1. ĐẠI CƯƠNG
- Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) là tình trạng dịch chuyển chỗ của nhân nhầy đĩa đệm vượt quá giới hạn sinh lý của vòng xơ, gây nên sự chèn ép các thành phần lân cận (tủy sống, các rễ thần kinh…). Biểu hiện chính là đau thắt lưng và hạn chế vận động vùng cột sống và các biểu hiện chèn ép vùng các rễ thần kinh tương ứng.
- Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm. Ngày nay, mổ ít xâm lấn để giảm số ngày điều trị nội trú, hậu phẫu nhẹ nhàng, ít biến chứng là xu thế chung.
2. CHỈ ĐỊNH
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (CSTL) có dấu hiệu chèn ép thần kinh điều trị nội khoa không kết quả.
- Chỉ định mổ cấp cứu với những trường hợp TVĐĐ CSTL có hội chứng đuôi ngựa, liệt thần kinh tiến triển.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Có các nguyên nhân gây chèn ép tủy hoặc rễ không do thoát vị đĩa đệm như: cốt hóa dây chằng dọc sau, phì đại mấu khớp, dày dây chằng vàng, các bệnh lý tủy không do chèn ép tủy do thoát vị đĩa đệm.
- Có các bệnh lý ung thư hay lao.
- Kèm các bệnh lý mạn tính nặng (suy gan, suy thận).
- Người bệnh TVĐĐ cột sống quá lo lắng, lo âu, trầm cảm.
- Người bệnh không có biểu hiện lâm sàng của chèn ép rễ thần kinh, mặc dù trên phim cộng hưởng từ (CHT) rất rõ chèn ép, hoặc lâm sàng và hình ảnh CHT không tương đồng.
4. CHUẨN BỊ
4.1. Người bệnh và người nhà
Được giải thích các nguy cơ, biến chứng trong và sau mổ.
Người bệnh: vệ sinh, thụt tháo, bỏ hết nhẫn, hoa tai…
4.2. Dụng cụ
Máy C-arm, kính vi phẫu, khoan mài, dụng cụ phẫu thuật chuyên khoa
4.3. Hồ sơ
Đầy đủ theo quy định
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Tư thế
Nằm sấp, háng người bệnh để tư thế gấp, giúp cho cột sống thắt lưng gấp, điều này sẽ làm rộng khe liên cung sau. Tư thế quỳ cũng giúp cho ổ bụng được tự do và làm giảm chảy máu trong mổ.
5.2. Vô cảm
Gây mê nội khí quản hoặc gây tê tủy sống.
5.3. Kỹ thuật
Bước 1:
- Đặt gối ở vùng háng và gai chậu để bảo vệ nhánh thần kinh bì đùi ngoài.
- Xác định vị trí rạch da, tương ứng vị trí đĩa đệm thoát vị dưới màn tăng sáng trong mổ (C-arm) 2 bình diện nghiêng và trước sau.
- Sát trùng da bằng thuốc sát trùng đúng quy định.
- Trải toan vô khuẩn.
Bước 2:
- Rạch da vùng đã được đánh dấu khoảng 1,5-2 cm.
- Sử dụng hệ thống ống nong bộ lộ cân cơ tới khoảng gian cung sau đốt sống thoát vị.
- Kiểm tra lại vị trí thoát vị trên C-arm 2 bình diện nghiêng và trước sau.
- Lắp và sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng hoặc kính hiển vi phẫu thuật.
Bước 3:
- Mở cửa sổ xương bằng Kerrison hoặc khoan mài.
- Cắt bỏ dây chằng vàng Kerrison hoặc Curets có góc. Dây chằng vàng có thể lấy bỏ hoặc để lại sau khi lấy thoát vị như một cách ngăn chống hiện tượng hình thành sẹo sau này với rễ thần kinh
- Dùng thăm rễ đánh giá, xác định vị trí thoát vị, kích thước khối thoát vị, tương quan của khối thoát vị với rễ thần kinh. Xác định vị trí rễ, vén rễ thần kinh vào trong, tìm vị trí thoát vị đĩa đệm.
- Cầm máu bằng dao điện lưỡng cực các thành phần tổ chức xung quanh.
Bước 4:
- Mở đĩa đệm hình chữ thập bằng lưỡi dao nhỏ.
- Lấy bỏ khối thoát vị, giải ép rễ thần kinh
Bước 5:
- Cầm máu.
- Đóng vết mổ theo các lớp giải phẫu.
6. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG
6.1. Theo dõi
- Sau mổ ngày thứ nhất bắt đầu cho người bệnh tập ngồi, có sử dụng áo nẹp. Nếu người bệnh có liệt cổ bàn chân, cần tập cho người bệnh đạp để tăng sức cơ của chân.
- Ngày thứ hai sau mổ, cho người bệnh tập đi lại có người đỡ hoặc nạng chống
- Ngày thứ ba, có thể ra viện.
6.2. Biến chứng có thể xảy ra
- Tổn thương rễ thần kinh, tổn thương mạch máu, rách màng cứng…
- Nhiễm trùng vết mổ, cháy máu sau mổ, liệt…
- Thêm trang cùng cấp
- Đăng nhập để gửi ý kiến