Trong ngôi nhà chất lượng, Giám đốc là 1 trong 3 nền móng, và là nền móng quan trọng nhất. Nền móng này là điểm tựa cho tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức được cụ thể hoá.
Giám đốc cũng đóng vai trò theo sát các Quá trình, đặc biệt khâu đánh giá và khâu xem xét sự không phù hợp.
Giám đốc cũng cần đứng về phía nhân viên và quan tâm đến nhân viên trước tiên trong các hoạch định.
- Xin nhấn mạnh rằng tầm nhìn và mục tiêu này là từ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN HIỆN TẠI. Không phải từ cá nhân trưởng phòng QLCL, từ bất cứ ai trong bệnh viện. Cũng không phải từ Bộ Y tế, Sở Y tế. GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN HIỆN TẠI có vai trò quyết định để phòng QLCL triển khai mọi hoạt động về sau.
- Cam kết này cần cụ thể bằng văn bản.
- Nếu cá nhân trưởng phòng QLCL thấy không phù hợp và không thống nhất được với tầm nhìn của Giám đốc, bạn hãy cân nhắc việc tiếp tục giữ vai trò này.
- Trước khi đi vào chi tiết "Cam kết của giám đốc", chúng ta cần xác định một điều quan trọng: bất cứ ai trong bệnh viện đều mong muốn bệnh viện tốt hơn. Người mong muốn nhiều nhất là GIÁM ĐỐC bệnh viện. Người luôn trăn trở từng ngày từng giờ tình hình bệnh viện. Người sẽ luôn nghe ngóng bất cứ điều gì có thể làm cho bệnh viện tốt hơn. Do đó trước khi phán xét hay có các suy nghĩ tiêu cực, bạn cần thấu hiểu điều này. Và hãy...kiên nhẫn.
- Hoạt động bệnh viện rất nhiều lĩnh vực, và tại mỗi thời điểm bệnh viện đối diện với các khó khăn và thách thức khác nhau. Giám đốc luôn cần lựa chọn những ưu tiên sống còn trước. Đôi khi lựa chọn này không trùng với định hướng QLCL tại THỜI ĐIỂM ĐÓ.
- Triển khai QLCL không phải là chóng vánh, vội vàng. "Những gì gấp là những thứ không quan trọng". Cứ hãy chuẩn bị thật tốt phương pháp, công cụ để ngay khi Giám đốc định hướng tổ chức theo đúng chuẩn, lúc đó QLCL đã sẵn sàng hỗ trợ.
Nếu Giám đốc không đưa ra tầm nhìn, mục tiêu cụ thể thì sao?
- Đúng là những khái niệm "tầm nhìn", "mục tiêu" khá mơ hồ đối với nhiều lãnh đạo. Và rất ít lãnh đạo bệnh viện đưa ra thông điệp rõ ràng. Nhưng bạn hãy cố lắng nghe trong các buổi họp, hội nghị. Thông điệp này dù bằng miệng nhưng cũng sẽ luôn được nhắc lại.
- Và nếu thật sự không rõ ràng! Thì bạn cũng hãy suy nghĩ đơn giản thôi: giám đốc chỉ đạo gì, bạn thấy tốt cho bệnh viện, bạn thấy phù hợp với các chuẩn chất lượng. Hãy làm nó hết sức có thể. Chỉ cần một chỉ đạo thôi, bạn thực hiện theo có khi cũng mất rất nhiều thời gian và sức lực rồi. Xong chỉ đạo đó rồi các chỉ đạo khác. Chẳng khi nào bạn hết việc đam mê để làm đâu.
Lưu ý: Bạn luôn cần đưa chỉ đạo đó ra thành văn bản! Và giám đốc phải ký! Bạn cần lưu ý điều này. Hãy tập soạn thông báo ngắn ngọn 1/3-1/4 trang giấy. Hãy tập soạn kết hoạch - sơ đồ Gantt cho tốt để bám sát thúc đẩy tiến độ các bên liên quan.
- Khi bắt đầu triển khai Quản lý chất lượng (QLCL) và An toàn người bệnh (ATNB), bước quan trọng nhất là xác định tầm nhìn và mục tiêu. Đây là nền tảng giúp định hướng mọi hoạt động, đảm bảo sự thống nhất từ lãnh đạo đến nhân viên, đồng thời tạo động lực thúc đẩy sự cải tiến liên tục trong bệnh viện.
1. Ý nghĩa của việc xác định tầm nhìn và mục tiêu
- Tầm nhìn và mục tiêu là kim chỉ nam cho mọi chiến lược và hành động của bệnh viện. Nếu không có tầm nhìn rõ ràng, tổ chức sẽ dễ bị phân tán nguồn lực, mất phương hướng và khó đạt được các kết quả mong muốn. Tương tự, mục tiêu cụ thể sẽ giúp bệnh viện đo lường được tiến độ và hiệu quả của các hoạt động cải tiến.
- Việc xác định tầm nhìn và mục tiêu không chỉ là yêu cầu cần thiết khi triển khai QLCL và ATNB mà còn mang lại giá trị lâu dài, đảm bảo bệnh viện hướng tới sự phát triển bền vững và đáp ứng kỳ vọng của bệnh nhân, gia đình họ, cũng như cộng đồng.
2. Xây dựng tầm nhìn
2.1. Tầm nhìn là gì?
- Tầm nhìn là hình ảnh về tương lai mà bệnh viện muốn đạt được. Đó là tuyên bố ngắn gọn, thể hiện cam kết của tổ chức đối với QLCL và ATNB. Một tầm nhìn tốt sẽ truyền cảm hứng, tạo sự đồng thuận và thúc đẩy mọi người cùng nỗ lực hướng đến mục tiêu chung.
