1. ĐẠI CƯƠNG
Sử dụng kĩ thuật vi phẫu (dụng cụ vi phẫu và kính vi phẫu) ghép lại các bộ phận ở đầu, mặt bị đứt rời (môi, mũi, tai) có phục hồi lưu thông mạch máu.
2. CHỈ ĐỊNH
Vết thương đứt rời các bộ phận ở đầu, mặt gọn sạch, mảnh lớn đảm bảo có mạch nuôi dưỡng
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Không có chống chỉ định tuyệt đối.
- Cân nhắc với vết thương bẩn, dập nát. Người bệnh đa chấn thương phối hợp hoặc các bệnh toàn thân không thích hợp cho phẫu thuật.
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Tạo hình, Phẫu thuật vi phẫu.
- 4-6 Phẫu thuật viên
- Gây mê
- Dụng cụ
- Hồi tỉnh
4.2. Phương tiện
Dụng cụ phẫu thuật Tạo hình Vi phẫu, chỉ vi phẫu, Siêu âm doppler mạch cầm tay, Kính hiển vi phẫu thuật.
4.3. Người bệnh
- Làm đủ các xét nghiệm chẩn đoán, chú ý các bệnh lý phối hợp: Tim mạch, tiểu đường...Đánh giá tình trạng toàn thân như tuổi, cơ địa, những bệnh mãn tính phối hợp có ảnh hưởng tới cuộc phẫu thuật, trong thời kỳ hậu phẫu. Đánh giá khả năng phẫu thuật để chuẩn bị cho cuộc mổ diễn ra an toàn và hiệu quả nhất.
- Dùng kháng sinh dự phòng nếu cần thiết.
- Giải thích cho người bệnh và gia đình biết rõ bệnh và tình trạng toàn thân, về khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về các tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, do cơ địa của người bệnh.
- Giải đáp những khúc mắc của người bệnh về bệnh tật, về phẫu thuật...trong phạm vi cho phép.
- Chuẩn bị trước mổ theo quy trình Ngoại khoa thông thường
- Hồ sơ bệnh án: hoàn thành các thủ tục hành chính theo quy định. Người bệnh và gia đình phải ký cam đoan mổ, ghi rõ đã được nghe giải thích rõ ràng, hiểu và chấp nhận các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.
4.4. Thời gian
6-12 giờ
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Tư thế
Nằm ngửa, đầu nghiêng về bên đối diện với tổn thương
5.2. Vô cảm
Gây mê toàn thân
5.3. Kĩ thuật
- Kíp 1 (chuẩn bị nơi nhận mảnh ghép): làm sạch vết thương. Tìm dưới kính vi phẫu động mạch cho mảnh ghép, chuẩn bị động mạch nhận.
- Kíp 2 (chuẩn bị mảnh ghép): làm sạch mảnh ghép với nước muối sinh lý có pha heparin. Tìm dưới kính vi phẫu các mạch có trên mảnh ghép.
- Cố định mảnh ghép vào nơi nhận theo đúng giải phẫu bằng một vài mũi khâu để đảm bảo mảnh ghép không di lệch.
- Tìm động mạch trên mảnh ghép phù hợp với vị trí của động mạch nhận.
- Làm sạch động mạch trên mảnh ghép.
- Tiến hành nối động mạch bằng kĩ thuật vi phẫu với chỉ Nylon 10.0 hoặc 11.0 tuỳ thuộc vào kích thước mạch. Sau nối kiểm tra động mạch có thông hay không, kiểm tra xem máu về tĩnh mạch nào nhiều nhất.
- Tìm tĩnh mạch nhận tại tổn thương phù hợp với vị trí giải phẫu của tĩnh mạch mảnh ghép.
- Nối tĩnh mạch bằng kĩ thuật vi phẫu bằng chỉ Nylon 10.0 hoặc 11.0.
- Trong trường hợp động mạch và tĩnh mạch co ngắn không thể nối trực tiếp, tiến hành lấy tĩnh mạch ở vị trí khác của cơ thể ghép đoạn tĩnh mạch đảo chiều cho động mạch và cùng chiều cho tĩnh mạch.
- Đóng da thưa
- Băng nhẹ, để hở 1 phần mảnh ghép để theo dõi.
6. THEO DÕI CÁC TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG VÀ NGUYÊN TẮC XỬ TRÍ
6.1. Theo dõi
- Điều trị kháng sinh, giảm đau, chống đông sau phẫu thuật
- Màu sắc da ghép 30 phút/lần trong ngày 24h đầu, 2h/lần trong các ngày tiếp theo.
- Nếu da trắng lạnh, tiến hành nhỏ Xylocain nguyên chất vào nơi nối mạch. Nếu không cải thiện có thể đưa lên nhà mổ kiểm tra mối nối mạch.
- Nếu mảnh ghép tím do tĩnh mạch thông kém hoặc không có khả năng nối do quá nhỏ hoặc không có: tiến hành các biện pháp giảm ứ trệ tĩnh mạch như: thả đỉa y tế hút máu tại mảnh ghép, chích máu,...
6.2. Biến chứng
- Chảy máu: theo dõi công thức máu, nếu thiếu máu tiến hành truyền máu, hoặc phẫu thuật cầm máu nếu cần.
- Nhiễm trùng: thay băng và dùng kháng sinh.
- Hoại tử ướt: thay băng không cải thiện thì cắt bỏ.
- Hoại tử khô: thay băng.
- Các phẫu thuật tạo hình thì 2.
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến