SKĐS - Để đảm bảo chất lượng bệnh viện cần thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ nâng cao năng lực nhân sự, cải thiện cơ sở hạ tầng đến tăng cường giám sát và quản lý. Cải tiến chất lượng là liên tục, không ngừng nghỉ để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.
Ngày 4/12, tại Đà Nẵng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với UNICEF tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản quản lý và đánh giá chất lượng bệnh viện đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế trên toàn quốc với gần 200 đại biểu tham dự.
Nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã được nhận các giải thưởng về chất lượng quốc tế
Phát biểu tại Hội nghị, TS.BS Dương Huy Lương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thay mặt Lãnh đạo Cục biểu dương những bệnh viện đã nỗ lực thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và có những thay đổi tích cực, được người bệnh và và xã hội ghi nhận.
"Qua đánh giá chất lượng bệnh viện năm nay của Bộ Y tế cho thấy mặc dù có thời gian tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19, tuy nhiên nhiều bệnh viện vẫn quan tâm, chú trọng đến công tác chất lượng bệnh viện, có nhiều cải tiến, sáng kiến, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao, mới trong khám chữa bệnh; cải tiến trong đón tiếp, phục vụ người bệnh, rút ngắn thời gian trong một số thủ tục hành chính, thời gian chờ xét nghiệm..."- TS.BS Dương Huy Lương nói, đồng thời cho biết thêm: Nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã được nhận các giải thưởng về chất lượng quốc tế như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Hùng Vương...
TS.BS Dương Huy Lương cũng cho hay, năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện triển khai Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, do đó có rất nhiều nội dung mới cần triển khai trong hệ thống khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân, cũng như sự phát triển của y tế Việt Nam nói riêng và xu thế phát triển chung trên thế giới.
Cùng đó Thông tư số 35/2024/TT-BYT quy định Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện do Bộ Y tế vừa ban hành là nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động đánh giá và chứng nhận chất lượng, làm cơ sở để tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn chất lượng nâng cao.
Chia sẻ tại hội nghị, TS Huy Lương nói: Thời gian qua, không ít các bệnh viện băn khoăn triển khai Thông tư 35/2024, thì các bệnh viện có thực hiện Bộ 83 Tiêu chí chất lượng bệnh viện đã thực hiện nhiều năm nay nữa hay không?
Về nội dung này, TS Dương Huy Lương cho rằng, cải tiến chất lượng là liên tục, không ngừng nghỉ để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Nhằm đạt được mức chất lượng cao nhất theo bộ tiêu chí, bệnh viện cần thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ nâng cao năng lực nhân sự, cải thiện cơ sở hạ tầng đến tăng cường giám sát và quản lý. Việc cam kết thực hiện liên tục và cải tiến không ngừng sẽ giúp bệnh.
"Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư số 35/2024/TT-BYT là nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động đánh giá và chứng nhận chất lượng, làm cơ sở để tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn chất lượng nâng cao. Việc thực hiện chất lượng bệnh viện là song song cả bộ 83 Tiêu chí và Thông tư 35"- TS.BS Dương Huy Lương nói.
5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện của Thông tư 35
Giới thiệu về những nội dung chủ yếu của Thông tư 35, BS Đào Nguyên Minh - Trưởng phòng quản lý chất lượng và chỉ đạo tuyến, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tại Điều 1 Thông tư 35 đã quy định 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện, gồm:
Thứ nhất: Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất quy định tại Mục I, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT như Bệnh viện phải có địa điểm cố định; phải có lối đi cho xe cứu thương ra vào khu vực cấp cứu; Có biển hiệu, sơ đồ và biển chỉ dẫn đến các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính…
Thứ hai: Tiêu chuẩn về quy mô và cơ cấu tổ chức quy định tại Mục II, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT như:
Bệnh viện phải có cơ cấu tổ chức gồm các khoa: khám bệnh, lâm sàng, cận lâm sàng, khoa dược và các bộ phận phụ trợ.
Khoa khám bệnh phải có nơi tiếp đón, phòng cấp cứu, phòng lưu, phòng khám, phòng thực hiện kỹ thuật, thủ thuật (nếu thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật).
Thứ ba: Tiêu chuẩn về nhân sự quy định tại Mục III, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT như:
Người hành nghề được phân công công việc phù hợp với phạm vi hành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Người hành nghề được cập nhật kiến thức y khoa liên tục…
Thứ tư: Tiêu chuẩn về thiết bị y tế quy định tại Mục IV, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT;
Thiết bị y tế để thực hiện kỹ thuật thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có hồ sơ quản lý đối với các thiết bị đó.
Quy chế quản lý, sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, thay thế vật tư linh kiện, bảo quản thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ năm: Tiêu chuẩn về chuyên môn quy định tại Mục V, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT như: Điều trị nội trú, tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ của tất cả các ngày; Quy trình khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú; Phổ biến, áp dụng và xây dựng quy trình chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh...
Thông tư 35 cũng nêu rõ, tiêu chuẩn chất lượng cơ bản này chỉ áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện.
Bộ Y tế nêu rõ việc thực hiện đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản một lần một năm; Thời gian thực hiện đánh giá trong Quý I của năm liền kề tiếp theo; Xếp loại đánh giá.
Nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản: toàn bộ các tiêu chuẩn đều "Có" trong cột "Kết quả đánh giá";
Nếu không đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản: có bất kì một tiêu chuẩn "Không" trong cột "Kết quả đánh giá".
Tham luận tại hội thảo, nhiều lãnh đạo bệnh viện trung ương, nhiều lãnh đạo các Sở Y tế đều cho rằng, nhờ đầu tư quản lý chất lượng nên nhiều bệnh viện đã phát triển, tỷ lệ người bệnh hài lòng cao. Việc đánh giá chất lượng bệnh viện góp phần làm cho các bệnh viện đánh giá được thực tế của đơn vị, từ đó buộc phải thay đổi, đổi mới để phục vụ người bệnh tốt hơn.
Đánh giá chất lượng bệnh viện cũng là cơ hội để làm mới mình. Tuy nhiên từ thực tế triển khai thực hiện, các lãnh đạo bệnh viện đều thống nhất nhấn mạnh: Phải làm thực chất, chất lượng bệnh viện mới có thể bền vững.
Tuy nhiên, nhiều bệnh viện cũng cho rằng trong khi đánh giá chất lượng bệnh viện trong 1 số tiêu chí cần loại trừ, linh hoạt để phù hợp với thực tiễn. Bệnh viện chật thì không thể đạt tiêu chỉ xanh, tiêu chí có nhà để xe...
Thái Bình - Lê Hảo
Hướng dẫn kiểm tra và đánh giá Bộ tiêu chí
Tham khảo Hướng dẫn kiểm tra và đánh giá Bộ tiêu chí tại đây.
Đây là những nguồn tài liệu quan trọng để bạn hiểu rõ hơn các chia sẻ trong tài liệu Hướng dẫn triển khai và duy trì Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện.
Lưu ý: Nhiều tài liệu chỉ có thể truy cập bởi thành viên của website.
Tài liệu Hội nghị ngày 4-5/12/2024 tại Đà Nẵng
Tải về đầy đủ tài liệu hội nghị.