2.2. Tầm nhìn trong QLCL và ATNB
- Trong bối cảnh QLCL và ATNB, tầm nhìn không chỉ giới hạn ở việc đạt các tiêu chuẩn chất lượng mà còn phải phản ánh được sự cam kết mạnh mẽ đối với sự an toàn và trải nghiệm tích cực của bệnh nhân. Ví dụ, tầm nhìn của bệnh viện có thể là:
+ "Đem đến dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, và nhân văn cho mọi bệnh nhân."
+ "Trở thành bệnh viện hàng đầu về an toàn người bệnh và cải tiến chất lượng dịch vụ y tế."
2.3. Cách xây dựng tầm nhìn
- Phù hợp với sứ mệnh bệnh viện: Tầm nhìn cần phù hợp với sứ mệnh, giá trị cốt lõi và định hướng phát triển dài hạn của bệnh viện.
- Truyền cảm hứng: Ngắn gọn, dễ hiểu, và khơi dậy động lực cho đội ngũ nhân viên y tế.
- Tập trung vào bệnh nhân: Tầm nhìn nên ưu tiên quyền lợi của người bệnh, đặt an toàn và chất lượng dịch vụ lên hàng đầu.
3. Đặt mục tiêu cụ thể
3.1. Mục tiêu là gì?
- Mục tiêu là những kết quả cụ thể mà bệnh viện mong muốn đạt được trong quá trình triển khai QLCL và ATNB. Mục tiêu cần rõ ràng, khả thi, và có thể đo lường để dễ dàng đánh giá tiến độ.
3.2. Nguyên tắc SMART trong thiết lập mục tiêu
Một mục tiêu hiệu quả nên tuân theo nguyên tắc SMART:
- S (Specific): Cụ thể – Mục tiêu cần nêu rõ nội dung cần thực hiện, không mơ hồ.
- M (Measurable): Đo lường được – Xác định các chỉ số hoặc tiêu chí để đánh giá.
- A (Achievable): Khả thi – Mục tiêu phải phù hợp với nguồn lực và điều kiện hiện tại.
- R (Relevant): Liên quan – Mục tiêu phải gắn liền với các ưu tiên của bệnh viện.
- T (Time-bound): Có thời hạn – Đặt thời gian hoàn thành rõ ràng.
3.3. Các mục tiêu trong QLCL và ATNB
Dưới đây là một số mục tiêu cụ thể mà bệnh viện có thể tham khảo đặt ra khi triển khai QLCL và ATNB:
(1) Đạt chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ Y tế:
- Đạt mức 4 sao theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.
- Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về ATNB, từ cơ sở hạ tầng, quy trình chăm sóc, đến văn hóa an toàn.
(2) Nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân:
- Tăng điểm hài lòng của bệnh nhân từ 85% lên 90% trong vòng 1 năm.
- Thực hiện khảo sát định kỳ để đo lường mức độ hài lòng.
(3) Cải thiện kỹ năng của nhân viên y tế về QLCL và ATNB:
- Tổ chức ít nhất 4 khóa đào tạo về QLCL và ATNB mỗi năm.
- Đảm bảo 100% nhân viên y tế tham gia đào tạo về nhận biết và báo cáo sự cố y khoa.
(4) Giảm tỷ lệ sự cố y khoa:
- Đặt mục tiêu tăng số báo cáo tự nguyện sự cố y khoa trong năm đầu tiên lên 20%.
- Tập trung vào các sự cố phổ biến như sai sót trong kê đơn, nhiễm khuẩn bệnh viện.
3.4. Lợi ích của việc đặt mục tiêu cụ thể
- Tập trung nguồn lực: Giúp bệnh viện xác định rõ các ưu tiên trong hoạt động cải tiến.
- Theo dõi tiến độ: Dựa vào các chỉ số đo lường, bệnh viện có thể biết được mức độ hoàn thành và kịp thời điều chỉnh.
- Tạo động lực: Các mục tiêu rõ ràng, khả thi sẽ khuyến khích nhân viên cống hiến và nỗ lực hơn.
4. Kết hợp tầm nhìn và mục tiêu trong chiến lược QLCL và ATNB
Tầm nhìn và mục tiêu không chỉ là những tuyên bố trên giấy mà cần được lồng ghép vào chiến lược và hoạt động hàng ngày của bệnh viện. Cụ thể:
- Truyền thông nội bộ: Tổ chức các buổi họp, hội thảo để chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu với toàn bộ nhân viên.
- Xây dựng kế hoạch hành động: Chuyển đổi tầm nhìn và mục tiêu thành các bước cụ thể, có lộ trình rõ ràng.
- Giám sát và đánh giá: Định kỳ theo dõi các chỉ số liên quan, đánh giá hiệu quả thực hiện mục tiêu.
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến
Bình luận
Cảm ơn các ý kiến chia sẻ…
- Đăng nhập để gửi ý kiến
Cảm ơn các ý kiến chia sẻ của Admin rất có tâm và có tầm về công tác Quản lý chất lượng bệnh viện - An toàn người bệnh. Những chia sẻ này giúp cho những cán bộ bắt đầu công tác QLCL- ATNB đi đúng hướng ngay từ những đầu tiên, và những người làm công tác QLCL lâu năm định hình rõ chiến lược phát triển của đơn vị mình hơn. Trân trọng biết ơn những chia sẻ rất quý báu của tác giả.