cho rằng, khó khăn lớn nhất chính là ở hiểu biết về chữ ký số của các cấp còn hạn chế, sự đồng thuận chưa cao giữa các cơ sở y tế. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chữ ký số cũng như Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia phải tiếp tục đồng hành với Cục Công nghệ thông tin, cơ sở khám chữa bệnh để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, góp phần triển khai bệnh án điện tử.