Sai sót trong y khoa là chuyện khó tránh khỏi, song điều quan trọng là xử lý những sự cố, tai biến ấy thế nào để tránh những hậu quả đáng tiếc. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, khi xảy ra sự cố, cá nhân, đơn vị cần phải thẳng thắn nhìn nhận sự thật để sửa sai mới có thể cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.
Nhiều sai sót y khoa:
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các sự cố y khoa có thể xảy ra ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình từ chẩn đoán, chăm sóc đến điều trị. Đặc biệt, bệnh viện (BV) là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước thu nhập cao, ước tính 10% số lượng người bệnh bị tổn thương khi khám chữa bệnh tại BV. Các số liệu thống kê thu thập được cho thấy, có tới 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại BV ở các nước thu nhập trung bình và thấp, đây cũng chính là nguyên nhân gây ra 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ với những sự cố y khoa không mong muốn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân ở Tiền Giang bị bác sĩ bỏ quên gạc phẫu thuật trong bụng tại BV Đa khoa khu vực thị xã Gò Công; bệnh nhân được chỉ định mổ chân trái nhưng bác sĩ mổ chân phải tại BV Việt Đức; bác sĩ cắt nhầm vòi trứng, trao nhầm trẻ sơ sinh, trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine; đặc biệt là sự cố y khoa chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình khiến 8 người tử vong...
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, năm 2016 có 7 trường hợp tử vong liên quan đến sự cố y khoa; năm 2017 và 2018 đều có 3 trường hợp; 4 tháng đầu năm 2019, đã có 5 trường hợp tử vong do sự cố y khoa (2 trường hợp tại BV công lập và 3 trường hợp ở các BV ngoài công lập).
Đổi mới tư duy phục vụ người bệnh
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, để hạn chế các sự cố y khoa, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc Thông tư 43 của Bộ Y tế trong việc báo cáo sự cố y khoa. Theo đó, các đơn vị phải phân tích, phản hồi và xử lý sự cố y khoa cũng như có các biện pháp phòng ngừa sự cố y khoa tại chính đơn vị, vì sự an toàn của người bệnh.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Vũ Đình Huy – chuyên gia tư vấn của WHO tại Việt Nam cho rằng, an toàn người bệnh đang là một vấn đề toàn cầu. Để hạn chế những sự cố y khoa, cần có sự tham gia tích cực của người bệnh và người nhà bệnh nhân vào quá trình điều trị. “Đối với nhân viên, lãnh đạo y tế, không đổ lỗi và thẳng thắn nhìn nhận khi có sự cố y khoa. Ngoài ra, người làm chính sách cần nhìn nhận đầu tư vào đảm bảo an toàn người bệnh mang lại lợi ích kinh tế; dùng bằng chứng khoa học để cải thiện an toàn người bệnh”- bác sĩ Huy đề xuất.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, 5 năm gần đây Bộ Y tế đã thay đổi quan điểm phục vụ, đổi mới từ cách nghĩ, cách làm, cách kiểm tra. Theo đó, thay đổi từ tư duy ban ơn thành tư duy người cung cấp dịch vụ phục vụ tốt cho người bệnh. Lấy người bệnh làm trung tâm, hướng đến an toàn cho người bệnh, hài lòng cho người bệnh. Bộ đã ban hành bộ 83 tiêu chí đảm bảo an toàn người bệnh. “Trước đây, khi xảy ra sự cố, các cá nhân, cơ sở y tế vẫn có tư duy giấu giếm. Đến nay, việc báo cáo sự cố y khoa đã chủ động hơn nhằm tìm ra những nguy cơ để phòng ngừa”. Ngoài ra, theo ông Khuê, khi có sự cố y khoa, cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào sự thật để sửa sai mới có thể cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, bác sĩ cần nhận ra sai lầm của mình trong mỗi tai biến y khoa, còn về phía BV, nên thường xuyên tổ chức diễn tập các tình huống cấp cứu tối khẩn cấp.