Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Vụ sản phụ tử vong do “sự cố y khoa” tại Bệnh viện Đức Phúc: Nhiều câu hỏi cần được làm rõ

Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản Nam học Đức Phúc có địa chỉ tại 48 Ô Đồng Lầm (Hồ Ba Mẫu) - Đống Đa - Hà Nội, được giới thiệu là là trung tâm điều trị vô sinh, hiếm muộn.

DNVN - Nhiều tháng đã trôi qua tính từ khi sản phụ xấu số L.Q.H bị tử vong sau khi thực hiện thủ thuật y tế tại Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và nam học Đức Phúc (Bệnh viện Đức Phúc). Nhưng đến nay, nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc vẫn chưa có thông tin rõ ràng, đầy đủ.


Tử vong sau khi thực hiện thủ thuật hỗ trợ sinh sản

Ngày 25/12/2020, Bệnh viện Đức Phúc tiếp nhận sản phụ L.Q.H 27 tuổi (xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) vào thăm khám, đưa đến thực hiện thủ thuật giảm thiểu sau đặt phôi. Sau khi được thực hiện thủ thuật, theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện, đến sáng ngày 27/12, tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, nên được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên sản phụ đã tử vong.

Ca tử vong của sản phụ sau khi thực hiện thủ thuật tại Bệnh viện Đức Phúc, được bệnh viện này giải thích là "sự cố y khoa không mong muốn xảy ra". Song ngay sau thời điểm xảy ra vụ việc, nhiều ý kiến đã cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ nội dung về việc bệnh viện này đã tuân thủ, đảm bảo các quy định nghiêm ngặt trong ngành y tế về khám chữa bệnh, làm thủ thuật hỗ trợ sinh sản hay chưa?.

Cụ thể, cần xác minh làm rõ, Bệnh viện Đức Phúc khi đưa dị nguyên vào cơ thể sản phụ, có tuân thủ đúng hướng dẫn khai thác tiền sử dị ứng của bệnh nhân, quy định tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT, ngày 29/12/2017, của Bộ Y tế hay không? Thời điểm xảy ra sốc phản vệ là khi nào, sau làm thủ thuật bao nhiêu lâu và bệnh nhân có được theo dõi liên tục và cấp cứu kịp thời hay không? Đồng thời, Bệnh viện Đức Phúc có đảm bảo quy định về hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế, đảm bảo nhân sự được đào tạo chuyên môn trực cấp cứu sốc phản vệ hay không? Theo các chuyên gia y tế, chỉ một trong những quy định chuyên môn nêu trên không bảo đảm là rất có thể sẽ dẫn đến việc bệnh nhân sốc phản vệ và tử vong.

Mặt khác, như đã nêu, sản phụ nhập viện từ ngày 25/12/2020 để làm thủ thuật, nhưng đến ngày 27/12/2020 mới được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Vì vậy, cần làm rõ, sản phụ có biểu hiện sốc phản vệ từ khi nào, tại sao sau khi làm thủ thuật hơn 1 ngày mới được chuyển viện cấp cứu? Bởi Thông tư số 51/2017/TT-BYT quy định về hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ như sau: "Tất cả trường hợp sốc phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ”.

Những câu hỏi cần có lời giải đáp rõ ràng

Kết luận về nguyên nhân tử vong của sản phụ sau khi làm thủ thuật tại Bệnh viện Đức Phúc được cho là "sốc phản vệ, rối loạn đông máu". Thực tế, liên quan đến vụ việc nói trên, ngày 6/1/2021, Bệnh viện Đức Phúc đã tổ chức cuộc họp báo “chớp nhoáng” trong thời gian... 6 phút với một hàng người xếp hàng nói lời xin lỗi và đọc thông cáo báo chí. Sau đó là tuyên bố họp báo kết thúc và từ chối toàn bộ các câu hỏi của phóng viên.

Đáng chú ý, trong Thông cáo báo chí của Bệnh viện Đức Phúc đưa ra nội dung: "Ngay sau báo cáo sự việc từ Bệnh viện Đức Phúc, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức làm việc đến xác minh, xem xét quá trình thăm khám và điều trị của bệnh nhân H tại Bệnh viện. Sở Y tế Hà Nội đã có Biên bản làm việc ngày 31/12/2020, xác nhận nguyên nhân sơ bộ của ca bệnh này sốc phản vệ, rối loạn đông máu. Quan điểm của Bệnh viện Đức Phúc nhất trí với nội dung Biên bản làm việc và kết luận của Sở y tế Hà Nội".

Image removed.

Dư luận cho rằng, với một sự việc nghiêm trọng liên quan đến sinh mạng của bệnh nhân nhưng khi tổ chức họp báo Bệnh viện Đức Phúc lại chỉ đưa ra những thông tin sơ sài đến vậy? Rất nhiều nội dung trong Biên bản làm việc ngày 31/12/2020 đã không được công bố rõ ràng. Nhiều vấn đề chưa được thông tin rõ như: Dị nguyên nào đưa vào cơ thể bệnh nhân gây sốc phản vệ? Quy trình phòng chống sốc phản vệ, nhân sự, trang thiết bị có đảm bảo hay không?

Nếu thông tin đầy đủ, sẽ là cơ sở để giải đáp thắc mắc của dư luận, nhất là những người bệnh đang có ý định lựa chọn dịch vụ y tế tại Bệnh viện Đức Phúc. Rất nhiều câu hỏi xoay quanh "sự cố y khoa" này cần được làm rõ.