Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Quy trình truyền acid zoledronic

Acid zoledronic 5mg/100ml, thuộc nhóm bisphosphonat.
Cơ chế: Chống hủy xương.
Chỉ định: Điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh hoặc loãng xương ở nam giới, loãng xương do sử dụng corticoid.
Chống chỉ định: Bệnh nhân có hệ số thanh thải creatinine < 35ml/phút hoặc dị ứng với thành phần của thuốc. Không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan hoặc người trên 65 tuổi.
Thận trọng: Có một tỷ lệ rung nhĩ sau truyền thuốc, nên nếu đã có các rối loạn nhịp tim, tiền sử bệnh lý mạch vành, không nên truyền trừ khi lợi ích cao hơn nguy cơ.
Liều dùng: Mỗi năm truyền tĩnh mạch một lần trên cơ sở kết hợp 800 UI vitamin D mỗi ngày và 800 - 1200 mg calci mỗi ngày.
Sau khi xác định chẩn đoán, các xét nghiệm cần làm trước khi chỉ định acid zoledronic:
− Xét nghiệm calci máu và creatin máu, tính toán mức lọc cầu thận. Nếu calci máu thấp cần uống bổ sung trước khi truyền, tránh tình trạng hạ calci máu.
− Điện tâm đồ.
Quy trình truyền acid zoledronic:
− Bước 1: Cần đảm bảo bệnh nhân không có giảm calci máu trước khi truyền, có thể cho uống bổ sung 800 UI vitamin D và 800 - 1200mg calci vài ngày trước và các ngày trong và sau truyền acid zoledronic. Nên uống 2 lít nước vào ngày trước truyền thuốc.
− Bước 2: Acid zoledronic 5mg được đóng sẵn 100ml dung dịch truyền, được truyền đường tĩnh mạch qua một dây truyền mở lỗ thông với tốc độ truyền ổn định. Thời gian truyền không được dưới 15 phút.
− Bước 3: Uống 2 lít nước trong ngày sau truyền thuốc.
Lưu ý:
+ Nên kết hợp paracetamol đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, và thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, diclofenac, meloxiam...) trước hoặc vài ngày sau khi truyền nhằm phòng và điều trị hội chứng giả cúm (sốt, đau mình mẩy, đau xương khớp...).
+ Theo dõi nhịp tim, mạch, huyết áp, nhiệt độ và toàn trạng trong khi truyền và 3-5 ngày đầu sau truyền. Hội chứng giả cúm thường xuất hiện trong vòng 1-3 ngày đầu sau truyền acid zoledronic: Sốt (có thể tới 40°C); mệt, đau xương khớp. Cần xem xét việc bù dịch hoặc các chế phẩm dinh dưỡng tùy theo tình trạng của bệnh nhân trong những ngày đầu sau truyền. Luôn cảnh giác nguy cơ nhồi máu cơ tim có thể tình cờ xảy ra ở người nhiều tuổi hoặc các rối loạn nhịp (mặc dù tần suất thấp) để xử lý kịp thời.
+ Cần có thông báo tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra và có bản cam kết có chữ ký của bệnh nhân hoặc người nhà trước khi truyền acid zoledronic.

CÁC TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP
Các thuốc điều trị sẽ được thay đổi về số lượng và nhóm thuốc theo các giai đoạn hoạt động của bệnh (theo các hướng dẫn nêu cụ thể từng bệnh). Phạm vi bài này chỉ nêu hai bệnh là viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp.

1. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ GIAI ĐOẠN HOẠT ĐỘNG (ĐỢT TIẾN TRIỂN) CỦA BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP THEO EULAR (EUROPEAN LEAGUE AGAINST RHEUMATISM - LIÊN ĐOÀN CHỐNG THẤP KHỚP CHÂU ÂU)

Có ít nhất ba khớp sưng và ít nhất một ba tiêu chí sau:
− Chỉ số Ritchie từ 9 điểm trở lên.
− Cứng khớp buổi sáng ít nhất 45 phút.
− Tốc độ máu lắng giờ đầu 28mm.
Ghi chú: Chỉ số Ritchie: Chỉ số này được đánh giá như sau: Thầy thuốc dùng đầu ngón tay cái của mình ấn lên trên diện khớp của bệnh nhân với áp lực vừa phải. Tổng cộng có 26 vị trí khớp (các khớp ngón gần, khớp bàn ngón, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp vai khớp gối hai bên), mỗi vị trí khớp được tính điểm như sau:
0 điểm- Không đau
1 điểm- Đau ít, bệnh nhân nói là thao tác gây đau.
2 điểm- Đau vừa, bệnh nhân kêu đau và nhăn mặt.
3 điểm - Đau nhiều, đến nỗi bệnh nhân rút chi lại.
Kết quả: Đau tối đa là 78 điểm, hoàn toàn không đau là 0 điểm, đợt tiến triển của bệnh từ 9 điểm trở lên.

2. ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH THEO DAS 28 (DAS: DISEASE ACTIVITY SCORE)


Công thức tính như sau:
DAS 28 = [0,56  (Số khớp đau) + 0,28  (Số khớp sưng) + 0,70 ln (máu lắng 1giờ)] 1,08 + 0,16
- DAS 28 < 2,9:             Bệnh không hoạt động.
- 2,9 ≤ DAS 28 < 3,2:         Hoạt động bệnh mức độ nhẹ.
- 3,2 ≤ DAS 28 ≤ 5,1:         Hoạt động bệnh mức độ trung bình.
- DAS 28 >5,1:             Bệnh hoạt động mạnh.
Trên thực tế, chỉ cần vào trang :
http://www.4s-dawn.com/DAS28/DAS28.html
Hoặc đánh chữ DAS 28 trên mạng sẽ có các mục hướng dẫn vào trang nêu trên. Chỉ cần điền thông tin của bệnh nhân cụ thể vào các ô cần thiết sẽ xác định được chỉ số DAS và hướng dẫn giá trị của chỉ số, tức là mức độ hoạt động của bệnh.

3. ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH THEO CÁC CHỈ SỐ KHÁC

− Chỉ số SDAI (Simplified Disease Activity Index)
SDAI = Số khớp đau (tổng số 28 khớp) + Số khớp sưng + VAS bệnh nhân + VAS bác sĩ đánh giá (0-10) + CRP (mg/dl) 
SDAI < 3,3: Bệnh không hoạt động
3,3 < SDAI < 11: Hoạt động nhẹ
11 < SDAI < 26: Hoạt động trung bình
SDAI > 26: Hoạt động mạnh
− Chỉ số CDAI (Clinical Disease Activity Index)
CDAI = Số khớp đau + Số khớp sưng + VAS bệnh nhân + VAS bác sĩ. 
CDAI < 2,8: Bệnh không hoạt động
2,8 < CDAI < 10: Bệnh hoạt động nhẹ
10 < CDAI < 22: Bệnh hoạt động trung bình
CDAI > 22: Bệnh hoạt động mạnh
TIÊU CHUẨN LUI BỆNH ACR 2010
(ACR- American College of Rheumatology Hội thấp khớp học Hoa Kỳ)
Khi bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đáp ứng được các yếu tố sau trong 6 tháng liền, tức là đã đạt được giai đoạn lui bệnh:
− Cứng khớp sáng ≤ 15 phút.
− Không mệt.
− Không đau khớp.
− Khớp không đau khi thăm khám hay vận động.
− Không sưng vùng khớp hoặc gân cơ cạnh khớp.
− Tốc độ máu lắng giờ đầu ≤ 30mm (đối với nữ) và ≤ 20mm (đối với nam).